Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.699.493
Truy câp hiện tại 998
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chuyện người con gái kéo cờ trong ngày 2-9-1945
Ngày cập nhật 03/09/2011
Cột cờ Hà Nội xưa

GS Lê Thi, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam chính là người đã kéo lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Không phải ai cũng biết được rằng, bà đến với sự kiện đó một cách hết sức tình cờ, và chính sự kiện này cũng đưa đến nhiều thay đổi trong cuộc đời bà sau này.

GS Lê Thi vốn là người con gái Hà Nội gốc, sinh ra trong một gia đình nhà giáo, có người cha danh tiếng lừng lẫy: GS Dương Quảng Hàm. Trước đây GS Lê Thi từng học trường Trưng Vương, tức là trường nữ sinh Đồng Khánh. Bà học xong cũng đúng vào lúc nổ ra cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Bà kể lại: “Đầu năm 1945, tôi tham gia hoạt động Cách mạng tiền khởi nghĩa. Sau khi cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công, ngày 2-9 tôi có trách nhiệm vận động thật nhiều chị em ở khu Hoàn Kiếm, nơi gia đình tôi sinh sống, đi mít tinh. Hôm đó tôi vận áo dài trắng, đi giày bata, tay cầm một cái gậy, vừa đi vừa hô “một – hai”... Đến quảng trường Ba Đình, chúng tôi tập trung lại bên dưới lễ đài. Đoàn phụ nữ cứu quốc của quận Hoàn Kiếm tình cờ lại đứng ngay phía trên cùng, bên trên rất nhiều đoàn khác như thanh niên, phụ lão... Khi đó các anh ở trên gọi bảo các chị cho một người lên kéo cờ, đúng lúc tôi đang đứng trên cùng. Lúc đó tôi quá bất ngờ và lo lắng cho nên vẫn đứng im không dám bước lên, vì thế mọi người lại càng giục”.

Bà kể, khi đó run lắm, vừa đi lên vừa lo vì lần đầu tiên được kéo cờ trong một sự kiện trọng đại như thế này mà không hề tập dượt trước. Lên đến nơi, bà gặp một chị nữ du kích người Tày mặc quần áo chàm đã đứng sẵn trên đó, hai chị em cùng kéo cờ. Bà nói với người nữ du kích: “ Chị nâng cờ, để em kéo cờ cho khỏi bị mắc”. Bà thổ lộ, vì trước đấy, hồi học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, bà và các bạn học thường “chơi lỡm” ban giám hiệu Pháp, kéo cờ làm sao để khi lên cao cờ bị xoắn lại. Vì thế khi kéo cờ bà rất căng thẳng, chỉ sợ bị mắc cờ. May mắn làm sao, cả hai người cùng tập trung kéo cờ được theo nhịp Quốc ca, vừa đúng lúc bài Quốc ca kết thúc cũng là khi lá cờ tung bay rực rỡ trên cột cờ. Mãi về sau này, những năm 80, bà mới được biết người phụ nữ kéo cờ cùng mình chính là bà Đàm Thị Loan, phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Lễ kéo cờ đó đã để lại rất nhiều cảm xúc cho GS Lê Thi. Bà kể: “Khi kéo cờ, tôi không dám nhìn ai trên lễ đài, lúc xong rồi lùi lại tôi mới nhìn lại và vô cùng ngỡ ngàng khi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó tôi thầm nghĩ, trời ơi sao Bác lại giản dị thế này, chỉ quần áo vải và đi dép cao su. Khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, bỗng Bác ngừng lại và nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Lúc đó mọi người ở dưới hô vang, rõ, rõ, nhưng tôi thầm nghĩ, trời ơi, sao Bác lại phải hỏi thế nhỉ. Ở trường tôi các vị lớn như thế có bao giờ quan tâm đến việc chúng tôi có nghe rõ không, có hiểu không... Đó là cảm xúc đầu tiên của tôi đối với Bác. Nhất là khi Bác đọc “Chúng ta thà chết chứ không chịu làm nô lệ”. Những lời đó đã đi vào trong tim tôi, và từ đó tôi quyết tâm đi theo Cách mạng, diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Năm 1945, nạn đói hoành hành khắp nơi, bà Lê Thi cùng các phụ nữ cứu quốc trong khu phố của mình cùng nhau đi khắp Hà Nội quyên góp giúp người nghèo, rồi đi dạy chữ cho người nghèo, công nhân, những người không có điều kiện học hành. Bên cạnh đó bà và các bạn bè, đồng chí tham gia tập quân sự, rèn luyện hằng ngày. Khi cuộc kháng chiến cứu quốc nổ ra, bà cùng đồng đội đã tham gia vào Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Bà nói: “Chúng tôi nghĩ như thế cũng đã là làm được nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Thời chiến, bà cùng mọi người lên Vĩnh Yên, Tuyên Quang làm công tác phụ nữ, đi vận động, tuyên truyền. Là người con gái Hà Nội chính gốc, quanh năm chỉ quen quần trắng áo dài, nhưng bà vẫn vận áo nâu quần đen trèo núi lội suối đi làm công tác vận động. Bà hình dung lại: “Ban đầu tôi không thể hình dung ra được mình từ một nữ sinh Hà Nội, lại trở thành một cán bộ cách mạng mà lại làm cách mạng chuyên nghiệp. Vì khi tôi làm công tác vận động, cha tôi là ông Dương Quảng Hàm bảo, sao con cứ lông bông thế, tôi bảo bố cứ yên tâm, con đi làm rồi sau này sẽ về học tiếp Cao đẳng Sư phạm làm cô giáo”.
Sau này, GS Lê Thi vào học trong trường Nguyễn Ái Quốc, trở thành cán bộ lý luận và làm công việc liên quan đến triết học. Bà nói: “Đi học, tiếp thu, có văn hoá, cho nên tự nhiên tôi đi vào cái nghề của triết học”.
Sự kiện kéo cờ ngày 2-9-1945 cũng đã dẫn đến một sự tình cờ khác trong cuộc đời nữ GS. Khi bà lên kéo cờ trên bục, người sau này trở thành phu quân của bà, ông Lê Hồng Hà, cũng chính là một trong những người đứng vác súng bảo vệ dưới chân cột cờ. Tuy nhiên, bà cho biết, không phải ngay lúc đó ông bà đã quen nhau, mà một thời gian mới gặp gỡ, có tình cảm và lấy nhau.
                                                                                                                                                                                                                                               TUYẾT LOAN
Nguồn (Nhân dân điện tử)
Các tin khác
Xem tin theo ngày