Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 732
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Sáu mươi bốn năm hình thành và phát triển của ngành Ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Ngày cập nhật 31/08/2009

Nhân kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2/9 và 64 năm ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có bài viết dành riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam. BBT xin phép được trích đăng lại.

Hòa cùng không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng ta lại nhớ về những bước trưởng thành và phát triển của ngành Ngoại giao kể từ ngày thành lập. Cách đây 64 năm, thắng lợi vang dội của Cách mạng tháng 8 đã mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam với sự ra đời của nhà nước Việt Nam DCCH, đồng thời mở ra thời kỳ mới cho nền ngoại giao Việt Nam – ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Từ đó, Ngoại giao Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong hơn 6 thập kỷ qua, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, dù phải đối mặt với bao khó khăn gian nguy, ngành Ngoại giao luôn nỗ lực hết sức mình, góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngay sau Cách mạng tháng 8, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam DCCH, ngoại giao đã góp phần cùng chính quyền cách mạng non trẻ vượt qua những thử thách cam go do sự chống phá dữ dội của thù trong giặc ngoài. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mặt trận ngoại giao đã phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả với mặt trận quân sự, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, hòa bình và chính nghĩa, tranh thủ được sự ủng hộ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè yêu chuộng hòa bình và tiến bộ khắp năm châu, qua đó kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Thắng lợi của ngoại giao tại các Hội nghị Geneva và Paris đã đi vào lịch sử như những mốc son mà các thế hệ cán bộ ngoại giao luôn ghi nhớ và rất đỗi tự hào. Qua mỗi thử thách, ngoại giao Việt Nam lại càng lớn mạnh, cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến công mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm sau chiến tranh, ngoại giao đã chủ động góp phần phá thế bao vây cấm vận, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam và các nước láng giềng, các nước lớn, tạo ra đột phá trong quan hệ quốc tế của nước ta, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm Đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giữ vững an ninh, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Sau hơn 20 năm Đổi mới, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 177 nước, có quan hệ thương mại - đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ, có 91 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam cũng đã tham gia vào hầu hết các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Sau khi gia nhập Tổ chức Pháp ngữ Francophonie, ASEAN, APEC, ASEM và WTO, việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là cột mốc mới trên con đường hội nhập của Việt Nam, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngoại giao Việt Nam. Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm, chúng ta đã và đang cùng với các nước bè bạn, các nước trong cộng đồng quốc tế đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngoại giao chính trị đã kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế, góp phần phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoại giao văn hóa có bước phát triển mới, góp phần giới thiệu với bạn bè thế giới về một Việt Nam có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một Việt Nam thủy chung, hòa hiếu và năng động, đang đổi mới thành công.

Những thành tựu mà ngoại giao Việt Nam gặt hái được trong 64 năm qua là nhờ kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn của đất nước. Bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh của cả dân tộc với tranh thủ sự ủng hộ to lớn về vật chất và tinh thần của các lực lượng cách mạng và nhân loại tiến bộ khắp năm châu, chúng ta đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại và hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ Đổi mới, Ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực và chủ động nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Những thành tựu của ngoại giao còn nhờ vào sự kế thừa và phát huy tư tưởng hòa hiếu, nhân nghĩa của Ngoại giao Việt Nam qua các thời đại. Đặc biệt, tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh đã định hướng cho nền ngoại giao hiện đại Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh trên con đường cách mạng của cả dân tộc. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm những quan điểm, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao được Người thể hiện trong quá trình xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam và trong thực tiễn hoạt động ngoại giao rất đa dạng, phong phú của Người qua nhiều thời kỳ cách mạng của dân tộc ta. Tư tưởng ấy không chỉ soi rọi cho chính sách đối ngoại của nước Việt Nam DCCH mà còn là sự bảo đảm cho thành công của đối ngoại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của lịch sử. Kế thừa và phát triển tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam ngày càng hoàn thiện cả về nền tảng lý luận và phương thức thực hiện.

Bước vào thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phối hợp giữa ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và đối ngoại Đảng đã có bước phát triển mới, toàn diện hơn, chặt chẽ hơn, đem lại sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân đã được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, đem lại hiệu quả ngày càng cao.

Những thành tựu của ngoại giao không thể tách rời những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thời cuộc. Từ lúc chỉ có vài chục cán bộ ở chiến khu Việt Bắc hoạt động trong hoàn cảnh kháng chiến khốc liệt, đến nay chúng ta đã có đội ngũ cán bộ và nhân viên ngoại giao hùng hậu, được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao, kinh nghiệm phong phú, từng bước tiến kịp với trình độ khu vực. Bộ máy tổ chức của ngành có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng chính quy, hiện đại, bảo đảm cho toàn ngành có thể đủ sức gánh vác những trọng trách đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong những năm tới, môi trường đối ngoại của chúng ta sẽ còn nhiều chuyển biến nhanh chóng, khó lường, tạo ra những thách thức và cơ hội đan xen cho đất nước ta cũng như cho Ngoại giao Việt Nam. Kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực... giữa các nước ngày càng gay gắt. Toàn cầu hoá tiếp tục gia tăng khiến cho sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc hơn, vừa tạo ra cơ hội phát triển, nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, rủi ro và thách thức đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Các vấn đề toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị huỷ hoại, dân số gia tăng nhanh và mất cân đối, các dịch bệnh lớn, tội phạm xuyên quốc gia... gay gắt hơn và trở thành nguy cơ đối với tất cả các nước. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, là một đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu; xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục gia tăng, nhưng tiềm ẩn nhiều điểm nóng phức tạp về an ninh, tranh chấp lãnh thổ, biên giới, biển đảo, tài nguyên... Ở Đông Nam Á, ASEAN đang nỗ lực triển khai Hiến chương với mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2015, nhưng còn gặp nhiều thách thức do tình hình nội bộ một số nước còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa các thành viên còn khá xa... Tình hình trên đặt ra những bài toán mới đối với ngoại giao Việt Nam.

Qua hơn 20 năm Đổi mới và hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và vươn tới những mục tiêu cao hơn. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh nền ngoại giao toàn diện trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, đồng thời triển khai đồng bộ 4 trọng tâm công tác: Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa, Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Để đáp ứng tốt những đòi hỏi của tình hình mới, ngành Ngoại giao cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả bộ máy của Bộ Ngoại giao, cơ quan tham mưu chủ yếu và lực lượng nòng cốt thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Mạng lưới cơ quan đại diện cần được phát triển cho phù hợp với thế và lực mới và nhu cầu đối ngoại ngày càng mở rộng của đất nước. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và rèn luyện phẩm chất tư tưởng, đạo đức của cán bộ ngoại giao nhằm đáp ứng những nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.

Kỷ niệm 64 năm thành lập Ngành, việc cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu đầy tự hào của ngành sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta trên con đường hội nhập còn nhiều chông gai, thách thức. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dựa trên nền tảng vững chắc của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí của toàn ngành, Ngoại giao Việt Nam quyết tâm gặt hái thêm nhiều thành tích hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nâng cao tầm vóc đất nước Việt Nam trên trường quốc tế và trong trái tim bè bạn năm châu.

Phạm Gia Khiêm

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Ngồn Thế giới và Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày