Như vậy, theo Hồ Chí Minh văn hoá là sản vật của hoạt động con người, do con người tạo ra, song không phải tất cả những sản vật do con người tạo ra đều là văn hoá. Nó là văn hoá hay phi văn hoá khi được xét trong những quan hệ xã hội nhất định. Trong quan hệ xã hội, sản vật của con người sẽ là văn hoá khi nó vì “lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống”, và ngược lại, sẽ là phi văn hoá khi nó không “thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Có thể nói rằng, tiêu chí vì thích ứng với cuộc sống và lẽ sinh tồn của con người có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác lập nên tính văn hoá hay phi văn hoá trong những sản vật của con người.
Vì những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, con người đã tạo ra biết bao sản vật văn hoá, từ những sản vật vật chất liên quan đến “những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng”, đến những sản vật tinh thần như ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,... Nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn không ngừng biến đổi, và vì thế, cùng với thời gian, không gian văn hoá của con người ngày càng mở rộng, phong phú, đa dạng. Đúng là với sự xuất hiện của loài người, con người đã thay đổi giới tự nhiên tự nó để xây dựng một giới tự nhiên cho mình, bằng cách in dấu ấn của mình vào giới tự nhiên - cả dấu ấn tích cực và dấu ấn tiêu cực. Nói cách khác, con người tạo ra một giới tự nhiên - văn hoá cho mình.
Nhưng khi nói rằng, những sản vật do con người tạo ra vì sự sống và sinh tồn của mình là văn hoá, thì bản thân hành vi sản xuất và bản thân sự sống, sự sinh tồn của con người cũng là văn hoá. Có thể nói rằng, sinh tồn bằng cách sản xuất những sản vật văn hoá là phương thức sinh tồn của con người, là giá trị văn hoá gốc.
Vậy phương thức sinh tồn của con người có đặc điểm gì? Vấn đề này có liên quan trực tiếp đến bản chất của con người, tức là cái phân biệt con người với con vật. Con vật sinh tồn với những gì sẵn có trong tự nhiên, với giới tự nhiên tự nó. Con người sinh tồn theo phương thức dựa trên giới tự nhiên tự nó để tạo ra giới tự nhiên cho mình.
Vậy bản chất con người là gì? Ở phương Đông, Khổng tử nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”. Ở phương Tây, Arixtốt nói: “Con người, xét về bản chất, là một động vật chính trị”. Hình thức biểu đạt có khác nhau, song một cách chung nhất, cả Đông và Tây đều thừa nhận: Bản chất (hay bản tính) của con người là cố kết nhau lại, là xích lại gần nhau. Nói theo ngôn từ hiện đại của chúng ta, bản chất con người là đoàn kết. Đoàn kết là hình thức thể hiện bản chất con người. Hay nói cách khác, phương thức sinh tồn của con người là phương thức sinh tồn bằng cộng đồng.
Con người chỉ có thể sản xuất bằng cộng đồng. Để sản xuất, con người cần có những công cụ sản xuất nhất định. Bất cứ công cụ sản xuất nào, dù là đơn giản nhất, đều là sự kết tinh của cả thời đại đã sản sinh ra nó và các thời đại trước nó. Nhưng để sử dụng được công cụ ấy, con người lại phải huy động năng lực thao tác mà toàn thể cộng đồng đã rèn luyện nên và lắng tụ lại trong lịch sử. Trong sản xuất, người ta lại còn cần phải trao đổi kinh nghiệm với nhau, không chỉ với thế hệ cùng thời, mà cả với thế hệ trước và với thế hệ sau, và để trao đổi, người ta cần đến ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì tự bản thân nó đã là thể tổng hợp sống động của toàn bộ các quan hệ xã hội đã và đang tồn tại. Như thế, con người không thể tiến hành bất cứ hoạt động sản xuất nào, dù là đơn giản nhất, ngoài cộng đồng.
Hình thức cố kết cộng đồng cũng như quy mô và cấp độ cố kết cộng đồng có thể và cần phải thay đổi cùng với sự thay đổi của những thách thức đe doạ sự sinh tồn của con người, song tinh thần chung thì không thay đổi. Bản thân sự tồn tại của các cộng đồng dân tộc (hiểu theo cả hai nghĩa Nation và Ethnic) là bằng chứng sống động cho quan niệm trên. Ý nghĩa của phương thức sinh tồn bằng cộng đồng bao gồm hai phương diện sau:
Thứ nhất, là một thực thể vật chất, con người phải tương tác, phải cạnh tranh để sinh tồn trong quan hệ với các thực thể vật chất khác. Bằng việc cố kết nhau lại thành cộng đồng, các cá nhân tạo nên một sức mạnh mới lớn hơn tổng số sức mạnh của các cá nhân và khi tồn tại trong một cộng đồng được cố kết, cá nhân dựa vào sức mạnh cộng đồng để sinh tồn, đồng thời góp phần mình duy trì sự sinh tồn của cộng đồng.
Thứ hai, là một thực thể tinh thần, cá nhân cần phải sinh tồn trong cộng đồng mình. Đây là một phương diện rất đặc trưng của con người. Nếu như ta có thể thấy bóng dáng của phương diện thứ nhất trong phương thức sinh tồn bầy đàn của động vật, thì phương diện thứ hai chỉ riêng có ở con người. Thiếu đi phương diện thứ nhất, con người có thể bị diệt vong về mặt vật chất. Thiếu đi phương diện thứ hai, con người có thể vẫn sinh tồn về mặt vật chất, nhưng diệt vong về mặt tinh thần. Một cá nhân chối bỏ các giá trị văn hoá của cộng đồng và vì thế mà bị cộng đống chối bỏ có thể vẫn sinh tồn, nhưng không phải là sinh tồn trong cộng đồng đã sản sinh ra anh ta, tức là anh ta đã diệt vong trong cộng đồng của anh ta. Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng, cái chết về mặt tinh thần đối với một cá nhân đôi khi còn đáng sợ hơn cái chết về mặt vật chất, về mặt sinh vật. Trong lịch sử, bất cứ dân tộc nào cũng có những tấm gương cá nhân hy sinh sự sinh tồn vật chất của mình vì sinh tồn của cộng đồng, được cộng đồng ghi nhận, và vì thế mà bất diệt về mặt tinh thần, và ngược lại cũng có những cá nhân vì sự tồn tại vật chất của cá nhân mình mà phản bội lại sự sinh tồn của cộng đồng, bị cộng đồng chối bỏ, và vì thế mà diệt vong về mặt tinh thần, để lại “tiếng xấu” muôn đời.
Như vậy, tiếp cận lôgic cho thấy, xét về mặt bản chất, sự sinh tồn của con người gắn liền với đoàn kết, với cộng đồng. Đoàn kết để sinh tồn, sinh tồn trong đoàn kết, đó là những giá trị văn hoá gốc rễ của con người, của loài người. Vì thế, khi nói tới đoàn kết, ta hiểu đó là cái gì đó cao hơn một chính sách, cao hơn một chiến lược, cao hơn một sự thôi thúc thuần tuý lợi ích. Nó là lời kêu gọi xuất phát từ bản tính của con người, từ phương thức tồn tại của con người, từ cái cội rễ tiềm ẩn ở tầng sâu hơn những phân biệt về dân tộc, giai cấp, tôn giáo,… Nó là lời kêu gọi nhân danh loài người, là sự đòi hỏi con người sinh tồn theo phương thức tương xứng với danh vị Người của mình.
Đoàn kết thực sự là một giá trị văn hoá chung của cả loài người và cần được cả loài người chia sẻ.
Tiếp cận lịch sử
Lịch sử dân tộc Việt Nam là cả một chặng đường dài đấu tranh không ngừng nghỉ với tự nhiên và các thế lực xã hội để sinh tồn. Vượt qua chặng đường dài và cực kỳ gian khổ với biết bao hy sinh, mất mát, dân tộc Việt Nam đã đúc kết nên một giá trị văn hoá bằng vàng: Đoàn kết.
Bất cứ ai am hiểu lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam đều không thể không biết đến những lời răn dạy mà các thế hệ cha ông người Việt Nam luôn nhắc nhở con cháu mình: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hay: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Đoàn kết đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành một lẽ sống tự nhiên của mỗi con người Việt Nam. Người Việt Nam ý thức rất rõ ý nghĩa của cộng đồng đối với sự tồn tại của mỗi cá nhân, cũng như trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Làng là một hình thức thể hiện điển hình cho phương thức sinh tồn bằng cộng đồng của người Việt Nam trong lịch sử. Sống vì làng nước, chết vì làng nước là một trong những tiêu chí cơ bản đánh giá giá trị của một con người. Những tấm gương hy sinh bản thân mình vì làng, vì nước được người Việt Nam đời đời ca ngợi. Đối với người Việt Nam, không quản ngại hy sinh vì làng, vì nước thì “thác là thể phách, còn là tinh anh” - cái mất chỉ là thể xác mà “tinh anh” thì còn lại mãi với núi sông.
