Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.876.324
Truy câp hiện tại 655
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
“Vào Đảng để làm gì?”
Ngày cập nhật 09/09/2011

Chân thành và xúc động, đó là những tâm sự được bộc bạch của 7 văn nghệ sĩ vừa học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại cuộc gặp gỡ do báo Văn nghệ TP. HCM tổ chức vào những ngày cuối tháng 6 năm 2011 tại Hội trường Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.

Họ là những văn nghệ sĩ hoạt động ở các lĩnh vực văn học, điện ảnh, hóa trang, hoặc "có 1/4 dòng máu nghệ sĩ trong mình", đang làm việc ở bộ phận văn phòng, người trẻ nhất là Ngọc Tâm (biên kịch), Bùi Đình Lâm Thao (Trưởng phòng Hành chính - Trị sự), người cao tuổi nhất là Nhật Minh (đạo diễn, nhà thơ, nhạc sĩ) cùng với Mạc Can, nghệ sĩ xiếc hài ảo thuật, một "nhà văn trẻ ", một nhà báo "không thẻ ", sinh năm 1945, Phan Hoài Đức - Chủ nhiệm phim, chị Hoài An - diễn viên, chị Hằng Nga - Chuyên viên hóa trang...

Buổi gặp gỡ rất thú vị và hết sức xúc động. Trước tiên xin hãy lắng nghe nghệ sĩ Mạc Can nói: Lâu nay tôi bơ vơ. Bơ vơ ở đây là bơ vơ về tinh thần. Vì tôi có gia đình rồi, có mái ấm rồi, nhưng chỗ dựa tinh thần thì từ bé tới giờ tôi chưa có. Cả ông - cả cha - cả tôi - đều rong rêu lang bạt với nghề xiếc hài ảo thuật, cơm thì có ăn nhưng tinh thần thì tự động viên, lẽ sống tự vạch ra, nên khi được sự động viên của đại diện Chi bộ đảng Hội Điện ảnh TP.HCM bảo tôi nên vào Đảng và sau đó là câu nói của một người bạn đồng nghiệp làm việc tại Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM: - "Mạc Can "bụi đời” ơi mình lớn rồi, cũng nên tìm bến đậu đi...", tôi đồng ý ngay. Tôi không bất ngờ trước quyết định của mình, vì trong suy nghĩ của tôi từ lâu là phải có cái gì đó để tôi tin tưởng dựa vào đó như một lẽ sống chứ hổng lẽ lông bông hoài như vầy sao?
Thật tình thì tới tuổi này học cũng khó, cũng chậm, nhưng tôi hứa sẽ cố gắng bằng anh bằng em. Với nghề xiếc hài ảo thuật của mình, tôi có suy nghĩ, sẽ mang tư tưởng của Đảng và Bác Hồ truyền cho các em thiếu nhi qua những màn diễn của mình. Tôi sẽ lồng ghép như thế nào đó để các em hiểu về lý tưởng của Đảng, của Bác...

Diễn viên Hoài An, người có rất nhiều vai bà mẹ trong các phim Việt, vừa đoạt giải "Diễn viên phụ của HTV Awards", được báo chí viết: - Với vẻ mặt phúc hậu, Hoài An vào vai các bà mẹ ngọt đến nỗi nhiều người quên mất tuổi thật của chị. Đó là những bà mẹ Việt Nam luôn tảo tần hy sinh vì chồng con, không suy tính thiệt hơn trong các phim Ngã rẽ cuộc đời, Gọi giấc mơ về, Hai mảnh đời, Lửa đáy hồ, Tường Vi cánh mỏng... Những bà mẹ qua nhân dáng Hoài An luôn để lại cho khán giả những tình cảm sâu sắc (Thanh Phúc - Báo Phụ Nữ TP.HCM).

Trước câu hỏi "Động cơ để chị tham gia lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng?", diễn viên Hoài An đã tâm sự: - Tôi tham gia lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng trước hết vì muốn noi theo truyền thống gia đình, ba mẹ đều là đảng viên, riêng ba tôi có hơn 60 năm tuổi Đảng... Bản thân khi trưởng thành cũng nhận thức được rằng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân ngày nay được nâng cao, được ấm no, hạnh phúc là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và của Bác Hồ kính yêu. Tôi được bình yên, tự do theo đuổi nghề nghiệp của mình, làm được những gì mình hằng ước mong, ấp ủ... Tôi đang được sống trong một xã hội công bằng, bình đẳng, chan chứa tình người. Từ ý nghĩ đó, tôi muốn được đứng vào hàng ngũ của những người tiên phong để có thể cống hiến sức mình dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Ngoài ra, với nghề nghiệp của mình, qua khóa học này, tôi muốn được bồi dưỡng thêm kiến thức để hiểu rõ hơn đường lối chính sách của Đảng đối với văn nghệ sĩ nói riêng và nền văn học - nghệ thuật nước nhà nói chung để có thể giải thích, hướng dẫn rõ ràng hơn, đúng đắn hơn cho các đồng nghiệp, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực cống hiến hết sức mình cho sự phát triển chung của đất nước.

Còn nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn Nhật Minh thì giải thích:
- Khi biết tôi tham gia vào lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, một người bạn nói: "Mày đang nghĩ gì thế Minh?". Tôi nghĩ, đó là việc làm khiến tôi tâm đắc và rất hồn nhiên, không gượng ép chút nào cả. Trong thâm tâm, tôi cũng không cố "tìm" từ tổ chức đảng "một cái gì đó". Tôi giống như cái bánh ngon, đẹp nhưng không có nhân". Có "nhân" sẽ khiến tôi có giá trị hơn và nếu có "nhân ngon" thì giá trị của tôi càng tăng. Trong trường hợp này, “nhân” chính là mái nhà Xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thêm nữa, qua quá trình học tập, tôi thấy Bác đúng là vĩ nhân của thế giới. Tôi ngưỡng mộ lối sống đời thường, sự sâu sắc và rất mực tài giỏi của Bác. Đó cũng chính là "hương sắc" mà mọi người đều nhìn thấy.

Riêng anh Phan Hoài Đức, chủ nhiệm phim, người hai lần được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phân trần:
- Khi tôi còn công tác ở Đài Truyền hình, tôi cứ nghĩ một người yêu nước, một công dân tốt... như thế là đủ. Vậy thì có lý do gì phải vào Đảng? Cho nên khi tham gia lớp học cảm tình Đảng, tôi không quan tâm lắm và tự thấy mình không có động cơ tích cực. Nhưng khi kết thúc làm việc ở Đài và hoạt động cá nhân, tôi mới thấy rằng những quan niệm trước đây là không chính xác.
Năm nay tôi 58 tuổi, trong vòng 2 năm nữa, tôi sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Tôi tự hỏi không biết mình có còn cơ hội nào để phấn đấu vào Đảng nữa hay không? Vậy không ngờ tôi được động viên tham gia vào lớp học nhận thức về Đảng lần thứ 2. Giờ đây có thể nói kiến thức về Đảng của tôi đã nâng lên rất khá. Tôi thực sự mong muốn cống hiến hết sức mình trong quãng thời gian còn lại.

Chuyên viên hóa trang Hằng Nga trao đổi:
- Tôi được nhà văn - biên kịch Ngô Hoàng Giang giới thiệu học lớp nhận thức về Đảng. Thật ra thì tôi là “con nhà nòi", từ nhỏ sinh hoạt Đội, Đoàn và mơ ước trở thành đảng viên nhưng không có điều kiện. Bây giờ có điều kiện, nên tôi cố gắng học để hiểu được đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ tốt cho nghề nghiệp của mình.

Người "kiệm lời" nhất trong buổi trò chuyện này là anh Bùi Đình Lâm Thao, người có 1/4 dòng máu nghệ sĩ, là cháu của nhà thơ Quang Dũng, hiện đang là Trưởng phòng hành chính - Trị sự của Tuần báo Văn Nghệ, phát biểu:
- Tôi nghĩ mọi người đã nói hết rồi (cười) cho nên chỉ xin được nói ngắn gọn: Tôi vào Đảng với mục đích phục vụ cho lý tưởng của mình.

