Như vậy, ngoài nguy cơ nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng có thể không thực hiện được thì các nội dung định tính quan trọng trong Văn kiện như ba khâu đột phá trong phát triển của giai đoạn 2011 - 2015 cũng có thể chỉ thực hiện được ở mức độ nhất định.
Việc hoàn thiện thể chế chủ yếu phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta và mang ý nghĩa quan trọng để khơi dậy các nguồn vốn xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo không khí phấn chấn, lạc quan về triển vọng phát triển bền vững đất nước. Quốc hội và Chính phủ đã xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật, Pháp lệnh để thể chế hóa Hiến pháp 2013, thế nhưng chúng ta vẫn tụt 9 bậc so với năm 2012 và năm 2013 về chỉ số thể chế kinh tế, chỉ xếp thứ 98/144 nước trong năm 2013 và năm 2014 theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt và đã có những kết quả tích cực ban đầu, thế mà trên thực tế có vẻ như chúng ta càng cải cách hành chính thì số lượng các thủ tục hành chính càng rắm rối, phức tạptới mức phiền hà, càng tinh giản bộ máy thì biên chế ngày càng phình ra. Ngành này phấn đấu giảm bớt thủ tục (như ngành thuế và hải quan đang tích cực thực hiện) thì ngành khác lại thêm thủ tục (như ngành kiểm tra, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu)… Tất cả những thủ tục rườm rà, quy định phức tạp đó đã làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, làm nản lòng các doanh nghiệp. Rồi còn những rủi ro do đạo đức công vụ của không ít công chức, viên chức. Cứ như là bộ máy nhà nước ”cố tình làm khó” cho doanh nghiệp và người dân, là những người đang đóng thuế nuôi mình, cho dù Thủ tướng Chính phủ đã không ít lần kêu gọi “cởi trói” cho doanh nghiệp. Chúng ta đặt ra những thủ tục để kiểm soát, ngăn chặn người xấu, làm ăn gian dối thì vô tình làm ảnh hưởng đến người tốt, làm ăn đứng đắn, các công cụ quản lý rủi ro qua đánh giá chỉ số tín nhiệm và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp chưa được đề cập đến.
Cũng số liệu trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cho thấy vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước chỉ tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2013, thấp nhất so với các nguồn vốn khác như: vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tăng khoản 18,3%, vốn FDI tăng 8,7% và vốn ODA tăng 7,1%. Con số 53.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ vừa suýt soát với 48.000 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp thành lập mới tạo ra 795.000 việc làm mới, bình quân khoảng 15 lao động trong 1 doanh nghiệp, cũng vừa bù đắp số việc làm mất đi. Rồi con số tỷ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước và cư dân giảm từ 37,6% năm 2013 còn dự kiến khoảng 36,2% năm 2014 của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm tương ứng từ 22% xuống còn 21,4%.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều luật như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Chính phủ chủ động tăng cường ban hành nhiều chính sách trong thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp này Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế. Tuy nhiên tất cả các nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ sẽ là “muối bỏ biển” nếu nền hành chính công không được cải cách, cải tiến một cách thực chất, đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của Quốc gia.
Các doanh nghiệp chính là tế bào kinh tế của đất nước, doanh nghiệp có mạnh thì nền kinh tế mới mạnh, ngân sách quốc gia mới bền vững, an sinh xã hội và quốc phòng an ninh mới được đảm bảo. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ đã nhận định “môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng”. Vì vậy, trong năm cuối của kế hoạch 5 năm 2011- 2015, yêu cầu tự hoàn thiện của toàn bộ hệ thống bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương hướng tới nền hành chính phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, để cán bộ công chức thực sự là “công bộc” tận tụy, người “đầy tớ” trung thành của nhân dân là quan trọng nhất nhằm tạo ra một luồng không khí mới phấn khởi, hồ hởi làm ăn, góp phần làm nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển đất nước.
Ngân sách nhà nước càng mất cân đối, nguồn thu ngày một khó khăn, chúng ta càng cần tập trung vào hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thay vì vay mượn, sẽ phát triển bằng nguồn lực của xã hội như chúng ta đã từng làm được. Chúng ta đã đổi mới thành công bắt đầu từ năm 1986, cũng chính khởi nguồn từ những thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách.
Trước những cơ hội và thách thức mới từ Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, các hiệp định tự do thương mại và đầu tư mà chúng ta đang tham gia đàm phán và chuẩn bị ký kết, việc hoàn thiện thể chế, thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trong các hoạt động kinh tế và điều tiết phân phối các nguồn lực để thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, đảm bảo phát triển bền vững đất nước càng trở nên đặc biệt quan trọng./.
TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban
Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
|