Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 5.790
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Trật tự thế giới mới - một giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu?
Ngày cập nhật 04/03/2009

Trật tự thế giới mới - một giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Trật tự thế giới mới - một giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Nguyễn Đình Chiến

TS

(Cập nhật: 5/2/2009)

 

Cả thế giới đã hướng về Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Đa-vốt để chờ đợi các ý tưởng có thể giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua khủng hoảng tài chính. Trong lịch sử, chưa có một Diễn đàn kinh tế thế giới nào hoành tráng đến thế với khoảng 2.500 đại biểu tham dự, trong đó có tới 40 nguyên thủ quốc gia, 60 bộ trưởng, 30 người đứng đầu các tổ chức lớn nhất thế giới và 1.400 giám đốc các hãng và tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có sức công phá đối với cả những nền kinh tế mạnh nhất đã làm cho các nước trên thế giới dường như xích lại gần nhau hơn. Mối quan tâm chung, mục tiêu chung được đặt ra lúc này là thoát khỏi khủng hoảng, đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Trước khi khai mạc Diễn đàn kinh tế quốc tế tại Đa-vốt, ông Cô-phi An-nan, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2009, nêu rõ rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay đã bộc lộ “sự khủng hoảng về quản lý toàn cầu", và nó chỉ có thể được giải quyết bằng cuộc cải cách cấp tiến của Liên hợp quốc. Mô hình quản lý hiện nay cần được định hình lại. Để làm được điều đó, lãnh đạo các nước phải cùng hợp tác để tìm ra những cách thức có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho tất cả những người bị mất việc.

Tổng thống Thụy Sĩ Hanx Ru-đôn-phơ Mét-dơ (Hans Rudolf Merz) cũng chỉ rõ, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cho thấy một điều rõ ràng là, phát triển phải được xây dựng trên cơ sở những giá trị chung [1,2].

Giáo sư Clao-xơ Xơ-oáp, Chủ tịch và là người sáng lập của WEF, người chủ trì phiên khai mạc đã gọi Diễn đàn kinh tế thế giới Đa-vốt lần này là “trại an dưỡng của nền kinh tế thế giới”, cũng phải thừa nhận rằng: "Những gì chúng ta chứng kiến là sự mở đầu của một kỷ nguyên mới và là tiếng kêu cảnh tỉnh yêu cầu chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách tư duy của mình". Ông nói, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển sức mạnh chính trị và kinh tế từ phương Tây sang phương Đông. “Ngày nay, không một vấn đề nào của thời đại có thể giải quyết được nếu thiếu nước Nga... Nước Nga đã và vẫn là một thách thức đối với cộng đồng quốc tế”.

Có lẽ vì những lý do trên đây mà sau khi Ban tổ chức Diễn đàn lấy ý kiến thăm dò các đại biểu tham dự vào cuối năm 2008, Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã được lựa chọn để đọc tham luận trong phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới Đa-vốt 2009. Theo truyền thống, báo cáo tham luận này có vai trò như bản báo cáo đề dẫn, trong đó nêu lên tất cả các vấn đề cần phải tranh luận trong các phiên họp sau. Vì thế, đại biểu được lựa chọn đọc tham luận khai mạc phải có khả năng đề xuất các ý tưởng riêng và thể hiện vai trò của quốc gia mà mình đại diện.

Những ý tưởng trong bản tham luận của ông V.Pu-tin đã thực sự gây ấn tượng đối với người nghe khi phân tích nguyên nhân và đề xuất những giải pháp để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã đề xuất hình hài của một trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự thế giới đơn cực, trong đó chỉ có một quốc gia “lãnh đạo” và một loại đồng tiền duy nhất được dùng để dự trữ ngoại tệ của các quốc gia.

Nguyên nhân của khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo cách nhìn nhận của Thủ tướng Nga, là do:

- Hệ thống tài chính hiện hành bất lực, chất lượng điều phối thấp, thế giới đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát.

- Sự mất cân đối, chênh lệch quá lớn giữa quy mô và phạm vi các hoạt động tài chính với giá trị thực; giữa nhu cầu về các nguồn vốn và khả năng đáp ứng.

- Hệ thống tăng trưởng toàn cầu bị rối loạn. Một trung tâm có quyền gần như vô hạn và không kiểm soát được việc phát hành tiền và tiêu xài phung phí, còn các trung tâm khác thì sản xuất hàng hoá giá rẻ và thu về những khoản tiền tiết kiệm khổng lồ rồi đưa vào dự trữ quốc gia bằng đồng tiền của quốc gia khác.

- Sự phân bố không đồng đều mức độ thịnh vượng bên trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia và các khu vực trên thế giới.

- Ảo tưởng quá lớn về nhu cầu không ngừng tăng cao đã biến thành tham vọng thiếu cơ sở của các công ty và tập đoàn sản xuất hàng hoá. Cuộc chạy đua về chỉ số trên thị trường chứng khoán và đầu tư đã vượt quá mức tăng năng suất và hiệu quả sản xuất thực tế của các công ty và các hãng, dẫn tới hiện tượng tiêu dùng thái quá và để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai.

Các thể chế chính trị và quốc tế hiện hành tỏ ra không đủ khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính cũng như các cuộc xung đột trong nền chính trị và an ninh quốc tế như ở Nam Cap-ca, dải Ga-da hoặc cuộc xung đột liên quan đến khí đốt giữa Nga và U-crai-na. Tính chất nghiêm trọng và thời gian kéo dài cuộc khủng hoảng tài chính lần này sẽ phụ thuộc vào việc các nước trên thế giới đưa ra các quyết sách chính xác và kịp thời tới mức nào.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu, Nga đề xuất một Kế hoạch 4 điểm để thoát khỏi “cơn bão tài chính”.

Thứ nhất, từ bỏ các gánh nặng của quá khứ; xóa những khoản nợ không có hy vọng đòi lại và những khoản nợ xấu. Né tránh việc thanh khoản đồng nghĩa với việc kéo dài cuộc khủng hoảng tài chính.

Thứ hai, từ bỏ những đồng tiền ảo, những cách tính toán thổi phồng thu nhập và những cách đánh giá chỉ số chứng khoán thiếu tin cậy. Đã đến lúc phải xây dựng một nền kinh tế lành mạnh, dựa trên những giá trị đích thực thay vì một nền kinh tế ảo, dựa trên những đồng tiền ảo. Giá trị đích thực của nền kinh tế dựa trên khả năng thực tế làm ra sản phẩm cho xã hội.

Thứ ba, cần phải bảo đảm hoạt động bình thường cho một số đồng tiền dự trữ ngoại tệ khu vực, chứ không chỉ duy nhất một đồng đô-la Mỹ. Thế giới sẽ lâm nguy nếu phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất được dùng để dự trữ ngoại tệ.

Thứ tư, cần bảo đảm tính công khai minh bạch trong chính sách tiền tệ - tín dụng của các nước phát hành đồng tiền dự trữ ngoại tệ vì đa số các nước sẽ dự trữ ngoại tệ bằng các đồng tiền đó. Muốn vậy, cần xây dựng một hệ thống điều chỉnh toàn cầu dựa trên pháp lý quốc tế, phải xây dựng một thế giới đa cực.

Phản ứng của báo chí phương Tây đối với phát biểu của Thủ tướng Nga khá tích cực. Chẳng hạn, tờ “The New York Times” (Mỹ) nhận xét: “Trong bài phát biểu kéo dài nửa giờ, Vla-đi-mia Pu-tin đã thể hiện nước Nga như một đối tác tin cậy trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và chính trị...Ông đã không có thái độ công kích đối với các đồng nghiệp ở phương Tây. Còn tờ “The Washington Post” (Mỹ) cho rằng: “Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin có thái độ ôn hoà tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đa-vốt. Ông không đổ lỗi cho nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay”. Báo Đức “Frankfurter Allgemeine Zeitung” nhấn mạnh: “Vla-đi-mia Pu-tin chú ý phân tích mức độ can thiệp của nhà nước vài nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng”. Tờ “The Times” của Anh viết: “Ngài Vla-đi-mia Pu-tin đã có bài phát biểu với tinh thần mạnh mẽ trong bầu không khí bị chìm đắm trong cơn suy thoái tại Diễn đàn Đa-vốt. Chủ đề trung tâm của Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin là củng cố sự hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích khắc phục khủng hoảng tài chính mà còn nhằm giải quyết các cuộc xung đột vũ trang như ở Nam Ô-xê-ti-a hay giữa Pa-le-xtin và I-xra-en”. Báo “The Time” còn viết về ý tưởng trong bài phát biểu của Vla-đi-mia Pu-tin biến nước Nga thành một trong các quốc gia hàng đầu thế giới trong thế suy yếu của Mỹ”. Báo Pháp “Le Figaro” và báo Anh “The Guardian” nhận xét: “Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đa-vốt người ta thấy bóng dáng đại diện của Nga và Trung Quốc trở thành “ngôi sao sáng” tại Hội nghị” [3].

Bài phát biểu của Thủ tướng V.Pu-tin, cũng như những ý tưởng, đề xuất của ông Cô-phi A-nan, phát biểu của Tổng thống Thụy Sỹ, giáo sư Clao-xơ Xơ-oáp như đã nêu ở trên, dù ở những mức độ khác nhau, nhưng đều cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang không chỉ đặt ra những vấn đề thuần túy cần được giải quyết từ góc độ kinh tế, bằng những giải pháp tức thời, mang tính đối phó, mà sâu xa hơn, nó chứng tỏ rằng, nền kinh tế của thế giới đạt tới trình toàn cầu hóa đang cần có những thay đổi về nội dung để có bước phát triển mới.

Diễn đàn xã hội thế giới được xem là đối trọng của Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ).
Diễn đàn xã hội thế giới năm nay đã thu hút sự tham gia của gần 100.000 người. Ngoài nguyên thủ quốc gia các nước Nam Mỹ như Vê-nê-du-ê-a, Bô-li-vi-a, Pa-ra-guay,... còn có các công đoàn viên, các nhà hoạt động môi trường... lâu nay vốn phản đối mạnh mẽ những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa./

Đó là thay đổi về cơ cấu, về cách quản lý, mô hình quản lý, thay đổi mang tính cách mạng trong các thể chế tài chính như WB, IMF, bởi nó tỏ ra không đủ sức để giải quyết cuộc khủng hoảng xuất phát từ các nước thuộc khu vực “trung tâm”; yêu cầu phải cấu trúc lại trật tự thế giới theo hướng đa cực, nhiều trung tâm, thay cho trật tự đơn cực, trong đó chỉ có một quốc gia có quyền quy định, áp đặt luật “chơi” cho cả thế giới. Ở một khía cạnh nào đó, điều này được thể hiện ngay trong chủ đề “Định hình thế giới sau khủng hoảng" của Diễn đàn kinh tế thế giới 2009.

Trong khi đó, bên kia bán cầu, tại thành phố Belem (Bra-xin), cùng thời điểm với WEF, cũng diễn ra Diễn đàn xã hội thế giới, tại đó lãnh đạo các nước Nam Mỹ kêu gọi các nước tiến hành cuộc cải tổ chủ nghĩa tư bản toàn cầu, bởi chủ nghĩa tư bản đang trong cơn khủng hoảng và chính nền kinh tế đầu tàu của thế giới đã gây nên ''cơn bão'' tài chính toàn cầu hiện nay. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la H.Cha-vét khẳng định, nghèo khổ và thất nghiệp đang gia tăng, thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng trong hệ thống tư bản toàn cầu, còn Tổng thống Ê-cu-a-đo Ra-pha-en Co-rê-akhẳng định, hệ thống tự do kiểu mới sai lầm đã sụp đổ và Diễn đàn xã hội thế giới chính là một phần giải pháp.

Rõ ràng, vấn đề đặt ra quá lớn, quá phức tạp nên sau 5 ngày thảo luận, WEF đã kết thúc (ngày 1-2-2009) mà không đạt được kết quả cụ thể nào nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính đang đưa kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái chưa có điểm dừng. Vì thế, thế giới lại tiếp tục trông đợi vào một sự kiện khác - Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc nhóm G-20 vào cuối tháng 4 tới tại Luân-đôn (Anh)./.
 Nguồn Tạp chí Cộng sản số 3(171) năm 2009.
Các tin khác
Xem tin theo ngày