TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đối thoại giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
Ngày cập nhật 16/10/2009

Hưởng ứng tinh thần của UNESCO về đa dạng văn hóa (năm 2001), tại Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ năm ASEM 5 (năm 2004), tiếp đến Hội nghị Bộ trưởng ASEM 9 (năm 2009), các nước thành viên ASEM, trong đó có Việt Nam, đã tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng trong đối thoại giữa các nền văn hóa đối với việc góp phần ngăn chặn những xung đột tiềm tàng của quá trình toàn cầu hóa cũng như thúc đẩy hòa bình, hợp tác vì sự phát triển của các dân tộc trên thế giới.

 

Hoàn toàn đối lập với cái gọi là "luận thuyết" về sự đụng độ không tránh khỏi giữa các nền văn minh trong thế giới “hậu Chiến tranh lạnh”, Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về đa dạng hóa văn hóa khẳng định: "Quá trình toàn cầu hóa tuy là một thách thức đối với đa dạng văn hóa, nhưng đồng thời tạo ra những điều kiện nhằm tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau".

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa ngày càng tăng, chúng ta đang chứng kiến một thế giới trở nên cởi mở, gắn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự lan rộng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự không khoan dung về sắc tộc và tôn giáo... đang trở thành những mối đe dọa cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế trong công cuộc xây dựng một thế giới hòa hợp và hòa bình. Trước những thách thức đó, cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết cần xác định những biện pháp đối phó. Điều này đòi hỏi đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Là nước chủ nhà của ASEM 5, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào quá trình soạn thảo và thông qua Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh. Gần 5 năm sau, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM 9 (tháng 5-2009) một lần nữa khẳng định tiếp tục thực hiện tuyên bố này.

Để biến tinh thần đó thành hiện thực, đối thoại giữa các nền văn hóa (hay đối thoại liên văn hóa) ngày nay, trong đó có đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác trong khuôn khổ liên châu lục Á - Âu cũng như trên phạm vi thế giới được xác định dựa trên một số nguyên tắc cơ bản.

Đối thoại dựa trên sự bình đẳng, tương hỗ

Đây là nguyên tắc thừa nhận tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng về giá trị; cùng hỗ trợ làm phong phú thêm cho nhau.

Một thời gian dài, quan niệm lấy châu Âu làm trung tâm (Eurocentrisme) từng cho rằng những gì tốt đẹp nhất, cao cả, tiến bộ nhất về khoa học, kỹ thuật, y học, triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật... đều phát triển trước tiên ở châu Âu và phương Tây nói chung. Nhưng đến khi tiếp xúc, đi sâu tìm hiểu các nền văn hóa khác trên thế giới, nhiều học giả châu Âu mới nhận ra rằng, chính phương Đông đã đem lại cho phương Tây nhiều sáng tạo văn hóa lớn từ rất lâu đời.

Nhà nhân học tài danh của Pháp, Lê-vi Xtrau cho rằng, thật vô lý khi tuyên bố nền văn hóa này "cao hơn" nền văn hóa kia. Bởi thực tế cho thấy không một nền văn hóa nào đứng riêng lẻ một mình mà bao giờ cũng liên kết với những nền văn hóa khác, và điều đó cho phép tạo dựng lên những chuỗi tích hợp(1) các giá trị - cả nội sinh và ngoại sinh - trong tiến trình phát triển của mỗi nền văn hóa.

Chúng ta hãy tưởng tượng, số học và toán học hiện đại nói chung của loài người (kể cả các hệ điều hành kỹ thuật số của công nghệ thông tin ngày nay) sẽ ra sao nếu không có sự phát hiện ra con số 0 của các nhà trí thức Ấn Độ từ thời cổ đại để rồi sau đó truyền sang châu Âu qua trung gian là người Ả-rập. Tương tự như vậy, với sự du nhập từ Trung Quốc những phát minh quan trọng cho ngành hàng hải như: bánh lái, la bàn, buồm nhiều lớp..., những cuộc phát kiến địa lý vĩ đại của châu Âu mới có thể diễn ra vào thế kỷ XV. Mà chính những phát kiến này trên thực tế đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng, thúc đẩy sự ra đời và bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Đến lượt nó, chủ nghĩa tư bản, trong quá trình phát triển từ hơn ba thế kỷ qua, đã tạo ra những bước tiến lớn về khoa học và công nghệ, dẫn đến sự chuyển biến từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp ở những mức độ khác nhau tại nhiều nước trên thế giới. Và ngày nay, một số nước lại đang tiếp tục chuyển từ văn minh công nghiệp lên văn minh hậu công nghiệp hay văn minh trí tuệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu lớn lao không thể phủ nhận, hơn 300 năm phát triển của các nước công nghiệp đã và đang khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, khí hậu trái đất nóng lên, kéo theo những thảm họa sinh thái chưa thể lường hết.