Một khi đoàn kết đã trở thành lẽ sống thì một cách rất tự nhiên, người Việt Nam có lòng khoan dung rộng lớn. “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Với nhận thức sâu sắc rằng, đoàn kết không chỉ là một cách tập hợp lực lượng, mà cao hơn thế, nó chính là phẩm giá của con người, người Việt Nam sẵn sàng tha thứ mà mở rộng vòng tay đoàn kết với bất cứ ai, dù cho họ đã từng phạm phải sai lầm nào. Trong quan hệ với các dân tộc khác, dân tộc Việt Nam cũng luôn ứng xử theo tinh thần ấy.
Trong thời hiện đại, trước những thách thức to lớn đối với sự sinh tồn của dân tộc và mỗi một con người, giá trị văn hoá đoàn kết của người Việt Nam lại toả sáng. Bạn bè quốc tế đều thừa nhận rằng, giá trị văn hoá đoàn kết của dân tộc Việt Nam hội tụ và lan toả trong hình ảnh một danh nhân văn hoá, một chiến sĩ quốc tế đấu tranh không mệt mỏi vì quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là một quy luật sinh tồn, một cội nguồn làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(2). Từ bài học lịch sử ấy, trên cơ sở tổng kết phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của nhiều dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh đã khái quát nên một chân lý: “Một dân tộc đã biết đoàn kết chặt chẽ, nổi lên chống kẻ thù cướp nước, để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì họ nhất định thành công”(3).
Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam đã có nhiều bạn bè quốc tế cùng chung vai, sát cánh. Có được điều đó một phần chính là bởi vì thông qua nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh, thông qua việc Hồ Chí Minh luôn nêu cao các giá trị văn hoá nhân loại, chứng tỏ cho nhân loại thấy cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam không phải là cuộc chiến đấu chỉ vì riêng quyền lợi của dân tộc Việt Nam, mà là cuộc chiến đấu nhân danh các giá trị văn hoá nhân loại và vì các giá trị văn hoá nhân loại, trong đó có giá trị đoàn kết, vì thế mà đã đụng chạm đến giá trị văn hoá gốc trong mỗi con người, mỗi dân tộc, đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu người Mỹ David Halberstam đã viết: “Trong cuộc đời của mình, ông Hồ Chí Minh không những đã giải phóng đất nước ông, và làm thay đổi cả quá trình thực dân ở châu Phi và châu Á. Ông còn làm nên một cái gì còn quan trọng hơn nữa. Ông đã đụng chạm tới cả một nền văn hoá và tâm hồn của kẻ thù”(4).
Đối với việc thực hiện các mục tiêu lớn của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, trên cơ sở thấu hiểu và tôn trọng quyền tự nhiên của mỗi con người và mỗi dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng thấy rõ rằng, chỉ có đoàn kết nhau lại, đoàn kết các thành viên trong một cộng đồng dân tộc và đoàn kết các dân tộc, nhân loại mới có thể cùng vượt qua những bạo ngược, bất công còn đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay từ năm 1919, Hồ Chí Minh đã viết: “Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”(5).
Hồ Chí Minh luôn quan niệm rằng, trên thế giới này, dù cho màu da có khác nhau, thành phần dân tộc có khác nhau, địa vị xã hội có khác nhau, song xuyên qua tất cả những khác biệt ấy, có một cái giống nhau, đó là bản chất Người trong mỗi con người. Suy cho cùng chúng ta đều là CON NGƯỜI, và vì thế, chúng ta cùng nhau chia sẻ nhiều giá trị chung, chẳng hạn như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, “tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”(6). Khi chúng ta đứng trên những giá trị CON NGƯỜI để ứng xử với nhau, thì chúng ta có thể vượt qua những khác biệt về màu da, dân tộc, địa vị xã hội để cùng đối mặt với những thách thức chung. Nói cách khác, khi đứng trên những giá trị CON NGƯỜI, chúng ta có thể đoàn kết với nhau một cách chân thành nhất.
Trong những thập niên đầu của thiên niên kỷ mới, nhân dân Việt Nam, phát huy giá trị văn hoá đoàn kết truyền thống của mình, đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, để xây dựng một “niềm tin chiến lược”, tức là tạo dựng một “chất lượng” đoàn kết quốc tế đậm chất văn hoá, đó là triết lý đối ngoại hiện đại của Việt Nam.
Bài học lịch sử của dân tộc Việt Nam và của nhiều dân tộc khác trên thế giới là minh chứng rõ ràng cho một chân lý: sở dĩ nhân loại có thể tồn tại và đang không ngừng phát triển là bởi vì bất chấp tham vọng bá quyền của các lực lượng phản động hiếu chiến, nhân loại từ khi xuất hiện đến nay đã đoàn kết với nhau, nỗ lực không mệt mỏi hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới mà trong đó hoà bình ngự trị trong quan hệ giữa người với người, giữa dân tộc với dân tộc; mọi người, mọi dân tộc đoàn kết, thân ái với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Đó thật sự là một hành trình của văn hoá và vì văn hoá, nhằm chống lại cái phi văn hoá, phản văn hoá.
Đối mặt với hiện tại và tương lai
Châu Á của chúng ta là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Cùng với hệ giá trị phương Tây, hệ giá trị phương Đông đã và đang góp phần xứng đáng vào hệ thống giá trị chung của thế giới.
Người ta thường nói tới một phương Đông cổ xưa. Chúng ta thì nói tới một phương Đông vừa cổ xưa vừa hiện đại, vừa thâm trầm, sâu sắc vừa sôi nổi, trẻ trung. Chính sự cổ xưa, thâm trầm, sâu sắc làm cho sự hiện đại, sôi nổi, trẻ trung càng thêm phần mạnh mẽ, hấp dẫn. Mỗi dân tộc trong đại gia đình châu Á của chúng ta có quyền tự hào và tự tin rằng, chúng ta đang có trong mình những tiềm lực phát triển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là tiềm lực văn hoá. Chúng ta tin rằng, châu Á hay phương Đông của chúng ta được định hình không phải chỉ đơn giản vì cùng chung một vùng địa lý, và quan trọng hơn, là xuyên qua những cái phong phú, đa dạng, chúng ta vẫn có chung những đặc trưng văn hoá. Đó chính là một nền tảng để các dân tộc châu Á ngày nay tiếp tục đoàn kết thành một khối thống nhất.
Châu Á cũng đang vận động trong bối cảnh chung, bên cạnh những thuận lợi to lớn mà thành quả phát triển của nhân loại đã tạo ra, sự sinh tồn của thế giới nói chung, của châu Á nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù còn vô vàn những hiện tượng khiến nhân loại hiểu rõ rằng, một “thế giới đại đồng” tốt đẹp cho toàn nhân loại vẫn còn đang ở phía trước, và nhân loại còn phải nỗ lực nhiều mới có thể đi tới, song người ta cũng đã cảm nhận thấy sự hiện diện của những tình cảm phản ánh bản chất con người, xuyên qua mọi khác biệt về màu da, về dân tộc, về văn hoá,... khi cả nhân loại cùng nắm tay nhau chống lại những nguy cơ chung. Nhân loại ngày càng ý thức rõ ràng rằng, sự sinh tồn của mỗi dân tộc có liên quan mật thiết với sự sinh tồn của các dân tộc khác, và để sinh tồn chỉ có con đường cùng đoàn kết với nhau.
Trong các chủ thể của thế giới, thanh niên chiếm một phần quan trọng, cả trong hiện tại và tương lai. Một thế giới, một châu Á đoàn kết, thân ái của hôm nay và ngày mai chỉ có được khi thanh niên thế giới, thanh niên châu Á ngày hôm nay cùng đoàn kết nhau lại. Với một bề dày của truyền thống lịch sử, người Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng, thanh niên châu Á và thanh niên toàn thế giới có đủ lương tâm, trí tuệ và bản lĩnh để cùng nắm tay nhau, cùng nhau xây dựng một thế giới đoàn kết và thân ái, cùng nhau đấu tranh chống lại tất cả mọi âm mưu phá hoại giá trị văn hoá đoàn kết của nhân loại vì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, vì tham vọng bá quyền. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện điều đó, bởi cao hơn hết thảy, đó là một phương thức sinh tồn đúng với bản chất tốt đẹp của LOÀI NGƯỜI chúng ta./.
--------------------------------------
(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia, H., 2011, tr. 448, tr. 256, tr. 543
(4) David Halberstam: Hồ, Vintage Books, New York, 1971, tr. 117 - 118
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, tr. 17
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, tr. 397
PGS,TS. Lại Quốc KhánhTrường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn