Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 4.190
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Giải phóng Thủ đô - “ngày trở về” thành công của công tác tiếp quản Hà Nội
Ngày cập nhật 09/10/2014

Ngày 10-10-1954, cả Hà Nội rợp bóng cờ hoa, hân hoan chào đón thời khắc lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Trong khoảng thời gian từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến “ngày trở về” đó, quân và dân Hà Nội đã cùng với các địa phương trong cả nước phải trải qua một cuộc đấu tranh căng thẳng trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nhằm bảo vệ những thành quả của cuộc kháng chiến 9 năm, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại.

80 ngày tập kết của quân đội Pháp và âm mưu tàn phá Hà Nội

Ngày 07-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn những nỗ lực chiến tranh của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Một ngày sau đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc. Sau những cuộc đấu trí, tranh luận căng thẳng, đêm 20 rạng ngày 21-7-1954, đại diện các nước tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ký vào Bản tuyên bố cuối cùng (trừ Mỹ) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thế nhưng phải đến 80 ngày sau, những binh lính Pháp cuối cùng mới rời khỏi Hà Nội.
Hiệp định Giơ-ne-vơ buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, nhưng theo quy định, Hà Nội vẫn nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Liên quan vấn đề này không thể không đề cập đến Hội nghị quân sự Trung Giã họp từ ngày 04-7 đến ngày 27-7-1954 giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp bàn những vấn đề quân sự do Hội nghị Giơ-ne-vơ đặt ra nhằm thực hiện cụ thể hóa việc ngừng bắn và chuyển quân đã được thỏa thuận. Theo đó, trong việc chuyển giao Hà Nội, phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho các hoạt động phục vụ công cộng như điện, nước, giao thông,… diễn ra bình thường sau khi quân Pháp rút. Các ông chủ của các lĩnh vực trên phải đến cam kết ngay tại diễn đàn Hội nghị. Tuy nhiên, với âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là gây khó khăn toàn diện cho công cuộc tiếp quản Hà Nội, cố tình tìm mọi cách làm rối loạn trung tâm đầu não chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - xã hội,… thì những cam kết trên đã bị phía Pháp vi phạm một cách nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.

80 ngày là khoảng thời gian mà cả Pháp và Mỹ, mặc dù có mâu thuẫn với nhau, nhưng đều đã triệt để lợi dụng để một mặt mua chuộc, lôi kéo, cài người, kích động nhân dân…; mặt khác, tàn phá Hà Nội, gây khó khăn trước mắt và lâu dài cho công tác tiếp quản và khôi phục thành phố. Âm mưu thâm độc và sâu xa của cả Pháp và can thiệp Mỹ là tìm mọi cách làm cho Hà Nội bị rối loạn về chính trị; xơ xác, tiêu điều về bộ mặt đô thị; tê liệt mạng lưới dịch vụ công cộng; kiệt quệ về kinh tế,… trước khi lực lượng cách mạng vào tiếp quản thành phố. Để đạt được điều đó, về chính trị, bộ máy tuyên truyền của địch tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người phục vụ cho chế độ cũ, giới tiểu thương, học sinh, sinh viên và đặc biệt là giới trí thức; đẩy mạnh việc lôi kéo, cưỡng ép và cổ xúy cho làn sóng di cư vào Nam; sử dụng bọn lưu manh, các phần tử thoái hóa trà trộn trong dân tung tin đồn nhảm, gây sự nghi kỵ lẫn nhau, phá hoại khối đại đoàn kết; dùng thủ đoạn mờ ám trong trao trả tù binh… Về kinh tế, địch tìm mọi cách di chuyển các cơ sở vật chất - kỹ thuật, các cơ sở sản xuất, tài liệu máy móc, hệ thống kho tàng ra khỏi thành phố. Trắng trợn hơn, chúng còn ngừng cung cấp than cho các nhà máy điện, ngừng cung cấp nước,… gây khó khăn cho đời sống người dân thành phố; làm tê liệt hệ thống giao thông, gây trì trệ cho sản xuất. Về quân sự, chúng tiến hành “quân sự hóa” công chức và sinh viên; huy động lực lượng quân đội đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng; trang bị vũ khí, điện đài và hỗ trợ các băng nhóm phản động hoạt động. Cái gọi là “Phái đoàn quân sự Sài Gòn” (SMM) có trụ sở ở Hà Nội đã lên kế hoạch phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa ở Hà Nội, trong đó có một số mục tiêu quan trọng như nhà máy điện, nhà máy nước, cầu Long Biên, cảng sông Hồng.

Do sự kiểm soát gắt gao của địch nên tại Hà Nội thời điểm này, công tác chuẩn bị cho tiếp quản gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói, chỉ trong vòng 80 ngày, Đảng bộ, quân và dân Hà Nội phải giải quyết hàng “núi” công việc trong bối cảnh hết sức phức tạp: kẻ địch điên cuồng chống phá, nhiều công việc hoàn toàn mới mẻ, chính quyền cơ sở chưa được thiết lập đầy đủ, lực lượng cán bộ vừa thiếu trầm trọng lại chưa có kinh nghiệm tiếp thu và giải quyết công việc ở đô thị. Ở nội thành Hà Nội thời điểm này chỉ có 65 đảng viên, 593 đoàn viên thanh niên hoạt động trong các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ và một số hội viên công chức, văn nghệ sĩ, tri thức trung kiên…(1). Trong khi đó, cơ quan quân sự Hà Nội cũng đã được thu gọn, chỉ còn 30 người với khoảng hơn 30 quân cơ động. Điều đáng nói là lúc này, lực lượng tự vệ ở cơ sở quá mỏng, thậm chí một số nơi hầu như không còn.