Trước tình hình ấy, nhiều nhà khoa học tiến bộ trên thế giới ngày càng nhận ra tính phiến diện của triết lý "con người chinh phục và thống trị thiên nhiên" mà chủ nghĩa duy lý phương Tây từng ra sức đề cao từ thế kỷ XVII. Họ cho rằng, đã đến lúc nhân loại cần trở về với triết lý của phương Đông "con người sống hài hòa với thiên nhiên".

Trong công trình mới xuất bản với tựa đề Trái đất - Tổ quốc chung. Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, nhà triết học, xã hội học nổi tiếng người Pháp, Ét-ga Mô-rin cùng đồng nghiệp đã đi đến quan điểm tương tự khi cho rằng: "Trái đất không phải là khách thể xa lạ của con người, [càng không phải là đối tượng thống trị của con người - PXN]. Chúng ta phải bảo toàn trái đất, phải cứu lấy trái đất trong cơn đa khủng hoảng... Chúng ta cùng chia sẻ với trái đất một vận mệnh chung, sống và chết" (2).

Như vậy, điều mà R. Kíp-ling dự đoán cách đây hơn một thế kỷ: "Đông là Đông, Tây là Tây, hai bên không bao giờ gặp nhau"(3) đã không hề được thực tế minh chứng. Phương Đông và phương Tây, châu Âu và châu Á có thể và cần phải học hỏi lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Đương nhiên, các nền văn hóa trên thế giới không phát triển cùng một nhịp độ. Chúng trải qua những thời kỳ thăng trầm khác nhau, phát triển rực rỡ hay trì trệ, suy tàn. Mặc dù thế, vào những thời kỳ phát triển đi lên, mỗi nền văn hóa đều đã cống hiến cho nhân loại những giá trị đáng trân trọng. Từ đó, ta có thể khẳng định: mọi chủ nghĩa biệt lập về văn hóa cũng như mọi thái độ ngạo mạn về văn hóa (và văn minh) - tức thái độ xem những giá trị, những chuẩn mực chỉ của một bộ phận nào đấy của loài người là có tính phổ quát và là "kiểu mẫu" cho các nền văn hóa khác noi theo - đều là phi thực tế và phản khoa học.

Đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau

Sự tôn trọng lẫn nhau trong đối thoại giữa các nền văn hóa trước hết đòi hỏi sự vững tin vào những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Chỉ có vậy mới có thể kiến lập một sự đối thoại phong phú và xây dựng với các cộng đồng văn hóa khác.

Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ về truyền thống mấy ngàn năm văn hiến của mình. Một dân tộc từng nêu cao chân lý Không có gì quý hơn độc lập tự do. Một dân tộc bằng cuộc đấu tranh anh hùng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh ở thế kỷ XX đã góp phần xóa đi vết nhơ trong lịch sử nhân loại là chủ nghĩa thực dân. Và ngày nay, dân tộc ấy đang gửi một thông điệp thấm đậm tinh thần hòa hiếu tới nhân dân tất cả các nước trên thế giới: "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển"(4).

Đối thoại liên văn hóa khi sự tự ti về nền văn hóa của dân tộc mình còn tồn tại, choáng ngợp bởi những cái gọi là "tân kỳ" của văn hóa ngoại lai, thì rất dễ sa vào tình trạng sao chép, rập khuôn một cách máy móc, phiến diện, và rốt cuộc khó tránh khỏi tự biến mình thành cái bóng mờ của dân tộc khác.

Tuy vậy, tự trọng và tự tin hoàn toàn không có nghĩa là tự kiêu, tự đại để đi đến chỗ coi thường, thậm chí phủ nhận những giá trị đích thực của các nền văn hóa khác.

