Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 3.282
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tổng quan kinh tế năm 2008 và triển vọng năm 2009
Ngày cập nhật 24/02/2009

Năm 2008, kinh tế nước ta vẫn duy trì hướng phát triển ổn định, lạm phát được kiềm chế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả khá. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức vẫn còn nhiều. Dự báo năm 2009, kinh tế nước ta sẽ diễn biến theo xu hướng tăng trưởng chậm hơn năm 2008. Song, một số ngành vẫn phát triển ổn định.

1 - Tổng quan kinh tế năm 2008

Năm 2008, kinh tế nước ta phát triển trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nhiều nền kinh tế lớn đang vật lộn với khủng hoảng tài chính nặng nề. ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhất là đợt rét đậm lịch sử đầu năm, 10 cơn bão kéo theo lũ lụt lịch sử kéo dài từ giữa năm đến cuối năm, trên diện rộng, từ Bắc vào Nam. Mưa lớn gây ngập úng ở thủ đô Hà Nội, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư, kết cấu hạ tầng... Thuận lợi tuy có, nhưng không nhiều: năm thứ 2 gia nhập WTO, nên thị trường xuất khẩu được mở rộng, nguồn lực các năm trước, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2007 chuyển sang khá lớn; thành quả và kinh nghiệm tích lũy trong hơn 20 năm đổi mới...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nên tình hình kinh tế cả nước năm 2008 vẫn phát triển toàn diện và có mức tăng trưởng khá.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,23%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,33% và khu vực dịch vụ tăng 7,2%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 chỉ đạt 2,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó một số nước, nhất là các nền kinh tế đầu tàu, như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Xin-ga-po có mức tăng trưởng âm, kinh tế Trung Quốc cũng chỉ tăng mức 9,4% thì kết quả đạt được của kinh tế Việt Nam như trên là một cố gắng rất đáng ghi nhận.

Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng GDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn dưới 21,9% khu vực công nghiệp và xây dựng tăng dần và chiếm trên 41,7% và khu vực dịch vụ tăng nhẹ, chiếm 38,4%. Nét mới trong năm 2008 là tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao và tốc độ tăng khá ổn định, nhất là dịch vụ vận tải, du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng trong bối cảnh hội nhập WTO.

Do kinh tế tăng trưởng cao nên tình hình tài chính quốc gia lành mạnh. Thu chi ngân sách nhà nước cân đối, bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2008 ước vượt dự toán cả năm và tăng 26,3% so với năm 2007. Các khoản thu có tỷ trọng lớn đều đạt mức khá. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của mưa lũ, giá dầu thế giới sụt giảm nhiều, song các khoản thu chủ yếu như thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thuế công thương, khu vực ngoài quốc doanh vẫn tăng cao.

Tổng chi ngân sách nhà nước cả năm 2008 ước đạt dự toán năm. Bội chi ngân sách cả năm ước đạt khoảng 4,7% GDP. Một số địa phương có khó khăn đã được cấp đủ ngân sách theo dự toán để chủ động nguồn tài chính vào việc xử lý các nhiệm vụ chi trong tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc bảo đảm lương thực cho công tác cứu trợ nhân dân và kinh phí để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ gây ra cũng được chú trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu theo chỉ đạo của Chínhphủ.

Các ngành sản xuất kinh doanh đạt kết quả khá, nhưng vẫn chưa đều, chưa vững:

Nông nghiệp được mùa nhưng chưa vững chắc. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước (trong đó nông nghiệp tăng 5,44%; lâm nghiệp tăng 2%; thủy sản tăng 6,69%).

Sản lượng lúa đông xuân và hè thu năm nay đạt 29,6 triệu tấn, tăng 2,4 triệu tấn so với năm trước. Diện tích gieo trồng lúa mùa ước tính đạt 2.004 nghìn héc-ta, giảm 3,3 nghìn héc-ta so với vụ mùa năm trước chủ yếu do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ làm một số diện tích gieo cấy bị hỏng. Năng suất lúa mùa ước đạt 44,4 tạ/ha, tăng 0,6 tạ, sản lượng đạt gần 8,9 triệu tấn, tăng 2% so với vụ mùa năm 2007.

Sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 38,63 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Nếu tính cả 4,53 triệu tấn ngô, sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 43,16 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với năm 2007 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, lương thực bình quân nhân khẩu năm 2008 đạt491kg, tăng 4,6% so với năm 2007 (469,5 kg) dù dân số đã tăng thêm 1,1 triệu người.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tiêu thụ lúa hàng hóa tồn đọng trong dân đang gặp nhiều khó khăn. Do sản lượng lúa tăng cao so với dự đoán đầu năm, nên mặc dù các ngân hàng và các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân, nhưng lúa hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn đọng với khối lượng lớn, giá lại thấp so với vật tư, phân bón.

Chăn nuôi tăng khá nhưng chưa đều. Đàn gia cầm bắt đầu được khôi phục với số lượng tổng đàn tăng 9,4%. Dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế trên phạm vi cả nước. Đàn lợn tương đối ổn định, đạt 26,7 triệu con, tăng 0,53%. Hiện nay, do giá thịt lợn hơi bán ra có xu hướng giảm và ở mức thấp, trong khi giá thịt thương phẩm vẫn còn ở mức cao, nên sức mua của người tiêu dùng còn hạn chế. Giá thức ăn cho chăn nuôi và con giống vẫn ở mức cao, nên quá trình phục hồi đàn lợn vẫn còn chậm. Số lượng đàn trâu có 2,9 triệu con, giảm 3,3%, đàn bò có 6,34 triệu con, giảm 5,75%, so với thời điểm tháng 8-2007.

Lâm nghiệp vẫn tăng chậm. Tính chung cả đầu năm 2008, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 210 nghìn héc-ta, tăng 6,57% so cùng kỳ năm trước; cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 183,7 triệu cây, bằng 99,5%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.562 nghìn m3, tăng 2,9%; diện tích rừng bị thiệt hại 3.919 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.677 ha.

Tính chung năm 2008, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4.583,7 nghìn tấn, tăng 9,2% so với năm trước; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.499 nghìn tấn, tăng 15,3%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng chậm chủ yếu do giá thu mua cá tra thấp lại biến động liên tục, dẫn đến tình hình tiêu thụ chậm. Mặt khác, một số diện tích nuôi tôm sú bị dịch bệnh gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Vì thế nhiều hộ ngưng nuôi.

Sản lượng thủy sản khai thác tăng 2,9% do giá xăng dầu giảm. Mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 10, nhưng ngư dân đã tích cực bám biển ở nhiều ngư trường Bắc Bộ và Nam Bộ nhờ chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền xăng dầu. Khai thác nội địa cũng đạt khá do thời tiết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tương đối thuận lợi.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng mạnh, nguồn vốn kinh doanh hạn chế do lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 tăng 14,6% so với năm trước, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 4%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6% (dầu mỏ và khí đốt giảm 9,8%).

Trong ba ngành công nghiệp cấp I, công nghiệp khai thác giảm 3,5% chủ yếu do giá dầu thô giảm và sản lượng than khai thác tăng chậm; công nghiệp chế biến tăng 16,5%; sản xuất và phân phối điện, ga, nước tăng 13%. Sản xuất công nghiệp của các khu vực kinh tế năm nay đều tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2007.

Những sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng cao so với năm trước là: xe tải, xe chở khách, máy giặt, sữa bột, tủ lạnh, tủ đá, thủy sản chế biến, ti vi, quần áo người lớn, xà phòng giặt, biến thế điện. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều sản phẩm có tốc độ tăng thấp, thậm chí giảm như: giầy thể thao, nước máy thương phẩm, điện sản xuất, giấy, bìa, xi măng, xe máy, dầu thô khai thác giảm 6,6%, điều hòa nhiệt độ tăng 4,6%, phân hóa học tăng 1%, thép tròn giảm 10,6%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính cả lượng cấp mới và tăng vốn tại các dự án đang hoạt động, nguồn vốn mà các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký năm 2008 ước đạt 64 tỉ USD, trong đó các dự án mới chiếm 60,2 tỉ USD, vốn thực hiện trên 11 tỉ USD.