Sau phần tâm sự vì sao, động cơ tham gia lớp học nhận thức về Đảng, mọi người lại sang một vấn đề khác, đó là: Nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo - thường rất tự do, ít khi chịu "quản lý hoặc thuộc về một tổ chức nào đó... Vậy, liệu các đồng chí có thấy mình bị "ràng buộc” nếu sắp tới được kết nạp vào Đảng? Và trên thực tế hiện nay có những đảng viên thoái hóa, biến chất, có những hành động lệch lạc, "phi Đảng", khiến nhiều anh em văn nghệ sĩ e dè, thậm chí mất lòng tin vào Đảng. Trước những hiện tượng đó, các đồng chí có suy nghĩ như thế nào?

Diễn viên Hoài An cho rằng:
- Thật ra làm nghệ sĩ tuy được tự do phát triển nghề nghiệp nhưng cũng phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, và những qui định tối thiểu đối với ngành nghề của mình, vì vậy tôi không hề e dè, lo ngại về chuyện bị ràng buộc, mà trái lại còn ước mong được đứng chung hàng ngũ với những người có cùng chí hướng để có thể yên tâm phục vụ cộng đồng một cách đúng đắn nhất, lâu bền nhất... Và tôi tin những trường hợp này (những đảng viên thoái hóa, biến chất, có những hành động lệch lạc, "phi Đảng")... chỉ là cá biệt. Xã hội này vẫn còn đó nhiều lắm những đảng viên chân chính, luôn hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, đem lại cuộc sống sung túc, cơm no áo ấm cho người dân... Để tránh khỏi những "hành động lệch lạc" thì trước hết chúng ta phải củng cố lòng tin vào Đảng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của mình và phải thường xuyên trau dồi nghề nghiệp, phấn đấu không ngừng vì mục tiêu đề ra, phát huy và nhân rộng những tấm gương đạo đức cách mạng để luôn vững vàng, kiên định trước những cám dỗ luôn rình rập quanh mình.

Nghệ sĩ Mạc Can phát biểu:
- Nói tới "ràng buộc" là nói tới "tự do", nghệ sĩ - những người làm công tác sáng tạo - thường rất tự do, nhưng tự do là tự do thế nào? Tự do làm sao? Tự do cũng phải trong khuôn khổ luật pháp nhà nước cho phép chớ đâu phải muốn làm gì thì làm...

Còn nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn Nhật Minh quả quyết:
- Tôi không thấy ràng buộc gì hết. Như đã nói, việc tham gia lớp học là rất "hồn nhiên", với mong muốn bản thân có ý thức mạnh mẽ và rõ ràng hơn về lý tưởng của người cộng sản.
Tôi nghĩ, đảng viên bê bối chỉ là trường hợp cá biệt và đó không phải là bản chất của Đảng. Vậy nên, điều quan trọng là mình phải tự rèn luyện hàng ngày, tránh sai lầm, tránh đi vào vết xe đổ của người khác.

