Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 3.868
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Phiên họp thứ 21: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng
Ngày cập nhật 13/09/2013

Tiếp tục phiên họp thứ 21, ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Sáng 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch
Theo Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, bảo đảm quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được đề cao.
Công tác thông tin được quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời giúp đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực, tin cậy, làm cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm, qua đó tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Kết quả phiếu tín nhiệm phản ánh khá sát thực với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả phiếu tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực phụ trách cũng phản ánh tình hình kinh tế, xã hội của đất nước hai năm qua có những khó khăn, phức tạp, có mặt còn hạn chế yếu kém.
Ở các địa phương, kết quả này đã phản ánh đúng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” (trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội).
Đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người, trong đó có 689 người đạt “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên, 39 người có tỷ lệ “tín nhiệm” đạt trên 50%, 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp.”
Ở cấp huyện, tính đến ngày 10-9-2013 có tổng số 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh, thành phố (còn một số huyện chưa báo cáo). Trong đó 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 73,5%), 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Ở cấp xã, 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh, thành phố (còn một số xã chưa báo cáo). 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt trong số này có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị xem xét mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh quản lý điều hành cấp huyện, giám đốc các sở, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trưởng phòng cơ quan tư pháp cấp huyện.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chỉ nên giữ hai mức "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" đối với mẫu phiếu tín nhiệm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, vì đây là lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên cần có sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh các quy định chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ kiến nghị Quốc hội, Bộ Chính trị quyết định.
Chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII
Báo cáo về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 35 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 3-12-2013. Đây là kỳ họp quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thông qua việc sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 19, Văn phòng Quốc hội dự kiến dành 4 ngày để Quốc hội xem xét, thông qua về nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và 0,5 ngày xem xét, thông qua.
Bên cạnh 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ, dự kiến bố trí 0,5 ngày để Quốc hội nghe và trao đổi về các báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Tại Kỳ họp, cùng với các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế... Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án trình Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đã dự kiến, tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan cần tích cực, khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu, sớm chuyển đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét trước Kỳ họp thứ 6 đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng không thể coi việc thông qua sửa đổi Hiến pháp 1992 như các dự án luật khác, cần có sự nhất trí thông qua nội dung sửa đổi Hiến pháp trước, làm điều kiện để thông qua các Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về công tác nhân sự, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, dự kiến trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tổ chức miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, vì đồng chí Nguyễn Thiện Nhân vừa được bầu và đã nhận nhiệm vụ mới là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội sẽ bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, vì vậy, cần tăng thêm thời gian từ 0,5 lên một ngày để Quốc hội làm công tác này.
Đền bù đất: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”
Chiều 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật này được xem xét, thảo luận qua 3 kỳ Quốc hội và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 trong tháng 10 tới.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm có 14 chương với 213 điều (tăng 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5). Trong đó có 56 điều giao Chính phủ hướng dẫn. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ có 4 nghị định hướng dẫn những điều này và 3 nghị định cơ bản đã hoàn thành.
Thảo luận sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề cập vấn đề thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội. Đây là vấn đề đang tồn tại nhiều bất cập và gây nên nhiều phức tạp trong thực tế hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách - Tài chính của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nên quy định hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp (Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân) để hạn chế thu hồi tràn lan, bảo đảm tính minh bạch, khách quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng nội dung được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và người dân là thu hồi đất. Điều này cũng được thảo luận khi sửa đổi Hiến pháp, nhưng Luật Đất đai có ý nghĩa giải quyết cụ thể nên các quy định cần rõ ràng.
Theo đồng chí Phan Trung Lý, Điều 62 và Điều 63 quy định về thu hồi đất cho mục đích lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội có nhiều điểm giống nhau. Do đó, cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng hai điều 62 và 63 có nhiều nội dung trùng lắp, do đó, việc lồng ghép 2 điều này cần được xem xét.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nên gộp 2 điều trên và lấy tên khác như: Thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ thẩm quyền, theo hướng thu hẹp việc giao cho Hội đồng nhân dân.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường bày tỏ, người dân bức xúc và có nhiều ý kiến liên quan đến đất đai có lẽ vì “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Do đó, Luật cần quy định rõ trên loại đất cụ thể nào đó, người dân có quyền gì và khi thu hồi họ được hưởng gì để tạo sự đồng thuận.
Về khía cạnh này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Việc đền bù trên một loại đất, trong một quy hoạch thì phải một giá, còn mục đích làm gì thì tính sau. Không thể hai mảnh đất gần nhau mà thu làm dự án thương mại thì đền bù mức này, làm nhà trẻ thì đền bù thế kia. Dân chắc chắn không đồng tình”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc đền bù cũng cần tính đến diện tích đất ngoài định mức, như diện tích người dân quai đê lấn biển, khai hoang trong thời gian dài, bỏ nhiều công sức. Ngoài ra, về giá cần làm rõ khái niệm “biến động lớn”, nếu không cứ mù mờ sẽ rất khó, cần định lượng để có điều chỉnh.
Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, so với các luật khác, dự án Luật Đất đai sửa đổi thông qua tại 3 kỳ họp. Điều đó chứng tỏ Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Luật này. Luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân, ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cùng với ủy ban thẩm tra tiếp tục tiếp thu, rà lại đầy đủ, bảo đảm tính khả thi của luật, để khi vào đời sống, Luật khắc phục tối đa những tồn tại, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo, tiêu cực, lãng phí thất thoát./.

Nguồn:Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày