Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.870.555
Truy câp hiện tại 358
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh – liệt sỹ
Ngày cập nhật 26/07/2014

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng, các chiến sỹ, thương binh và bệnh binh. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng chặn bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sỹ đồng bào ta bị thương và hy sinh. Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta luôn dành tình thương yêu của mình, chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình và chu đáo.

Ngày 10-3-1946, báo Cứu quốc đăng thư của Bác Hồ gửi đồng bào Nam Bộ, trong thư Người viết: “Tôi kính cẩn cúi chào các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Tiếp sau đó, trong thư gửi đồng bào Việt Nam, Bác lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sỹ và đồng bào Việt Nam vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”. Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sỹ bị nạn” (sau đổi tên là “Hội giúp binh sỹ bị thương”) được thành lập ở Thuận Hoá (Bình - Trị - Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là Hội trưởng danh dự của Hội. Chiều ngày 28-5-1946, “Hội giúp binh sỹ bị thương” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Chiều 7-11-1946, tại nhà hát thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi quyên góp ủng hộ quần áo, giày mũ cho chiến sỹ ngoài mặt trận mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sỹ”. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sỹ.

Ngày 19 - 12 - 1946, kháng chiến toàn quốc bùng bổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sỹ góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sỹ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên) để bàn về công tác Thương binh Liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Báo Vệ quốc số 11 ngày 27-7-1947 đăng thư của Hồ Chủ tịch gửi ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà cửa tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống lại quân thù? Đó chính là những chiến sỹ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo giúp đỡ thương binh. Bản thân Người xung phong góp nốt chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả nhân viên Phủ Chủ tịch (tống số là 1.247 đồng).

Ngày 27-7-1948, Bác viết thư: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đứng thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc làm hại đồng bào”. Người đau xót viết tiếp: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một hình hải tử sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh”.

Tháng 7-1954, sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm giải quyết vấn đề liệt sỹ, gia đình liệt sỹ và công tác thương binh. Trên ý nghĩa đó từ năm 1955, ngày Thương binh được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”.

Tình cảm lớn lao Bác dành cho dân tộc ta, non sông ta nói chung và thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước nói riêng thật lớn lao như trời biển. Hôm nay, khi mỗi người, cả dân tộc đã và đang an hưởng thái bình hẳn không bao giờ quên ơn của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với nước. Đó cũng chính là sự tiếp nối thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc. Mỗi chúng ta từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực hãy làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh liệt sỹ và gia đình chính sách. Hãy coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là niềm vinh dự tự hào.

Uống nước nhớ nguồn
Các tin khác
Xem tin theo ngày