Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 3.771
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Làm gì để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động trong nhà trường phổ thông?
Ngày cập nhật 19/03/2009
Trao tặng các danh hiệu thi đua cho học sinh trong Cuộc vân động học và làm theo tấm gương Bác Hồ

Việc tăng cường giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các nhà trường phổ thông là hết sức cần thiết. Để công tác này đạt được hiệu quả cao thì phải đổi mới phương thức, phải tổ chức giáo dục theo phương pháp mới đối với những nội dung liên quan tới tư tưởng, đạo đức của Người.

 

1. Vai trò của nhà trường phổ thông trong việc giáo dục một số giá trị đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ

Trường phổ thông là nơi giáo dục thế hệ trẻ trong những năm đầu đời, tuổi thơ - tuổi học trò với biết bao cách gọi trìu mến, thân thương và những kỷ niệm theo mãi cuộc đời đều được mỗi người nhắc đến sau khi đã trưởng thành trong cuộc sống. Quãng thời gian mà mỗi người gắn với trường phổ thông gần như nằm trọn trong thời kỳ tâm sinh lý có nhiều biến động nhạy cảm, song cũng là thời kỳ mà nhân cách được hình thành khá rõ nét. Do vậy môi trường giáo dục có văn hoá với những định hướng giá trị đạo đức truyền thống sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển nhân cách học sinh.

Theo Luật Giáo dục (2005) thì việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường được đặt lên trước tiên, do vậy các nhà trường phổ thông sẽ phải tổ chức quá trình giáo dục theo chương trình được qui định, từng bước giúp học sinh tiếp thu những giá trị đạo đức cao đẹp mang dấu ấn của truyền thống văn hoá dân tộc và hướng tới chuẩn văn hoá hiện đại.

Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức cách mạng - một sự hội tụ, thẩm thấu các giá trị tinh hoa từ văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại. Trong hệ thống thang giá trị đạo đức con người Việt Nam, thì lòng yêu quê hương, đất nước là đỉnh cao, làm nền tảng cho các giá trị khác. Bởi vì quê hương, đất nước trong tâm thức người Việt luôn ẩn chứa nhiều giá trị thiêng liêng, hoà trộn giữa con người với thiên nhiên, giữa gia đình với làng xóm... Nó góp phần quan trọng vào việc hun đúc nên nhân cách của những anh hùng dân tộc qua nhiều thời đại lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự chuyển đổi cơ chế đang tạo ra những thành tựu to lớn cho đời sống vật chất, song cũng đặt ra nhiều thách thức về đời sống tinh thần; nhiều giá trị đạo đức truyền thống được lưu giữ, tiếp biến và thẩm định sức sống bền vững trong tiến trình lịch sử dân tộc lại đang đứng trước nguy cơ bị “xét lại” hoặc bị “chế diễu”. Ngay cả những giá trị đạo đức cao đẹp của Hồ Chí Minh cũng đang bị những thế lực phản động tìm cách bôi nhọ. Trước tình hình đó, việc tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các nhà trường phổ thông là hết sức cần thiết. Để công tác này đạt được hiệu quả cao thì không thể chỉ thông qua một vài đợt thi kể chuyện, hoặc đưa nhiều cuốn sách kể chuyện Bác Hồ vào thư viện, lại càng không phải thông qua lời giảng giải đầy tính chính trị của giáo viên. Điều quan trọng và cần thiết nhất cho quá trình triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong mỗi nhà trường phổ thông là phải tổ chức giáo dục theo phương pháp mới đối với những nội dung liên quan tới tư tưởng, đạo đức của Người.

2. Nội dung, phương pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh phổ thông

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là một phạm trù rất rộng, nhưng với học sinh phổ thông thì nên tập trung vào 2 nội dung cơ bản là: tình yêu quê hương, đất nước; sự thể hiện tình cảm thiêng liêng đó bằng hành vi cụ thể.

