"Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu... chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển"
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
|
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013, kết quả ba năm thực hiện kế hoạch năm năm 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2014-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kinh tế có bước phục hồi. “Đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên... Trong chín tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11.200 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự báo năm 2013 tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%, tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 5,4%. Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn đề cập những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, trong năm 2013 bội chi khoảng 5,3% GDP.
Đề cập một số kinh nghiệm bước đầu qua ba năm thực hiện kế hoạch (2011-2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để có chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tập trung cao cho ổn định vĩ mô
Về mục tiêu tổng quát của năm 2014, Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013”.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Chính phủ đưa ra chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong nhóm giải pháp đầu tiên nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng nói: “Đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013-2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Phát hành thêm trái phiếu chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong hai năm 2013-2014”.
Thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Cùng với việc “tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường trong nước”, là hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo đề án đã được phê duyệt, đề cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản.
Hai nhóm giải pháp quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Theo đó, sẽ sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Về tái cơ cấu ngân hàng, Thủ tướng nói: “Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém... Xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
|
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng GDP những năm qua và mục tiêu 2014 - Ảnh: T.Đạm - Đồ họa: V.C. |
Nền kinh tế đứng trước thách thức
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, hầu hết thành viên ủy ban này nhất trí về mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ, giải pháp như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề cập việc các doanh nghiệp hiện đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước.
“Nền kinh tế đứng trước thách thức: một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực; mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội” - ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Ông Giàu cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng: “Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt”.
Kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015
(Theo báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013, kết quả ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2014-2015)
|
Những kết quả đạt được
|
Những hạn chế, yếu kém
|
Kinh tế vĩ mô
|
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành linh hoạt - hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ.
|
Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
|
Sản xuất kinh doanh
|
Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên.
|
Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch.
|
Tái cơ cấu
kinh tế
|
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu; triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
|
Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu; đổi mới công nghệ còn chậm; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu.
|
Ba đột phá
chiến lược
|
Thể chế kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các bộ ngành, địa phương; triển khai thực hiện quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực; trình trung ương ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
|
Triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược còn chậm; cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đóng góp của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều.
|
Văn hóa,
xã hội
|
Văn hóa, xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm; mạng lưới và cơ sở vật chất kỹ thuật y tế tiếp tục phát triển, chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh được nâng lên.
|
Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém; giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu.
|
Tài nguyên -
môi trường
|
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; trình Quốc hội Luật đất đai (sửa đổi); cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
|
Ô nhiễm môi trường tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chậm được cải thiện; khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế; tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục.
|
Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
|
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và thực hiện nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong gần ba năm, đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.
|
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm.
|
An ninh,
quốc phòng
|
Tiềm lực quốc phòng và thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường; sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân được nâng lên theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
|
Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định ở một số địa bàn; tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc; tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp.
|
V.V.THÀNH