Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 1.240
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
ĐẶNG HUY TRỨ VÀ VIỆC CHỐNG THAM NHŨNG
Ngày cập nhật 13/03/2009

Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân Tỉnh Trai; sinh ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Ông có 12 tập thơ với hơn 1.200 bài, bốn tập văn và một tập hồi ký - đó là số lượng tác phẩm lớn nhất của một tác gia trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại. Thơ văn của ông là tiếng nói của một tấm lòng thiết tha gắn bó với nhân dân, một nhân cách lịch sử mẫu mực. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu  đã đánh giá Đặng Huy Trứ là "người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam"...

"Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả"
Đó là mấy câu thơ trích trong tác phẩm: "Từ thụ yếu quy" của Đặng Huy Trứ - một tác phẩm với nội dung chuyên về chống hối lộ - tham nhũng đã thu hút nhiều thế hệ người đọc hơn một trăm năm qua. Với độ dày hơn 200 trang, cuốn sách đã nêu lên một cách khá chi tiết những hành vi tham nhũng, hối lộ. Từ - nghĩa là từ chối, thụ - tức là nhận; "Từ thụ yếu quy" nghĩa là nguyên tắc chủ yếu của việc từ chối và có thể nhận những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình.
Ngay từ phần mở đầu lời tựa cuốn sách, Đặng Huy Trứ đã viết: "Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là Thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may". Ông cho rằng phận làm quan cũng như bề tôi tớ của dân, chớ thấy vị trí của mình có được như hôm nay mà quên đi cái thân phận bình thường, giản dị của mình trước đây, và lúc nào cũng phải nghĩ không có dân, không có người giúp đỡ, ủng hộ mình thì mình không có ngày hôm nay. Khi đã làm quan rồi thì tự khắc bổng lộc sẽ đến. Đối với những lễ vật mà người khác mang đến cần phải minh mẫn để ứng xử. Cái gì có thể nhận thì nhận, không thể nhận thì dứt khoát từ chối. Nhận hay không nhận thì đã có quy định, nguyên tắc cụ thể. Người làm quan vốn thông minh hơn người nên biết mình phải làm gì để mãi đứng ở vị trí trong, không bị vết đục mờ hoen ố.
Theo cuốn "Văn hiến Việt Nam", Đặng Huy Trứ có thể được coi như một nhà nho hành động. Ông luôn biết hướng về dân về nước để góp phần xây dựng thể chế xã hội tươi đẹp dân chủ, bảo đảm tốt quyền lợi và các nghĩa vụ của người dân. Nói về của đút lót không thể nhận, tác giả rút ra 104 kiểu hối lộ quan chức, diễn ra trên mọi mặt của đời sống bao gồm các lĩnh vực giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... với các hình thức và thủ đoạn làm chúng ta không khỏi giật mình nếu so sánh với vấn nạn tham nhũng hiện nay. Đặng Huy Trứ quan niệm nhân tài của đất nước là do lựa chọn mà thành. Sự lựa chọn ấy không nơi nào khác ngoài trường học. Ai làm quan cũng phải đỗ đạt. Chính vì lẽ đó mà ông đã đưa việc hối lộ trong thi cử lên hàng đầu trong số 104 kiểu hối lộ phổ biến trong xã hội. Đặng Huy Trứ nêu rõ "Phép thi là chọn được thực tài, văn hành công khí văn hay, dở là được xét công bằng, chẳng thể nâng lên bằng tư tình. Thế mà có những kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chịu học hành, đến khi đi thi liền đỗ. Những kẻ ấy hạnh kiểm đã chẳng ngay thẳng, nhân phẩm không ra sao, mới bước ra khỏi cửa đi thi lần đầu đã giở trò gian dối. Nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ. Ta phải chặt đứt mầm mống tai họa ấy ngay từ đầu. Trừ được một kẻ như thế thì dân chúng thoát được một tai ương sau này. Nhược bằng thấy lễ hậu mà cho đỗ bừa thì ta đúng là một tên đạo tặc trong đám mũ cao áo dài. Thứ hối lộ ấy không thể dung nhận". Quan vì dân theo ông là quan luôn sống và hành xử vì dân. Thứ quan lại xảo quyệt mà người ta quen gọi là hôn quan thì luôn tìm trăm. Ông nêu lên kiểu hối lộ tiếp theo là "Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử". Ông cho rằng: "Triều đình dùng người dựa vào tài, vào đức, căn cứ vào văn thao, võ lược, không có giới hạn nào... Còn người làm quan, hoạn lộ bằng phẳng hay trắc trở, thăng tiến nhanh hay chậm là do mệnh vua và quan trên định đoạt. Ta không thể lợi dụng triều đình để kiếm miếng cơm cho riêng nhà mình được. Người làm quan phần đông là nóng lòng mưu cầu giàu sang hoặc muốn được bổ vào chỗ để kiếm chác hoặc mong thăng cao hoặc hại người đang bổ dụng kẻ nọ tranh kẻ kia hoặc gặp nơi lam chướng khó khăn thì tìm cách lẩn tránh, hoặc kỷ bổ dụng chưa tới mà đã sớm mong ngóng cầu ta ghi tên, hoặc nhân có nơi báo khuyết, người mới chưa đến mà cầu cho ta thế vào. Lúc đầu thì biếu sơn hào hải vị, thứ đến trà ngon, lụa tốt, tiếp đến là tùy ta thích gì, lớn nhỏ đều sẵn sàng biện dâng bạc từ một lạng đến ba bốn trăm lạng. Rồi chầu chực sân ngõ, đầy tớ dân hầu, tì thiếp môi giới, thôi thì đủ mọi cách đút lót để cầu ta giúp cho... Phàm những lễ vật biếu ta, có đến 8, 9 phần 10 là do vay nợ. Đến khi mua chuộc được chức quan thì lãi mẹ đẻ lãi con, theo ngày, theo tháng. Nếu quá hạn không trả được thì chủ nợ truy bách. Vì vậy đến lúc ấy họ liều dùng uy quyền để mà lấy lại, dùng việc án để mà lấy, dùng việc công để mà lấy, dùng việc cưới xin để mà lấy...
Các hành vi hối lộ mà Đặng Huy Trứ liệt kê trong 104 kiểu thì có địa phương hối lộ các quan, thanh tra, đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ cầu được che giấu, hương hào hối lộ để xin sắc phong thần (ngày nay chúng ta hay gọi là "chạy" để được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá), người bị tội hối lộ để xin giảm, miễn tội, quan tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên, dựa vào ý quan mà đưa hối lộ... Theo Đặng Huy Trứ, quan tham không phải xuất phát từ đáy lòng mà có khi nảy sinh từ bộ máy. Một người lên làm quan phải hối lộ tiêu tốn đến ngàn lượng vàng. Khi làm quan rồi dựa vào vị trí của mình sẽ tìm mọi mánh khoé để kiếm lại bù đủ số vàng tiền đã mất. Muốn kiếm được dễ dàng thì phải tạo khe hở cho những bọn người làm việc xấu có hại cho nước cho dân. Làm ngơ không thu thuế để người chịu thuế tự trích phần trăm "lợi tức" cho mình, tự thả kẻ phạm pháp để ăn tiền của chúng. Từ đó mà dẫn đến những sự việc đau lòng cho đất nước và nhân dân.
Bên cạnh 104 hành vi (từ), Đặng Huy Trứ cũng nêu ra 5 trường hợp quà biếu có thể nhận (thụ). Đó là: Lễ tết hàng năm (cấp dưới tết cấp trên, học trò tết thầy, binh lính tết chỉ huy... bằng sản vật thổ ngơi - chứ không phải bằng tiền bạc). Xong việc đến tạ ơn. Ông viết: "Quan làm việc công đó là phận sự trong bụng không nên trông chờ sự báo đáp. Còn người có việc cũng không nên nói đến việc tạ ơn. Song lẽ ở đời "kết cỏ ngậm vành, ai mà chăng có tình nghĩa ấy. Nếu như họ có công việc (nhờ ta), ta để hết tâm lực, cân nhắc cả ba mặt. tình, pháp và lý, xử thế thỏa đáng, khiến họ cũng được chút lợi họ ghi lòng tạc dạ ơn ấy, đem lễ vật đến tạ. Kẻ biếu xuất phát từ lòng thành, không có ý khác, người nhận không hề có yêu sách. Có thể nhận. Người được tiến cử đến tạ ơn. Trường hợp này tác giả viết: "Tìm người hiền tiến cử nhà vua, đó là chức phận của bầy tôi. Nay ta biết có người hiền mà tiến cử, xuất phát từ lòng mong muốn triều đình có được người hiền đâu có mong báo đáp. Song đã gặp người tri kỷ, họ không quên. Đó là nhân tình vậy. Nhưng có những trường hợp công cử ở triều đình mà tạ riêng ở tư thất, như Vương Mật nửa đêm mang vàng bạc đến biếu Dương Chấn, Ngô Phụng ở giữa vườn hoa đưa vàng đút cho Trương Tải, người được tiến cử rồi thay đổi tiết tháo, phẩm hạnh như Trương Trật Phù công Lã Chính, như thế nếu họ có lễ tạ thì phải khước từ tức khắc Còn những người không phụ lòng ta tiến cử, đến khi tới hạn thăng chức, lên lương, được ân mệnh chuyển chức vụ khác nếu có mang sản vật thổ ngơi đến tạ lòng tri kỷ, người cho không xấu hổ, kẻ nhận không thẹn thùng. Có thể nhận được. Ngoài ra, theo ông 2 trường hợp khác cũng có thể nhận được. Đó là việc "Thuyền buôn Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu" và " Nhân việc vui buồn mà có quà mừng riêng". Nêu ra các phần có thể nhận cụ thể như vậy để thấy rằng mọi chuyện cũng chỉ là có thể mà thôi.
Với Đặng Huy Trứ đã làm quan thì phải luôn gắn với thanh liêm. Làm quan giữa chốn công đàng, "quan trên ngó xuống, người ta trông vào" nên rất dễ bị đánh giá. Quan phải "dĩ dân vi bản" nên càng không thể sống thiếu sự đùm bọc của dân. Ông liệt kê 104 hành vi hối lộ, tham nhũng đồng thời cũng khuyên người đời hiểu biết về những điều nên làm, những điều không được làm và những điều được pháp luật cho phép làm. Sống cách nay hàng trăm năm, song sự thanh tao, tính cương thường luân lý trong một con người nho gia như Đặng Huy Trứ đáng để các công chức học tập, noi theo, nhất là trong lúc này việc chống tham nhũng đang rất cần sự đấu tranh không khoan nhượng của chúng ta./.

Theo VŨ DŨNG MINH (Tạp chí Tổ chức Nhà nước)
Các tin khác
Xem tin theo ngày