Công nghiệp và xây dựng là khu vực có những dự án thu hút nhiều vốn cấp mới nhất, khoảng 32,62 tỉ USD, trong đó công nghiệp nặng và dầu khí là những ngành chiếm lượng vốn lớn. Các ngành dịch vụ có lượng vốn đăng ký lớn thứ hai, với khoảng 27,4 tỉ USD.

Nét mới của FDI năm 2008 là có nhiều dự án lớn. Ma-lai-xi-a tiếp tục là đối tác đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với dự án khu liên hợp thép của Tập đoàn Lion tại Ninh Thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trị giá gần 9,8 tỉ USD vừa được khởi công vào giữa tháng 12-2008. Đài Loan và Nhật Bản là những đối tác FDI lớn tiếp theo của Việt Nam với Dự án hóa dầu 4 tỉ USD. Các địa phương thu hút nhiều vốn FDI là Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hạn chế của FDI năm 2008 là, vốn đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp vẫn quá ít. Vốn thực hiện chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 17,2% vốn đăng ký. Tháng 12-2008, đã xuất hiện xu hướng dòng vốn đầu tư mới giảm so với các tháng trước.

Trong khi thu hút vốn FDI đạt kỷ lục, thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đến cuối tháng 12 mới đạt 102,8% kế hoạch cả năm, trong đó vốn trung ương đạt 103% vốn địa phương đạt 93,1% kế hoạch cả năm 2008.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2008 đã có khởi sắc. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đạt khoảng 800 triệu USD, trong đó vốn thực hiện là 400 triệu USD. Quy mô vốn bình quân mỗi dự án là 9,66 triệu USD. Có 24 dự án tập trung vào công nghiệp với số vốn 239 triệu USD, chiếm 46,1% số dự án đầu tư. Tiêu biểu có dự án của Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế Việt- Lào đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện với số vốn 142,09 triệu USD.

Thị trường ít sôi động, giá cả diễn biến phức tạp, sức mua của dân cư giảm mạnh, nhưng xuất khẩu vẫn tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 theo giá thực tế tăng 31% so với năm 2007. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 tăng 6,5%. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm 80,4% tổng số và tăng 31,5%; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,4%, tăng 26,3%; dịch vụ chiếm 5%, tăng 12,9%; du lịch chiếm 1,3%, tăng 41,8%.

Giá tiêu dùng tháng 12-2008 tăng 19,89% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng từ tháng 9 đến tháng 12-2008 tăng chậm lại, một mặt, do giá trên thị trường thế giới của một số hàng hóa nước ta nhập khẩu đã giảm và sản xuất nông nghiệp trong nước được mùa, nhưng yếu tố quan trọng nhất là do những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giá tiêu dùng bình quân năm 2008 so với năm 2007 tăng 22,97%. Các nhóm hàng có CPI tăng cao trong tháng 12-2008 là: ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 31,86%, riêng lương thực tăng 43,25%, thực phẩm tăng 26,53%. Các nhóm hàng khác tăng khoảng 10% và giảm nhẹ trong 3 tháng cuối năm do sức mua xã hội giảm.

