TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Ngành Tuyên giáo đẩy mạnh chuyển đổi số, làm chủ "trận địa" mới
Ngày cập nhật 01/08/2024

Năm 2024 đánh dấu bước đột phá của ngành Tuyên giáo trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng. Nhiều thông tin xấu độc đã bị hạn chế, gỡ bỏ; nhiều tài khoản, chủ kênh dần bị cô lập hoặc vô hiệu hóa.

Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Tuyên giáo tập trung tham mưu cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngành cũng đã tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo 35 các cấp chỉ đạo quyết liệt, bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời, tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, nhất là đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm để kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, góp phần giữ vững an ninh, ổn định chính trị để phát triển đất nước.

Kiểm soát hiệu quả không gian mạng

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc chuyển đổi số, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2024, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với hơn 70% dân số tham gia môi trường số, việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực đã thúc đẩy tiến trình phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì môi trường số cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ như thông tin giả, thông tin phản văn hóa, thông tin phản động, lừa đảo… Đáng chú ý, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường sử dụng mạng xã hội để tung những thông tin sai lệch về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước tình hình đó, lực lượng Tuyên giáo các cấp đã chủ động tăng cường đấu tranh chống tin giả, tin phản động, trong đó xác định môi trường số là mặt trận quan trọng cần tập trung hàng đầu. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm trong tham luận tại hội thảo mới đây về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã nhận định: Tin giả, tin đưa với ý đồ xấu gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đã diễn ra ở mức đáng báo động và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng. Internet là "trận địa" chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết những người dân trên internet, người khác sẽ lôi kéo.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng đã thực thi nhiều biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Qua tuyên truyền, vận động và cả đấu tranh pháp lý, đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trụ sở đặt ở nước ngoài đã hợp tác và đáp ứng hơn 90% yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam.

Thống kê trong 5 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok gỡ hàng chục nghìn video, tài khoản và fanpage chứa thông tin xấu, độc; cụ thể: Facebook gỡ 3.382 bài viết, 248 tài khoản, 15 hội nhóm và 66 trang fanpage; YouTube gỡ 2.884 video và 9 kênh (chứa 18.000 video); TikTok gỡ 180 tài khoản với gần 50.000 video.

Nhiều tài khoản xấu, độc đăng ký ở nước ngoài đăng tải thông tin chống phá trong nước đã bị các cơ quan chức năng đưa vào "danh sách đen", yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cắt doanh thu. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả, kịp thời phát hiện, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng mạng trong nước, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh không tiếp tay cho các nền tảng mạng xã hội có hành vi vi phạm.

Làm chủ môi trường số

Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là lĩnh vực còn khá mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và ngành Tuyên giáo nói riêng phải xác định rõ nội dung nhiệm vụ và tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đã nghiên cứu, tham mưu cấp ủy triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức, trên tinh thần chủ động, cảnh giác, thường xuyên, kiên trì, kiên quyết đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Để đấu tranh hiệu quả trên môi trường không gian mạng, các cấp ủy và ngành Tuyên giáo xác định phải chiếm lĩnh được "trận địa" này thông qua việc hướng về cơ sở, làm chủ công nghệ số, làm chủ nguồn thông tin, ứng phó kịp thời, linh hoạt và có sức thu hút.

Thực tế cho thấy, việc bám sát, nắm chắc tình hình và làm chủ thông tin quyết định hiệu quả tuyên truyền, vận động. "Hướng về cơ sở", "Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin" đã trở thành phương châm hành động của nhiều cấp ủy địa phương.

Mới đây, chúng tôi có dịp khảo sát ở xã biên giới Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đồng chí Phàn Tờ Mìn, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết cho biết, ngay cả vùng biên cương núi cao, người dân cũng đã thường xuyên sử dụng internet để tìm hiểu tin tức. Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ người dân thiếu kỹ năng chắt lọc thông tin, cho nên dễ bị dẫn dắt bởi thông tin xấu, độc. Do đó, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng người dân tiếp nhận thông tin.

Hầu hết các địa phương đã quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở, nhất là nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực lựa chọn, sàng lọc và truyền đạt thông tin nhằm đấu tranh có hiệu quả trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều cấp ủy tăng cường phổ biến kiến thức lý luận chính trị và bồi dưỡng kỹ năng làm việc trên môi trường số cho cán bộ, đảng viên.

Huyện ủy Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã phát động phong trào hỗ trợ nhau cùng học cách sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, hệ thống chính trị cơ sở đã kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh phản bác nhiều thông tin gây hoang mang dư luận. Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức lớp học trực tuyến bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên đối tượng 5.

Đồng chí Hồ Đại Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Hình thức tổ chức học tập, nghiên cứu và kiểm tra, đánh giá kết quả trên internet, với hàng nghìn người tham gia mỗi lớp, là giải pháp mang tính đột phá trong việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh được trang bị kiến thức, thông tin thường xuyên, liên tục và đầy đủ. Đây chính là lực lượng chủ công trong đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc ngay từ cơ sở.

Xây dựng bản lĩnh công dân số

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao khả năng tự phòng chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị.

Tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công dân số và xã hội số. Thực tế đó đòi hỏi ngoài việc thành thạo công nghệ số, công dân cần được trang bị kiến thức để có khả năng tự bảo vệ trước những tác động tiêu cực của môi trường số.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác Tuyên giáo sáu tháng đầu năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu phải quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Tuyên giáo để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trước hết, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cần liên tục học hỏi, tiếp cận, cập nhật để làm chủ công nghệ và quản lý được các hoạt động tương tác qua mạng. Nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa với các văn bản, tài liệu nghiên cứu, trao đổi, tuyên truyền…

Cùng với đó, phương thức công tác tuyên giáo trên môi trường số phải linh hoạt, bảo đảm cho hoạt động tuyên giáo diễn ra mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng nhu cầu, mục đích của người nghe, người tiếp thu, người đối thoại là những công dân số đang hình thành ngày càng đông đảo.

Lực lượng tuyên giáo làm chủ được môi trường số sẽ tạo đột phá về hiệu quả công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng, góp phần quan trọng nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, người dân - những công dân số có năng lực nhận biết thông tin xấu, độc, đồng thời có thể tham gia đấu tranh trên không gian mạng, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động hòng chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong thực tế, đã có những địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo. Thí dụ như ở tỉnh Quảng Trị, địa bàn tuy nhỏ, nhưng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng 1.923 trang Facebook, fanpage, kênh YouTube... tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã; có hơn 200 nhóm (group) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, tham gia định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh 86 tổ chức chín lớp tập huấn về kỹ năng tác nghiệp trên môi trường mạng với khoảng 800 người tham dự, góp phần hình thành lực lượng hùng hậu tham gia vào mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng ở địa phương.

Có thể nói, ngành Tuyên giáo đã nắm bắt nhanh và có sự chuyển hướng kịp thời, phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác, nhất là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên khắp thế giới, tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và mọi lĩnh vực của đời sống.

Theo Báo Nhân Dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.002.539
Truy câp hiện tại 5.734