TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Khai mạc trọng thể Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI)
Ngày cập nhật 09/05/2014

Sáng 8/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khai mạc trọng thể Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.

 

 

 

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị - ảnh: HH


Hội nghị lần này sẽ bàn về các nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; Quy chế bầu cử trong Đảng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; và một số vấn đề quan trọng khác.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI từ nay đến hết nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, quyết định:

 

 1 - Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành vào tháng 7 năm 1998, khi đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều biến đổi sâu sắc. Với 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp chủ yếu, Nghị quyết đã bao quát ở tầm chiến lược những vấn đề cơ bản của sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận về văn hóa của Đảng ta, có ý nghĩa như một Cương lĩnh văn hóa của thời kỳ đổi mới. Đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện, chúng ta rất cần tổng kết lại để có những chủ trương, quyết sách tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ văn hóa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần tập trung thảo luận, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần đánh giá đúng mức tính nghiệm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích,... đang có xu hướng lan rộng. Tập trung trả lời câu hỏi phải chăng trong hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng? Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết chưa tốt, chưa nghiêm? Vì tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông?... 

  Trên cơ sở đó và phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề nghị Trung ương xem xét, quyết định về sự cần thiết của việc kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII để ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với những nội dung đổi mới cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

 

  2 - Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, thời gian qua, thực hiện quyết định của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã khẩn trương chuẩn bị các dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội, xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị này. 

 

 

 

 

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành phiên họp buổi sáng - ảnh: HH

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tuy mới là dự thảo đề cương sơ bộ nhưng đây là bước khởi đầu rất quan trọng, định hướng cho việc chuẩn bị có chất lượng các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến đối với các đề xuất cụ thể nêu trong các Tờ trình và dự thảo Đề cương Báo cáo, trước hết về các vấn đề: Chủ đề và tư tưởng chỉ đạo của Đại hội; phương châm tiến hành Đại hội; tiêu đề của Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội; kết cấu và những nội dung lớn của đề cương các báo cáo, đặc biệt là 10 vấn đề cần được tập trung nghiên cứu làm rõ trong quá trình xây dựng các văn kiện đã được nêu trong dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị và Tờ trình của Tiểu ban Văn kiện. 

 

 Trong quá trình thảo luận, cũng cần làm rõ tính chất, mục tiêu, yêu cầu và phạm vi của mỗi báo cáo và mối quan hệ giữa các báo cáo. Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, có nhiệm vụ tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ mới. Nội dung của Báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo cáo kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên sâu về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ cụ thể minh chứng cho sự đúng đắn của những nhận định, đánh giá tình hình và quán triệt, cụ thể hóa những định hướng lớn về chủ trương, chính sách, giải pháp được khái quát trong Báo cáo chính trị. Báo cáo kinh tế - xã hội cần có sự phù hợp, nhất quán với quan điểm, định hướng lớn nêu trong Báo cáo chính trị, nhưng không trùng lắp với Báo cáo chính trị. 

 

 Tổng Bí thư chỉ rõ, Đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định để trình ra Đại hội toàn quốc. Riêng về kết cấu của các báo cáo thì cần được quyết định sớm ngay tại Hội nghị này, để chuẩn bị dự thảo đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. 

 

 3 - Về định hướng chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm thành công của đại hội đảng bộ các cấp và góp phần cho thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cần được các đồng chí Trung ương cho ý kiến. 

 

 Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị khóa X về vấn đề này; khẳng định những kết quả, bài học kinh nghiệm cần được kế thừa, phát huy; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chỉ thị mới trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi ban hành. 

 

 Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí dự Hội nghị quan tâm thảo luận thật cụ thể về Tờ trình và dự thảo Chỉ thị, tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội đảng các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cấp ủy, đặc biệt là về cơ cấu, số lượng cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cấp ủy tỉnh, thành phố; độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố (về tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy) và về bầu cử cấp ủy... 

 

 4- Về Quy chế bầu cử trong Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tại Hội nghị lần này, đề nghị Trung ương cho ý kiến, sửa trực tiếp vào các chương, điều của Dự thảo Quy chế, đồng thời tập trung thảo luận kỹ, tạo sự thống nhất cao về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị. Yêu cầu quan trọng, cơ bản nhất của Quy chế bầu cử trong Đảng là phải bảo đảm cho mọi đảng viên thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn Điều lệ Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng ta thật sự là một tổ chức cách mạng chặt chẽ, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất cao. 

 

 5- Về thực hiện Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 165 về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy tham khảo đánh giá cán bộ. Tổng Bí thư khẳng định, đây là công việc hệ trọng, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, chúng ta cần thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.  Tháng 12/2013, Bộ Chính trị đã nghe Ban Chỉ đạo báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương kết quả thực hiện và kiến nghị chủ trương, tiếp tục thực hiện công việc này trong thời gian tới. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, khẳng định những mặt làm được, những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, rút kinh nghiệm, cho ý kiến về những vấn đề cần cân nhắc bổ sung, sửa đổi như về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; đối tượng lấy phiếu; nội dung, hình thức phiếu; quy trình lấy phiếu; việc công khai kết quả phiếu... Căn cứ vào ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Quy định 165 để tiếp tục tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

 

   6 – Về tổng kết việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Tổng Bí thư cho biết, thực hiện Hiến pháp 2013, tới đây, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều đạo luật, trong đó có Luật tổ chức chính quyền địa phương, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Để lãnh đạo thể chế hóa thành công những nội dung đổi mới quan trọng đã được hiến định này, Hội nghị lần này có nhiệm vụ xem xét, đánh giá kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII.  

 

  Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, kết luận về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm, và đặc biệt là cho ý kiến về việc lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương như nêu trong Tờ trình. Yêu cầu cao nhất đối với phương án lựa chọn là phải góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và đúng với quy định của Hiến pháp mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh, quyết định của Trung ương về vấn đề này sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng đề án trình Quốc hội xem xét có những bổ sung, sửa đổi cần thiết Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Theo chương trình, Hội nghị diễn ra từ ngày 8 đến hết ngày 14/5./.

Hiền Hòa (Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.009.215
Truy câp hiện tại 1.272