Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau những năm đầu hết sức khó khăn, đến năm 1959, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, yêu cầu về cán bộ và vũ khí ngày càng lớn. Đường vận tải chiến lược Trường Sơn lúc này chỉ mới vươn tới được các tỉnh phía Bắc Khu V, còn các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long không đủ sức đáp ứng yêu cầu đó, nhất là đối với các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ.
Trước nhu cầu cấp bách trên, đồng thời với việc mở tiếp về phía Nam tuyến chi viện trên bộ, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức tuyến chi viện trên Biển Đông. Sau một thời gian nghiên cứu và trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyến vượt biển từ Nam Bộ ra, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển. Đoàn 759 nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, tổ chức trinh sát nhằm nắm chắc quy luật tuần tra, hoạt động ngăn chặn trên biển của địch; hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, xây dựng các bến bãi sẵn sàng tiếp nhận vũ khí.
Kể từ khi tuyến chi viện chiến lược biển ra đời, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ miền Bắc sử dụng con đường tiếp tế vũ khí trên biển, ngoài con đường xuyên Trường Sơn. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và các chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường trên biển này. Nhưng họ chỉ đoán biết chứ không có bằng chứng cụ thể nên chưa xác định được chính xác. Mặc dù vậy, Mỹ-ngụy vẫn tích cực tìm cách đối phó. Qua tài liệu thu được của địch, chúng ta thấy rõ hải quân và không quân Mỹ đã sớm lập một phòng tuyến ngăn chặn từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Bên ngoài là máy bay tuần tiễu của Hạm đội 7, bên trong là hải quân Quân đội Sài Gòn và thủy quân lục chiến tuần tra, canh gác, bảo vệ bờ biển, các bến cảng, cửa biển, cửa sông. Tuyến giữa do hải quân Mỹ trực tiếp đảm nhiệm. Theo tính toán của Mỹ-ngụy thì với phòng tuyến ngăn chặn đó không một con tàu nào từ miền Bắc có thể xâm nhập trót lọt vào miền Nam mà không bị phát hiện. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân và dân ta mà nòng cốt là bộ đội hải quân đã tìm ra giải pháp mở đường trên biển chi viện cho các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ khiến cả Mỹ và ngụy đều hết sức bất ngờ. Việc vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển từ năm 1961 đến năm 1972 có thể chia làm các giai đoạn như sau:
Từ 1962-1965
Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh: “Phương Đông I” rời Đồ Sơn lên đường vào Nam Bộ. Tiếp theo, trong những năm 1963, 1964, các con tàu bé nhỏ đầy ắp vũ khí liên tục rời Đồ Sơn và một số bến khác (Bính Động, Bãi Cháy), vượt qua hàng ngàn hải lý và hàng rào ngăn chặn phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến địch, đưa hàng vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hoạt động tác chiến mạnh mẽ của quân, dân ta tại các chiến trường nói trên đã khiến cho Mỹ-ngụy càng thêm nghi ngờ về con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển, song, chúng vẫn không thể tìm ra manh mối: “Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt Cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn”(1) và “…thời điểm lực lượng Việt Cộng tấn công quyết liệt, chúng ta (Mỹ-ngụy) chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác bằng đường biển hoạt động khá mạnh”(2).
(Còn nữa)
Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
(1) Theo: Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, Phông số 34- Hồ sơ 106, Lưu Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng.
(2) Theo: Tài liệu dịch của địch, Phông số 34, Hồ sơ 81, Lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.