Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.868.819
Truy câp hiện tại 5.213
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Cách mạng Tháng Tám - Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Ngày cập nhật 19/08/2014

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định đoàn kết là sức mạnh của dân tộc ta, từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi...  Người đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói bất hủ đó đã khái quát một chân lý, đoàn kết là cái gốc làm nên thành công và đại đoàn kết tạo thành sức mạnh dẫn đến đại thành công.

Đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người. Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân, với quan điểm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “lấy dân làm gốc” đã làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc đã được quy tụ, trở thành sức mạnh quật khởi, làm nên cuộc hồi sinh vĩ đại - Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta suốt gần thế kỷ dưới chiêu bài “khai hoá văn minh” đã thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc, hòng khoét sâu thêm những dị biệt vốn có, làm cho các mâu thuẫn và những xung đột nội bộ trong lòng dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt. Từ đó làm cho khối đoàn kết dân tộc của người Việt Nam không thể khôi phục và phát triển.
 

Trước hoạ xâm lăng, các sĩ phu yêu nước Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám... đã không ngừng kêu gọi lòng “ái quốc”, “đồng tâm” để thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của các giai tầng trong xã hội Việt Nam lúc đó. Song, phong trào Cần vương đề cao vai trò của sĩ phu phong kiến; cụ Hoàng Hoa Thám đề cao vai trò của giai cấp nông dân; hai cụ Phan đề cao lực lượng sĩ phu yêu nước thức thời. Phan Bội Châu xác định 10 hạng người của cách mạng nhưng chưa đề cập đến vai trò của công - nông. Việt Nam quốc dân Đảng đề cao trí thức Tây học… Vì vậy, đã không thu hút hết thảy lực lượng quần chúng tham gia, chưa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không đi vào “vết xe đỗ” của các vị tiền bối, sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên ưu tú, mở lớp huấn luyện, đào tạo họ thành “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam. Người đã chỉ ra: “Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
Sau các khoá đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, những thanh niên này cơ bản trở về nước, đi vào quần chúng để thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết nhân dân đứng lên đấu tranh. Phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam cuối năm 1929 đầu năm 1930 đã phát triển rất sôi nổi, đòi hỏi phải thành lập Đảng Cộng sản để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đáp ứng yêu cầu đó, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ba tổ chức cộng sản ra đời đều đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và đi đúng quỹ đạo của thời đại. Nó đã thổi một luồng gió mới vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Các chi bộ của các tổ chức cộng sản đã trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của quần chúng ở nhiều nơi. Tuy vậy, ba tổ chức lại hoạt động riêng rẽ, công kích, tranh giành ảnh hưởng của nhau, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, cản đường phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Lợi ích của dân tộc và nguyên tắc tổ chức của một chính đảng theo Mác-Lênin không cho phép tồn tại sự phân hoá tán lực lượng như vậy, cho nên việc thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng thống nhất là nhu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam đặt ra lúc đó.
 

Đáp ứng yêu cầu lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời xuất hiện. Với uy tín và tài năng của mình, Người đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản và lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã gạt bỏ các bất đồng “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương” - hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đem đến cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc vào năm 1945.

Ngay sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng sôi nổi đã diễn ra trên phạm vi cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh dẫn đến sự ra đời của các làng đỏ Xô Viết. Trong cao trào cách mạng này “công nông đã bắt tay nhau giữa trận tiền” - yếu tố nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc đã hình thành trên thực tế. Song, yếu tố này vẫn chưa đủ để tạo ra và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc nên các phong trào cách mạng đều bị thất bại.
Trước sự thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát động cao trào vận động dân chủ thời kỳ 1936 - 1939, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Vì vậy, một cao trào đấu tranh mạnh mẽ dâng cao khắp cả nước, lôi cuốn không chỉ hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân tham gia mà còn quy tụ những tầng lớp yêu nước khác như: trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, địa chủ, thân hào và tư sản dân tộc... Khối đoàn kết dân tộc thời kỳ này được mở rộng và củng cố thêm một bước. Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ động bắt tay liên minh với một số tổ chức yêu nước, tiến bộ khác. Tuy vậy, thời kỳ này thiên về đấu tranh giai cấp, màu sắc về đấu tranh dân tộc còn mờ nhạt. Vì vậy, việc đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu giải phóng nhân dân ra khỏi ách thực dân, phong kiến vẫn chưa thực hiện được.
 

Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ và sâu sắc. Đánh giá đúng xu thế của thời cuộc, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược phù hợp với tình hình. Cũng thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau ba mươi năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII năm 1941, hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị khẳng định: “... cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Do vậy “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”[1]. Để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, Hội nghị chủ trương đặt mục tiêu của cuộc cách mạng trong phạm vi từng dân tộc ở Đông Dương để xem xét và giải quyết một cách cụ thể.

Một trong những quyết định quan trọng nhất, trực tiếp liên quan đến việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng toàn diện cho cuộc vùng lên tự giải phóng, chính là quyết định thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh). Trong tuyên ngôn của mình, Việt Minh tuyên bố: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
 

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng và sự ra đời của mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đường lối lãnh đạo cách mạng, đã mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Lần đầu tiên chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh đều được gọi là Cứu quốc hội. Trong các tài liệu tuyên truyền hàng ngày, nhất là các tài liệu do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo đã thay thế lời kêu gọi đoàn kết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các biểu tượng như: “con Rồng cháu Tiên”, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lam Sơn, Bạch Đằng... đã được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc.

Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã được đoàn kết, tập hợp dưới ngọn cờ Việt Minh mà lần đầu tiên còn biết cách đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Mặt trận Việt Minh ra đời đã nhanh chóng trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng.
 

Mặt trận Việt Minh ra đời - tổ chức có độ cố kết tinh thần dân tộc bền vững không chỉ dựa trên tinh thần yêu nước mà còn dựa trên những quy tắc tổ chức giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội, thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao.

Vì vậy, ngày 13-8-1945, nhận được tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, ngay đêm đó, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc tại Tân Trào - tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh.
Thời gian này, ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, cán bộ Đảng và Việt Minh tuy chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào các chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình địa phương, tuyệt đại đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã chớp thời cơ “ngàn năm có một”, tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Đặc biệt, quyết định này đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân, mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài mặt trận Việt Minh. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, làn sóng biểu tình chính trị mạnh mẽ của hàng triệu quần chúng cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng lật đổ chính quyền tay sai thân Nhật, lập ra chính quyền cách mạng.
Với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và sức mạnh đại đoàn kết được phát huy cao độ. Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ, vùng lên khởi nghĩa khi thời cơ đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã vùng dậy “tháo gông, cởi xiềng xích” của thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân. Bên cạnh đó, dưới ngọn cờ của Việt Minh, một số lực lượng yêu nước khác, theo những cách thức riêng của mình cũng đã góp phần mạng mẽ vào việc thức tỉnh lòng yêu nước của toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc trong giờ phút trọng đại của dân tộc.
Trong giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, trên cơ sở của tinh thần yêu nước đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, góp phần không nhỏ vào cuộc vùng lên “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Trong số những lực lượng đó, trước hết phải kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên yêu nước ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác. Về danh nghĩa lực lượng này do chính quyền thực dân Pháp đã phát xít hoá tạo ra hòng lợi dụng lòng yêu nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam để cai trị người Việt Nam. Song, chính tầng lớp này đã biết dụng kế “gậy ông đập lưng ông”, lợi dụng cơ hội đó để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng một cách hợp pháp. Tinh thần đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh đã tạo ra làn sóng yêu nước mạnh mẽ của toàn dân, đủ sức cảm hoá cả ông vua đã suốt 20 năm làm bù nhìn cho thực dân Pháp đã tự tuyên bố “ưng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. Ngày 30-8-1945, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị, trao ấn vàng, kiếm nạm ngọc cho đại diện Việt Minh. Trong ngày đó, Bảo Đại còn kêu gọi hoàng tộc và toàn dân đoàn kết, bởi lẽ “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - kết quả hội tụ các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem đến cuộc hồi sinh vĩ đại của Việt Nam sau ngàn năm sống “rên xiết” dưới sự ách cai cai trị ngàn năm của phong kiến và gần gót thế kỷ dưới giày của ngoại bang. Từ đây, lịch sử dân tộc ta bước sang trang mới, chính quyền về tay nhân dân, người dân Việt Nam trở thành chủ nhân thực sự của đất nước, tiếp tục quy tụ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đánh bại hai đế quốc sừng sỏ nhất thời đại - thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa non sông liền một dải, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội vào năm 1975.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không chỉ làm nên cuộc hồi sinh vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn là cơ sở, nền tảng vững chắc để Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định“Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2].
                                                                                            Phạm Thị Nhung-Nguyễn Đăng Dương 
                                                                                                Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng  
 

 

[1] Văn kiện Đảng toàn tập, T.7, Nxb CTQG H. 2000

 
 

[2] Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nxb CTQG, H.2011, tr.48.

 

Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày