Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện thường xuyên, bằng nhiều việc thiết thực, ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu sắc đối với những người có công với nước. Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống tốt đẹp làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng công tác Đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt, thể hiện ở việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ gia đình và người có công với nước. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là không ngừng nâng cao mức sống của gia đình chính sách, hỗ trợ kịp thời người có công khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Năm nay, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống chính sách đối với người có công tiếp tục được bổ sung, phát triển và phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Đây là điều kiện, là nền tảng quan trọng để các cấp, các ngành triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, qua đó tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ.
Hiện nay, nước ta có gần 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng và 2,4 triệu người khác hưởng chế độ bảo hiểm y tế và chế độ mai táng phí khi từ trần. Trong đó, có khoảng 9.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 20.000 thương binh, bệnh binh nặng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 330.000 thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, 300.000 con thương binh, con liệt sĩ đang học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi năm, cả nước xây dựng, sửa chữa từ 6.000 đến 10.000 nhà tình nghĩa, và trao hơn 300 nghìn căn nhà tặng các gia đình chính sách khó khăn, với trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hằng năm huy động được từ 150 tỷ đồng đến 180 tỷ đồng, được phân bổ và chi tiêu hợp lý. 100% số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng; hơn 20.000 thương binh, bệnh binh sống tại gia đình, hơn 32.000 bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn được các đoàn thể, chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo chu đáo. 85% số xã, phường không có hộ chính sách thuộc diện nghèo, 85% số gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so dân cư cùng địa bàn cư trú.
Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người có công. Cùng các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc suốt đời các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em thương binh, con liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách,... Gần đây, tuổi trẻ cả nước đồng loạt triển khai Đêm thắp nến tri ân Anh hùng, liệt sĩ tại các nghĩa trang đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong dư luận xã hội, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Bên cạnh đó, những nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân người có công đã góp phần quan trọng đưa cuộc sống của họ trở nên đầy đủ và ấm no hơn.
Từ thực tế và kết quả công tác Đền ơn, đáp nghĩa những năm qua, các cơ quan chức năng cần tiếp tục bổ sung, từng bước hoàn thiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với tất cả những người có công trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về công tác Đền ơn đáp nghĩa. Cần động viên, khuyến khích cả cộng đồng tích cực, chủ động và sáng tạo tham gia chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa người có công với nước bằng những việc làm thiết thực. Bên cạnh sự trợ giúp cụ thể, các cấp, các ngành cần động viên, tạo điều kiện để các gia đình chính sách chủ động vượt qua khó khăn, tự chăm lo đời sống của bản thân và gia đình. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, đưa Quỹ trở thành địa chỉ đỏ đối với những tấm lòng biết ơn, hảo tâm của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, kiều bào ta ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, các địa phương, đơn vị cần sử dụng Quỹ hiệu quả, thiết thực và hợp lý.
Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta, mà còn góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.