Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 963
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2012):
Những nhà báo hóa thân cho Tổ quốc
Ngày cập nhật 20/06/2012

Có được một dòng tin, một tấm ảnh, một đoạn phim chiến sự, đòi hỏi các nhà báo phải xung trận như người lính. Họ đối mặt với kẻ thù và đối mặt với đói rét, bệnh tật. Có người hy sinh khi đang tác nghiệp. Có người hy sinh khi trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Có người hy sinh vì thú dữ. Có người hy sinh vì sốt rét ác tính. Có người hy sinh khi đang vận chuyển máy móc, điện đài, lương thực… Có một căn hầm bị trúng bom, cả 5 nhà báo đã hy sinh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng nghìn nhà báo đã lên đường chiến đấu bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay phim… và bằng cả súng. Nhiều nhà báo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù.
Chúng ta, không ai là không biết đến các nhà văn, nhà thơ Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Hồng Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… Nhưng các anh, các chị còn là nhà báo và đã hy sinh trong tư thế nhà báo - chiến sĩ.
Nhà báo - liệt sĩ Trương Thị Mai - người con gái nơi đất mũi Cà Mau, năm 1960, từ một vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia, Sáu Mai được giao nhiệm vụ đưa qua ngả Hồng Kông 52 con liệt sĩ ra Hà Nội để đào tạo cán bộ phục vụ yêu cầu lâu dài. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Sáu Mai được qua Liên Xô học tại trường Đại học Thông tấn xã Liên Xô. Về nước, chị được phân công làm công tác báo chí và tham gia huấn luyện phóng viên mới cho chiến trường miền Nam. Chiến dịch Mậu Thân 1968, nhà báo Sáu Mai vượt Trường Sơn vào Trung ương cục miền Nam và được phân công về làm cán bộ Thông tấn xã Giải phóng Khu 8. Ngoài nhiệm vụ phụ trách công tác phóng viên, với tư thế hợp pháp, nhà báo Sáu Mai còn được giao nhiều công vụ đặc biệt. Vào tháng 4-1972,  trên đường từ vùng giải phóng ra tới sân bay Tân Thành của Bến Tre, Sáu Mai bị địch phục kích bắt. Chị bị địch tra tấn dã man, sau đó giải qua Ty cảnh sát Định Tường để khai thác tin cơ mật. Không thu được gì, địch đem chị về sào huyệt Quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ để tiếp tục khai thác. Trước bao đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù, nữ nhà báo một mực không khai và chị đã  bị địch thủ tiêu mất xác.
Nhà báo - liệt sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân người con gái của vùng đất Đồng Hới, Quảng Bình. Từ một công nhân trở thành phóng viên Báo Quảng Bình. Bốn năm làm phóng viên giữa thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của giặc Mỹ, hình ảnh nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân trong bộ quần áo đen và chiếc khăn rằn như cô du kích miền Nam, len lỏi giữa bom đạn, khi vào đến phà quán Hàu, khi ra Ba Trại, Sông Gianh, ở đâu cần là có mặt phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân “tuyến lửa Quảng Bình”. Chuyện kể lại, có thời điểm, thấy nhà báo nữ vất vả và nhiều lần nguy hiểm tính mạng, ban biên tập đã bố trí công việc khác cho phù hợp hơn nhưng chị một mực xin được đi cơ sở cùng tham gia chiến đấu. Một buổi chiều, tại cơ sở mới của báo ở Thọ Linh (Quảng Trạch), gió mùa đông Bắc tràn về dữ dội, nữ nhà báo Xuân đang ngồi bên bếp lửa nhà mẹ Xư thì nhớ ra bài viết cho số báo tới chưa xong, liền chạy về chị Luyến - nơi cơ quan bố trí cho chị ở. Đang ngồi viết, bỗng một loạt bom B52 ào ào trút xuống. Xuân lao xuống hầm thì bị bom hất tung hầm và chị bị một mảnh bom xuyên qua bụng, một mảnh cắm vào đùi, máu chảy lênh láng. Nữ nhà báo trẻ 23 tuổi có giọng ca vàng đã hy sinh tại chỗ. Thật đau xót vì chỉ 14 ngày sau, ngày 15-2-1973 Níc-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. 
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng sinh ra trên mảnh đất Phú Xuyên (Hà Tây). Là một thầy giáo cấp 3 trở thành phóng viên quân đội biệt phái công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Trong những năm chống Mỹ, ống kính của Lương Nghĩa Dũng đã có mặt ở tuyến lửa Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ, đường Trường Sơn, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào… Anh đã “chớp” được cảnh tàu chiến Mỹ trúng đạn pháo của bộ đội Quảng Bình bốc cháy dữ dội. Đây là bức ảnh có một không hai của những ngày miền Bắc đánh trả không lực Hoa Kỳ. Cảm động thay, sau trận đánh ở Hải Phòng vào năm 1967, anh bị bom vùi, các chiến sĩ bới lên và đưa đi viện, anh không chịu đi mà yêu cầu được ở lại trận địa. Cuối năm 1971 vừa đi chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào” về chưa lại sức, anh lại lên đường vào tham gia Chiến dịch Trị Thiên. Từ mặt trận anh gửi về những bức ảnh về chiến thắng Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng. Và các báo đăng liên tiếp các bức ảnh này. Trong đó có bức ảnh dài nằm ngang, một góc là cảnh đồn địch bị trúng đạn quân giải phóng đang bốc cháy dữ dội, còn phía góc bên là chiếc dù tiếp tế lương thực súng đạn do máy bay Mỹ thả xuống hòng cứu nguy cho bọn giặc phỉ Vàng Pao đang bị vây hãm chờ chết. Chớp được cảnh này anh đã phải tốn bao nhiêu công sức vượt lên hiểm nguy. Anh cùng các chiến sĩ trinh sát nằm phục dưới làn bom đạn địch, dưới chân núi Phu Theng Leng mấy ngày đêm liền, giữa bãi cỏ gianh nắng gay gắt, những trận gió Lào thiêu cháy da thịt - ăn lương khô, uống nước hố bom để chờ đón giây phút bấm máy. Anh còn gửi về liên tiếp các hình ảnh vây hãm địch ở Tích Tường, động Ông Gio, quân giải phóng làm chủ điểm cao, 365 trận địa pháo lớn của lính ngụy Sài Gòn bị Quân Giải phóng tiêu diệt. Nhưng đó cũng là những bức ảnh cuối cùng vì nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã anh dũng hy sinh khi trong tay vẫn cầm chắc chiếc máy ảnh có ống kính dài như nòng súng B40.
Nhà báo - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tứ lớn lên từ quê hương Đức Phổ, Quảng Ngãi anh hùng. Năm 1962, anh là biên tập viên báo Nhân Dân. Năm 1965, cơ quan báo Nhân Dân cử anh đi đào tạo cán bộ quản lý ngành in ở Cộng hòa dân chủ Đức nhưng anh đã xin được làm phóng viên thường trú của báo tại Vĩnh Linh. Ít lâu sau người đảng viên trẻ tuổi xung phong vào chiến trường miền Nam, để lại đứa con trai đầu lòng 6 tuổi và người vợ trẻ đang mang thai. Về lại Quảng Ngãi, Nguyễn Ngọc Tứ làm phóng viên báo Giải Phóng và gặp lại em ruột là Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đang là phóng viên. Đầu tháng 7-1967, anh tham gia trận đánh đồn Cổ Lũy ở cửa sông Trà Khúc. Rất không may, trận đó, quân ta bị tổn thất nặng, một số chiến sĩ hy sinh. Bị thương nặng, Nguyễn Ngọc Tứ lết vào ruộng mía gần đồn địch. Anh hủy hết giấy tờ không cho lọt vào tay giặc. Sáng sớm hôm sau, địch càn quét vùng chung quanh đồn. Khi địch đến gần mình, Tứ đã hết sức cố gắng gượng dậy dùng súng ngắn bắn cho đến viên đạn cuối cùng và hy sinh. Đó là ngày mùng 6-8-1967.
Nhà báo - liệt sĩ Trần Viết Thuyên sinh ra ở Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Vào một đêm xuân tháng 3-1972, Trần Viết Thuyên trong đoàn xe  của bộ đội đến Át-tô-pơ. Đoàn xe lầm lũi, luồn lách tránh những trận mưa bom của giặc Mỹ. Đoạn đường hiểm trở, lắm dốc cao, vực sâu, tối trời cho nên chiếc xe đi đầu trong đó có anh Trần Viết Thuyên đã lâm nạn đổ nhào xuống vực thẳm. Cùng với bao cán bộ chiến sỹ, nhà báo Trần Viết Thuyên đã  nằm lại mãi mãi trên mảnh đất Át-tô-pơ nơi giao nhau của mối tình ba biên giới.
Nhà báo - liệt sĩ Phạm Minh Tước bút danh Minh Tước là con một lão thành cách mạng, quê hương ở Long Mỹ, Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Là học sinh trường trung học kháng chiến Lý Tự Trọng được chọn đi học lớp quay phim của Điện ảnh miền Nam, năm 1969, là phóng viên quay phim chính của Xưởng phim Giải phóng miền Tây Nam bộ. Nhiều thước phim của anh phản ánh không khí nóng bỏng của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Ngày 11-6-1972, trong lúc quay phim trận đánh Chi khu ngã Năm, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, Phạm Minh Tước đã anh dũng ngã xuống, trong tay vẫn nắm chặt máy quay.
Quê hương nhà báo - liệt sĩ Trương Công Nghĩa bút danh “Nghĩa Cá Mòi” là mảnh đất Phan Thiết, Bình Thuận. Anh tham gia hoạt động báo chí năm 1948 thuộc báo Chiến Đấu, báo Vệ Quốc quân lực Nam Trung bộ, báo hình ảnh Quân đội. Tháng 9-1964, anh vào chiến trường miền Nam. Lần ấy, tại một địa điểm gần suối Tà Nới (nay thuộc xã Hàm Cầu - Hàm Thuận Nam - Bình Thuận), Trương Công Nghĩa đang ngồi trong hầm để viết báo thì bị một viên đạn rơi trúng hầm. Bị thương vào bụng rất nặng, anh lấy tay nhét lại ruột vào bụng. Biết khó có thể sống được, anh từ chối đồng đội đưa đi cấp cứu… Trước lúc vĩnh biệt, gắng hết sức nhờ đồng đội đỡ đứng dậy, lấy tư thế nghiêm trang và bật tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, rồi nhà báo từ từ ngã vào vòng tay của đồng đội thân yêu.
Nhà báo hy sinh cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ là Nguyễn Đức Hoàng. Hiệp định Pa-ri năm 1973, anh được giao nhiệm vụ làm Phân xã trưởng, thường trú tại thủ phủ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Anh ra đi ngày 6-8-1974, tại Lộc Ninh cách ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 7 tháng 24 ngày. 
Trong số nhà báo liệt sĩ, có một gia đình vợ, chồng, con cái đều là liệt sĩ - đó là gia đình nhà báo Phạm Khắc Trung - phóng viên  Thông tấn xã Giải phóng, quê Hoài Nhơn, Bình Định hy sinh ngày 20-2-1965; hai con trai ông là Phạm Khắc Hảo và Phạm Khắc Tỳ, hy sinh năm 1967 và 1970; vợ ông - bà Trần Thị Thói, hy sinh năm 1968 được Nhà nước truy phong Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí hy sinh nhiều nhất. Chỉ tính trong kháng chiến chống Mỹ, Thông tấn xã Việt Nam đã có tới trên 250 nhà báo hy sinh. Trong đó có nhà báo Đinh Thúy hy sinh năm 1967 tại Trảng Dầu, Bình Long, Đông Nam Bộ. Lúc hy sinh, ông giữ trọng trách Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng.
Nhân 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, được làm báo giữa đất nước thanh bình, xin kính cẩn nghiêng mình trước những tấm gương nhà báo xả thân vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các anh chị là những tấm gương sáng ngời cho lớp lớp nhà báo noi theo.

Lã Quý Hưng (Nguồn: TC Xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày