Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.870.741
Truy câp hiện tại 451
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Một số ý kiến xây dựng đất nước tại Đại hội XI của Đảng
Ngày cập nhật 17/01/2011

Trong các phiên thảo luận về các văn kiện Đại hội XI, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất cho Đảng trên từng lĩnh vực cụ thể như: văn hóa, đối ngoại, phát triển kinh tế tri thức….

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 tại Đại hội XI này, Đảng ta tiếp tục xác định: “khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng…” Sự khẳng định này thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh và trong xây dựng nông thôn mới theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

 

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường, để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh cần phải đạt cho được 3 mục tiêu cốt yếu: Một là: Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; Hai là: Nông dân phải là lực lượng chính trị-xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; Ba là: Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.

Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự: Biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp CNH-HĐH và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị

 

Đồng chí Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho rằng: Đổi mới hệ thống chính trị phải phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

 

Trên cơ sở gắn kết hữu cơ giữa đổi mới và phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, cần tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống chính trị nói chung và từng thành viên của hệ thống này nói riêng nhằm thúc đẩy tiếp tục đổi mới kinh tế với trọng tâm là hình thành đầy đủ và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải phóng triệt để sức sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế bằng thế và lực của nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng được tăng cường.

 

Yêu cầu phù hợp và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011- 2020 đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ, vững chắc hơn theo định hướng thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công và nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới và hiệu quả.

 

Trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế và tư duy chính trị cần tập trung sức giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và lý luận về đất đai, sở hữu đất đai, thị trường đất đai và bất động sản trên đất; về lao động, thị trường lao động, tiền công, tiền lương và hệ thống an sinh xã hội…

 

Trên cơ sở giữ vững bản chất của chế độ chính trị mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã lựa chọn, thực chất của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là đổi mới và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, thể chế hoạt động của hệ thống chính trị hiện có.

 

Để thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, theo đồng chí Đỗ Hoài Nam, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trên cơ sở triệt để công khai, công bằng, công tâm và dân chủ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp và hiện đại, trong sạch, đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn 2011 -2020.

 

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN

 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thay mặt cho thế hệ trẻ Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã tạo điều kiện để cho thế hệ trẻ được cống hiến và khẳng định sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong Báo cáo Chính trị Đại hội lần này cũng đã đã khẳng định ''Tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ, khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích,sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa''. Sự khẳng định này đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của thế hệ trẻ ngày nay.

 

Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ ấy, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, trong thời gian tới, sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng thanh niên. Tiếp tục thực hiện thật tốt cuộc vận động “ Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác ” và chương trình “ Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ”; phát huy tính tự giác và khả năng sáng tạo của thanh niên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

 

Tổ chức có hiệu quả phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “ Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” rộng khắp trong tuổi trẻ cả nước. Không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động , xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên . Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và chất lượng đội ngũ cán bộ, thường xuyên giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú có chất lượng, những cán bộ Đoàn tâm huyết, có đạo đức và gắn bó với quần chúng, có trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào những khó khăn để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng.

 

Chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer

 

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: Dân số toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,3 triệu người, trong đó, dân tộc Khmer có 373.600 người, chiếm tỷ lệ 28,9%. Hầu hết đồng bào Khmer đều theo đạo Phật (Phật giáo Nam Tông). Đồng bào Khmer có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó với các dân tộc trong tỉnh.

 

Khi tái lập tỉnh cũng như trước đó, tình hình sản xuất và đời sống của bà con Khmer phần lớn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và thiếu đói cao. Một bộ phận khá đông bà con còn ở nhà tạm bợ, nhiều hộ không có đất sản xuất, đất ở.

 

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, đến nay, đời sống của đồng bào Khmer đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước và hỗ trợ trực tiếp với tổng số tiền 39,6 tỷ đồng. Song song đó tỉnh còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho gần 3.000 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho trên 4.500 hộ, đào tạo nghề cho 3.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer, cho vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hàng ngàn tỷ đồng và triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội khác. Tỷ lệ hộ Khmer nghèo năm 2001 là 42,92%, đến cuối năm 2010 giảm còn 14,26% (theo tiêu chí năm 2005) và không còn hộ thiếu đói. Các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có đường ô tô liên xã và đường ô tô đến trung tâm xã; trên 76,86% hộ Khmer ở nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Mặt bằng dân trí vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 160 trường có dạy tiếng Khmer, có 07 trường dân tộc nội trú và 01 Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm thực hiện. Hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đầu tư, phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 314 bác sĩ, dược sĩ là người Khmer; 98/109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 78 chùa Khmer có lò hỏa táng.

 

 

 

Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Toàn tỉnh hiện có 75 nhà văn hóa, 446 nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thông tin ấp và 65 tụ điểm văn hoá chùa Khmer, 01 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia, 03 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vùng đồng bào Khmer, có 01 nhà bảo tàng của tỉnh đang lưu giữ 462 hiện vật văn hoá truyền thống có giá trị về văn hoá lịch sử…

 

Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sự vận dụng có hiệu quả của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; thể hiện sự nỗ lực to lớn của nhân dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Đại bộ phận đồng bào, sư sãi Khmer trong tỉnh đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định: Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng sẽ phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Khmer.

 

Sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững

 

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, UVBCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có bản tham luận với nhan đề "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững". Đồng chí Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Trong suốt chặng đường 81 năm lãnh đạo nhân dân,tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn quan tâm toàn diện, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Đất nước.

 

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh cho biết: Những năm qua, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều giá trị mới về văn hóa, chuẩn mực đạo đức được khẳng định và nhân rộng, phát huy tính dân chủ trong xã hội; Thế hệ trẻ hăng hái tiếp thu những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, thể hiện mạnh mẽ ý chí vươn lên, lập thân, lập nghiệp để phát triển đất nước. Cuộc vận động Phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'', ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', các phong trào thi đua yêu nước ngày càng được mở rộng và từng bước đi vào thực chất trong đời sống xã hội.

 

Công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Cả nước hiện có 127 bảo tàng; có hơn 4 vạn di tích đã được kiểm kê; 11 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới (trong đó có 6 di sản văn hoá vật thể và 5 di sản văn hoá phi vật thể).

Để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, đồng chí Hoàng Tuấn Anh đề xuất một số giải pháp: Xây dựng con người việt Nam giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi, có văn hoá; có tinh thần quốc tế chân chính. Đảng cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Đồng chí Hòang Tuấn Anh cũng khẳng định: Phát triển văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, vì vậy, cần thiết phải quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật - lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Song song với đó cần giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa tinh thần của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (xuất bản sách báo, sản xuất phim ảnh...) theo định định hướng của Đảng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá nghệ thuật của nhân dân. Hoàn thiện thể chế văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, tăng cường hiệu quả các mối quan hệ phối hợp liên ngành…

 

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

 

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI tiếp tục khẳng định các định hướng lớn của đường lối đối ngoại, đặc biệt là định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” và phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các hoạt động đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước nhằm đưa đất nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

Hội nhập quốc tế là một định hướng lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa phát triển với tốc độ ngày càng nhanh trên thế giới. Hội nhập chỉ có thể thành công khi thế và lực của đất nước, năng lực của đội ngũ cán bộ đạt đến một trình độ nhất định. Sau 25 năm đổi mới, với những thành quả quan trọng trong quá trình thực hiện định hướng chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác, chúng ta đã có những tiền đề cơ bản để hội nhập thành công vào khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao mức độ “đồng bộ và toàn diện” trong triển khai các hoạt động đối ngoại. Theo đó, phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại” vừa là sự phát triển lô-gic của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, vừa là đòi hỏi của định hướng mới: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

 

Hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mang đến cơ hội và thách thức, tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực. Hội nhập quốc tế là phương thức quan trọng để phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Thế mạnh đó bao gồm cả định hướng phát triển kinh tế, sự ổn định chính trị xã hội, vị trí địa lý thuận lợi ở một khu vực đang tiếp tục phát triển năng động, nền văn hóa đặc sắc và truyền thống lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Nói cách khác, hội nhập là phương thức quan trọng để tạo nên sự kết hợp hiệu quả giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, giữa sức mạnh bên trong và bên ngoài trong bối cảnh hiện nay. Hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho chúng ta tham gia ngày càng tích cực vào việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, đóng góp thích đáng vào quá trình xây dựng các chuẩn mực của khu vực và quốc tế, qua đó đóng góp vào bảo đảm hòa bình an ninh cho chính mình.

 

Đồng chí Phạm Bình Minh khẳng định: triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, sẽ tạo nên xung lực tổng hợp của các lĩnh vực, các lọai hình, các kênh đối ngoại, nhưng cũng tạo nên một số thách thức mới. Nếu không có kế hoạch tổng thể và nếu không có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh, các lĩnh vực đối ngoại thì những yếu kém trong triển khai chính sách hiện nay sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực và làm suy giảm hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.

Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, từng bước phát triển nền kinh tế tri thức

 

Đồng chí Châu Văn Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng: Để phát triển nền kinh tế tri thức cần phải có đội ngũ tri thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Muốn vậy, một mặt cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy truyền thống yêu nước, phụng sự hết mình cho đất nước và nhân dân, đem trí tuệ, tài năng, sức lực cùng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Đồng chí Châu Văn Minh kiến nghị: Ngoài việc đổi mới cơ chế, chính sách, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ mới hiện đại để đến năm 2020 đạt mức trung bình trên thế giới, trong đó phấn đấu khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng đầu tư từ nguồn lực xã hội ngoài ngân sách.

