Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.874.538
Truy câp hiện tại 48
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2011
Ngày cập nhật 03/12/2011

Phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 cho giáo viên dạy tiếng dân tộc; Không được phân chia tài sản thuộc sở hữu chung của trường tư thục; Nới lỏng thời gian thỉnh giảng của giáo viên, giảng viên; Miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm 50% thuế GTGT đến hết 2012; Các khối lớp 5, 9 và 11 phải đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập; Lập không quá 1 VPĐD xúc tiến thương mại tại mỗi địa phương; Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; Rút ngắn thời gian khai báo kiểm dịch động vật lưu thông trong nước... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2011.

Phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 cho giáo viên dạy tiếng dân tộc

Ngày 03/11/2011, Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 15/07/2011 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên phải đảm bảo: Là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời ở Việt Nam, được cộng đồng dân tộc thiểu số sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác nhận hoặc được UBND cấp tỉnh phê chuẩn.

Trên cơ sở nguyện vọng, nhu cầu của người dân tộc thiểu số, điều kiện tổ chức dạy học ở địa phương, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Giáo viên (không phân biệt biên chế hay hợp đồng, kiêm nhiệm) dạy tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 04 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 02 tiết/tuần trở lên đối với Hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định.

Đối với người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, vở viết phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2011.

Không được phân chia tài sản thuộc sở hữu chung của trường tư thục

Ngày 10/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009; một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định là các sửa đổi, bổ sung quy định về sở hữu chung hợp nhất.

Theo đó, sở hữu chung hợp nhất là sở hữu số tài sản hợp nhất của các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập trường và số tài sản tăng thêm trong quá trình hoạt động của trường. Tài sản chung hợp nhất của nhà trường bao gồm tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

Định kỳ hàng năm, các tài sản của trường phải được kiểm kê, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Trường đại học tư thục được áp dụng chế độ khấu hao nhanh các tài sản cố định để thu hồi vốn nhưng không vượt quá mức trích khấu hao tối đa theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

Vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia không được rút ra khỏi nguồn vốn hoạt động của trường đại học tư thục, được chia thành cổ phần để tính cổ tức như các nguồn vốn cổ phần khác. Cổ tức thu được dùng để bổ sung vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia, tăng thêm vốn tích lũy của trường đại học tư thục và sử dụng cho đầu tư phát triển.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2011.

Nới lỏng thời gian thỉnh giảng của giáo viên, giảng viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 ban hành Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo đến để giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học; giảng dạy các chuyên đề; hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục và tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.

Nếu như trước đây, thời gian thỉnh giảng trong một năm học tại các cơ sở giáo dục đại học của một nhà giáo, nhà khoa học đang làm việc ở cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức quy định, nhưng không vượt quá 40% số giờ chuẩn định mức giảng dạy trong một năm học của chức danh giảng viên tương ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đủ để dạy một môn học. Thì với việc ban hành Thông tư này, tổng số giờ thỉnh giảng trong một năm học của một nhà giáo thỉnh giảng không còn bị giới hạn trong 40% số giờ chuẩn nữa; tuy nhiên, tổng thời gian thỉnh giảng vẫn không được vượt quá tổng định mức giờ giảng dạy và giờ dạy thêm theo quy định của pháp luật đối với nhà giáo trong biên chế, nhà giáo cơ hữu thực hiện cùng nhiệm vụ.

Về điều kiện giáo viên tham gia thỉnh giảng các môn học, các chuyên đề được quy định trong chương trình để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Giáo dục; giáo viên thỉnh giảng là giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục mầm non hoặc cơ sở giáo dục phổ thông thì phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên của cấp học mà nhà giáo đó thỉnh giảng.

Đối với việc giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên thỉnh giảng phải đạt trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2011 và thay thế cho Quyết định số 54/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/09/2008 ban hành Quy định về chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm 50% thuế GTGT đến hết 2012

Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 01/08/2011 đến hết ngày 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế TNCN.

Đây là một trong những hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định số 101/2011/NĐ-CP ngày 04/11/2011 thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.

