Tham dự phiên họp có các thành viên Tiểu ban: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
Tiểu ban Văn kiện được thành lập ngày 25-10-2013, theo Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, có nhiệm vụ chuẩn bị Dự thảo Báo cáo Chính trị, Dự thảo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn kiện khác trình Đại hội XII của Đảng.
Tại phiên họp này, các thành viên Tiểu ban tập trung cho ý kiến về Dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã báo cáo Tờ trình về Dự thảo đề cương chi tiết và Kế hoạch xây dựng Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 9, các thành viên Tiểu ban Văn kiện đã đóng góp nhiều ý kiến về chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XII, kết cấu và nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị, về những vấn đề lớn trong Dự thảo Báo cáo Chính trị...
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các thành viên Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và trí tuệ, đã khẩn trương, tích cực triển khai nhiệm vụ được giao, tiến hành các bước công việc cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp ở Trung ương, địa phương và cơ sở, trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học...
Tổng Bí thư chỉ rõ: Đại hội XII diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, chúng ta đã đi được chặng đường 30 năm đổi mới, ở giữa thời kỳ thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), vừa mới thông qua Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Hiến pháp năm 2013. Trong khi đó, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có nhiều diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vấn đề mới, cả thời cơ, thách thức. Vậy bối cảnh Đại hội XII đặt ra những yêu cầu gì, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết những vấn đề gì? Dự báo tình hình sắp tới sẽ như thế nào? Từ đó mới đi vào nội dung, xác định chủ đề Đại hội, phương châm Đại hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chủ đề của Đại hội là tư tưởng chủ đạo, thể hiện mục tiêu cơ bản nhất, nhiệm vụ trung tâm, trọng điểm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, định hướng cho việc xây dựng các văn kiện của Đại hội, nên yêu cầu phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra.
Trên cơ sở những phương án đã được Trung ương cho ý kiến chỉ đạo, bước đầu đa số ý kiến đã thống nhất phương án về chủ đề của Đại hội XII, nhưng có điều chỉnh cho sát thực tiễn hơn, bảo đảm yêu cầu đổi mới, nêu rõ được mục tiêu, những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản nhất và bảo đảm sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân. Về phương châm chỉ đạo của Đại hội XII, đa số ý kiến cho rằng, phải phù hợp với yêu cầu của tình hình nhiệm vụ, với tinh thần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm.
Tổng Bí thư lưu ý, kết cấu và cách trình bày Dự thảo Báo cáo Chính trị cần bảo đảm tập trung, dễ hiểu, dễ nhớ... đổi mới kết cấu theo hệ thống các vấn đề, bảo đảm hợp lý, khoa học. Như việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ 5 năm và nhìn lại 30 năm đổi mới, hai việc này có quan hệ với nhau, trong 30 năm có 5 năm, khi rút ra bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới thì trong đó cũng có bóng dáng của 5 năm. Về tên gọi, tiêu đề và nội hàm của các mục, cần tránh máy móc, trùng lắp, khô khan, cách thể hiện phải sinh động, linh hoạt tùy từng mục, mỗi mục nên có cả đánh giá, phương hướng, nhiệm vụ.
Về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau, Tổng Bí thư nêu rõ: Cần căn cứ theo tinh thần Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Hiến pháp năm 2013; căn cứ vào thực tiễn phát triển đất nước để bổ sung, phát triển, không được cứng nhắc, lý luận thì xám, cây đời thì xanh. Đồng thời, phải sử dụng tốt nhất thành tựu tổng kết 30 năm đổi mới, kết tinh chắt lọc những kết luận từ các đề tài nghiên cứu; phải cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị khóa XI, còn nhiều vấn đề chưa được thể chế hóa, chưa được thực hiện, như tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ba khâu đột phá chiến lược, vấn đề kinh tế nhà nước... phải hài hòa, không máy móc, phiến diện.
Về một số vấn đề mới, Tổng Bí thư chỉ rõ: Phải dựa trên những kết quả nhận thức đã có, bám sát tinh thần của Cương lĩnh, của Hiến pháp, từ đó cụ thể hóa, giải trình, làm rõ, gỡ những vướng mắc trong thực tế. Những vấn đề mới, chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, khi nào chín thì đưa vào thực hiện.
Về những việc cần làm tiếp, Tổng Bí thư đề nghị ngay sau Hội nghị này, Tổ Biên tập bắt tay ngay vào công việc, khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, tổ chức trao đổi, thảo luận kỹ, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Tiểu ban Văn kiện cũng sẽ chọn một số vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau... để thảo luận thật kỹ, tạo sự thống nhất cao, sau đó trình Bộ Chính trị, Trung ương, Đại hội Đảng các cấp thảo luận; trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, kết quả tổng kết 30 năm đổi mới, bảo đảm đủ độ chín. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với công tác nhân sự, việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm định hướng đúng đắn cho sự phát triển đi lên của đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.