 

 

 

Nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chú trọng các nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, tập trung đầu tư để đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế, coi nghiên cứu cơ bản là nền tảng để phát triển năng lực nghiên cứu và phát triển KHCN của đất nước, là hạ tầng cơ sở của nền KHCN nước nhà; đẩy mạng nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động KHCN.

 

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính trong KHCN tạo động lực cho đội ngũ trí thức KHCN phát huy sáng tạo; Nhà nước tập trung xây dựng các quỹ phát triển, các chương trình KHCN lớn, xác định và đặt hàng thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia, tập trung lực lượng giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ then chốt.

 

 

 

Phát triển và hiện đại hóa nền giáo dục ở tất cả các bậc học, nhằm mục tiêu lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Đầu tư đủ mạnh cho giáo dục đào tạo để cùng với KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu của đất nước.

 

 

 

Có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh thích hợp với đội ngũ trí thức nói chung và chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám.

Giải pháp phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 

Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã có tham luận về ccông tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Chiến cho biết: Năm 2006, toàn tỉnh có 27.000 đảng viên, 630 tổ chức cơ sở đảng, 2400 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở; còn 266 xóm chưa có đảng viên; 974 xóm chưa có chi bộ. Các xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xóm sát biên giới. Trình độ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở một số địa phương trong tỉnh còn hạn chế trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng và giải quyết những vấn đề của địa phương.

 

Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhận thức sâu sắc rằng nơi nào chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thấp, nơi đó đời sống của đồng bào các dân tộc sẽ khó khăn, đói nghèo kéo dài, tạo sơ hở cho các phần tử xấu lôi kéo quần chúng theo tà đạo và truyền đạo trái pháp luật, ảnh hưởng đớn đến tình hình an nmh, chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc.

 

Từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đầu nhiệm kỳ 2006- 2010, Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch tăng thêm xóm có đảng viên, có chi bộ trên phạm vi tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006- 2010; chỉ đạo xây dựng chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lẩn thứ XVI với nội dung nâng cao chất lương hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010.

 

Trong quá trình chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ. Nội dung chỉ thị nêu rõ yêu cầu, nội dung công tác xây dựng Đảng phải phù hợp với những đặc thù và thực tiễn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người.

 

Tỉnh uỷ ban hành Đề án về phát triển đảng viên và chi bộ ở các xóm đặc biệt khó khăn, xóm biên giới chưa có đảng viên và chi bộ từ năm 2007 đến năng 2010. Thực hiện đề án, các cấp uỷ đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng giác ngộ về đảng cho quần chúng; các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng; xác định nguồn phát triển đảng viên tại các xóm đặc biệt khó khăn, xóm sát biên giới trước hết là trưởng xóm, công an viên, cán bộ phụ nữ, mặt trận, y tế thôn bản, công tác viên dân số, khuyến nông, khuyến lâm...; chỉ đạo lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên ở vùng đồng bào theo đạo, nhằm xây dựng vai trò chính trị trong vùng dân tộc Mông- Dao; thực hiện tăng cường cán bộ, đảng viên xuống xóm để cùng tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, lựa chọn, giúp đỡ quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng…

 

Tỉnh uỷ đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng với Huyện uỷ các huyện biên giới. Thực hiện Quy chế phối hợp, đã có 46 cán bộ biên phòng tăng cường xuống sinh hoạt đảng tạm thời tại 46 xã, thị trấn và xóm biên giới (100%).

 

Sau 04 năm chỉ đạo thực hiện các nội dung trên, đến hết năng 2009, 100% các xóm, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã có đảng viên, hoàn thành mục tiêu tăng xóm có đảng viên mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra trước một năm; Kết thúc nhiệm kỳ 2005- 2010, toàn tỉnh thực hiện tăng thêm 678 xóm có chi bộ, trong đó có 54% là xóm đặc biệt khó khăn, 18% là xóm biên giới, 29% là xóm có trên 50% số dân 1à đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Toàn đảng bộ tỉnh kết nạp được 10.300 đảng viên, trong đó đặc biệt có khoảng 1.200 đảng viên là người dân tộc thiểu số ít người: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, chiếm 12% so với tổng số đảng viên mới được kết nạp.

Những kết quả đó đã góp phần vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương ngày càng được thể hiện rõ hơn, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, chủ quyền biên giới được giữ vững./.

 

Các tin liên quan
Các tin khác
Xem tin theo ngày