Và tâm sự của Ngọc Tâm, nhà biên kịch trẻ cùng với những giọt nước mắt của chị đã khiến buổi trò chuyện có những khoảng lặng xúc động. Chị kể:
- Khi các đồng chí đại diện Chi bộ Hội Điện ảnh TP.HCM hỏi tôi có muốn vào Đảng không, do đã bị hụt hẫng một lần nên tôi rất bất ngờ, ngạc nhiên, nhưng sau đó là niềm sung sướng òa vỡ. Đêm đó về nhà tôi khóc trong hạnh phúc, tôi cứ nghĩ là mãi mãi không được cho vào Đảng mặc dù niềm hy vọng lúc nào cũng âm ỉ cháy trong lòng. Vì năm 16 tuổi tôi được gia đình cho vào quân đội, tham gia lực lượng vũ trang của xã, rồi huyện, sau đó là thành phố. 19 tuổi tôi dự định thi vào trường quân đội thì gia đình tôi khuyên can đừng nên thi, bởi lý lịch ba tôi là lính thổi kèn của ngụy quyền, gốc gác không thuần Việt, ba tôi là người Việt gốc Hoa, còn mẹ là người Hoa gốc Khmer, biết có được chấp thuận hay không. Lúc đó tôi khóc rất nhiều và buồn lắm, vì trong ba năm ở lực lượng vũ trang tôi đã được học, được dạy dỗ thấm nhuần lý tưởng của người thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lúc đó tôi cứ nghĩ, thế là chấm hết tất cả. Cả nhà tôi lúc đó cũng buồn theo tôi, mà ba tôi là người tội nghiệp nhất, người buồn nhiều nhất, vì ông cho rằng, ông chính là nguyên nhân của sự việc này.
Không được vào quân đội, tôi chọn con đường nghệ thuật, là diễn viên, rồi chuyển sang sáng tác kịch bản phim. Năm 2006 tôi là một trong năm tác giả được giải kịch bản ngắn xuất sắc của Thành phố. Cuối năm đó lại được giải Cánh Diều Bạc tại Liên hoan Phim ngắn toàn quốc với kịch bản "Đôi dép chuối".
Sau đó tôi cộng tác với Hãng phim Giải phóng, làm phim 90 phút về đề tài Bác Hồ với đồng bào dân tộc Khmer.
Hôm đem hồ sơ xin vào Đảng về khoe với ba tôi, ông mừng chảy nước mắt và nói, lâu nay ông mãi bị dày vò, bứt rứt bởi lý lịch của cha mà con không được vào Đảng. Hôm nay, con được giới thiệu vào Đảng mà cứ tưởng như mình được vào Đảng. Tôi tâm nguyện rằng, nếu được kết nạp vào Đảng, tôi sẽ định hướng cho con cái mình tiếp tục con đường mình đã chọn, là sống có chí hướng, có bản lĩnh, phải biết phấn đấu cho mục đích, bất kỳ ở vị trí nào, ở lĩnh vực nào, bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, đều phải phát huy vai trò của mình. Truyền được cho thế hệ trẻ tin và theo lý tưởng của Đảng. Nhất là biết tin, có niềm tin và giữ niềm tin, như tôi vậy.
Bàn tới vấn đề thực tế hiện nay có những đảng viên thoái hóa, biến chất, có những hành động lệch lạc, "phi Đảng", khiến nhiều anh em văn nghệ sĩ e dè, thậm chí mất lòng tin vào Đảng", tôi nghĩ "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi", chúng ta không nên “Bảy xôi nhồi một chõ". Còn đó rất nhiều đảng viên tốt, biết hy sinh, làm việc, phục vụ cho nhân dân, cho lý tưởng...

Khoảng lặng xúc động từ những giọt nước mắt chân tình của Ngọc Tâm được nhân lên khi nhạc sĩ Phan Lai Triều mắt cũng ngân ngấn nước nhắc lại trường hợp một đồng chí rất thân của mình, sống rất tốt, biết hy sinh cho lý tưởng và nhân dân, quyết định kết nạp Đảng đến cùng lúc với tin anh hy sinh ở chiến trường !!!

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ TP.HCM mắt cũng đỏ hoe, xúc động nói:
- Tôi vào Đảng được hơn 40 năm, vậy mà hôm nay trong không khí này, trước những tâm sự của các đồng chí là cảm tình đảng, tôi thấy lòng mình tràn đầy cảm xúc như ngày được kết nạp vào Đảng.

Kết thúc buổi trò chuyện, giao lưu, bắt tay nhau tạm biệt, ai cũng cảm nhận điều này:
- Đây là một buổi gặp gỡ thú vị, chân tình và xúc động, bởi vì qua đây cho thấy còn rất nhiều tấm lòng nhiệt huyết, tin tưởng mà quần chúng dành cho Đảng. Nguyện vọng mong muốn được vào Đảng trong nhân dân, bất chấp tuổi tác, nghề nghiệp, vị thế trong xã hội còn nhiều. Một cá nhân muốn gắn mình với tổ chức đảng, coi Đảng là chỗ dựa vững chắc cho tinh thần của mình, thì tổ chức đảng chắc chắn phải có trách nhiệm quản lý, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ là phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Sẽ bảo vệ, phát huy, giữ những đảng viên tài đức, năng động, sáng tạo. Những đảng viên đã thoái hóa, biến chất chắc chắn sẽ bị phê phán, xử lý, loại ra khỏi Đảng.

                                                                                                                                                                                                                   Nguồn: Báo Văn nghệ TP. HCM
Nguồn (Tạp chí xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày