TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Người trí thức - Võ Nguyên Giáp
Ngày cập nhật 08/05/2009
Trường học đầu tiên của tôi là trường học trí thức

Thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh mà ở đó, lý tưởng độc lập và khát vọng tự do như là nền tảng của dân chủ và nhân quyền đã trở thành sợi dây gắn kết sức mạnh tinh thần của hàng triệu triệu con người. Đó là cuộc trường chinh hơn ba thập niên giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước trước hai đế quốc lớn là đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng đặc biệt với trí tuệ rộng mở và trái tim nhân ái. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đến với cuộc chiến bằng khát khao độc lập của một trí thức trong giao thời lịch sử và ra khỏi cuộc chiến bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình.

Sứ mệnh cách mạng trong dòng máu trí thức

Võ Nguyên Giáp có tố chất của một nhà trí thức lớn, nhìn vào con đường học vấn của ông, chúng ta có thể thấy rằng nếu không trở thành một đại tướng, có lẽ ông đã trở thành một học giả uyên bác. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và nề nếp gia phong, ngay từ nhỏ, Võ Nguyên Giáp đã được thụ hưởng một nền giáo dục mang hai tư tưởng khác biệt: tư tưởng lễ giáo của truyền thống phương Đông và những tri thức khoa học cùng những tư duy tiến bộ của phương Tây. Năm 14 tuổi, ông tốt nghiệp tiểu học đỗ đầu toàn tỉnh và là cậu tân khoa trẻ nhất. Năm 15 tuổi, ông đỗ thứ nhì vào trường quốc học Huế. Ngay từ thời điểm đó, trong con người Võ Nguyên Giáp đã hình thành những thiên hướng cách mạng của một công dân yêu nước, ông không chỉ là một học sinh đơn thuần tiếp thu tri thức, mà đã là một con người kiếm tìm lý tưởng. Chính vì vậy, dù ở độ tuổi 15, Võ Nguyên Giáp đã tìm thấy trong những nhà cách mạng đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh một sự đồng cảm và gần gũi. Ngay từ những năm tháng đó, Phan Bội Châu đã có một tình cảm đặc biệt với cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cụ có mấy chục bộ sách cổ, kim mà khi mất đi cụ định để lại cho cậu Giáp .

Tuy nhiên, cũng chính vì thiên hướng trên mà con đường học vấn của Võ Nguyên Giáp đã sớm gặp trắc trở. Năm 1927 lần đầu tiên ông cầm đầu một cuộc bãi khóa để bảo vệ người đồng môn Nguyễn Chí Diểu trước sự áp đặt phi lý trong nhà trường đế quốc. Kết quả là ông bị đuổi học. Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 16 tuổi.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp và vợ - người đồng chí Nguyễn Quang Thái

Sự sớm định hình tố chất trong con người Võ Nguyên Giáp đã quyết định hướng đi của cuộc đời ông sau này. Nếu muốn, ông đã có thể chọn một con đường trải đầy nhung lụa, với một suất học bổng tiến sĩ ở Pháp do giáo sư Gaétan Pirou, thành viên Hội đồng Giám khảo Đại học Đông Dương đề nghị cấp sau khi nghe lời nhận xét về ông: “Anh ta thông minh, sáng láng và rất can đảm. Một cái đầu bốc lửa đã có vấn đề vướng mắc với chính quyền.” Tuy nhiên chỉ sau một ngày suy nghĩ, Võ Nguyên Giáp đã từ chối với lý do “không thể là con người ích kỷ, bỏ lại bạn bè trong nước”. Mà bạn bè hay nhưng người gắn bó với Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ là những ai? Đó là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam…, những ngọn lửa đầu tiên của cuộc cách mạng Dân tộc - Dân chủ sau này. Câu nói của ông, có thể hiểu rộng ra rằng ông đã không nghĩ cho riêng mình. Cuộc sống của ông khi đó, dù nói ra hay không, cũng đã dâng hiến cho lý tưởng cách mạng vì dân tộc. Và lý tưởng đó đã mãi mãi trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng hành động, từng suy nghĩ của ông. Năm 1928, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những bài viết mang tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là bài phát biểu tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới tại Bruxelles (Bỉ). Sức lôi cuốn của những tư tưởng sống động đã khiến ông xúc động đến mừng rỡ. Có thể nói, khi lý tưởng tìm thấy con đường và những người đồng hành cũng là khi niềm tin sẽ được thăng hoa trong mỗi con người. Ngay trong năm đó; Võ Nguyên Giáp đã tham gia Đảng Tân Việt và từ đây, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã tích cực thúc đẩy quá trình cải tổ của đảng Tân Việt cho đến khi hợp nhất vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Khó có thể kể hết các hoạt động của ông để thực hiện lý tưởng cách mạng của mình. Chỉ biết rằng ở người thanh niên ấy, cách mạng đã trở thành sứ mệnh tự thân của người trí thức. Là nhà giáo, ông đã âm thầm truyền thụ tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cho các lớp học sinh. Là nhà báo, ông đấu tranh với ách đô hộ bằng sự vạch trần bản chất bất công và vô nhân của chế độ, đồng thời tuyên truyền tinh thần dân chủ và con đường đấu tranh vì tinh thần đó. Là một người trí thức, ông luôn trau dồi, học tập để vươn xa trên con đường của hiểu biết vì hơn ai hết, ông hiểu rằng đó chính là nền tảng của cách mạng. Nhà sử học Dương Trung Quốc, từng là một người đồng nghiệp - người học trò của Đại tướng đã đánh giá về giai đoạn này: “Có thể nói thắng lợi của cách mạng Việt Nam với mục tiêu giải phóng dân tộc bao gồm việc giành độc lập dân tộc, và giữ vững nền độc lập ấy trong suốt ba thập kỷ chiến tranh phụ thuộc một phần lớn vào tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một thế hệ vàng. Dù trưởng thành trong nền giáo dục thực dân, nhưng họ vẫn giữ được những giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiêu biểu là nền Quốc học. Bên cạnh đó, họ đã được tiếp thu một nền học vấn với những tư tưởng văn hóa phương Tây rất cơ bản mặc dù trong bối cảnh nền giáo dục của một nước thuộc địa luôn bị thực dân áp bức, đồng hóa. Thứ ba, đó là thế hệ khao khát độc lập tự do đến mãnh liệt và ba điều đó hòa trộn với nhau rồi được quy tụ dưới lá cờ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Võ Nguyên Giáp là một trong những tinh hoa đầu tiên trong thế hệ vàng đó.”

Vị Đại tướng tinh thần

Cách đây một vài năm, đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người khách xin được vào thăm. Đó là một cựu chiến binh già lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội. Trong tình cảm không có sự phân biệt giữa cấp hàm mà chỉ là những người lính vào sinh ra tử cho cùng một lý tưởng. Khi Đại tướng xúc động ôm người cựu chiến binh, chỉ có một câu nói giản dị được thốt lên: “Báo cáo anh, em đã hoàn thành nhiệm vụ!” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không chỉ là một vị chỉ huy trực tiếp mà quan trọng hơn, trong tâm tưởng của những người lính, ông chính là một lãnh tụ tinh thần.

Trở lại thời điểm năm 1944, cuộc đấu tranh cách mạng đòi hỏi phải chuyển từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, Bác Hồ đã quyết định phải tổ chức một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Bác hỏi: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có làm được không?” Ông đáp: “Có thể được”. Và chính thức từ giây phút đó, cái tên Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao Bác Hồ lại chọn ông, một người trí thức đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh Quân đội mà không phải là những người học chuyên về quân sự? Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một cách lý giải riêng về sự lựa chọn này: “Cụ Hồ quan niệm làm chính trị là phải thay đổi nhận thức con người, cho nên mục tiêu chính trị cần phải được đặt lên hàng đầu, còn vũ khí chỉ là phương tiện. Tại sao khi thành lập đơn vị quân sự đầu tiên của Việt Nam, Bác gọi là “đội Tuyên truyền Giải phóng quân”? Câu nói của Bác khi giao nhiệm vụ cho ông Giáp là cứ tuyên truyền rồi nhân dân sẽ tìm được vũ khí cho chúng ta. Ông Giáp có đủ phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ trên. Bởi ít nhất ông Giáp là một người được đào tạo hết sức chính quy trong bộ máy giáo dục và ông tiếp cận với những tri thức rất cơ bản để tạo nên một nền tảng văn hóa vững chắc. Ông học luật và lại là thầy giáo dạy sử. Mà thầy giáo trong xã hội cũ thì rất có uy tín trong việc tuyên truyền, tập hợp lực lượng”.

Lê Tùng - Phương Nguyễn (Nguồn: Tạp chí Tinh hoa)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 5.065