Cũng theo Nghị định của Chính phủ, từ 01/08/2011 đến hết 31/12/2012, miễn thuế TNCN đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trừ cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng; giảm 50% thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán cá nhân.

Giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ và hộ, cá nhân cung ứng suất ăn trưa cho công nhân.

Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ cũng có hướng dẫn giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 của doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2011.

Các khối lớp 5, 9 và 11 phải đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 51/2011/TT-BGDĐT ngày 03/11/2011 quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Mục đích đánh giá định kỳ quốc gia nhằm xem xét mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh theo chương trình hiện hành và các nhân tố tác động đến kết quả học tập của học sinh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lâu dài về đánh giá kết quả học tập của học sinh để tiến hành cập nhập và phân tích xu thế thay đổi trong học tập của học sinh, từ đó xem xét hiệu quả thực hiện các thể chế và xây dựng những chính sách mới nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông.

Việc đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện trên quy mô toàn quốc; chu kỳ đánh giá định kỳ quốc gia được thực hiện từ 03 đến 05 năm một lần.

Các đánh giá định kỳ quốc gia sẽ được thực hiện ở các khối lớp 5, 9 và 11; trong đó, đối với khối lớp 5 gồm môn Toán và môn Tiếng Việt, đối với các khối lớp 9 và 11 gồm môn Toán và môn Ngữ văn. Trong mỗi lần đánh giá có thể thêm một số môn học khác tùy theo mục đích cụ thể của lần đánh giá đó và sẽ được thông báo trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học thuộc chu kỳ đánh giá…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/12/2011; các quy định trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ.

Lập không quá 1 Văn phòng đại diện xúc tiến thương mại tại mỗi địa phương

Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được thành lập không quá 01 văn phòng đại diện của mình trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và không được thành lập văn phòng đại diện trực thuộc văn phòng đại diện.

Đây là những nội dung được quy định tại Nghị định 100/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/10/2011 về thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được xét cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi đáp ứng 02 điều kiện: Là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài và có điều lệ, tôn chỉ mục đích hoạt động của Văn phòng đại diện phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Văn phòng đại diện được thực hiện chức năng văn phòng liên lạc; các hoạt động nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại; hỗ trợ các doanh nghiệp của nước ngoài tiếp cận và hoạt động tại thị trường Việt Nam; nghiên cứu và cung cấp các thông tin kinh tế, thương mại, thị trường cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài… Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011; văn phòng đại diện đã được thành lập trước ngày 15/12/2011 vẫn được tiếp tục hoạt động và phải làm thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập theo quy định tại Nghị định này trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 27/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Nghị định này, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng, an toàn thực phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại và pháp luật liên quan.

Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương, Bộ Công Thương có trách nhiệm lập và công khai danh sách các tổ chức, cá nhân này trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ban quản ký chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011.

Rút ngắn thời gian khai báo kiểm dịch động vật lưu thông trong nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2011/NĐ-CP ngày 26/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về nông nghiệp, trong đó đáng chú ý có các sửa đổi, bổ sung về kiểm dịch động vật.

Cụ thể, Nghị định quy định: Trước khi vận chuyển, lưu thông trong nước động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục động vật, sản phẩm thuộc diện phải kiểm dịch, chủ hàng phải khai báo kiểm dịch và gửi 01 bộ hồ sơ kiểm dịch theo quy định đến cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Việc khai báo kiểm dịch được thực hiện trước ít nhất 02 ngày làm việc (quy định cũ là 05 ngày) nếu động vật đã được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định và còn miễn dịch; trước ít nhất từ 15 - 30 ngày làm việc nếu động vật chưa được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định hoặc không còn miễn dịch.

Đối với sản phẩm động vật, khai báo trước ít nhất 02 ngày làm việc thay vì 03 ngày như quy định trước đây nếu sản phẩm động vật đã được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y hoặc gửi qua đường bưu điện; 07 ngày làm việc (quy định cũ là 10 ngày) nếu sản phẩm động vật chưa được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc (quy định cũ là 02 ngày), kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xác nhận khai báo kiểm dịch và thông báo địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch. Trong thời gian 01 ngày làm việc, kể từ khi động vật, sản phẩm động vật được tập trung tại nơi quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành kiểm dịch…

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011.

Thêm hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015.

Một trong những điểm nổi bật tại Quyết định này là việc Thủ tướng đồng ý hỗ trợ giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập để được trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Đối với giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng tại Quyết định này còn có nhiều chính sách hỗ trợ đối với trẻ em; cụ thể, trẻ em mẫu giáo 05 tuổi được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010; trẻ em mẫu giáo dân tộc ít người được hưởng chính sách ưu đãi tại Quyết định 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 và đặc biệt trẻ em mẫu giáo 03, 04 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, người bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng theo thời gian học thực tế nhưng không quá 09 tháng/năm để duy trì bữa ăn trưa tại trường.

Thủ tướng giao UBND các địa phương bảo đảm quy hoạch diện tích đất và áp dụng các phương thức giao đất, cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất để phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011 và thay thế Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002; những chính sách hiện hành về giáo dục mầm non trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Cấm thanh tra viên thanh tra đơn vị có người thân làm lãnh đạo, quản lý

Thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra không được tham gia hoặc phải từ chối tham gia Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra độc lập trong trường hợp vợ (hoặc chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình, của vợ (hoặc của chồng) là đối tượng thanh tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm đối với thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra được quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra. Nghị định cũng có các quy định cụ thể về 03 ngạch thanh tra là: Thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp; chức trách, nhiệm vụ, năng lực, yêu cầu về trình độ và thâm niên công tác đối với các ngạch thanh tra này.

Công chức được xem xét, bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra trong 02 trường hợp: Công chức giữ các ngạch chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên cao cấp và tương đương đang công tác trong các cơ quan thanh tra nhà nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyển sang các ngạch thanh tra tương ứng; Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011 và thay thế Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007.

Phạt đến 20 triệu đồng hành vi đưa, nhận hối lộ trong khám, chữa bệnh

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh; khung hình phạt tối đa đối với các vi phạm hành chính này được tăng lên mức 40 triệu đồng, thay cho mức 30 triệu đồng quy định trước đây.

Đáng chú ý là Nghị định bổ sung thêm mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt là từ 2 đến 5 triệu đồng áp dụng với hành vi lạm dụng nghề nghiệp để quấy rối tình dục người bệnh; trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo hoặc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng.

Các hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để hành nghề; cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề chịu mức phạt lên đến 20 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Mang thai hộ; sinh sản vô tính; hành vi cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011; bãi bỏ các Điều từ 25 đến 32 của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc bị phạt đến 40 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2011/NĐ-CP ngày 18/10/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực này là 40 triệu đồng.

Cụ thể, mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với các hành vi tẩy xóa hoặc sửa chữa các nội dung về hạn sử dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tính năng, công dụng trên nhãn thuốc so với hồ sơ đã được phê duyệt; cơ sở bán buôn thực hiện hành vi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc không đúng đối tượng sử dụng hoặc cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc theo quy định.

Đáng chú ý, đây cũng là mức phạt dành cho các thông tin quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đó là thuốc.

Ngoài ra, các cơ sở, doanh nghiệp bán thuốc thực hiện một trong các hành vi như: Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá các mặt hàng thuốc đang bày bán hoặc niêm yết không đúng quy định, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, không thông báo cho khách hàng giá thuốc đã kê khai thì bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu.

Hành vi thay đổi bao bì hoặc nhãn thuốc mà không được Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì hoặc nhãn thuốc có nội dung và hình thức không như hồ sơ đã được phê duyệt bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2011; bãi bỏ các Điều từ 19 đến 24 và các Điều từ 32 đến 44 của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/04/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Bổ sung thủ tục thay đổi người trợ giúp pháp lý

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Bộ; trong đó, đáng chú ý là thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý so với quy định trước đây tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/09/2008 hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

Cụ thể, trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và có đủ căn cứ thì người được trợ giúp pháp lý phải gửi đơn (nêu rõ lý do, căn cứ đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý) và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến yêu cầu thay đổi hoặc trực tiếp đến tổ chức trợ giúp pháp lý nơi thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý để trình bày yêu cầu của mình.

