Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.435
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Hạnh phúc khởi nguồn, phát triển từ hạnh phúc gia đình
Ngày cập nhật 29/06/2014

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lấy năm 1994 là năm “Quốc tế gia đình”; năm 2014 là năm “Quốc tế hạnh phúc” nhằm kêu gọi các quốc gia và dân tộc trở lại với cội nguồn gia đình để xây dựng gia đình và hạnh phúc gia đình vì sự phát triển thịnh vượng, bền vững. Việt Nam tích cực hưởng ứng năm Quốc tế gia đình và hiện nay vẫn tiếp tục nhiệm vụ xây dựng và củng cố gia đình hướng ứng năm Quốc tế hạnh phúc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về gia đình và công tác gia đình

Trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 3-1947, dưới bút danh Tân Sinh, Người viết về con người, về gia đình và các mối quan hệ nhân văn trong gia đình: “Người là gốc của làng, nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đời sống mới, thì nhất định dân tộc sẽ phú cường… Mỗi người làm đúng theo đời sống mới thì đời sống trong một nhà cũng dễ thôi. Về tinh thần thì phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư ai. Bỏ thói hành hạ mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu sài có kế hoạch, có ngăn nắp. Đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng, việc nước phải hăng hái làm gương. Người trong nhà, ai cũng biết chữ. Luôn luôn cố gắng làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng, một nhà như thế nhất định sẽ phát đạt”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. 

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tiếp tục khẳng định gia đình là tế bào của xã hội. Việc hiến định này được coi là tuyên ngôn pháp lý cao nhất đánh giá vị trí quan trọng của gia đình trong xã hội, coi gia đình là hạt nhân, là thành tố nền tảng cấu tạo nên xã hội. Với quan điểm như trên, Việt Nam đã tuyên bố bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Luật Hôn nhân và gia đình ban hành năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đề cao vị trí, vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những tập tục lỗi thời lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và xã hội trong việc củng cố thiết chế gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình với cấu trúc hôn nhân “một vợ, một chồng”. Luật Bình đẳng giới (năm 2007); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008); Pháp lệnh Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030 đều hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bồi đắp thêm những giá trị chuẩn mực gia đình Việt Nam.

Để củng cố, xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đến gia đình và chỉ rõ: Phải gắn chặt xây dựng nếp sống mới với xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-02-2005, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đề cao vai trò của gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, các bộ, ngành Trung ương phát động và xây dựng các phong trào mang tính xã hội trên quy mô toàn quốc như phong trào: Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, con trung hiếu, cháu thảo hiền, Phụ nữ Việt Nam nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động phong trào xây dựng Gia đình văn hóa với tiêu chí xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Nội dung xây dựng gia đình hướng tới: Gia đình có kỷ cương, nền nếp, kính trên, nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau, anh em hòa thuận, cha mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đối xử bình đẳng với các con, tạo điều kiện cho con rèn luyện sức khỏe, đạo đức, học tập, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già tận tâm, chu đáo. 

Trên 50 năm qua (từ năm 1962 đến nay), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiên trì duy trì đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, trong đó tiêu chí: Gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc được đề cao thực hiện, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay có trên 16 triệu hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Định kỳ 5 năm/1 lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc. Tuyên dương 911/16 triệu hộ gia đình (năm 2007) và 822/16.421.740 hộ gia đình (năm 2013) đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa tác động đến nền tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, phát huy giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, ngày càng được nhân rộng trong các mô hình gia đình trẻ sống hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, mẫu mực. Chất lượng cuộc sống của gia đình ngày càng được nâng cao, mô hình gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ cộng đồng đã được nhiều gia đình hướng tới và thực hiện.

Bên cạnh những kết quả, những mặt tích cực đạt được, trên thực tế ở nhiều nơi, nhất là ở các đô thị lớn, đời sống gia đình có biểu biện của sự khủng hoảng. Các mối quan hệ gia đình, nếp sống văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang bị lấn át bởi những quan hệ hàng hóa, thị trường, lợi nhuận, bởi sự lệch chuẩn giá trị do những lối sống lai căng kệch cỡm, thiếu văn hóa, xa lạ với đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc (sống ly thân, sống thử, chung sống trước hôn nhân, sống đơn thân, sống không cần có hôn thú…). Sự gắn bó với nhau giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Bên cạnh những gia đình vẫn giữ được lòng hiếu thảo, vượt lên khó khăn, sống có hoài bão, xuất hiện lối sống thực dụng, phóng đãng, xem nhẹ hoặc không cần biết đến lòng hiếu thuận, lễ nghĩa gia đình, thiếu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, sống lạnh lùng và xa lánh những người nghèo đang phải đối mặt với cuộc sống nghèo khó. Trong mỗi gia đình, sự thay đổi về đạo đức, lối sống cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Để thỏa mãn nhu cầu vật chất ngày càng tăng, các thành viên trong gia đình lao vào hoạt động kiếm tiền dưới các hình thức khác nhau, thậm chí hy sinh cả các nhu cầu tình cảm bình thường trong cuộc sống hằng ngày, làm giảm sút tình cảm gia đình, ảnh hưởng đến sự gắn bó thân mật của các thành viên trong gia đình. Mặt khác, hệ thống giá trị xã hội thay đổi, định hướng giá trị trong từng con người cũng thay đổi, hiện tượng rạn nứt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình tăng lên, xuất hiện tình trạng ly hôn, trẻ em lang thang kiếm sống và lao vào tệ nạn xã hội, một số người già sống cô đơn thiếu vắng sự chăm sóc của con cháu và người thân. Tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, tệ mại dâm, ma túy, tệ cờ bạc đang xâm nhập phá vỡ hạnh phúc gia đình cả ở những đô thị lớn và vùng nông thôn. 

Những thách thức đang đặt ra cho công tác gia đình

Thứ nhất, gia đình đang phải lựa chọn giữa các giá trị để thích nghi, tồn tại và phát triển. Trong khi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cao hơn thì đạo đức gia đình có biểu hiện xuống cấp, các giá trị văn hóa gia đình đang bị đảo lộn, nếp sống gia đình truyền thống có nguy cơ mai một trong khi đó giá trị văn hóa mới của gia đình hiện đại chưa đủ mạnh để khẳng định trong đời sống xã hội hiện đại nên các thế hệ thành viên trong gia đình dễ bị tổn thương, chia cắt. Sự phát triển nền kinh tế thị trường tác động đến gia đình và xã hội đan xen cả mặt tích cực và tiêu cực, làm cho vai trò “Lá chắn gia đình, tổ ấm và hạnh phúc gia đình là pháo đài” trong việc phòng, chống lại sự “xâm lăng” của các tệ nạn xã hội và sự lệch chuẩn của lối sống gia đình chưa phát huy tích cực, đồng bộ, khiến cho gia đình bị tấn công từ nhiều phía, dẫn đến nguy cơ một bộ phận gia đình bị tan vỡ, khủng hoảng. 

Thứ hai, các gia đình trẻ (gia đình hạt nhân) chiếm số lượng lớn đang có xu hướng sống độc lập, đề cao hạnh phúc cá nhân, quan hệ khép kín dẫn đến mối quan hệ tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình bị rạn nứt, lỏng lẻo. 

Thứ ba, gia đình phải nỗ lực chuẩn bị năng lực tự thân vốn có, phát huy các giá trị văn hóa để phòng, chống các tệ nạn xã hội đang xâm nhập gia tăng gây nhiều tổn thương cho gia đình. Đó là: nhiều giá trị đạo đức truyền thống và lối sống, nếp sống văn hóa gia đình đã có sự vận động và biến đổi phức tạp. Bên cạnh những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn hóa hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phát triển kinh tế thị trường đang được khẳng định, những giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống văn hóa gia đình truyền thống bị xâm hại và có nguy cơ bị mai một bởi các mối quan hệ hàng hóa, lợi nhuận và lối sống hưởng thụ, tiêu dùng, đề cao giá trị vật chất. 

Thứ tư, nhân cách của một bộ phận phụ nữ, chủ nhân của gia đình bị xâm hại. Tình trạng ly hôn, ly thân sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn không chỉ do ảnh hưởng văn hóa ngoại lai mà còn do lối sống buông thả, dễ dãi với chính mình, đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đó là trọng lễ nghĩa gia phong, tôn trọng nét đẹp thùy mỵ kín đáo của người phụ nữ Việt Nam, tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. 

Định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ đổi mới, hướng tới Quốc tế hạnh phúc

Gia đình không chỉ có vai trò với việc giáo dục từng cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, việc lựa chọn các hệ giá trị văn hóa gia đình phù hợp là cần thiết, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang đặt ra, đòi hỏi gia đình Việt Nam phát triển theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, hạn chế những tiêu cực đang nảy sinh xâm hại đến gia đình. Chúng ta cần phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc vừa phù hợp với yêu cầu của sự phát triển, vừa là chuẩn mực mà gia đình Việt Nam hiện đại cần hướng tới. 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội". “Hạnh phúc gia đình” phải được bảo vệ bởi hệ thống quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan theo nội dung của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hoàn thiện và thực hiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến gia đình và công tác gia đình như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đưa nội dung công tác gia đình vào Nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.

Hai là, gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống, lối sống và góp phần hình thành nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của của gia đình và công tác gia đình. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, lấy xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa gia đình là yếu tố nền tảng kết hợp giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức và kỹ năng sống trong gia đình. Lấy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam với các chuẩn mực “gia phong, gia lễ, gia đạo, gia hiếu” làm nền tảng để duy trì xây dựng văn hóa gia đình với những chuẩn mực nhân văn. Giá trị văn hóa gia đình của gia đình truyền thống phải trở thành chuẩn mực cơ bản, là “linh hồn” của gia đình trong xã hội hiện đại và phát triển.

Ba là, tiếp tục duy trì và phát triển phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, đề cao xây dựng văn hóa gia đình và tiêu chí gia đình hạnh phúc. Duy trì chế độ khen thưởng, tôn vinh kịp thời, định kỳ tổ chức tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu xuất sắc trên diện rộng làm nòng cốt để thực hiện trên phạm vi rộng từ các tỉnh, thành đến toàn quốc. 

Bốn là, vấn đề gia đình rất lớn, đa dạng mang tính xã hội, thời đại do đó cần có nguồn lực trên cơ sở kết hợp đầu tư từ ngân sách nhà nước với nguồn lực xã hội hóa. Phải có kế hoạch để phòng, chống lại các tiêu cực xã hội xâm lấn vào gia đình phá vỡ hạnh phúc gia đình, làm suy giảm giá trị văn hóa gia đình Việt Nam. Có như vậy, gia đình Việt Nam mới đủ điều kiện phát triển bền vững, làm nền tảng xã hội.

Năm là, ngày Gia đình Việt Nam đang dần dần trở thành ngày hội gia đình hằng năm được nhân dân hưởng ứng tích cực bằng các chương trình hoạt động thiết thực về gia đình. Năm 2013 được chọn là năm gia đình của Việt Nam với chủ đề “Kết nối yêu thương”. Năm 2014 được chọn là năm “Quốc tế hạnh phúc”. Cần phải có kế hoạch thực hiện hài hòa giữa khuyến cáo của quốc tế và chiến lược quốc gia về gia đình. Chuẩn bị mọi điều kiện và nguồn lực để kế thừa, phát triển và thực hiện có hiệu quả nội dung các thông điệp của quốc tế và Chính phủ Việt Nam về gia đình qua các thời điểm. Để đạt các mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam, cần có hướng dẫn nội dung, cách làm thiết thực để các gia đình tự chăm lo, xây dựng, củng cố gia đình ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Trong tình hình hiện nay, khi thế giới cảnh tỉnh, khuyến cáo con người hãy trở về gắn kết với cội nguồn, coi gia đình là một pháo đài chống sự tha hóa của cá nhân thì gia đình Việt Nam vẫn giữ được ổn định. Tình nghĩa gia đình, tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm của người Việt Nam vẫn đậm đà, gắn bó sâu sắc. Trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, bằng mọi cách, chúng ta phải hạn chế được những cái xấu, cái ác đang nảy sinh làm băng hoại đạo đức gia đình, phát huy cái tốt đang tồn tại, cố giữ được thế cân bằng ấy trong quan hệ gia đình với quốc gia, dân tộc để hướng tới xu thế “Quốc tế hạnh phúc” cho toàn nhân loại hôm nay và tương lai./.

Trần Kim LongCục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày