Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 5.788
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tăng cường sức mạnh ASEAN, vượt qua khủng hoảng tài chính
Ngày cập nhật 03/03/2009
Trong khuôn khổ những hoạt động tại Hội nghị ASEAN lần thứ 14, chiều 28-2-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Băng-cốc (Bangkok Post) những nội dung liên quan đến Hội nghị lần này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
 
Bangkok Post: Xin Ngài cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính có tác động nghiêm trọng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đang làm gì để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hiện nay có tác động xấu đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia, trong đó Việt Nam. Cụ thể những tháng giữa năm 2008 là tình trạng lạm phát cao, nhập siêu lớn; từ những tháng cuối năm 2008 đến nay là tình trạng suy giảm kinh tế.

Bằng những biện pháp đồng bộ được áp dụng mạnh mẽ, năm 2008 Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm và duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2008 là 6,23%, xuất khẩu tăng gần 30% , vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 64 tỉ USD, gấp 3 lần năm 2007.

Từ tháng 10/2008 đến nay, những diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu đã có những tác động trực tiếp, làm suy giảm sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng lớn đến việc làm và đời sống nhân dân.

Để đối phó với những thách thức rất lớn này, Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, với trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội. Việc áp dụng các biện pháp này bước đầu đã đem lại kết quả tích cực.

Với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường và tăng cường hội nhập quốc tế để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trên cơ sở chính trị, xã hội ổn định và sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam tin tưởng và hy vọng cùng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng, bước vào giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và ổn định hơn.

Bangkok Post: Cuộc khủng hoảng lần này khác với khủng hoảng năm 1997. Các tổ chức khu vực như ASEAN sẽ hợp tác như thế nào để vượt qua khó khăn? ASEAN có cần đưa ra những kế hoạch khác bên cạnh những thoả thuận đã dự kiến và sẽ được các bộ trưởng tài chính thảo luận?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cuộc khủng hoảng lần này khác biệt rất lớn so với năm 1997, cả về tính chất và mức độ tác động, vì vậy việc ứng phó và khắc phục các tác động xấu của nó đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của mỗi quốc gia và sự hợp tác tốt hơn giữa các nước cả ở cấp độ khu vực và thế giới. Đây là một nội dung đã được lãnh đạo các nước ASEAN và các nước trong khu vực đặc biệt quan tâm.

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM-7 tổ chức tại Bắc Kinh, tháng 10/2008, các nhà Lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 đã trao đổi sâu rộng về tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu và khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách, ngăn chặn tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước và khu vực; khai thác các khả năng mở rộng hợp tác với bên ngoài và đẩy nhanh hơn nữa hợp tác nội khối ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao 14 lần này, các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét Báo cáo của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 về “Kế hoạch hành động nhằm phục hồi sự ổn định kinh tế tài chính của khu vực Châu Á”. Kế hoạch hành động này sau đó sẽ được thông qua tại Cấp cao ASEAN + 3, bao gồm 4 nhóm giải pháp chính: (i) giải pháp kinh tế vĩ mô chủ động ở cấp quốc gia; (ii) đẩy nhanh đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai để hình thành công cụ hỗ trợ cán cân thanh toán; (iii) phát triển chiều sâu thị trường vốn qua sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á; (iv) khuyến nghị tăng cường vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương trong việc hạn chế tác động của khủng hoảng.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các nước ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để khôi phục lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư, tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, và cần đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức thực hiện các cam kết, thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước thành viên.

Bangkok Post: Theo kinh nghiệm trước đây, khu vực đã tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài để dựa vào dự trữ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, nhưng nay thì khó làm như vậy. Ngài có cho rằng FTA (Hiệp định Thương mại tự do) và các biện pháp khác mà ASEAN đang tiến hành sẽ chống đỡ được cho kinh tế khu vực?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiến trình liên kết kinh tế ASEAN đã đi được một chặng đường khá dài, khá vững chắc. ASEAN đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thông qua tại Singapore tháng 11/2007. Việc xây dựng AEC sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của mỗi nước thành viên, tăng cường liên kết kinh tế và sức mạnh nội khối của ASEAN, mang lại những kết quả tích cực đối với sự tăng trưởng và phát triển của mỗi thành viên, củng cố thêm liên kết kinh tế và tăng cường sức mạnh nội khối, giúp các nền kinh tế ASEAN cùng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các hiệp định thương mại tự do song phương giữa ASEAN và các nước đối tác sẽ đóng vai trò quan trọng, là một trong những giải pháp giúp thúc đẩy trao đổi hàng hoá hai chiều, trong đó có xuất khẩu cho ASEAN; tạo thêm sức hấp dẫn và điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực cũng như trong nội khối, giúp duy trì và kích thích tăng trưởng kinh tế cho mỗi thành viên.

Liên kết kinh tế - thương mại của Hiệp hội với các đối tác kinh tế - thương mại lớn là một lựa chọn tích cực đối với mỗi nền kinh tế thành viên, tạo thế và lực mới cho cả Hiệp hội nói chung và từng nền kinh tế thành viên nói riêng.

Tôi cho rằng với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết thương mại, đầu tư, tài chính - tiền tệ trên cả hai kênh hợp tác nội khối ASEAN và với các đối tác bên ngoài, thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, các nền kinh tế ASEAN sẽ sớm khắc phục được những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.

Xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Hiến chương và cơ chế mới

Bangkok Post: ASEAN đã tạo được ấn tượng với các đối tác bên ngoài bằng việc đã có Hiến chương, nhưng những «người chơi» trong nội bộ ASEAN như xã hội dân sự hay thậm chí cả giới doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn liệu điều này sẽ mang lại lợi ích thực sự nào cho liên kết chặt chẽ hơn trong ASEAN. Xin cho biết ý kiến của Ngài về những phát triển mới trong ASEAN?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc ra đời Hiến chương ASEAN là một sự kiện lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển ASEAN. Hiến chương đã tạo dựng khung pháp lý vững vàng giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ và hoạt động hiệu quả hơn, cũng là một tuyên ngôn về những mục tiêu cao cả mà Hiệp hội đang phấn đấu, hướng tới tương lai nhằm củng cố và duy trì hoà bình, ổn định của khu vực, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bảo đảm môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân các nước.

Hiến chương ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột là Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hoá-Xã hội. Đó là chuẩn mực trong quá trình mở rộng hợp tác, tăng cường hội nhập và thúc đẩy đoàn kết ASEAN. Hiến chương cũng định hướng tổ chức lại bộ máy điều hành nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, mục tiêu đã đề ra. Với tinh thần đó, việc thực hiện tốt Hiến chương chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ASEAN và nhân dân các nước.

Cũng chính vì thế, Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 lần này có chủ đề chính là «Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN». Tôi trông đợi cơ hội bàn thảo với các nhà lãnh đạo ASEAN về phương hướng và các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, cũng như đưa những lợi ích của hợp tác và liên kết ASEAN đến gần hơn với người dân.

Bangkok Post: Việt Nam vẫn thường được coi là một hạt nhân lãnh đạo trong các thành viên mới hơn của ASEAN do gia nhập muộn hơn và có hệ thống chính trị khác biệt. Ngài nhận thấy hình ảnh của Việt nam trong ASEAN thay đổi như thế nào trong những năm vừa qua?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đặc điểm nổi bật và phương châm hoạt động của ASEAN là «thống nhất trong đa dạng». Hiệp hội bao gồm các quốc gia trong khu vực có điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau nhưng cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung là xây dựng một Đông Nam Á hoà bình, ổn định và phát triển.

Việc ASEAN bao gồm 10 nước, với sự tham gia của Việt Nam năm 1995, sau đó là Lào, Myanmar và Campuchia, đã tạo ra bước chuyển mình quan trọng của ASEAN. Đoàn kết và đồng thuận đã tạo nên sức sống và những phát triển tích cực của Hiệp hội. Mỗi thành tựu và bước tiến đạt được của ASEAN đều là sự đóng góp chung của mỗi thành viên.

Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp thiết thực vì mục tiêu tăng cường đoàn kết và phát triển vững mạnh của ASEAN.

Gần một thập kỷ rưỡi Việt Nam tham gia ASEAN cũng chính là giai đoạn Việt Nam tích cực thực hiện công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống đất nước với tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 – 8% trong suốt 20 năm qua; Việt Nam đã mở rộng quan hệ và hợp tác với hơn 180 nước và đối tác ở tất cả các châu lục, tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, ASEM…

Những kết quả này đã phản ánh Việt Nam là một đất nước phát triển năng động và là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, các dân tộc vì hoà bình, ổn định và phát triển.

Bangkok Post: Việc thiết lập Cơ chế Nhân quyền ASEAN đang được nhân dân trong và ngoài khu vực quan tâm theo dõi. Theo Ngài cơ quan nhân quyền mới này cần hoạt động như thế nào khi cơ chế mới được trông đợi là sẽ có thể xem xét một số vấn đề trong các nước thành viên?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về nhân quyền.

Là một cơ quan thuộc ASEAN, AHRB có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; đồng thời, đóng góp vào mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân. Trong hoạt động của mình, AHRB sẽ tuân thủ các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, trong đó có nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, cũng như phải chú ý tới những đặc điểm riêng, đa dạng của khu vực về văn hoá, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán… của mỗi nước. Theo đó, AHRB cần được khuyến khích thúc đẩy hợp tác, xây dựng một chiến lược và cách tiếp cận chung của khu vực về nhân quyền, tạo cơ sở tăng cường hợp tác bảo đảm và thực hiện quyền con người một cách tốt nhất và phù hợp với các điều kiện của khu vực và từng nước.

Bangkok Post: ASEAN cũng đang cố gắng đưa ra một số kế hoạch hành động để xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN. Một số người cho rằng chưa phải là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy giấc mơ này. Khu vực hiện còn cần tăng cường liên kết kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn. Vẫn cần xây dựng lòng tin trước khi khu vực có thể trở thành một cộng đồng thực sự chia sẻ và bảo vệ những giá trị và quan tâm an ninh chung. Xin Ngài cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cam kết xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN năm 2015 không chỉ thể hiện tầm nhìn của ASEAN mà đó còn là kết quả phát triển của ASEAN hơn 4 thập kỷ qua, thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng của các nước thành viên, tạo tiền đề cơ bản cho cộng đồng, xây dựng một ASEAN vững mạnh, hài hòa, sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và phồn vinh.

Vì mục tiêu cao cả này, cùng với Hiến chương, ASEAN đã đề ra lộ trình thực hiện đến 2015 và những năm tiếp theo cho cả ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hoá - Xã hội. Với các bước đi cụ thể như vậy, việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh (không chỉ an ninh), cũng như các cộng đồng khác đều mang tính hiện thực sâu sắc.

Đây cũng chính là quá trình xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, bảo đảm môi trường thuận lợi, hòa bình, ổn định và phát triển. Đồng thời, điều này cũng sẽ tạo điều kiện để ASEAN mở rộng hơn quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn, nhằm tranh thủ hỗ trợ tốt hơn cho các nỗ lực chung của ASEAN.

Thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác song phương và tiểu vùng

Bangkok Post: Các tổ chức quốc tế đề nghị Thái Lan và Việt Nam giúp tăng cường năng lực cho các nước láng giềng như Lào, Cam pu chia và Mi-an-ma. Hai nước đã thực sự làm được những gì để trợ giúp các thành viên khác trong bán đảo này?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thông qua các chương trình hợp tác song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực, Việt Nam và Thái Lan đã tăng cường hợp tác, giao lưu kinh tế, thương mại với các nước láng giềng Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-mar, hỗ trợ các nước này thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác trong khu vực.

Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên là giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và đi lại qua biên giới các nước…; được thực hiện thông qua các chương trình hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), hợp tác sông Hằng – sông Mekong (MGC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady- Chao Phraya- Mêkông (ACMECS)…

Việt Nam đã đề xuất và tích cực triển khai sáng kiến Hợp tác phát triển liên vùng nghèo dọc Hành lang Đông - Tây (WEC), được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội, tháng 12/1998, nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác trong tiểu vùng thông qua hợp tác giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển nguồn nhân lực.

Tiếp theo sáng kiến Chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady- Chao Phraya - Mekong (ACMECS) được Thái Lan đưa ra năm 2003, với nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ACMECS 3 tháng 11 năm 2008 tại Hà Nội đã thông qua Tuyên bố các Nhà Lãnh đạo ACMECS về thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, nhằm đối phó với thách thức và biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới.

Ngoài ra, thông qua các nhà tài trợ, Việt Nam và Thái Lan cũng đang nỗ lực vận động nguồn tài trợ từ các đối tác như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Nhật Bản…để hỗ trợ hơn nữa cho các chương trình hợp tác của khu vực.

Bangkok Post: Các nhà tài trợ như Nhật đã nhận được một số đề nghị từ các tổ chức khu vực như GMS, ACMECS, và Cấp cao Lào - Cam-pu-chia-Việt Nam. Theo Ngài các nước trong khu vực cần tập trung các dự án phát triển như thế nào để có được sự trợ giúp cho các dự án cần nhất và cấp thiết nhất?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Do có vị trí địa lý - chính trị chiến lược và tiềm năng phát triển nên các nước trong khu vực ASEAN nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà tài trợ, kể cả song phương và đa phương.

Để triển khai các Chương trình hợp tác trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), hợp tác sông Hằng – sông Mê Công (MGC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady- Chao Phraya- Mêkông (ACMECS), Cấp cao Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam, Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam… các nước trong khu vực đã xây dựng và trao cho các nhà tài trợ danh sách những dự án cấp thiết cần được ưu tiên hỗ trợ đầu tư, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, môi trường, thương mại, đầu tư, du lịch...

Việt Nam mong rằng, mặc dù kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực thực hiện các dự án này.

Bangkok Post: Ngài đánh giá như thế nào về hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Thái Lan hiện nay? Hai Chính phủ cần phải làm gì để đối phó với những thách thức chung trong những tháng tới?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam và Thái Lan là hai nước láng giềng gần gũi và có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Những năm vừa qua, hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Thương mại hai chiều năm 2008 đạt gần 6,2 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2007. Về đầu tư, tính đến tháng 3-2009, Thái Lan có 198 dự án đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 5,7 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 835 triệu USD. Giao lưu và hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể thao, du lịch, an ninh - quốc phòng, hợp tác phòng chống tội phạm ngày càng được mở rộng.

Các cơ chế hợp tác như Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, cơ chế họp Nội các chung hai nước, Nhóm công tác chung về Chính trị - An ninh đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác khu vực, hợp tác tiểu vùng và các diễn đàn quốc tế.

Trong thời gian tới, hai nước chúng ta cần tăng cường hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh và quốc phòng để cùng vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay cũng như các thách thức của toàn cầu hoá, góp phần vào sự phát triển ổn định và phát triển bền vững của cả hai nước.

Bên cạnh đó, hai nước cần hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, vì sự phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Bangkok Post: Việt Nam và Thái Lan đã thảo luận về thị trường gạo chung trong vài năm mà không có mấy kết quả. Các nhà buôn bán phàn nàn là giá gạo được nhà nước kiểm soát do đó khó phối hợp về giá cả. Theo Ngài, hai nước cần làm gì để tăng khả năng thương lượng, mặc cả trên thị trường thế giới?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam hay bị thiên tai, bão lụt bất thường, gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên an ninh lương thực luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Hàng năm, sau khi cân đối cung - cầu trong nước, Việt Nam dành một khối lượng gạo nhất định để xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bình ổn giá lương thực và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương. Hiện nay, hai nước đang tích cực tham gia khuôn khổ hợp tác giữa 5 nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Pa-ki-xtan.

Trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế ba con sông Ayayewady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), các nước thành viên đang thảo luận cơ chế hợp tác gạo ACMECS nhằm tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ kỹ thuật. Việt Nam và Thái Lan cũng đang xem xét các biện pháp, hình thức thích hợp để tăng cường hợp tác giữa hai nước để vừa bảo đảm an ninh lương thực của mỗi nước, vừa bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, xuất khẩu và người tiêu dùng gạo./.

Theo VOVNews

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày