Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 2.901
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính
Ngày cập nhật 15/02/2014

Năm 2013, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được triển khai và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song liệu kết quả đơn giản hóa TTHC đã thực sự đến được người dân, doanh nghiệp hay chưa lại là câu chuyện còn gây nhiều trăn trở... 

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2013, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), công tác này tiếp tục được triển khai và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hoá 762 TTHC, nâng tổng số TTHC được thực thi đơn giản hóa lên 4.016/4.714 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt 85%). Công tác đánh giá tác động đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định về TTHC được chủ động triển khai thực hiện gắn kết với hoạt động xây dựng, thẩm định văn bản theo hướng chỉ duy trì và ban hành những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý và có chi phí tuân thủ thấp, từng bước nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo VBQPPL.

Với 40 nhiệm vụ về cải cách hành chính cần hoàn thiện trong năm theo Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp 2013, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 38/40 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 95%.

Để bảo đảm công khai, minh bạch các quy định hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã kiểm soát chất lượng và công khai 12.009 hồ sơ TTHC, hồ sơ văn bản trên Trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục đã công bố lên 111.626 hồ sơ TTHC; số lượt truy cập để khai thác trong năm 2013 là hơn 1.387.144 lượt. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013  2020 và đang tích cực triển khai thực hiện.

 

 

Liệu kết quả đơn giản hóa TTHC đã thực sự đến được người dân, doanh nghiệp?
(Ảnh minh họa: Đặng Hiếu)


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn không ít về kết quả đơn giản hóa TTHC hay nói rõ hơn là kết quả đơn giản hóa TTHC chưa thực sự đến được người dân, doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án đầu tư có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường.

 

Mặc dù đã có những cải tiến nhất định, nhưng để muốn có một giấy phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do chính mình mua, người dân cũng phải làm giấy “xin” và trải qua khá nhiều thời gian và công đoạn mới có được. Điều này xuất phát từ việc cán bộ tiếp dân thường không cho biết đầy đủ và rõ ràng thành phần hồ sơ phải nộp, có khi cho biết làm nhiều đợt, nhiều khi lại đòi cả những giấy tờ không liên quan theo kiểu “hành” là “chính”, thực hiện “một cửa” nhưng vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu trải qua “nhiều ngách, nhiều khóa” khiến người dân, doanh nghiệp trong một số trường hợp phải nhắm mắt theo “lệ” cho xong việc.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, cải cách nói chung và cải cách TTHC nói riêng thường khó khăn khi có xung đột về lợi ích, va chạm về cách làm cũ và mới, vẫn tồn tại xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đây là khó khăn vướng mắc lớn nhất. “Chúng ta chưa có tinh thần cải cách triệt để từ chính những cán bộ nhân viên trực tiếp làm công tác cải cách TTHC” , Thứ trưởng nói.

Trong khi đó, vẫn còn tư tưởng cục bộ của các Bộ, ngành khi xây dựng và ban hành thủ tục hành chính. Do đó, TTHC còn nhiều phiền hà, phức tạp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là rào cản đối với hoạt động sản xuất  kinh doanh, tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực, kìm hãm sự phát triển hợp tác, đầu tư. Hay một số Bộ, cơ quan chưa thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối với các quy định về TTHC nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng ban hành văn bản.

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho hay, 85% TTHC được đơn giản hóa là con số đáng mừng, nhưng vấn đề còn băn khoăn là chưa giải mã được tại sao người dân chưa hài lòng. Phải chăng, việc này chưa đi vào cuộc sống hay các cơ quan, địa phương làm không đúng?.

Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho rằng, cần tiếp tục kiểm soát tốt khâu ban hành văn bản, ngay từ khâu ý tưởng thì việc kiểm soát văn bản sẽ đơn giản. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong phạm vi, trách nhiệm được giao; thực hiện nghiêm túc việc rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính và quy định có liên quan không còn phù hợp…

Để bảo đảm đưa kết quả cải cách TTHC vào đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cần phải hoàn thành dứt điểm 25 Nghị quyết của Chính phủ. “Không quan trọng là đơn giản được bao nhiêu thủ tục mà phải minh bạch và thực hiện đúng, tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. Thước đo sự hài lòng người dân là thước đo kết quả thực hiện của chúng ta” – Thứ trưởng  Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức tổ chức trong năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần có quyết tâm chính trị cao trong cải cách hành chính. “Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung là trách nhiệm và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi Bộ, ngành, địa phương” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị những người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về vấn đề cải cách hành chính, bên cạnh đó cần có hình thức để đo lường sự hài lòng của người dân với cơ quan hành chính đồng thời tập trung triển khai hiệu quả cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, đã đến lúc nền hành chính công cần quyết liệt trong việc bỏ tính chất xin  cho. Muốn việc đơn giản hoá TTHC có hiệu quả, cần thay đổi nhận thức của mọi cán bộ, nhân viên hành chính để họ hiểu trách nhiệm của mình trong việc cùng bắt tay với người dân, doanh nghiệp giải quyết một vụ việc hành chính, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và tổ chức, lớn hơn là cho xã hội.

Việc cắt bỏ các văn bản rườm rà là cần thiết, nhưng cần hơn là làm cho các văn bản trở nên rõ ràng, rành mạch, cùng một cách hiểu, tránh để cán bộ công quyền "áp" đặt thế nào cũng được; tránh tình trạng cắt giảm những TTHC không cần thiết nhưng lại phát sinh ra các TTHC mới.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), coi đây là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để đạt được điều đó, Nhà nước ngày càng phải phục vụ tốt hơn và phải không ngừng đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện, cung ứng dịch vụ công để nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho người dân và xã hội. Đồng thời, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội và đặc biệt là từ người dân những người trực tiếp thực hiện các TTHC vào quá trình giám sát này, qua đó xây dựng được chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh của dân, do dân, vì dân, góp phần đẩy lùi được tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy các cơ quan của hệ thống chính trị.../. 

                                                                                                                                                                                                                                       Thu Hằng 

Đảng cộng sản Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày