TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
50 năm ngày mở đường Trường Sơn - Bài cuối: Đường Trường Sơn xưa - Đại lộ Hồ Chí Minh nay
Ngày cập nhật 03/04/2009
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn năm xưa

Đường Trường Sơn công nghiệp hóa là minh chứng hùng hồn về sự kế thừa truyền thống và sự đổi thay kỳ diệu mà hòa bình mang lại.

Vị đại tá già Nguyễn Linh Anh (thế hệ đầu tiên được giao nhiệm vụ “xoi” đường 559) bồi hồi: “Quên sao được những ngày tháng mày mò “xoi” đường để mang từng bó súng đầu tiên vào tiếp viện chiến trường Bình Trị Thiên. Dẫu Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế chẳng mấy xa nhưng ngặt nỗi dòng Hiền Lương đã được lịch sử lựa chọn để làm giới tuyến ngăn cắt đôi miền. Thành ra gần mà xa”...

Từ đường mòn đến đại lộ

Với vị tư lệnh đường Trường Sơn - trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, con đường là máu thịt trong cơ thể ông. Ông đã gắn bó và theo suốt chiều dài cuộc chiến. Chính vì lẽ đó nên dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn được Trung ương chọn làm đặc phái viên của Thủ tướng chỉ đạo xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa.

Những năm đầu đổi mới, một trong những điều trăn trở lớn nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm thế nào để đưa dòng điện từ Hòa Bình vào miền Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nêu ý kiến: “Cứ theo đường Trường Sơn mà làm thôi!”. Và đường dây điện 500 kV ra đời. Con đường huyền thoại được đánh thức lần nữa. Cũng từ đó, dự án đường Trường Sơn công nghiệp hóa ra đời. Hai dự án mang tầm quốc gia và thời đại hiện diện song hành trên con đuờng lịch sử. Những dự án ấy đã khép lại những nghi ngờ đường Trường Sơn sẽ nằm im lìm trong bóng rừng già và huyền thoại về nó chỉ nằm trong các trang sách cũng như ký ức của những người từng vào sinh ra tử.

Cách nay 36 năm (1973), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có ý tưởng mở rộng, kéo đường Trường Sơn nhưng lúc đó tiềm lực đất nước có hạn. Trong tầm mắt của Tổng Bí thư, con đường này sẽ đi suốt chiều dài đất nước và mở chiều rộng ra ba nước Đông Dương. Và hơn 20 năm sau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa. Thủ tướng cho rằng không có quốc gia nào có một trục đường xuyên quốc gia độc đạo như ở Việt Nam. Vì vậy, đường Trường Sơn công nghiệp hóa là trục đường xuyên quốc gia thứ hai hỗ trợ quốc lộ 1A để giải quyết vấn nạn lũ lụt gây ách tắc giao thông mùa mưa, giúp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng phía Tây tổ quốc.

Tháng 4-2000, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Bác. Ngày 3-2-2004, tại kỳ họp thứ 6 khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km). Đường sẽ có quy mô 2-8 làn xe, tùy thuộc địa hình, quy hoạch phát triển từng vùng.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phong Nha-Kẻ Bàng ngày nay

Đánh thức triền Tây đất nước

Nay đi trên đại lộ Hồ Chí Minh rộng, thoáng đãng, trải nhựa, bê-tông băng qua 30 tỉnh, thành phố với biết bao làng mạc, quán xá bám theo ven đường. Nhiều địa phương đã tận dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch di dân chinh phục vùng gò đồi, phát triển kinh tế. Theo đó, khoảng cách đồng bằng-miền núi đang được rút ngắn. Nhiều bản làng xa xôi dần lộ diện khi đường đi qua. Nhiều làng thanh niên lập nghiệp được thành lập dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng lao động, đất đai và nâng cao văn hóa, dân trí ở vùng hẻo lánh. Các tỉnh miền Trung đang xây dựng các tour du lịch khám phá kết hợp thăm viếng các địa danh lịch sử trên đường Hồ Chí Minh.

Bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình) xưa là trọng điểm đánh phá khốc liệt, nay đã là bến đỗ bình yên cho các tàu thuyền chở du khách chiêm ngưỡng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ở nhánh Tây, tuyến đường 20 Quyết Thắng gắn liền với huyền thoại về hang tám TNXP hy sinh khi vào hang tránh bom, chẳng may bị máy bay ném bom lấp miệng hang, nay đã được đầu tư xây dựng nhà lưu niệm, nơi viếng thăm của nhiều du khách. Tuyến đường này từng một thời là tuyến lửa của Binh trạm 14. Trong ký ức của đại tá Hoàng Trá - nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14 là những ngày tháng đầy máu và nước mắt. Ngã tư Trạ Ang nối liền nhánh Đông và Tây Trường Sơn và đường 20 Quyết Thắng nổi tiếng là một tử địa của cánh tài xế khi đi qua đây, nay đã có chiếc cầu vạm vỡ bắc ngang thông suốt đi lại. Đứng ở đây có thể tùy nghi lựa chọn cách di chuyển về hướng Đông hay sang hướng Tây để khám phá những cánh rừng già nguyên sinh trên đỉnh U Bò. Nhiều chiến sĩ biên phòng ở đỉnh U Bò đồ rằng khám phá nhánh Tây mà không lên U Bò thì xem như chưa thực hiện chuyến đi, bởi thiên nhiên ở đây không chỉ hoang sơ mà còn lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử.

Tương tự như vậy, đường 12 khói lửa nay đường sá đã rộng, đẹp, mở rộng lên tận cửa khẩu Cha Lo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho phía Tây. Như vậy về tổng thể, đường Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ chạy theo chiều dọc Bắc-Nam mà còn mở rộng sang hướng Tây với các tuyến đường nhánh huyết mạch như đường 7, 8, 9, 12, 14...

Phố xá đã mọc lên trên con đường bom đạn năm xưa. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài đi xe máy khám phá đường Trường Sơn.

Hội ngộ 50 năm

Khi thực hiện loạt bài về 50 năm mở đường Trường Sơn, các nhân vật trong bài đều có niềm mong ước là cùng đi chung trên một chuyến xe để thăm lại những địa danh hằn in dấu chân họ một thời. Đó là đại tá Mai Trọng Phước - người thi công đường ống dẫn xăng xuyên lòng đất, đại tá Hoàng Trá - nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14, đại tá Nguyễn Linh Anh - thế hệ đầu tiên “xoi” đường 559; cô Quy, cô Đan... - trung đội lái xe nữ Trường Sơn

Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Tư lệnh phó Bộ đội Trường Sơn cho biết ngoài việc giao lưu, gặp gỡ đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, các tướng lĩnh và chiến sĩ tham gia mở đường Trường Sơn sẽ có buổi giao lưu, hội ngộ tại nghĩa trang Trường Sơn để tưởng nhớ hơn 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ đã yên nghỉ tại đây. “Và xa hơn là để giáo dục thế hệ sau về lòng quả cảm, nỗi đau của một thời kỳ lịch sử dân tộc” - thiếu tướng Phan Khắc Hy nói.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, đường Hồ Chí Minh sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao tốc với tám làn xe. đối với những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch lưới giao thông đường bộ. Như vậy, triển vọng về một đại lộ Hồ Chí Minh to đẹp, đàng hoàng đang được tiếp tục triển khai kéo dài từ cực Bắc (Cao Bằng) đến cực Nam (Mũi Cà Mau) tổ quốc.

Phong Điền (Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 4.574