Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 255
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ TỪ BÀI HỌC VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG CỦA CMT8-1945
Bài 2: Động lực phát triển trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 09/09/2024

Thực tế cho thấy, những thành quả đạt được từ trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong suốt thời gian qua đã chứng minh cho khát vọng lớn hơn của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam đó là khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Vận dụng phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển, khát vọng này được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khơi dậy, phát huy ý chí tự cường và khát vọng phát triển của toàn dân tộc trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, tạo nên những dấu ấn nổi bật, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta cũng xác định rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước(4).

Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể tự hào Thừa Thiên Huế đang trên đà phát triển với nhưng ưu thế và tiềm năng mới, nhất là trong điều kiện đang dồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh để triển khai thực hiện việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là thời cơ cho Thừa Thiên Huế bứt phá, vươn lên trong tình hình mới, là biểu hiện rõ nét ý chí của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế. Thời cơ này không phải tự nhiên tự đến mà chính thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế bao gồm cả những ưu điểm và hạn chế đã tích lũy đủ về lượng, từ đó đòi hỏi phải phát triển, phải đổi mới để dẫn đến sự thay đổi về chất. Nếu trong Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã xây dựng, phát triển lực lượng, góp phần tạo thời cơ, chuẩn bị đón thời cơ và quyết tâm đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến, thì ngày nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám để hiện thực hóa khát vọng: “đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. "(5) .

Trong khuôn khổ bài viết này, trên cơ sở kế thừa và phát huy ý chí tự lực tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, với bản lĩnh và nhãn quan chính trị đúng đắn, để thực hiện mục tiêu trên Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế cần quan tâm và tiếp tục làm tốt một số định hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường giáo dục, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp công tác chính trị tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, những tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn đọng và nảy sinh nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân. Trước mắt cần tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa 09 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chuyên đề năm 2024 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 bao gồm: (1) Tăng tốc, tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án;  (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế (3); Nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; (4) Triển khai thực hiện có hiệu quả 4 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng, phát huy vị thế 4 trung tâm: Văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; (5) Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; (6) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu; (7) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; (8) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; (9) Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.(6)

Thứ hai, không ngừng xây dựng động lực phát triển quê hương Thừa Thiên Huế từ sức mạnh niềm tin, tình yêu quê hương, đất nước của nhân dân. Động lực này cần được bồi đắp dựa trên các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa các chủ thể với nhau trong cộng đồng, trong xã hội và được nâng tầm và kết tinh, đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quê hương lên trên hết vì mục tiêu phát triển quê hương Thừa Thiên Huế từ ý chí tự lực, tự cường. Muốn vậy cần tạo môi trường cho niềm tin hình thành và phát triển thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách thực sự đúng đắn và phù hợp trên cơ sở tôn trọng lợi ích, nguyện vọng của nhân dân bởi nhân dân chính là chủ thể tạo lập niềm tin trong xã hội; lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi căn bản trên cơ sở xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của của nhân dân làm mẫu số chung trong quá trình phát triển. Từ đó, phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân Huế về ý thức tôn trọng pháp luật, niềm tin sâu sắc vào truyền thống lịch sử, sự tự hào về văn hóa dân tộc. Đồng thời phải gắn việc xây dựng, rèn luyện đạo đức, văn hóa con người Huế với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện theo hướng trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách thông qua việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên,... và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, khát vọng của mỗi người dân Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tiếp tục quán triệt sâu hơn và tích cực tổ chức thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch và Chương trình hành động của các cấp ủy Đảng liên quan đến giáo dục đào tạo; xem phát triển giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực và phối hợp chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các ngành, các cấp. Nâng cao chất lượng tham mưu đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo; tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục, khắc phục thật sự bệnh chạy theo thành tích của ngành giáo dục và của xã hội trong lĩnh vực giáo dục; tăng đầu tư ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực để phát triển quy mô giáo dục, nhất là hệ thống ngoài công lập; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; củng cố, mở rộng hệ thống đào tạo nghề; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tích cực đổi mới quản lý giáo dục - đào tạo...

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ vấn đề xây dựng, phát huy sức mạnh niềm tin với việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Có niềm tin mới có đoàn kết, niềm tin và tinh thần đoàn kết không chỉ cho phép tăng thêm sức mạnh nội lực trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng của Thừa Thiên Huế mà còn đảm bảo cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng sau này. “Nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, đồng thời giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, thực sự đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển đất nước”(7) theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời phải luôn nhất quán quan điểm: kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xem nội lực là yếu tố có tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững, biến ngoại lực thành nội lực. Không ngừng phát huy sức mạnh tự lực, tự cường của cả hệ thống chính trị thông qua nhiệm vụ đổi mới về kinh tế gắn với đổi mới chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc trên cơ sở xây dựng, củng cố và phát triển thế trận lòng dân; đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường sức mạnh tổng hợp, tạo ra thế và lực từ nội tại của tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp.

-----------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(4) Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(5) Trích Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(6) Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

(7) Nguyễn Phú Trọng: “Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện thật tốt các nghị quyết của hội nghị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị thật tốt đại hội đại biểu đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1024 (tháng 10-2023), tr. 11 – 12

(8) Trích từ phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế về phát triển kinh tế-xã hội và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/9/2021,

 

Ban Tuyên giáo ĐUK
Các tin khác
Xem tin theo ngày