Diễn biến của giá vàng, USD cũng phức tạp, vì phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Xuất khẩu khởi sắc nhưng chưa vững chắc. Kim ngạch cả năm đạt khoảng 62,9 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu biến động bất lợi, nhất là thị trường Mỹ và EU, nhưng hoạt động xuất khẩu năm 2008 đạt kết quả như trên là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu đã có xu hướng tăng chậm lại do tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đã bắt đầu từ tháng 11, khi kim ngạch xuất khẩu giảm gần 160 triệu USD so với tháng 10-2008, tháng 12 tiếp tục tăng thấp hơn tháng 11.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2008 đạt 80,4 tỉ USD, tăng 28% so năm 2007. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu năm 2008 của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhập khẩu tăng, trong đó giá một số mặt hàng tăng ở mức cao như: giá phân bón tăng 94,2%; giá xăng dầu tăng 53,5%; giá phôi thép tăng 45,8%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 22,4%; xăng dầu tăng 40,2%; sắt thép tăng 24%; vải tăng 12%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, da các loại tăng 10,4%; phân bón tăng 47% so 2007. Tuy nhiên, xu hướng nhập khẩu giảm dần trong những tháng cuối năm do khủng hoảng kinh tế và thực hiện các biện pháp kiềm chế nhập siêu của Chính phủ.

Nhập siêu hàng hóa năm 2008 ước đạt 17 tỉ USD, bằng 27,7% kim ngạch xuất khẩu. Với mức nhập siêu như trên, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kiểm soát cán cân thương mại theo đúng chỉ tiêu đề ra (nhập siêu cả năm 2008 dưới 20 tỉ USD).

Du lịch tăng chậm. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến lượng khách du lịch đến Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2008 đạt 4,253 triệu lượt người, tăng 0,6% so với năm 2007, trong đó khách đến du lịch đạt 2,63 triệu lượt người, tăng 1%; đến vì công việc: 845 nghìn lượt người, tăng 25,4%; thăm thân nhân: 509 nghìn lượt người, giảm 15,2%, không đạt kế hoạch đón 4,5 triệu lượt khách.

Một số quốc gia tiếp tục có lượng khách đến Việt Nam tăng cao là: Trung Quốc 650,1 nghìn lượt người, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan: 183,1 nghìn lượt người, tăng 14%; Xin-ga-po: 136,9 nghìn lượt người, tăng 9.6%; Ma-lai-xi-a: 154,1 nghìn lượt người, tăng 13,5%. Một số nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta giảm so với cùng kỳ năm 2007 như: Hàn Quốc giảm 3,5%; Nhật Bản giảm 5,9%; Đài Loan giảm 3,1%.

Tóm lại, kinh tế nước ta năm 2008 vẫn duy trì hướng phát triển ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khá. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Công nghiệp, xây dựng tăng chậm, nhập siêu và lạm phát vẫn cao, du lịch không đạt kế hoạch, hậu quả của thiên tai còn rất nặng nề (trong năm 2008, Chính phủ đã chi 20 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội).

2 - Triển vọng kinh tế năm 2009

Năm 2009, nếu kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu, dịch vụ, thu hút vốn FDI, vốn ODA, khách du lịch và sản xuất công nghiệp, xây dựng, thị trường chứng khoán. Trước tình hình đó Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế phù hợp với điều kiện mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn 6,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15%... Các chỉ tiêu này đều thấp so với năm 2008.

Xuất phát từ những kết quả đã đạt được trong năm 2008 và diễn biến khủng hoảng tài chính thế giới như trên, dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ diễn biến theo xu hướng tăng trưởng chậm hơn năm 2008, nhưng một số ngành vẫn ổn định.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng có nhiều triển vọng đạt kết quả khả quan do nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao, trong khi tiềm năng đất đai, lao động, hệ sinh thái cây trồng vật nuôi của nước ta còn rất phong phú. Nông nghiệp Việt Nam lại là ngành đang ít chịu tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu do quy mô sản xuất nhỏ, độ mở của nông nghiệp chưa lớn. Dự báo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp (nghĩa rộng) vẫn đạt trên 5,5% nếu thời tiết thuận lợi, không có thiên tai lớn.

Công nghiệp vẫn tiếp tục tăng chậm do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá cả nguyên liệu đầu vào chưa ổn định. Nhiều sản phẩm xuất khẩu như dệt may, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, máy tính, đồ gỗ... sẽ khó tiêu thụ do sức mua của các nước nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Các chính sách hỗ trợ cả gói của các nước cũng như của Việt Nam vào lĩnh vực công nghiệp bị hạn chế. Dự báo, triển vọng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 chỉ tăng khoảng 14% - 15% so với năm 2008.

Hoạt động xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp mạnh, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa cùng loại của các nước châu á. Thuận lợi về giá sẽ không còn, nền kinh tế thế giới suy thoái sẽ làm cho giá khó có thể tăng trong năm tới. Bản thân các đối tác cũng gặp khó khăn về thanh toán. Trong khi đó, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước. Xu hướng này đã bắtđầu từ tháng 11 và 12-2008 và sẽ kéo dài sang cả năm 2009. Dự báo triển vọng xuất khẩu chỉ tăng khoảng 13% - 13,5%. Du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nên khả năng tăng chậm, kể cả lượng khách trong nước và quốc tế. Thị trường trong nước tăng chậm do sức mua của dân cư giảm sút lớn. Giá cả tăng chậm lại và khả năng chỉ dừng lại một con số do nguy cơ giảm phát vẫn còn. Khả năng thu hút vốn FDI cũng hạn chế và dự báo thấp hơn năm 2008 (cả vốn đăng ký và vốn thực hiện).

Triển vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 6,5% - 6,7%. Triển vọng này là có cơ sở vì mấy lý do sau:

- Nguồn lực trong nước, và nhất là vốn FDI năm 2008, đạt cao và sẽ phát huy tác dụng vào năm 2009. Vốn ODA do các nhà tài trợ vừa ký vẫn đạt 5 tỉ USD, trong đó vốn ODA của Nhật Bản đang được cả hai chính phủ xem xét lại; kiều hối năm 2008 đạt 8 tỉ USD. Đó sẽ là những nguồn lực rất quan trọng hỗ trợ kinh tế. Với nguồn lực đó và vốn trong nước, Chính phủ dự kiến nâng mức hỗ trợ cả gói từ 1 tỉ USD lên 6 tỉ USD để chống suy thoái kinh tế, bằng nguồn vốn trái phiếu trong năm 2009.

- Nông nghiệp không chịu tác động nhiều của suy thoái kinh tế thế giới, ngược lại là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng vẫn có khả năng duy trì mức tăng trưởng trên 14% do giá đầu vào như sắt thép, than, xi-măng, nhiên liệu... giảm, nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ năm 2008 vẫn bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

- Lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất ngân hàng thương mại đã giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

- Do độ mở của kinh tế Việt Nam chưa lớn nên mức độ tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới không nhiều. Theo ông Mắc-tin Ra-ma (Martin Rama), quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, do có sẵn những cải cách về thể chế và cơ cấu từ trước, Việt Nam có điều kiện tốt hơn để đối phó với khủng hoảng. Các gói giải pháp mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm 2008 và cho năm 2009 đã và sẽ phát huy hiệu quả. WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2009 có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%, cao hơn mức dự báo của IMF (5%).

Để biến triển vọng trên đây thành hiện thực, ngay từ đầu năm 2009, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp vĩ mô của Chính phủ, trong đó trọng tâm là: ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Tới đây cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Giải pháp trước mắt là:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn và có chính sách miễn, giảm và giãn tiếnđộ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn.

- Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ, lụt, khôi phục sản xuất nông nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân, ngư dân tiêu thụ sản phẩm đang tồn đọng để khuyến khích phát triển sản xuất.

- Tích cực làm tốt công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; thực hiện tỷ giá linh hoạt hỗtrợ xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng nông sản, từ đó kích thích sản xuất trong nước pháttriển.

- Tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, có kiểm tra và giám sát nhằm bảo đảm đầu tư có hiệu quả.

- Tổ chức tốt hệ thống phân phối, đặc biệt mạng lưới bán lẻ, bảo đảm nguồn hàng tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường giá cả và chất lượng hàng hóa; chống gian lận thương mại, đầu cơ, nâng giá tùy tiện.

- Nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, tiếp tục quan tâm và làm thật tốt công tác an sinh xã hội./.

Nguồn Tạp chí Cộng sản số 2 (170) 2009.

Các tin khác
Xem tin theo ngày