Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 2.852
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Về những điều đảng viên không được làm
Ngày cập nhật 01/02/2009

Xin giới thiệu toàn văn Hướng dẫn số 12-HD/KTTW về thực hiện Quy định số 115-QĐ/TW, ngày 07-12-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về những điều đảng viên không được làm

HƯỚNG DẪN SỐ 12-HD/KTTW VỀ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH SỐ 115-QĐ/TW, NGÀY 7-12-2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM


Quy định số 115-QĐ/TW, ngày 07-12-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về những điều đảng viên không được làm chỉ quy định 19 điều liên quan trực tiếp đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang được xã hội, nhân dân quan tâm, lo lắng, mong muốn mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh, gương mẫu thực hiện. Đảng viên không những phải gương mẫu thực hiện các quy định của Nhà nước về những điều không được làm đối với công dân, cán bộ, công chức, mà còn phải thực hiện nghiêm túc Quy định này.
    Trong 19 điều đảng viên không được làm, có một số việc pháp luật không cấm công dân làm, nhưng nếu đảng viên làm sẽ làm giảm, thậm chí làm mất tính tiên phong, gương mẫu, vai trò lãnh đạo đối với quần chúng. Thực hiện nghiêm chỉnh 19 điều đảng viên không được làm là góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để hiểu và áp dụng thống nhất Quy định số 115-QĐ/TW, ngày 7-l2-2007 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số nội dung như sau:
I- NỘI DUNG HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM
Điều 1. Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm.
Đảng viên không được lợi dụng dân chủ để phát ngôn những quan điểm, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí trong nước, ngoài nước có nội dung trái với quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Không làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm, những việc pháp luật cho phép nhưng ảnh hưởng đến uy tín, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên.
Điều 2. Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đảng viên không được:
- Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép, những việc chưa được phép công bố dưới bất cứ hình thức nào:
+ Bí mật của Đảng, Nhà nước nêu tại điểm này bao gồm: Hồ sơ, tài liệu, phim ảnh, băng hình, ghi âm, đĩa mềm, ổ cứng… được quy định là tài liệu mật có đóng dấu “MẬT”, “TUYỆT MẬT”, “TỐI MẬT”; hoặc quy định chỉ lưu hành nội bộ; kể cả bản sao chép, sao chụp hoặc trích các loại tài liệu đó. Danh mục bí mật nhà nước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
+ Những việc chưa được phép công bố bao gồm: Những tài liệu, dữ liệu thuộc về chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước còn đang nghiên cứu, soạn thảo hoặc đã soạn thảo xong nhưng chưa được phép lưu hành, công bố hay sử dụng. Các tài liệu cá nhân, sổ tay công tác có nội dung thông tin không được phép công bố.
- Viết, in sao, tàng trữ, sử dụng, tuyên truyền, tán phát tài liệu: bài viết, bài nói, sách tự in, tờ rơi, truyền đơn, áp phích, tin nhắn, băng, đĩa mềm, ổ cứng; thông tin qua điện thoại, đưa lên internet và các hình thức thông tin khác có nội dung trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dưới bất cứ hình thức nào.
- Có hành động tổ chức, khuyến khích, lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc tổ chức, cá nhân làm những việc trên.
Điều 3. Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn, thư tố cáo nặc danh, mạo danh; viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo. Gửi, tán phát đơn, thư khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.
Đảng viên không được:
- Tố cáo mang tính bịa đặt: dựng sự việc không có để tố cáo; tố cáo xuyên tạc sự thật, quy chụp thiếu căn cứ, viết đơn tố cáo có lời lẽ xúc phạm đối với đối tượng bị tố cáo.
- Viết đơn thư tố cáo nặc danh (không ghi tên), mạo danh (ghi tên người khác hoặc tên người không có thật); cung cấp thông tin, tài liệu để người khác lợi dụng vào việc khiếu nại, tố cáo; tham gia hoặc vận động người khác viết, ký tên tập thể (từ 2 người trở lên) vào đơn thư tố cáo.
- Đề xuất, chủ trì hoặc tham gia vạch kế hoạch, tập hợp, phân công lực lượng; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép tổ chức, cá nhân tố cáo, khiếu nại dưới bất cứ hình thức nào.
- Để lộ nội dung tố cáo, địa chỉ, tên người tố cáo, người bị tố cáo, nội dung thông báo giải quyết tố cáo của tổ chức đảng có thẩm quyền cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm giải quyết hoặc không phải là đối tượng được thông báo kết quả giải quyết tố cáo.
Điều 4. Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết. Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe dọa, trù dập người tố cáo, phê bình, góp ý trái với ý kiến mình.
Đảng viên không được:
- Chủ trì, tham gia tổ chức, vận động, lôi kéo, xúi giục, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất phe cánh, họ tộc, địa phương nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp của Nhà nước.
- Lợi dụng tự phê bình và phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ; lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình phẩm, đánh giá tùy tiện (đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép), đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với người khác.
- Cản trở, dìm bỏ, từ chối xem xét, giải quyết hoặc giải quyết trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với đơn thư tố cáo, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết.
Điều 5. Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, viết, phát hành hồi ký không lành mạnh, không đúng sự thật, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Đảng viên không được:
- Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
- Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, viết, phát hành hồi ký có tính chất:
+ Kích động chống Đảng, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
+ Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo và nhân dân các nước.
+ Truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy; xuyên tạc lịch sử, phản ánh không đúng sự thật về các tổ chức, cá nhân; phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng.
+ Tiết lộ bí mật về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế-xã hội, đối ngoại và những bí mật khác theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
+ Xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân.
Điều 6. Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật. Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đảng viên không được:
- Tham gia các hội không thuộc các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội có tính chất xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chủ trì tổ chức, tham gia hoặc ủng hộ, vận động, xúi giục, ép buộc người khác tham gia các hội trái quy định của pháp luật.
- Khởi xướng mục đích, nội dung, hình thức; chủ trì, chuẩn bị kế hoạch, phân công, tập hợp lực lượng, tham gia bàn bạc, tuyên truyền, vận động, kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép, hoặc có những việc làm khác phục vụ cho việc mít tinh, biểu tình trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; mít tinh, biểu tình không đúng với nội dung, hình thức, địa điểm đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Điều 7. Không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức đảng; đảng viên tự ứng cử, cấp ủy viên tự ứng cử hoặc tự nhận đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội khi chưa được các tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu.
Đảng viên không được:
- Từ chối nhận nhiệm vụ, đặt điều kiện vì lợi ích cá nhân với tổ chức đảng có thẩm quyền khi được phân công, điều động công tác.
- Tự ứng cử hoặc là cấp ủy viên không được cấp ủy giới thiệu, tự nhận đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép.
- Lợi dụng vị trí công tác của mình để làm trái quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền về việc lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử.
Điều 8. Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.
Đảng viên không được:
- Quan liêu: xa rời thực tế, không giao nhiệm vụ cho cấp dưới hoặc giao nhiệm vụ không rõ ràng; không kiểm tra, giám sát hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc cấp dưới thực hiện; không áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.
- Thiếu trách nhiệm: thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao không đầy đủ, không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, quy phạm và thời gian theo quy định của Đảng và Nhà nước; trốn tránh, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả nơi mình phụ trách.
- Bao che (che chở, che giấu tội lỗi, khuyết điểm); báo cáo sai sự thật để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, mất đoàn kết kéo dài, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.
Điều 9. Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc: quản lý nhà, đất, quỹ, thuế; kinh doanh chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các hoạt động giám định; quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy phép; cấp, sử dụng, chứng thực, xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giao, nhận dự án; giao đất; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, kỷ luật cán bộ, công chức và người lao động; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được giao thực hiện công vụ và có quyền hạn nhất định trong thực hiện công vụ, không được:
- Làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong những việc nêu trên.
- Bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân do mình trực tiếp phụ trách làm sai quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Tự mình hoặc để tổ chức, cá nhân do mình trực tiếp phụ trách đặt ra các thủ tục, quy định trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 10. Can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được bổ  nhiệm, đi học, đi nước ngoài trái quy định của pháp luật. Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
Đảng viên không được:
Can thiệp, tác động: lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn; lợi dụng người có chức vụ quyền hạn; quan hệ tình cảm hoặc dùng vật chất tác động đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đi học, đi nước ngoài trái quy định về đối tượng, chế độ, tiêu chuẩn; gây áp lực, đe dọa, khống chế, lôi kéo tổ chức, cá nhân bao che, dung túng, giảm tội cho người khác.
Điều 11. Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cố ý để người thân lợi dụng vị trí công tác của mình trục lợi.
Đảng viên không được:
- Chủ trì, tham mưu, thẩm định, đề xuất, tham gia ban hành hoặc tổ chức thực hiện các quyết định của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trái với quan điểm, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên, xâm hại đến lợi ích quốc gia hoặc quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
- Trực tiếp tạo điều kiện (gọi điện thoại, thư tay, giới thiệu, tổ chức gặp gỡ và những hình thức khác) hoặc không có biện pháp ngăn chặn để người thân (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, người trong gia đình, bạn bè) lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi (nhận dự án, hợp đồng, giải quyết về tài chính, tài sản, cấp giấy phép, xét duyệt thầu hoặc những lợi ích kinh tế, chính trị khác).
Điều 12. Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái với quy định của pháp luật. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định của pháp luật.
Đảng viên không được nhận các lợi ích vật chất, tinh thần trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạo đức xã hội:
- Nhận hối lộ, đưa hối lộ; tiếp tay, bao che việc đưa, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
- Nhận làm các thủ tục hành chính nhằm đòi hỏi, ép buộc tổ chức, cá nhân phải nộp những khoản chi phí trái quy định của pháp luật.
- Môi giới trong lĩnh vực công việc được giao phụ trách hoặc trực tiếp giải quyết để hưởng thù lao dưới mọi hình thức.
- Nhận hoặc quyết định chi hoa hồng giao dịch, môi giới trái quy định của pháp luật.
Điều 13. Kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật, trốn, trì hoãn nộp thuế; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; tham gia hoạt động rửa tiền.
Đảng viên không được:
- Kê khai không đầy đủ tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về số lượng, chủng loại, giá trị, đặc điểm và biến động của tài sản, thu nhập:
+ Kê khai tài sản, thu nhập là việc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ghi rõ các loại tài sản, thu nhập phải kê khai theo mẫu ban hành kèm theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
+ Biến động về tài sản phải kê khai là sự tăng, giảm tài sản, thu nhập phải kê khai so với lần kê khai gần nhất.
- Trốn, lậu thuế: không nộp thuế; làm sổ sách, hóa đơn, chứng từ, báo cáo sai sự thật, hạch toán không đúng che giấu thu nhập, lợi nhuận để giảm thuế; trì hoãn nộp thuế mà không có lý do chính đáng.
- Tham gia hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức (rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có) qua các hoạt động cụ thể sau:
+ Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có.
+ Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tài sản do phạm tội mà có.
+ Đầu tư vào dự án, công trình, góp vốn vào doanh nghiệp hoặc tìm cách che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất sự thật hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có:
Điều 14. Dùng công quỹ xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá định mức và sử dụng trái quy định của pháp luật.
Công quỹ ở điều này và Điều 15 được hiểu là tiền từ ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, quỹ, vốn của tổ chức kinh tế tập thể.
Điều 15. Dùng công quỹ để tiếp khách, tặng quà trái quy định của pháp luật hoặc để xây dựng các công trình vui chơi giải trí cho một số ít người. Cho thuê, cho mượn tài sản của Nhà nước được giao quản lý, sử dụng trái quy định của pháp luật.
Đảng viên không được:
Dùng công quỹ để tiếp khách, thưởng, biếu, tặng, cho trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Dùng công quỹ để xây dựng các công trình vui chơi, giải trí không vì mục đích phục vụ phong trào rèn luyện thân thể, hưởng thụ văn hóa của toàn cơ quan, đơn vị.
Cho thuê, cho mượn tài sản của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã được giao quản lý, sử dụng trái quy định của pháp luật.
Điều 16. Tự mình hoặc để người trong gia đình đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đảng viên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc của người khác (là cán bộ lãnh đạo, quản lý của tổ chức đảng, nhà nước, kinh tế, chính trị, xã hội,... người có quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết về tài chính, tài sản, cấp giấy phép, xét duyệt dự án, về công tác cán bộ,...) để bản thân hoặc người trong gia đình (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước và ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước, hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 17. Tổ chức, tham gia đánh bạc, số đề, cá cược, cho vay trái quy định của pháp luật sử dụng, các chất ma túy; uống rượu, bia đến mức bê tha, mất tư cách và các tệ nạn xã hội khác.
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đảng viên không được:
- Tổ chức hoặc tham gia đánh bạc, cá cược trái quy định của pháp luật; tổ chức, tham gia lô, đề dưới mọi hình thức.
- Tham gia các hụi, họ, cho vay nặng lãi.
- Sử dụng các chất ma túy dưới mọi hình thức (trừ các loại là dược phẩm mà bác sĩ cho phép sử dụng để điều trị bệnh).
- Uống rượu, bia tới mức bê tha, mất tư cách (gây tai nạn giao thông, mất trật tự công cộng, phát ngôn bừa bãi hoặc có hành vi thiếu văn hoá khác).
- Mua, bán, in sao, tàng trữ, tán phát, sử dụng ấn phẩm, băng, đĩa, phim, ảnh lậu hoặc có nội dung đồi trụy, không lành mạnh.
- Tự mình hay để gia đình hoặc tổ chức do mình trực tiếp quản lý tổ chức hoặc tham gia các dịch vụ có chứa chấp các tệ nạn xã hội.
- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các điều kỷ luật:
+ Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và từng lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp là chuẩn mực xử sự phù hợp với đặc thù của từng nghề bảo đảm sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong việc hành nghề.
+ Các điều kỷ luật, điều lệnh của lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, tổ chức chính trị-xã hội.
- Có hành vi bạo lực trong gia đình về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế: ngược đãi, hành hạ, đánh đập, lăng mạ, cô lập, xua đuổi, ngăn cản thực hiện nghĩa vụ, cưỡng ép, chiếm đoạt, tạo tình trạng phụ thuộc đối với ông, bà, cha, mẹ, vợ (chồng con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình (kể cả vợ, chồng) và các thành viên khác của gia đình đã ly hôn). Có hành vi xúi giục, gây bạo lực, cản trở việc ngăn chặn bạo lực gia đình hoặc bao che không xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
- Đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng.
- Thực hiện sai Quy định số 127-QĐ/TW, ngày 3-11-2004 của Ban Bí thư (khóa IX) "Về việc đảng viên có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, đảng viên có con quan hệ hôn nhân với người nước ngoài và kết nạp những người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài vào Đảng".
Điều 18. Mê tín, hoạt động mê tín (hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói; lập đền, miếu trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp).
Đảng viên không được ngăn cản tự do tín ngưỡng, đồng thời không được tham gia, thực hiện:
- Xem số, xem bói, xóc thẻ, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan khác.
- Hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói; ủng hộ hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
- Lợi dụng tín ngưỡng để lừa bịp, xuyên tạc, vu khống, tung tin thất thiệt, làm tổn hại đến tinh thần, vật chất, tính mạng của người khác, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Chủ trì, tham gia hoặc vận động cá nhân, tổ chúc xây dựng đền, chùa, nhà thờ, miếu thờ, điện thờ... khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Sản xuất, mua, bán, in, sao, tàng trữ, tán phát và sử dụng ấn phẩm, băng, đĩa, phim ảnh không được phép lưu hành.
Điều 19. Tổ chức việc cưới, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, chuyển công tác nhằm vụ lợi.
Đảng viên phải gương mẫu chấp hành và vận động, giáo dục gia đình, nhân dân chấp hành những quy định về nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làng, bản văn hoá ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình đồng thời chịu sự giám sát của tổ chức đảng có thẩm quyền và của nhân dân. Khi được mừng, biếu, tặng, cho (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác) vượt quá chế độ, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà không thể từ chối thì báo cáo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của tổ chức có thẩm quyền, không được vụ lợi (vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng).
II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
l- Cấp uỷ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt Quy định của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh và trong báo cáo định kỳ gửi cấp uỷ cấp trên, ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên phải có nội dung về tình hình thực hiện Quy định này.
2- Các tổ chức đảng và đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện, đấu tranh, phê bình với những biểu hiện sai trái, vi phạm và báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền; căn cứ nội dung của Quy định để kiểm điểm trong sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, cấp uỷ nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc giáo dục, quản lý đảng viên, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện vi phạm, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch, lành mạnh.
3- Đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm là vi phạm kỷ luật Đảng. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận; vi phạm đến mức phải xử lý thì xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc xem xét đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm căn cứ theo những quy định của pháp luật (gồm Hiến pháp, các bộ luật, đạo luật và các văn bản dưới luật); những quy định của Đảng, điều lệ, quy định của các đoàn thể chính trị - xã hội.
4- Việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm căn cứ Điều lệ Đảng, nguyên tắc và hình thức xử lý kỷ luật theo Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
5- Các thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các vụ phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm theo dõi việc chấp hành Quy định của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
6- Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 48-HD/KTTW, ngày 12-4-2002 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và được phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo để Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
 
                                                                                           T/M ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
                                                                                                           Chủ nhiệm
                                                                                                 Nguyễn Văn Chi (Đã ký)

Các tin khác
Xem tin theo ngày