Trường hợp phải thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý thì trong thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý hợp lệ, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh ra quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý và cử người đủ tiêu chuẩn để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có chất lượng.

Hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 cũng được quy định chi tiết bao gồm: Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật; Bản sao Bằng cử nhân luật; Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.

Thời gian cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh Trung tâm tư vấn pháp luật được giảm xuống còn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ thay vì 07 ngày như quy định trước đây; trong trường hợp từ chối cấp đăng ký, Sơ Tư pháp phải thông báo lý do bằng văn bản cho người làm đơn.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/12/2011.

Nghiêm cấm 7 hành vi của tổ chức tín dụng khi bị thu hồi giấy phép

Ngày 28/10/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 34/2011/TT-NHNN hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Theo Thông tư này, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thông qua Quyết định thu hồi Giấy phép, yêu cầu chấm dứt hoạt động, nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm hoặc chuyển các khoản nợ này thành nợ có bảo đảm; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản; ký kết hợp đồng mới và chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

Quyết định thu hồi Giấy phép phải được gửi đến TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện, NHNN chi nhánh, UBND, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hiệp hội ngân hàng và Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành, NHNN có trách nhiệm đăng trên website NHNN và 03 số liên tiếp trên 01 tờ báo giấy có số phát hàng hàng ngày trên toàn quốc về việc thu hồi giấy phép này; niêm yết Quyết định thu hồi tại trụ sở chính và trụ sở chi nhánh của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện.

Cũng tại Thông tư, thời hạn thanh lý tài sản của TCTC, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện là 12 tháng kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực. Việc thanh lý tài sản chỉ kết thúc khi thuộc 01 trong các trường hợp: Đã thanh toán hết các khoản nợ; được TCTD khác mua lại và chấp thuận thanh toán hết các khoản nợ; không có khả năng thanh toán đủ nợ hoặc hết thời hạnh thanh lý theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2011 và thay thế Quyết định số 45/1999/QĐ-NHNN5 ngày 05/02/1999; các khoản 40, 41, 71, 72 và 73 Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05/06/2007.

Giáo viên mầm non làm việc 42 tuần/năm

Ngày 25/10/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc với giáo viên mầm non.

Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó: 35 tuần làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; 04 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau: Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có); các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành. Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 06 giờ/ngày; đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/12/2011; bãi bỏ các quy định trước đây về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non trái với quy định tại Thông tư này.

Áp thuế xuất khẩu mới cho cao su từ 3-5%

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 145/2011/TT-BTC ngày 24/10/2011 quy định nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu mới đối một số mặt hàng cao su thuộc nhóm 4001, 4002, 4005 trong Biểu thuế xuất khẩu từ 3 đến 5% thay cho mức từ 0 đến 3% như quy định trước đây.

Cụ thể, cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két, nhựa cây cúc cao su, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa tự nhiên tương tự; cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải có mức thuế xuất khẩu chung là 3%.

Mức thuế xuất khẩu được nâng từ 3% lên 5% áp dụng đối với cao su tổng hợp và các chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ của nhóm 4001 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải.

Mức thuế xuất khẩu mới này sẽ được áp dụng kể từ ngày 08/12/2011.

Quy định về an toàn hoạt động bay

Ngày 24/10/2011, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2011/TT-BGTVT quy định về an toàn hoạt động bay.

Thông tư quy định về việc quản lý an toàn hoạt động bay, các biện pháp ngăn ngừa và tăng cường an toàn, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý an toàn hoạt động bay tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn hoạt động bay có trách nhiệm thiết lập và duy trì thực hiện hệ thống quản lý an toàn bay dưới sự hướng dẫn, giám sát của Cục Hàng không Việt Nam phù hợp với Thông tư này và các quy định hướng dẫn của ICAO.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/12/2011.

