Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.873.492
Truy câp hiện tại 2.210
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày cập nhật 22/12/2011

Ngày 22/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã họp với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012.

 
 

 

 Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 22, 23/12/2011

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tham dự Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm 2012, nhiệm vụ ưu tiên số một vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phấn đấu đưa lạm phát năm tới xuống còn 9%; kiểm soát được nhập siêu; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế khoảng 6%; đảm bảo an sinh xã hội...

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đại biểu của các Bộ, ngành, địa phương đóng góp tích cực vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, trong đó tập trung mạnh vào những giải pháp thực hiện mục tiêu ưu tiên của năm 2012 là kiểm soát lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức khoảng 6%; các giải pháp cho tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để thực hiện được vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và để hoạt động hiệu quả hơn; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc đánh giá những kết quả đạt được nhằm đúc rút những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong phát triển kinh tế-xã hội, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để khắc phục…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo chung về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội năm 2011. Theo đó, trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, có nhiều yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp chính sách đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ nhất, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng giá đã giảm đáng kể so với đầu năm; thu NSNN tăng cao, vượt mục tiêu đề ra; bội chi giảm đáng kể so với kế hoạch; đầu tư công được tăng cường quản lý, cắt giảm, điều chuyển theo hướng nâng cao hiệu quả; tốc độ tăng xuất khẩu gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ từng bước ổn định; cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm.

Thứ hai, tăng trưởng GDP khoảng 5,9% là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực, tạo điều kiện bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội ở nông thôn và cả nước, tăng xuất khẩu và nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Khu vực dịch vụ tiếp tục có bước phát triển; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng so với năm trước; các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và trong nước.

Thứ ba, chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; nhiều chính sách xã hội được triển khai tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực. Công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường, kịp thời trợ giúp khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Thứ tư, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng được tăng cường, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Những kết quả tích cực trên khẳng định các giải pháp chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, đồng thời đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước những khó khăn, thách thức hiện nay.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cùng thống nhất rằng có được kết quả trên là nhờ nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ.

 

Tuy vậy, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Mặc dù lạm phát đã được kiềm chế theo xu hướng giảm trong 6 tháng cuối năm nhờ thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 nhưng tốc độ tăng giá so với cuối năm 2010 khoảng 18%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%); (2) Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chưa hiệu quả; mặt bằng lãi suất còn cao (huy động 14%, cho vay 18-20%), khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư; hiệu quả đầu tư thấp; còn một số vấn đề xã hội bức xúc như tai nạn, ùn tắc giao thông, các tệ nạn, tội phạm hình sự nghiêm trọng.

Các đại biểu cũng chung nhận định, tình hình kinh tế thế giới trong năm 2012 dự báo còn diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi chậm và bất ổn định (nguy cơ bất ổn vĩ mô và khủng hoảng nợ công còn trầm trọng; giá dầu thô, lương thực, thực phẩm vẫn bất ổn định; mâu thuẫn, xung đột lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp diễn ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới; qua đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta). Trong khi đó, năm 2012 là năm bản lề trong việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.

Với tinh thần đó, trong phiên thảo luận ngày đầu tiên này, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, với một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6-6,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP; bội chi NSNN phấn đấu dưới 4,8% GDP./.

Nguồn "ĐCSVN"
Các tin khác
Xem tin theo ngày