Những kết quả tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ với các tổ chức LHQ và các tổ chức quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 (đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ này), ngoài ra tham gia vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ năm 1997, thành viên Hội đồng chấp hành UNDP/UNFPA (nhiệm kỳ 2000-2002), thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) (1998-2000).
Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước cấm vũ khí hoá học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị (CD) năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn như Hội nghị kiểm điểm NPT 2000, 2005, 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003... Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển LHQ thực hiện thí điểm sáng kiến “Một LHQ”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.
Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Xu-đăng và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Xu-đăng và Xu-đăng); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như: Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021), thành viên Hội đồng thống đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) 2021-2023, Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77 (9-2022-9-2023); các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) (Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2022-2026); Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) 2023-2027; Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025; Ủy ban Pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.
|
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam (Nguồn: UNICEF Việt Nam).
|
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong LHQ kể từ khi chính thức tham gia từ tháng 9-1977. Trong 45 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một quốc gia nhận sự hỗ trợ của LHQ, trở thành một quốc gia có năng lực ngày càng tăng, đóng góp mạnh mẽ vào các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.
Theo Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ, Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Ngày nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới, trong đó phải kể đến vai trò tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam được đánh giá cao nhờ những cam kết kiên định đối với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Đại sứ Dennis Francis, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78. Ảnh: TTXVN.
|
“Với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, LHQ rất hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về việc củng cố quyền con người trên mọi lĩnh vực và hoan nghênh các hành động tiếp theo nhằm bảo đảm cơ chế thông thoáng để Chính phủ lắng nghe tiếng nói của người dân, đồng thời tiếp tục bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", bà Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam khẳng định.
Vừa qua, trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 78 Dennis Francis. Tại đây, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis đánh giá cao quan hệ LHQ - Việt Nam, cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao vai trò tích cực, năng động và vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong đó có việc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ.
Ông Dennis Francis cho rằng, Việt Nam có nhiều thành tựu về đưa người dân thoát nghèo và phát triển đất nước, có thể chia sẻ cho thế giới, cùng thúc đẩy hợp tác thực hiện SDGs, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Chủ tịch Đại hội đồng nhất trí sẽ hợp tác cùng Việt Nam để thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.