Tình yêu quê hương, đất nước ở con người Hồ Chí Minh là một giá trị đạo đức được hình thành, nuôi dưỡng trong bối cảnh đặc biệt (đất nước bị xâm lăng, quê hương lâm vào cảnh khổ nhục, gia đình phải ly tán). Chính truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc đã thổi vào tâm hồn của Người lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; tình yêu đó làm nảy sinh lý tưởng giải phóng dân tộc, được nhân lên gấp bội qua quá trình hoạt động cách mạng. Suốt cuộc đời 60 năm hoạt động cách mạng, Người đã cống hiến tất cả tâm sức, dành hết thảy tình cảm thiêng liêng cho quê hương, đất nước với một ước vọng “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được cụ thể hoá bằng những suy nghĩ, hành động cách mạng, đó là: sự nghiêm khắc với bản thân, những cử chỉ ân cần mà Người dành cho các giới, các lứa tuổi, các ngành nghề khác nhau; nó còn được thể hiện bởi nếp sống giản dị, tiết kiệm, gắn bó với thiên nhiên, con người, miệt mài với công việc. Chính nhờ có sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, được thể hiện qua những nếp sống thường ngày, nên Người đã trở thành một vị lãnh tụ rất gần gũi với dân, lại được dân tin yêu và quyết tâm noi theo. Uy tín chính trị của Hồ Chí Minh đã trở thành hạt nhân cho uy tín chính trị của một chính đảng, một chế độ xã hội. Hành vi đạo đức Hồ Chí Minh không gượng ép, không sáo rỗng, đó thực sự là một cách biểu đạt “lý thuyết” về tư tưởng, đạo đức thông qua đời sống thường nhật, nên rất có sức thuyết phục. Ngày nay, xu hướng sống thực dụng đang ngày càng có nguy cơ thịnh hành trong đời sống thời kinh tế thị trường; một bộ phận xã hội đang ngoảnh mặt với những chuẩn giá trị đạo đức. Trước tình hình như vậy, việc giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong nhà trường phổ thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng không thể buông xuôi, vì đây thực sự là một cuộc “đấu tranh tư tưởng” với những thế lực đang âm mưu thực hiện “diễn biến hoà bình”.

Nếu như ở bậc học sau phổ thông có một số môn học chuyên sâu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì ở các cấp học phổ thông cần phải khai thác, lồng ghép từ nhiều môn học khác nhau. Do đặc trưng và ưu thế riêng, nên một số môn học có nhiều nội dung ẩn chứa giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, chẳng hạn như: môn Tiếng Việt – Văn Học có nhiều câu chuyện viết về cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh. Môn Lịch sử có những sự kiện phản ánh cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh cho lịch sử dân tộc. Môn Đạo đức – Giáo dục công dân có nhiều nội dung nói về lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Môn Âm nhạc có những bài hát ngợi ca công đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình giáo dục, giáo viên cần căn cứ vào đặc trưng môn học, tuỳ theo kiến thức cụ thể và đặc điểm tâm lý học sinh, cùng với điều kiện cho phép để tổ chức hoạt động dạy học một cách linh hoạt, sinh động; tránh lối dạy nhồi nhét lý thuyết, tuyên truyền chính trị. Phương châm của công tác này là: các giá trị chân thực của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có trong các bài học được chuyển hoá bằng sự cảm thụ của người dạy và người học, được tạo dựng niềm tin bởi những chứng cứ lịch sử chân xác.

Những nội dung kiến thức liên quan tới giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những trọng tâm của những bài học có liên quan tới chương trình ở một vài môn học, do vậy trong quá trình tổ chức kiểm tra, thi cũng rất cần có những câu hỏi, những hình thức phù hợp nhằm thẩm định được kết quả học tập của học sinh về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Thực tế cho thấy, học sinh không mấy hứng thú khi phải trả lời những câu hỏi mang tính chất học vẹt, nhắc lại những điều có sẵn do sách hoặc giáo viên nêu ra, do vậy nên đổi mới các hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng tạo ra những tình huống thực tế, qua đó đòi hỏi học sinh tìm tòi, tranh luận, viết thu hoạch và diễn thuyết trước nhóm bạn, tập thể lớp. Nhưng có lẽ cách thẩm định tốt nhất, xác thực nhất, lý tưởng nhất vẫn là sự “đo đếm” bằng những “gương người tốt việc tốt” thường ngày trong nhà trường, tại gia đình, ngoài xã hội.

