Tiềm năng Lăng Cô
Với lợi thế so sánh của tỉnh là ngoài các điểm di tích lịch sử, chùa chiền miếu mạo, danh lam thắng cảnh, vùng sinh thái… để thu hút du khách thì Thừa Thiên Huế còn có một bờ biển dài 128km với nhiều bãi biển đẹp, là cơ hội để đầu tư phát triển du lịch dịch vụ thu hút nhiều du khách đến tắm và nghỉ dưỡng.
Khởi động cho chiến lược phát triển du lịch biển của tỉnh Thừa Thiên Huế là phải kể đến Chương trình số 45/CTr-UBND ngày 27/5/2008 của UBND tỉnh về phát triển du lịch biển và đầm phá đến năm 2012. Theo đó, cùng với các vùng đầm phá và những bãi biển đẹp của tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp và phát triển, vịnh Lăng Cô được xem là mũi đột phá của du lịch biển. Bởi đây là vùng biển gần như nguyên sơ, với bãi tắm phẳng lì, nước xanh ngắt bao la tuyệt đẹp với hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú. Ngoài những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng, vịnh Lăng Cô còn là một bộ phận trên con đường di sản miền Trung từ động Phong Nha, Cố đô Huế đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Bên cạnh đó, khu vực Lăng Cô được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và cảng nước sâu Chân Mây - Lăng Cô nhằm bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện.
Hiện nay, hoạt động du lịch dịch vụ ở Lăng Cô khá nhộn nhịp. Ngoài các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động lâu nay có hiệu quả như Lăng Cô Resort, Nirvana Spa & Resort, Cố Đô, Hương Giang, Thanh Tâm thì còn rất nhiều dự án du lịch lớn khác đang trong quá trình xây dựng như Khu du lịch Laguna Huế, Khu du lịch Bãi Chuối, Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, Khu phức hợp văn phòng, khách sạn Thủ Đức Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng Dream Palace... Điều này đã mở ra cho thị trấn Lăng Cô một tiềm năng du lịch rất lớn, trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn và lý thú.
Nhiều bãi biển đẹp khác đang hứa hẹn mùa bội thu:
Ngoài Lăng Cô, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất nhiều bãi biển đẹp khác, có thể nhắc đến như Thuận An, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Vinh An, Quảng Công, Quảng Ngạn,... đang có nhiều thuận lợi để hấp dẫn đầu tư. Điểm nổi bật của những bãi biển này là bằng phẳng; nước biển xanh thẳm, cát trắng, không có độ xoáy và sâu, không gian bãi biển thoáng đãng và rộng không bị choáng bởi cư dân sinh sống, môi trường rất trong lành không chút ô nhiễm...
Để phát huy tính lợi thế của nó, chính quyền địa phương ở những nơi này đã và đang có kế hoạch và quy hoạch phát triển lâu dài. Hiện nay, nhằm phát huy lợi thế về kinh tế du lịch biển trong điều kiện chưa có các dự án du lịch lớn đến đăng ký đầu tư, các địa phương ở đây cũng đã tạo điều kiện cho người dân hình thành lên các điểm ăn uống giải khát phục vụ du khách. Điều đáng ghi nhận, hầu hết các điểm ăn uống, giải khát và dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi này đang ngày càng ăn nên làm ra vì lượng du khách đến tắm, nghỉ dưỡng luôn đông đúc. Đây là điều kiện tốt để giúp địa phương ven biển phát triển kinh tế, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Bãi biển Thuận An, hàng năm, thu hút một lượng khách trong và ngoài nước rất lớn đến tắm biển và nghỉ ngơi. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây khi tỉnh tổ chức chương trình “Thuận An biển gọi” với nhiều hoạt động lý thú, hấp dẫn, rồi tổ chức lễ cầu ngư, giải bóng đá quốc tế bãi biển... đã giúp cho Thuận An được nhiều người biết đến hơn. Đây chính là điểm thuận lợi giúp cho Thuận An ngày càng phát triển về du lịch và dịch vụ”.
Tiềm năng của các bãi biển đẹp ở Thừa Thiên Huế đang dần được đánh thức. Phát triển du lịch biển là công việc hoàn toàn đúng đắn, bởi tính giá trị nhiều mặt của nó. Với tốc độ triển khai nhiều dự án xây dựng các khu du lịch, resort tại Lăng Cô; nhiều bãi biển đẹp khác trong tỉnh đang xúc tiến mời gọi đầu tư, Thừa Thiên Huế đang hứa hẹn mùa bội thu phát triển kinh tế du lịch biển rất lớn của miền Trung và cả nước.