TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thừa Thiên Huế sẵn sàng trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 30/01/2023

Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả Quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng đô thị hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển song song với nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản cực kỳ quan trọng. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như thế nào? 

Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh vấn đề này trong dịp đầu Xuân Quý Mão 2023.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có những bước triển khai như thế nào để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW vào cuộc sống?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện hết sức quan trọng, định hướng xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của cả tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, có mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, ngày 3/1/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 136-KH/TU về quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 69-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu được phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy, đồng chí cấp ủy viên tập trung chỉ đạo, bám sát thực hiện. Triển khai cụ thể hóa đồng bộ các quy định của Trung ương, tỉnh đã sớm hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của UBTV Quốc hội. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động 12-CTr/TU, ngày 13/5/2022 thực hiện nghị quyết 38/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội  về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế .

Căn cứ thực tiễn địa phương, ngay trong năm 2021, Tỉnh ủy đã chủ động ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng tỉnh trở thành trung tâm y tế, giáo dục- đào tạo; văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, giảm nghèo bền vững; xây dựng, phát triển huyện Phong Điền thành thị xã. Các yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng...  cũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tại các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển triển kinh tế-xã hội hằng năm và tại các Chỉ thị, Kết luận... để triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn tỉnh.

Việc triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, các Nghị quyết, kết luận của tỉnh cũng được các tổ chức đảng, chính quyền các cấp nghiêm túc thực hiện, gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, thì sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương đối với tỉnh Thừa Thiên Huế đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về phân loại đô thị và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đây là điều kiện hết sức cơ bản, thuận lợi để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, sẽ xây dựng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với quy định hiện hành để xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương và tổ chức lấy ý kiến nhân dân bảo đảm theo quy định.

Có thể khẳng định rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống và với những kết quả quan trọng mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Thừa Thiên Huế là mảnh đất cố đô, vừa phải gìn giữ giá trị di sản của tiền nhân để lại, vừa tập trung phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Theo đồng chí, Thừa Thiên Huế cần làm gì để phát triển mà vẫn bảo đảm được các yếu tố này?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Chúng tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả Quốc gia. Vì vậy, quá trình trình phát triển, Thừa Thiên Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu. Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư.

Tuy nhiên, đối với Thừa Thiên Huế, để thực hiện nhiệm vụ này, Huế luôn phải thận trọng, cân nhắc làm thế nào bảo đảm sự hài hòa để phát triển. Bài toán giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa cũng đã đặt ra cho Huế nhiều thách thức, vướng mắc trong một thời gian dài. Định hướng xây dựng "đô thị di sản" đối với Thừa Thiên Huế cần phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển, cần các cơ chế, chính sách đặc thù cho Huế để triển khai thực hiện.

 Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thật sự mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế để xây dựng, phát triển; đã định hướng, hoạch địch đường lối phát triển cho tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Chính vì vậy, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thật sự mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế để xây dựng, phát triển; đã định hướng, hoạch địch đường lối phát triển cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 38 của Quốc hội; Nghị quyết 26, 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... là những căn cứ, cơ sở quan trọng, tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế thu hút được nguồn lực đầu tư, tiếp cận được nhiều cơ chế chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng thế mạnh, đặc trưng của mình, giải quyết tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn và phát triển.

Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung nghiên cứu từ quy hoạch để phát triển đô thị di sản, đến tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết chế; xây dựng cơ chế, chính sách; chăm lo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác… chuyển trọng tâm vào lĩnh vực văn hóa, di sản, tạo động lực phát triển mạnh công nghiệp văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư. Tỉnh đang tập trung hoàn thành Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, các Đề án quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng,…

Đồng thời, tỉnh giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường. Chiến lược phát triển của tỉnh đã được đặt ra bằng các Nghị quyết, Chương trình hành động, kế hoạch với lộ trình, nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn.  

Có thể nói, mô hình và cách làm của Thừa Thiên Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động thể hiện sự quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển, hội nhập, hiện đại mà vẫn gìn giữ được giá trị văn hóa Huế, giữ gìn giá trị di sản của mảnh đất Cố đô.  

Phóng viên: Là người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế và là người con của Huế, bản thân đồng chí có mong muốn gì để tạo sức bật của tỉnh nhà trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Là người đứng đầu tỉnh, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó, tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm đặt lên vai của mình. Làm thế nào để lãnh đạo, xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển, đi lên, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân là những trăn trở, mong muốn của bản thân tôi trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay - khi Thừa Thiên Huế đang tiến đến rất gần với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tôi càng quyết tâm cùng với tập thể Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đồng bộ, dốc toàn lực để sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu này.

Tôi mong muốn phát huy được trí tuệ, năng lực, sự cống hiến, tận tâm, tận lực của toàn hệ thống chính trị; sự nỗ lực của các cấp các ngành; sự đồng hành, chung tay của các doanh nghiệp; sức mạnh đoàn kết và sự đồng thuận của người dân Huế trong thực hiện các chủ trương, đường lối; các nhiệm vụ giải pháp của tỉnh để tạo đột phá, sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý và mỗi một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động... cần đổi mới tư duy, mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công việc; trách nhiệm hơn nữa với sự phát triển của tỉnh; phát huy tinh thần gương mẫu trong mọi hoạt động, nhất là người đứng đầu.

Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị... cần chủ động, tích cực trong việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa và ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ để kiến tạo sức bật mới cho phát triển của tỉnh. Tập trung huy động được tối đa các nguồn lực để đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết đến với Huế. Xây dựng và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.

Về cơ bản, đường lối, chủ trương, định hướng lớn của tỉnh đã được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết chuyên đề rõ ràng; văn bản chỉ đạo định hướng đã cụ thể; vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; các thôn, bản, tổ dân phố,... và mỗi một người dân Huế, những người con của Huế xa quê hãy phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, trách nhiệm cao; nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện và hạnh phúc; đời sống vật chất, tinh thần người dân Huế ngày càng được nâng cao.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với sự phát triển đi lên của Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện để Huế sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Năm 2023 và những năm tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm gì để phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Xây dựng văn hóa, phát triển con người chính là đích đến cuối cùng của mọi sự phát triển, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Huế có nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thừa Thiên Huế trong hiện tại và tương lai.

Chính vì vậy, trong năm 2023 và những năm tới, tỉnh xác định phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với nhiều giải pháp quan trọng.

Đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa, Thừa Thiên Huế tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư với nhiều chương trình, đề án cụ thể; phát huy, khai thác các giá trị văn hóa gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường để phát triển kinh tế. Đặc biệt là nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) đã đề ra về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Đồng thời, triển khai cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ phát triển văn hóa quốc gia phù hợp với thực tiễn của tỉnh, nhất là Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và những kết luận quan trọng từ các hội thảo "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"; “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị. Huy động nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống bảo tàng. Quyết tâm hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế trong năm 2023 để sắp xếp, tổ chức lại không gian cho Kinh thành Huế. Nghiên cứu phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giá trị văn hóa, di sản. Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng, khu vực để khai thác các tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc riêng của Cố đô, xây dựng Huế thành Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ Ca Huế; phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ; xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn mới gắn với lan tỏa sâu rộng các phong trào để làm cho Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng - Thông minh.

Song song với nhiệm vụ phát triển văn hóa, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và đặc biệt là chú trọng công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong năm 2023 và những năm tới, tỉnh tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững; huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của các doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức để hỗ trợ, tạo sinh kế cho người nghèo trên toàn địa bàn, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Tỉnh ưu tiên nguồn lực, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đưa huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia.

Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm trong năm 2023, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 2.670 - 2.760 USD.  

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí về cuộc trò chuyện ý nghĩa đầu Xuân!

 

Bài, ảnh: Hoàng Oanh (Nguồn: https://dangcongsan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.002.539
Truy câp hiện tại 279