Những chủ trương đúng đắn trong công tác tiếp quản

Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội kịp thời có những chủ trương đúng đắn về công tác tiếp quản, trong đó tập trung vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và toàn dân về tình hình nhiệm vụ mới; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, tăng cường cán bộ cho cơ sở; mở rộng mặt trận đại đoàn kết nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp quản trước mắt và tái thiết thành phố lâu dài; đẩy mạnh công tác địch vận; phát động đấu tranh chống địch phá hoại cơ sở kinh tế, cưỡng ép di cư; xây dựng kế hoạch tiếp quản… Riêng về công tác quân sự, để có đủ lực lượng làm nòng cốt hỗ trợ quần chúng đấu tranh bảo vệ tài sản, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự và phối hợp với bộ đội từ bên ngoài vào tiếp quản thành phố, Thành ủy chủ trương đẩy nhanh việc phát triển lực lượng tự vệ; điều trở lại cơ quan quân sự số cán bộ trước đây đã chuyển sang các ngành khác; triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự ngay tại chỗ kết hợp với yêu cầu Bộ Tổng tư lệnh bổ sung, tăng cường cán bộ quân sự. Việc phát triển “nóng” lực lượng tự vệ được ưu tiên trước mắt cho các trọng điểm như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn, công sở, kho tàng… - những nơi mà kẻ địch đang tìm mọi cách để phá hoại, hoặc lấy đi trước lúc rời thành phố. Đến ngày 10-10-1954, chỉ riêng ở nội thành Hà Nội, ta đã tổ chức được 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên ở 5 nhà máy, xí nghiệp, 3 công sở, 2 nhà ga, bến cảng, 2 bệnh viện và 8 khu, xóm lao động. Ở các huyện, xã ngoại thành cũng đã tổ chức được các đơn vị tự vệ tại 110 trên tổng số 136 thôn, với quân số xấp xỉ 2.000 đội viên (2).

Là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của đất nước, thành công của việc tiếp quản Hà Nội có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các khu tập kết 200 ngày, 300 ngày khác, tác động đến diễn biến tình hình sau đó; đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Do tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội nên Đảng, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Hà Nội triển khai công tác này. Cùng với việc kịp thời bổ sung, tăng cường lực lượng quân sự, trung ương đã cử một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm như: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu về trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Hà Nội. Hội đồng Chính phủ ban hành một nghị quyết về tiếp quản Hà Nội. Hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng cấp tốc về công tác tiếp quản từ các lớp học ở Việt Bắc, Liên khu 3 được đưa về tăng cường cho bộ máy tiếp quản Hà Nội. Dù bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thu xếp gặp và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ủy ban Quân chính Hà Nội vừa được thành lập ngày 17-9-1954 cũng cấp tốc bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ làm công tác tiếp quản.

Trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9, phong trào đấu tranh của công nhân các ngành điện, nước, giao thông ở Hà Nội càng trở nên quyết liệt và không còn bó hẹp trong phạm vi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp mà đã có sự liên kết giữa các ngành, giữa công nhân với viên chức, giữa công nhân với các tầng lớp nhân dân khác, giữa đấu tranh của quần chúng trong thành phố với đấu tranh của phái đoàn ta trong Ủy ban liên hiệp đình chiến tại Hội nghị Trung Giã. Các trọng điểm như nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ, nhà máy nước, Bưu điện Bờ Hồ, Sở Hỏa xa… được sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ, công nhân cùng với số công chức được giác ngộ đã kiên trì đấu tranh, vạch mặt và chặn đứng được âm mưu, thủ đoạn phá hoại, cướp tài sản, máy móc mang đi của giới chủ và quân Pháp. Một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội lúc này là vận động công nhân, công chức và đội ngũ trí thức ở lại làm việc, gắn bó lâu dài với Hà Nội, không để địch lôi kéo, vận động di cư vào Nam. Trước tình hình địch đang hoang mang cực độ, ta chủ trương đẩy mạnh mũi đấu tranh binh vận, coi đó là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trên mặt trận này, chỉ tính từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết cho đến ngày 10-10, Hà Nội đã vận động làm rã ngũ trên 12 ngàn sĩ quan, binh lính địch, thu được hơn 350 khẩu súng các loại, 35 tấn đạn, 12 tấn dụng cụ máy móc…

Có thể nói, với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và Chính phủ, của Bác Hồ; sự chi viện có hiệu quả của các địa phương, ban, ngành trung ương; tinh thần cách mạng cao; sự chuẩn bị khẩn trương nhưng hiệu quả của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội nên quá trình tiếp quản đã diễn ra an toàn, nhanh gọn, đặc biệt là các vị trí quân sự cùng 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học. Một Hà Nội không bị tàn phá; đời sống sinh hoạt không bị đảo lộn; mọi guồng máy hoạt động của thành phố vẫn được duy trì; trật tự trị an vẫn được bảo đảm hiện hữu trong ngày nhân dân Thủ đô vui mừng đón chào năm cánh quân vào tiếp quản Thủ đô. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh không mệt mỏi và hết sức sáng tạo trên các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao của quân và dân Hà Nội cùng với cả nước./.

-------------------------------------------------------------

1, 2. Quân khu Thủ đô: Thủ đô Hà Nội - Lịch sử Kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Nxb. Hà Nội, 1986, tr. 325, tr. 334

 

                                                                                                                                          Đại tá PGS, TS. Trần Ngọc LongPhó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

Tạp chí Cộng Sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày