Hình ảnh tại Lễ khởi công cầu đường bộ thứ 3 tại trung tâm TP Huế
Cầu có điểm đầu phía Bắc nối ngã ba giao Quốc lộ 1A, Lê Duẫn, Kim Long (phường Phú Thuận) và điểm cuối giao với đầu cầu Ga, đường Bùi Thị Xuân (phường Đúc). Cầu dài 542,5m, rộng 24,5m, đảm bảo cho bốn làn xe, hai bên có lan can cho người đi bộ. Phần nhịp chính là dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục được đúc hẫng cân bằng. Điều đặc biệt, ngoài phần xe chạy, cầu có 6 vọng lâu nhằm dành chỗ ngắm cảnh trên sông Hương. Ngoài ra, cầu còn được trang trí bởi hệ thống chiếu sáng mỹ thuật.
Do vị trí công trình hết sức nhạy cảm, gần Kinh Thành Huế (thuộc Di sản văn hóa Thế giới) nên quá trình chuẩn bị dự án hết sức kỹ lưỡng. Năm 2008, sở Giao thông vận tải tỉnh đã tổ chức thi tuyển kiến trúc 3 lần với nhiều đơn vị tư vấn trong, ngoài nước. Hội đồng tuyển chọn dự án là các chuyên gia đầu ngành như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam, Hội kiến trúc sư tỉnh… và đã quảng bá lấy ý kiến nhân dân.
Với thời gian thi công gần 3 năm (1.080 ngày), toàn bộ dự án cầu Bạch Hổ được chia thành 13 gói thầu, trong đó có 5 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 4 (có chiều dài 294,8m) là gói thầu xây lắp chính trị giá 208,092 tỷ đồng được khởi công làm đầu tiên.
Cầu đường bộ Bạch Hổ nhìn từ phía Nam (ảnh tên) và phía Bắc
Lâu nay, tại khu vực trung tâm TP Huế chỉ có 2 cầu đường bộ là Phú Xuân (đã hoạt động 35 năm) và Trường Tiền (đã 110 năm). Cầu Trường Tiền hiện chủ yếu dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ. Ô tô con chỉ được phép qua cầu vào các giờ theo quy định. Chủ yếu, các phương tiện giao thông đều đi qua cầu Phú Xuân nên cầu này luôn bị quá tải, kẹt xe liên tục trong các giờ đi làm, tan ca. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, chủ tịch UBND tỉnh TT Huế, sau khi cầu đường bộ Bạch Hổ hoàn thành sẽ giải quyết triệt để tình trạng ách tắc giao thông, đồng thời góp phần làm đẹp thêm cảnh quan của TP Huế và sông Hương