Cấp áp dụng phương pháp cai nghiện chưa được cấp phép

Ngày 18/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Tại Nghị định số 147/2003/NĐ-CP chỉ quy định 03 hành vi bị nghiêm cấm là: Tổ chức cơ sở cai nghiện trái pháp luật; Cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy vào các mục đích khác; Xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tài sản của người đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Với việc ban hành Nghị định mới, Chính phủ đã bổ sung thêm 04 hành vi bị nghiêm cấm: Cấm cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện áp dụng các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc để điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy khi chưa được Bộ Y tế cấp phép; Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép; Quảng cáo không đúng hoặc quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện; Sử dụng đất đai của cơ sở cai nghiện sai mục đích.

Ngoài ra, quy định mới cũng phân định rõ ràng về điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở cai nghiện và người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện. Cụ thể, người đứng đầu cơ sở cai nghiện phải là người đã có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và đã được tập huấn về công tác cai nghiện ma túy. Người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện là bác sĩ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 36 tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên…

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/12/2011; các cơ sở được cấp phép trước ngày 02/12/2011 thì chậm nhất sau một năm phải bổ sung hoàn thiện theo quy định của Nghị định này.

Từ chối khám, chữa bệnh cho trẻ em bị phạt tối đa 10 triệu đồng

Ngày 17/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo Nghị định này, các hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu; thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 06 tuổi trái với quy định của pháp luật có thể bị phạt đến 10 triệu đồng.

Đây cũng là mức phạt đối với cha mẹ bỏ rơi con sau khi sinh; cha, mẹ hoặc người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em nơi công cộng hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em.

Cũng trong Thông tư này, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với 01 trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

Đối với nhóm hành vi sản xuất, lưu hành, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, phát tán, quảng cáo đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em; viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, phát tán, quảng cáo sản phẩm có tính chất khiêu dâm trẻ em, mức phạt cũng lên đến 20 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 02/12/2011.

Giảm 50% giá dịch vụ cho các hãng hàng không mới

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2604/QĐ-BTC ngày 31/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Biểu giá, khung giá một số dịch vụ hàng không ban hành kèm theo Quyết định số 426/QĐ-BTC ngày 25/02/2010 của Bộ Tài chính.

Quyết định mới đề ra chính sách ưu đãi về giá dịch vụ áp dụng cho các hãng hàng không Việt Nam lần đầu tiên tham gia khai thác thị trường vận chuyển hàng không; hãng hàng không lần đầu tiên mở đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam và hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam vào giờ thấp điểm.

Mức ưu đãi cao nhất có thể giảm đến 50% mức giá quy định được áp dụng cho các cảng hàng không của Việt Nam. Các cảng hàng không này được chia thành hai nhóm: nhóm A bao gồm các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Cần Thơ, Liên Khương; các cảng hàng không còn lại thuộc nhóm B.

Giá phục vụ khách đi chuyến bay quốc tế tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có mức cao nhất là 18 USD/hành khách, tiếp đến là 16 USD/khách tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cần Thơ và nhà ga mới của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng dự kiến hoạt động cuối năm nay.

Khung giá dịch vụ cung ứng, tra nạp xăng dầu hàng không cho các chuyến bay nội địa cao nhất là 930.000 đồng/tấn và thấp nhất chỉ bằng 50% mức tối đa. Mức giá tối đa trên được xác định dựa trên giá xăng máy bay nhập khẩu Jet A-1 của ngày giao hàng tại tàu là 145 USD/thùng và tỷ giá là 20.895 đồng/USD.

Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011.

Phạt đến 30 triệu đồng doanh nghiệp không đóng BHYT cho lao động

Ngày 17/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều mức phạt nặng khi cá nhân, doanh nghiệp trốn đóng BHYT.

Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức không đóng bảo hiểm cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng khi vi phạm đến 10 lao động; mức phạt từ 1 đến 5 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 đến 50 lao động… và mức phạt tối đa có thể lên đến 30 triệu đồng khi doanh nghiệp, tổ chức không đóng bảo hiểm cho từ 1.001 lao động trở lên.