Môi trường giáo dục phổ thông có nhiều điểm khác với môi trường đào tạo ở đại học, cao đẳng, nên giáo viên có vai trò rất quan trọng đối với việc giáo dục học sinh. Họ phải là một tấm gương sáng trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho học sinh noi theo, đồng thời lại là người dìu dắt học sinh trên con đường tìm kiếm tri thức và hình thành nhân cách theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi lời nói và hành vi của giáo viên trong giờ giảng cũng như ngoài lớp học đều trở thành hình mẫu cho học sinh soi vào mà noi theo. Để làm được điều đó, trước hết giáo viên phải nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu liên quan, thực sự tin vào các giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở nghiên cứu kiến thức một cách khoa học, cùng với niềm tin cách mạng vào những điều nghiên cứu, giáo viên sẽ là nhịp cầu nối để chuyển tải tới học sinh những kiến thức về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

3. Một số điều kiện tương hỗ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh phổ thông

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một quá trình lâu dài, không phải là một phong trào thi đua đơn thuần. Với lĩnh vực giáo dục thì đây lại là một nội dung giáo dục tư tưởng tình cảm, nên bên cạnh công tác tuyên truyền còn cần phải có những nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn rất khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, đồng thời cũng cần thiết có các loại tư liệu hỗ trợ.

Trước hết phải có tài liệu chuyên đề và tổ chức tập huấn, giúp cho giáo viên có thêm cơ sở tham khảo, nắm vững hơn về những giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được ẩn trong một số môn học. Thực tế cho thấy giáo viên hiện đang rất lúng túng trong việc xác định nội dung, phương pháp giáo dục cho phù hợp với từng môn học, cấp học. Những nội dung cần liên hệ trong từng bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định) hiện mới chỉ là giải pháp tạm thời; nếu không có hướng dẫn cụ thể thì rất dễ làm cho giáo viên bị gò ép về tâm lý mỗi khi dạy các bài có nội dung liên quan, khiến cho việc tiến hành bài học không còn theo tính khách quan của kiến thức khoa học mà lại lái sang mục tiêu giải thích về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, như vậy bài dạy trở thành tuyên truyền chính trị, nhiều bài lặp lại sẽ gây nhàm chán.

Bên cạnh tài liệu chuyên đề, cũng rất cần tuyển lựa, đưa một số sách tham khảo, tư liệu bằng hình ảnh, âm nhạc vào quá trình giảng dạy. Bởi vì tính chân xác của tư liệu lịch sử là một yếu tố có sức thuyết phục nhất, phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh phổ thông (thiên về trực quan sinh động). Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo Cuộc vận động với các cơ quan chuyên môn (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch).

Giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị được thực hiện một cách thích hợp với đặc trưng lứa tuổi học sinh, lồng ghép với những môn học có ưu thế. Yêu cầu của công tác này là phải đưa Cuộc vận động đi vào thực chất, tạo nên sắc thái mới trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Do vậy mà các nhà trường cần biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục theo chuẩn mực đạo đức cách mạng của Người. Mỗi nhà trường cần được xây dựng thành một môi trường giáo dục lành mạnh, mang tính văn hóa cao, không để xảy ra những hiện tượng phi văn hóa, làm ảnh hưởng tới phẩm chất tư cách đạo đức nhà giáo. Mỗi học sinh phải noi gương đạo đức Bác Hồ mà phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, có những đóng góp tùy theo khả năng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa trên quê hương.

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên việc dạy chữ gắn với dạy làm người đang còn những hạn chế, yếu kém. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một dịp rất tốt để ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với toàn xã hội cùng chung tay góp sức xây dựng một nền giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

TS. Trần Viết Lưu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và ĐT, Dạy nghề

(Nguồn Tạp chí Tuyên giáo)

Các tin khác
Xem tin theo ngày