Cả hai thái độ cực đoan đó - tự ti dân tộc và tự kiêu dân tộc - đều xa lạ với niềm tự hào chính đáng và sự khiêm nhường. Mà đây mới chính là thái độ cần thiết để chúng ta thấy rõ những giá trị văn hóa nào của dân tộc mình có thể đem chia sẻ và cả những giá trị của các nền văn hóa khác mà chúng ta cần học hỏi, tiếp thu.

Đối thoại với thái độ khoan dung

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo đã và đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, thì một sự cam kết mạnh mẽ về thái độ khoan dung có ý nghĩa sống còn đối với việc xây dựng một thế giới hòa hợp và hòa bình.

Theo nghĩa thông thường, khoan dung được hiểu là khoan hòa, bao dung, độ lượng. Còn xét từ góc độ đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa, khoan dung có nghĩa là biết tự khẳng định mình đồng thời biết thừa nhận sự khác biệt ngoài mình về sắc tộc, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, đạo lý, thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống...

Thái độ ấy không những là cần thiết để cùng chung sống trong hòa bình mà quan trọng hơn còn là để các cộng đồng văn hóa khác nhau trao đổi, học hỏi, tiếp thu những cái hay, cái đẹp của nhau; qua đó, mỗi bên có thể nâng cao khả năng của mình trong quá trình sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Đó chính là hệ quả của lòng khoan dung tích cực. Nhưng lòng khoan dung dù có rộng rãi và có tác dụng to lớn đến đâu cũng không thể là vô hạn độ. Đối với một số đối tượng nào đó, nhiều khi tình thế đòi hỏi phải thi hành cả sự bất khoan dung.

Cuộc chiến đấu thắng lợi của nhân dân ta cũng như của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc - những kẻ từng nhân danh sứ mạng "khai hóa văn minh" để đi xâm lược và thống trị các dân tộc nhược tiểu - chính là một sự bất khoan dung cần thiết đối với các thế lực bạo tàn.

Thước đo của khoan dung chân chính trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa ở những thời kỳ trước đây và cả hiện nay đều phải là độc lập và chủ quyền quốc gia, tự do và hạnh phúc của đồng bào, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Xa rời thước đo ấy, vi phạm thước đo ấy thì sẽ rơi vào một thứ khoan dung tiêu cực, lẫn lộn phải trái, đảo ngược trắng đen, không thể chấp nhận.

Đối thoại với nhận thức về "cầu đồng, tồn dị"

Xét về thực chất, nguyên tắc này bắt nguồn từ nhận thức về mối quan hệ giữa những cái chung nhân loại và cái riêng dân tộc trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại. Đáng chú ý là, trong bối cảnh thế giới hiện nay, làn sóng toàn cầu hóa về kinh tế đang tràn đến mọi “hang cùng ngõ hẻm” của hành tinh này. Nhưng làn sóng kinh tế đó không thể dẫn đến đồng nhất hóa văn hóa toàn cầu.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, Nhật Bản là nước tham gia quá trình quốc tế hóa, rồi tiến tới toàn cầu hóa từ hơn một thế kỷ, song cho đến nay, quốc gia này vẫn không đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Hay như hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc đang rất tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng những nền văn hóa giàu bản sắc và có nguồn gốc từ 5.000 năm này sẽ không bị đồng hóa bởi nền văn hóa của bất kỳ quốc gia nào khác.

Vậy "cầu đồng, tồn dị" trong đối thoại giữa các nền văn hóa là tìm ra những cái chung, những điểm tương đồng làm chỗ dựa cho sự xích lại gần nhau giữa các nền văn hóa đa dạng. Đó là nguyện vọng tha thiết về sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc; ý chí của nhân dân các nước cùng mong muốn ngăn chặn những thảm họa có thể đến với loài người như sự lây lan những dịch bệnh hiểm nghèo, những hành vi tội ác của các tổ chức khủng bố; quyết tâm tạo ra sự chuyển biến thật sự trong việc bảo vệ môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững của các thế hệ hôm nay và mai sau; ước mơ đạt đến những thành tựu mới về khoa học - công nghệ phục vụ cuộc sống hạnh phúc của con người.

"Cầu đồng, tồn dị" trong đối thoại giữa các nền văn hóa còn có mục đích phát hiện những điểm đặc thù khác nhau về giá trị quan giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng những điểm đặc thù ấy tự chúng không làm cho các nền văn hóa xa cách nhau, thành kiến với nhau, thậm chí "đụng độ" với nhau, như S. Hun-tinh-tơn từng ra sức biện minh. Trái lại, khuyến khích các nền văn hóa khác nhau học cách cùng tồn tại, cùng góp phần thúc đẩy nền văn minh nhân loại tiến về phía trước.

Điều có ý nghĩa then chốt hơn cả của "cầu đồng, tồn dị" là trên cơ sở khám phá những giá trị chung cũng như những giá trị đặc thù thông qua đối thoại, các nền văn hóa tương tác, chia sẻ không phải theo hướng lấn át vượt trội hoặc đồng hóa các nền văn hóa khác, màlà tương hỗ nhau để trở nên phong phú hơn trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.

Một số kiến nghị

Từ những nguyên tắc đối thoại giữa các nền văn hóa đã trình bày ở trên, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu, đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Một là, hiện nay nước ta đang trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; con thuyền Việt Nam đang vươn ra biển lớn. Vì thế, hơn lúc nào hết chúng ta cần tận lực kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa ưu tú của dân tộc để chủ động giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác trên thế giới. Mục đích là nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu thêm về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn, lựa chọn tiếp thu những nhân tố nhân bản, khoa học, tiến bộ trong kho tàng văn hóa của thế giới, xem đó là động lực quan trọng thức dậy các tiềm năng, phát huy mọi nguồn cảm hứng sáng tạo.

Hai là, tăng cường giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác trên tinh thần học hỏi, tiếp thu, song không có nghĩa là sao chép, rập khuôn. Bởi mỗi nước, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do vậy, mọi sự sao chép, rập khuôn một mô hình nào đó từ bên ngoài sớm muộn đều dẫn đến thất bại. Theo kinh nghiệm ngàn đời của ông cha, chúng ta phải học tập bên ngoài với tinh thần độc lập và tự chủ cao. Học tập bên ngoài để tạo nên những giá trị tăng thêm, nhất là sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới có khả năng giải quyết thành công những vấn đề của đất nước mình, dân tộc mình, qua đó góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại.

Về điều này, Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Mình có thể học cái hay của bất cứ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người khác hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả"(5). Đây chính là sự vận dụng phép biện chứng của "nhận và cho", "vay và trả" trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa.

Ba là, để quá trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa diễn ra một cách tốt đẹp, chúng ta cần kiên quyết phản đối thái độ ngạo mạn của một số thế lực tự xem các giá trị văn hóa của nước mình, dân tộc mình là "ưu việt", "tối thượng", rồi từ đó rắp tâm áp đặt các giá trị, các tiêu chuẩn ấy cho các nước khác, dân tộc khác với nhiều biện pháp trắng trợn và tinh vi. Những sự áp đặt như thế chỉ có thể châm ngòi cho xung đột, chứ không thể kiến tạo được hòa bình. Đúng như Ủy ban Thế giới về văn hóa và phát triển của Liên hợp quốc đã nhận xét: "Chừng nào còn có một nền văn hóa áp đặt sức mạnh chính trị, trí tuệ và đạo lý của nó lên các nền văn hóa khác..., thì không thể hy vọng có hòa bình cho nhân loại. Phủ định những đặc thù văn hóa của bất kỳ dân tộc nào cũng là phủ định phẩm giá của dân tộc đó"(6).

Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang ngày càng gia tăng như hiện nay, để có thể chủ động tăng cường giao lưu, đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác, thì biện pháp có ý nghĩa then chốt nhất là chấn hưng nền giáo dục nước nhà nhằm đào tạo nên những con người vừa có kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc vừa có hiểu biết nhất định về các nền văn hóa có nhiều quan hệ với ta, đồng thời có thái độ ứng xử tinh tế, lịch sự, thông minh khi cần trao đổi, tròchuyện với các đối tác, du khách hoặc bạn bè quốctế. Bên cạnh đó, đặc biệt coi trọng phát hiện, vun đắp các tài năng, nhất là trong lớp trẻ, tạo điều kiện cho sự xuất hiện những tài năng văn hóa đỉnh cao ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu mặt bằng văn hóa chung thấp, thì tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân bị hạn chế. Nhưng nếu thiếu những tài năng văn hóa đỉnh cao thì cũng không có đủ những đại diện tiêu biểu cho dân tộc, cho đất nước trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác trong thế giới đương đại./.
 

GS, TS Phạm Xuân Nam

Nguồn: Tạp chí Cộng sản số 11 (179) năm 2009
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 6.597