Tuy nhiên, từ thời điểm đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, do nhu cầu vàng trong nước luôn ở mức thấp, tốc độ tăng của giá vàng trong nước chậm hơn giá vàng thế giới, do đó, có thời điểm, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới 700 – 800 nghìn đồng/lượng. Hiện tượng này là do chính sách tiền tệ chặt chẽ đã tạo ra sức hấp dẫn trong việc nắm giữ tiền đồng cho người dân, khuyến khích người dân bán vàng lấy tiền gửi tiết kiệm. Do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, đã xuất hiện tình trạng xuất khẩu vàng biến tướng dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ.
Giá vàng diễn biến phức tạp
Từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, từ mức 1.494USD/oz (ngày 1/7) đã lên mức kỷ lục 1.869USD/oz (ngày 19/8). Nguyên nhân của việc giá vàng thế giới tăng cao là do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là việc Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến giá vàng thế giới từ ngày 8-8-2011 tăng mạnh. Cùng với biến động của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đã tăng theo.
Sau khi liên tục tăng giá, ngày 23/8, giá vàng trong nước quay đầu giảm, chốt ngày với giá bán ra cao nhất là 48,7 triệu đồng/lượng, giá bán ra thấp nhất là 48,45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, so với thế giới, giá vàng trong nước vẫn cao hơn khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.
Ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. NHNN theo dõi sát sao biến động giá vàng trong và ngoài nước. Bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước, NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các TCTD có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường. Thời gian qua NHNN đã cấp hạn mức nhập vàng 5 tấn, nhưng thực tế các đơn vị mới chỉ thực nhập gần 3 tấn.
Hiện NHNN đã xây dựng nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc NHNN quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân. Dự kiến, trong tháng 9/2011, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 174/1999/NÐ-CP.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, với các giải pháp của NHNN thời gian qua cũng như thời gian tới có thể khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát để bảo đảm diễn biến của giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Nhiều giải pháp bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ
Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng trong nước, NHNN đã triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường vàng, cụ thể: NHNN đã có công văn số 539/NHNN-QLNH.m ngày 8/'8/2011 và số 565/NHNN-QLNH ngày 26/7/2011 gửi Bộ Tài chính đề nghị quy định giảm hàm lượng vàng thành phẩm chịu thuế suất thuế xuất khẩu 10% nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu biến tướng dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngày 2/8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC, trong đó quy định sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu một số mặt hàng vàng theo đề nghị của NHNN: áp thuế 10% đối với các loại vàng thành phẩm có hàm lượng vàng từ 80% trở lên.
Theo dõi sát diễn biến thị trường vàng thế giới và trong nước để chủ động triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng, ngày 8/8, NHNN đã đăng tải thông điệp: NHNN sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng khi cần thiết để bình ổn thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, làm giá và nhập lậu. Ngày 9/8, để ổn định tâm lý người dân và bình ổn thị trường vàng trong nước, NHNN đã cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đồng thời, yêu cầu các đơn vị này phải khẩn trương bán vàng ra thị trường để tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Sau khi NHNN cho phép nhập khẩu vàng, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, nhu cầu mua vàng giảm mạnh, giá vàng trong nước đã sát với giá thế giới, mặc dù giá vàng thế giới vẫn liên tục diễn biến phức tạp.
Đối với thị trường ngoại hối, trong tuần qua, do giá vàng trong nước tăng mạnh trước biến động của giá vàng thế giới, tỷ giá trên thị trường ngoại hối có dấu hiệu tăng nhẹ. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng, NHNN đã thực hiện một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá, đưa tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường liên ngân hàng về dưới mức trần tỷ giá cho phép, như: điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng, trả lời phỏng vấn báo chí nhằm cung cấp thông tin, ổn định tâm lý thị trường và kịp thời gửi Bộ Công an công văn số 6302/NHNN-QLNH ngày 11/8/2011 đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do.
Đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới
Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là: ổn định tỷ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.
Phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD. Thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% xuất khẩu nay chỉ còn trên 10%. Xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm. Giá trị, vị thế của đồng Việt Nam đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VNĐ và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VNĐ. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến 15/08/2011 tăng khoảng 24%), nhưng phân tích giữa nguồn và sử dụng nguồn của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo. Các phân tích nêu trên cho thấy hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011.