Doanh nghiệp, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định; buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng tham gia BHYT đã phải tự chi trả; buộc nộp số tiền chưa đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

Đối với hành vi đóng bảo hiểm y tế không đủ số người có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng khi vi phạm không đóng BHYT đối với mỗi người lao động.

Trong công tác tổ chức khám, chữa bệnh, giám định BHYT, nếu lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 24 triệu đồng; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng bị phạt từ 300.000 đồng đến 40 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011.

Nhà nước nắm trên 50% vốn của doanh nghiệp viễn thông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 55/2011/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 ban hành Danh mục các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần trên 50% vốn điều lệ, hoặc có phần vốn góp trên 50% vốn điều lệ.

Theo Quyết định này, có 05 doanh nghiệp thuộc Danh mục trên gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel), Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel), Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom).

Căn cứ tình hình cụ thể từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các doanh nghiệp thuộc Danh mục nêu trên.

Quyết định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2011.

Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp được phát hành trái phiếu

Khi phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình, dự án, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của chương trình, dự án là 01 trong các nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011.

Trái phiếu doanh nghiệp bao gồm 03 loại hình là: Trái phiếu không chuyển đổi; trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn từ 01 năm trở lên; mệnh giá tối thiểu của trái phiếu vẫn giống như quy định trước đây là 100.000 đồng và các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng.

Về điều kiện phát hành đối với loại trái phiếu không chuyển đổi, doanh nghiệp phát hành phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động; kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu phải có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán; đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại pháp luật chuyên ngành và có phương án phát hành trái phiếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.

Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp phát hành còn phải thuộc đối tượng được phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền; đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành và các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 06 tháng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2011 và thay thế Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/05/2006 và nội dung phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường vốn quốc tế quy định tại Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 04/06/2009; những quy định tại các văn bản khác trước đây về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Bổ sung hành hóa dễ cháy, nổ vào danh mục hàng hóa dễ bị hư hỏng

Ngày 10/10/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 139/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

Trong đó, Thông tư bổ sung các loại hàng hoá dễ cháy, nổ (xăng, dầu, ga, khí hoá lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác) vào danh mục các hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng. Các loại hàng hoá dễ cháy, nổ này, chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Cũng trong Thông tư này, còn có các bổ sung về quản lý, sử dụng các chi phí thực tế cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc cơ quan của người ra quyết định tịch thu.

Cụ thể, căn cứ vào nội dung chi, mức chi và thực tế xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tỷ lệ % chi phí khoán cho Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và cơ quan của người ra quyết định tịch thu trên giá trị của tài sản, hàng hoá bán được.

Mức khoán không vượt quá mức phí bán đấu giá do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và được áp dụng chung cho tất cả các cuộc bán đấu giá. Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, cơ quan của người ra quyết định tịch thu được chủ động sử dụng chi phí được khoán để chi cho các nội dung theo quy định tại Thông tư 137/2010/TT-BTC và không vượt quá mức khoán quy định…

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011.

Hướng dẫn tài chính chương trình quốc gia an toàn, vệ sinh lao động

Ngày 14/10/2011, Liên bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 140/2011/TTLT-BTC-LĐTBXH hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình theo Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015.

Nguồn vốn của Chương trình được hình thành từ ngân sách Nhà nước; Cụ thể, ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện nhiệm vụ được giao; hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương, trong đó ưu tiên các tỉnh trọng điểm cần giải quyết các vấn đề về an toàn, vệ sinh lao động. Ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép với chương trình, hoạt động khác có liên quan trên địa bàn để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

Nguồn vốn của Chương trình còn được hình thành từ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế theo các chương trình, dự án; nguồn kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia Chương trình và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Cũng trong Thông tư này còn có quy định cụ thể về 17 nội dung và mức chi của Chương trình…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011 và áp dụng từ niên độ ngân sách 2011.

Nguồn www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày