Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.699.493
Truy câp hiện tại 482
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Hội nghị G20: Trật tự tiền tệ thế giới mới
Ngày cập nhật 07/11/2011

Một trong những kết quả đáng chú ý nhất tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi gọi tắt G20, họp trong hai ngày 3 và 4-11-2011 tại Cannes - miền Nam nước Pháp, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí tăng quyền hành động của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tạo cơ sở xác lập một trật tự tiền tệ thế giới mới.

Các nhà lãnh đạo G20 quyết định tăng nguồn vốn dự trữ cho định chế tài chính này và IMF được quyền sử dụng chính sách tín dụng mới nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản tại các nước có nền chính trị ổn định. IMF cũng được trao thêm thẩm quyền giám sát các luồng vốn và cơ sở thay đổi tỉ giá hối đoái. Đồng thời, các nước G20 cũng quyết định năm 2015 xem xét việc phân chia Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tiền tệ quy ước của IMF và được coi như một loại tài sản dự trữ quốc tế, nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia, đặc biệt là 187 nước thành viên. Nguyên thủ các quốc gia G20 khẳng định IMF phải có mọi thứ để thực hiện vai trò vốn của mình trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trước mắt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Theo Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, những quyết định trên nhằm giúp IMF đảm nhận vai trò then chốt trong việc bảo vệ sự tăng trưởng và ứng phó hiệu quả với những cú sốc bất ngờ như nợ công ở Hy Lạp hiện nay. Song điều rất quan trọng là, với việc tăng thêm quyền lực cho IMF như vậy, một trật tự tiền tệ thế giới mới đã được xác lập, khi châu Âu quyết định dựa vào định chế tài chính này để giải quyết vấn đề nợ công của khu vực, chứ không phải dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), càng không phải là vào đồng USD.

Thực tế, qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu, người ta thấy rõ sự suy giảm đáng kể của châu lục này trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực mình. Ngay việc để tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (FESF) từ 440 tỉ euro hiện nay lên 1000 tỉ euro nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu và tránh cho một số nước thành viên khác như Tây Ban Nha hay Italy lâm vào cảnh khó khăn như Hy Lạp, mà liên minh châu Âu (EU) cũng rất vất vả vì không biết lấy đâu ra số tiền này. EU đang phải nỗ lực thuyết phục nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đầu tư vào FESF. Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, người đứng đầu FESF Klaus Regling đã lập tức lên đường sang châu Á, với chặng đầu tiên là Trung Quốc, nhằm thuyết phục Bắc Kinh tích cực tham gia vào FESF. Trong khi đó, ngay tại Hội nghị G20 lần này, lần đầu tiên người ta thấy sự hạn chế của Mỹ đối với bên ngoài, khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Mỹ không có ý định can dự vào việc giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu”.

Hiện nay, IMF đã thông qua dự án cải cách thị phần, theo đó số thị phần của Trung Quốc tăng từ hơn 3,7% lên đến mức gần 6,4%, quyền bầu phiếu cũng tăng lên hơn 6% vượt qua Đức, Pháp, Anh. Hội đồng quản trị IMF cho biết, sắp tới, định chế tài chính quốc tế này tiếp tục chuyển 6% hạn ngạch cho các nền kinh tế mới nổi là Ấn Độ, Nga và Brazil, tạo cho nhóm các nước BRICS ngày càng có quyền hạn và tiếng nói mạnh mẽ tại IMF.

Vì thế, với việc một trật tự tiền tệ quốc tế mới được thiết lập tại Cannes, các nền kinh tế mới nổi, mới là những quốc gia đóng vai trò quan trọng có tính quyết định trong việc giải quyết các vấn đề tài chính toàn cầu. Và do đó, một thứ bậc mới của các cường quốc thế giới cũng được xác lập, trên thực lực kinh tế chứ không phải trật tự chính trị thế giới được định ra sau năm 1945.

Có không ít ý kiến cho rằng, Hội nghị G20 tại Cannes đã diễn ra mờ nhạt và hầu như chỉ bàn đến phương thức giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, được bắt đầu bằng nỗi lo sợ Hy Lạp bị phá sản và rút khỏi khu vực đồng euro và kết thúc trong nỗi lo âu Italy sẽ thay thế Hy Lạp trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Nhưng với việc IMF được trao quyền để kịp thời ngăn chặn các vấn đề nảy sinh trên lĩnh vực tài chính toàn cầu, cũng là một kết quả tích cực.

Đây không chỉ là sự thừa nhận của châu Âu, Mỹ đối với thực lực kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, mà còn cho thấy vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của các quốc gia này trong việc giải quyết các vấn đề hệ trọng toàn cầu. Đó còn là thông điệp của cộng đồng thế giới, nỗ lực ngăn chặn những diễn biến tiêu cực, bất ổn trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, nhằm giữ vững và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Nguồn "Tạp chí Cộng sản"
Các tin khác
Xem tin theo ngày