TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Chủ nghĩa duy vật nhân văn - Nhìn từ truyền thống văn hóa dân tộc
Ngày cập nhật 30/03/2009

Vấn đề chủ nghĩa duy vật nhân văn là một hướng nghiên cứu lớn mà chúng tôi đã nhiều năm tìm tòi, suy ngẫm và đã được công bố trong một số công trình, làm rõ các góc độ khác nhau của vấn đề cả mặt khoa học cơ bản và mặt ứng dụng thực tế, cả mặt triết học và khoa học nhân văn, cả mặt lịch sử và mặt đương đại.

I- Tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" trong triết lý Việt Nam với chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

Khi nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam nhiều người làm nổi bật tư tưởng của chủ nghĩa yêu nước hay tư tưởng đạo đức nhân nghĩa, hay làm rõ từng học phái, Nho hay Lão, hay Phật, nhưng ít người tập trung làm rõ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Tư tưởng này có truyền thống một thời trong tư tưởng Trung Hoa cổ đại nhưng ở Việt Nam cũng có truyền thống nổi bật, mang sắc thái riêng, khá độc đáo của thời Lý Trần và về sau được Lê Qúi Đôn hệ thống hóa, phát triển lên trình độ mới. Người có công hệ thống hóa trong thời hiện đại về tư tưởng nói trên, nhấn mạnh tính kế thừa nhiều hơn là phê phán là nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục với bộ sách 7 tập Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ngay một số tác giả người Pháp thời thuộc địa cũng đã nhận ra cái tâm hồn người Việt Nam với vũ trụ quan tam giáo đồng nguyên (Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb.TPHCM, 1998, tập I, tr. 29) . Rằng "tổng hợp (synthese) tam giáo là một công phu Việt Nam hóa ba hệ thống tư tưởng ngoại lai thành một tư tưởng mới, thích hợp cho điều kiện lịch sử sinh tồn của dân tộc này". Nhưng phải chăng chỉ có thế? Nhân đây, chúng tôi xin trình bày một số nhận thức sau đây, nhằm cung cấp luận cứu để suy nghĩ cho chủ nghĩa duy vật nhân văn.

Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên như là "chủ nghĩa nhân bản toàn diện khai phóng", "một thế giới quan đầy đủ, tức là một ý thức hệ trong đó trọng tâm chính là Nho học được Phật học và Đạo học bổ túc cho hòan vị vậy" (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t.VI, tr. 296) thời Lý Trần, do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện, tổng hợp cả ba tư tưởng chủ yếu của Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Nhưng thực ra là từ thời Mâu tử Lĩnh Nam Giao Chỉ thì đã có sự tổng hợp ba đạo ấy, dù còn sơ hai, nhưng sâu sắc với tinh thần "mặt trời mặt trăng cùng sáng, mỗi đằng có sức chiếu riêng" (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. I, tr.18) . Hoàn cảnh xã hội mà Mâu Bác khác thời thế Mạnh Kha, khôi phục Nho giáo để chống Dương Chu, Mặc Địch, còn Mâu Bác thì nghiên cứu, tổng hợp các triết thuyết đạo giáo ấy (lấy Phật giáo làm cơ bản) không có dụng ý chống đối mà để thích ứng với thời thế mới (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. II, tr. 136, 141) . Sau này, Sĩ Nhiếp phát triển thêm rồi các nhà tư tưởng Việt Nam cả Nguyễn Trãi đã chung tay xây dựng Tam giáo trên tinh thần dân tộc, yêu nước, thương dân. Lê Quí Đôn với phương pháp Đồng nhất trong sai biệt, "Thù đồ nhi đồng qui, bách lự nhi nhất trí" (Đường đi khác nhau mà cùng về một đích chung, trăm ý nghĩ mà cùng tới một lý), tạo nên "MỘT TRIẾT HỌC SINH TỒN TOÀN DIỆN" (HBT nhấn mạnh). Khi thời Lê Thánh Tông chủ trương độc quyền Nho giáo, thì Lê Quí Đôn đã phê phán sự độc tôn và khôi phục, phát triển truyền thống Tam giáo đồng nguyên (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. VI, tr.10, 47, 59) . Tam giáo có triết lý toàn diện khi xem xét cuộc sống phổ quát của nhân loại.

Nhân loại sống trong ba quan hệ cơ bản:

-Quan hệ giữa người với người trong nhân quần xã hội, cá nhân và đoàn thể;

-Quan hệ giữa người với tạo vật, nhân văn và thiên nhiên;

-Quan hệ giữa mình và mình, ta là ai, là cái gì, thể xác tiêu diệt cai ta còn không, tức vấn đề tâm-vật, vật chất và tinh thần, cái gì tồn tại? (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. VI, tr. 131, 132, 143)

Nho học chủ yếu tập trung nghiên cứu con người và trật tự xã hội, thừa nhận, đề cao cái thực tiễn hiện hữu, đề cao tư tưởng đạo đức, tu thân, chủ trương nhập thế, hướng tới cái đẹp nhân sinh; Đạo học nghiên cứu thiên nhiên, đề cao cái thiên nhiên, cái đạo, cái không tồn tại, cái nhất thể vạn vật đồng nhất thể, chủ trương vô vi, xuất thế, hướng tới cái đẹp thiên nhiên; còn Phật học nghiên cứu con người với chính mình, tìm hiểu cái tâm, từ tâm người đến tâm vũ trụ hướng tới cái tâm linh và ngược lại, thừa nhận hiện tồn vừa có vừa không vừa thực vừa ảo, thấu hiểu sự sống chết, vĩnh cửu, hướng tới cái đẹp tự giác, giác tha, cái đẹp của ý thức vũ trụ đại đồng. Phật giáo có khuynh hướng tổng hợp nhưng lại đứng bên lề xã hội. Chỉ có Tam giáo mới tổng hợp ưu việt được cả ba phương diện sinh tồn, sinh thành toàn diện: Thiên - Địa -Nhân, hay Tiềm thức - Hữu thức - Siêu thức; hay Tri thức -Tình cảm - Y chí; Mộng -Thức - Ngủ. Chân - Thiện - Mỹ hay Tri thức - Đạo đức - Nghệ thuật (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. VI, tr. 79) .

Nguyễn Đăng Thục có lý khi nhận xét: "Dân tộc Việt Nam đã sớm tìm thấy ở Tam giáo Nho Phật Lão cái ý thức hệ sinh tồn toàn diện đáp ứng cho cả lý trí, tình cảm, lẫn ý chí. Cho nên một Nho giáo hay một Lão giáo, hay cả Nho với Lão cũng không thõa mãn. Nho học chỉ mới thỏa mãn được nhu cầu xã hội, Lão chỉ thỏa mãn được nhu cầu tự nhiên. Phải có Phật giáo mới thỏa mãn được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh"( Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. VI, tr. 145, 296) . Và ông cũng thấy trong cội nguồn tâm thức Việt Nam có tinh thần dân tộc mạnh mẽ quật cường với tinh thần tôn giáo (tín ngưỡng thì đúng hơn) và nghệ thuật tâm linh tổng hợp lại là cơ sở định hướng cho sự tổng hợp tam giáo về sau của dân tộc (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. I, tr.175, 176) . Mỗi đạo có khác nhau nhưng cùng đi tìm hạnh phúc của nhân loại, hướng tới hạnh phúc của nhân loại, có ở tâm hồn, hòa điệu ở con người, ở thiên nhiên vũ trụ, ở nhân văn (Nguyễn Đăng Thục, sđd, tập I, tr. 448, 449) . Đồng thời, giữa các đạo đó cũng kế thừa nhau mà mở rộng nội dung của mình, hòa đồng với đạo khác, cơ bản là không biệt lập, chống đối nhau. Chẳng hạn, từ quan niệm của đạo Phật và nền tảng cho sự đồng nguyên là chữ Nhân không chỉ yêu người trong Nho giáo mà là yêu muôn loài, giải thoát là cho chúng sinh. "Nhân là vớt cứu trầm luân muôn loài" (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t.VII, tr. 298) .

Có hòa điệu mới có đồng nguyên và có đồng nguyên mới có hòa điệu. Đồng nguyên ở đây là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm và ngược lại, chứ không theo kiểu tuyến tính đối lập loại trừ. Cho nên mới "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Ở đó đúng là: Sự sống là "nguyên lý căn bản của mọi sự hiện hữu" dù chúng tuần hòa, luân hồi muôn kiếp sinh sinh, diệt diệt, hóa sinh.

Tam giáo đồng nguyên không chỉ thống nhất mà xuyên thấm sang nhau nữa, bổ sung cho nhau, trong cái này có cái kia và nâng lên tầm cao mới, thấm được nội dung dân tộc sâu sắc mà chủ nghĩa yêu nước là tư tưởng trung tâm, một nền tảng. Đó là điều mà Nguyễn Đăng Thục và cả các nhà tư tưởng Tây phương trước đây không chú ý trong nghiên cứu hay khái quát của mình. Thực ra, cần chú ý cả hai mảng tư tưởng dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, nhân nghĩa Việt Nam, chữ Nhân Việt Nam và tư tưởng hợp sáng tam giáo. Cái chung để đồng nguyên tam giáo không chỉ (hay chỉ) vì dân tộc Việt Nam có tâm hồn "vạn vật đồng nhất thể" Tâm linh siêu nhiên, "vạn vật ư linh" như có người quan niệm (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. I, tr. 53, 116) mà theo chúng tôi, còn do tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa, do chữ Nhân (qua hai biểu tượng Thần Tiên và Thần Trống Đồng) của dân tộc từ thuở Hồng Bàng. Đó là hai nền tảng của sự đồng nguyên cùng chung một nhân hòa đồng và nhân văn: hiện thực và siêu nhiên, "công lợi và tâm linh" hòa lẫn (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. I, tr.108-109) , tham thông, Vuông Tròn, giữa Đạo và Đời chứ không phải thiên về một phía nào duy nhất, nhưng thực tế là Đời ưu trội hơn. Ngay trong hiện thực xã hội văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam, Đông Á cũng có sự kết hợp kỳ lạ: bên cạnh dân chủ làng xã thì lại có chế độ phong kiến "chuyên chế" tạo nên trạng thái phương thức sản xuất châu Á".

Cần nói thêm rằng, cái chung của vũ trụ, con người, xã hội, hay tự nhiên, siêu nhiên thì đề vạn vật đồng nhất thể, ở cái Chân Như, hay Phật tính, hay Tâm; ở Thiên tính; ở Đạo. Cả ba cách khái quát hay cảm thấy, nhận thấy, thức hay mộng, tiềm thức hay hữu thức thì đều nói về Một cái bất biến- sinh thành - biến hóa ra tất cả và trở về với Một ấy.

Nhưng cần chú ý thêm là khoa học vật lý hiện đại nhìn vật chất không phải chỉ là vật thề trong chữ hiểu lầm duy vật (ngay Nguyễn Đăng Thục cũng hiểu lầm, nên mới bác lại không có chữ duy, rằng triết học Đông phương không duy tâm cũng không duy vật, Sđd, VII, tr. 59) , mà là vật chất nói chung (như Lênin quan niệm), vật chất mịn, ánh sáng, năng lực tương tác, hoạt động mà cái này mới là chính, bản chất hơn, thực thể là nó, tâm vũ trụ là nó, Đạo cũng là nó, thì "năng lực vật chất hết sức tan loãng, vật chất là năng lực tụ lại hết sức". Hay Kinh dịch cũng cho rằng: "Năng khí kết tinh làm vật chất, tan biến là linh hồn tự do"( Nguyễn Đăng Thục, sđd, t.VII. tr. 59) , tức là vật chất mịn, thế giới vô hình, các sóng, và hạt mịn, hạt hạ nguyên tử, theo khoa học vật lý hiện đại xác nhận. Không nên hiểu khi nói vật chất và tinh thần nay không còn giới hạn theo kiểu vật chất tan biến thành linh hồn tự do (như Nguyễn Đăng Thục hiểu), kiểu linh hồn phi vật chất mà là sự chuyển hóa giữa vật chất và tinh thần, không tách rời nhau theo quan niệm duy vật biện chứng, duy vật nhân văn. Không từ lập trường duy vật biện chứng sẽ không hiểu đúng khái niệm tâm linh, khái niệm vật chất.

Nhưng theo Nguyễn Đăng Thục, từ trong truyền thống minh triết hay triết lý Việt Nam về Thiên học mà Vạn Hạnh dung hợp, thì triết học ấy lại phù hợp với triết học thế giới đang hướng tới một triết học thống nhất thế giới, "năm châu một chợ", mật thiết tương quan, hệ thống nhất quán, một quan điểm Địa cầu, Trái đất, một thế giới liên quan tới toàn bộ. Điều mà nhiều nhà tư tưởng Đông Tây (kể cả chủ nghĩa Mác) là giải quyết mâu thẫn giữa người và tự nhiên, người xã hội người và chính mình. Tinh thần Thiền học Việt Nam gần đây ngay Aidous Huxley cũng quan tâm và nhắc lại làm cơ sở cho triết học tỉ giáo, rằng:

1- Siêu hình học, công nhận Thực thể tối linh ở thế giới sự vật, ở chúng sinh và tinh thần.

2- Tâm lý học công nhận có một cái gì tồn tại trong tâm hồn tương tự hay đồng nhất với thực thể trên.

3- Đạo đức học đặc cứu cánh của nhân loại ở tại sự hiểu biết cái cơ bản vừa tiềm tàng vừa hiện hữu ấy.

Đó là một sự cống hiến triết học Việt Nam truyền thống cho nhân loại (Nguyễn Đăng Thục, sđd, t. II, tr.299, 301) . Rất cần nghiên cứu nhận xét này.

Nhưng cũng cần thấy rằng, nếu xưa kia, dân tộc ta chỉ cần có tam giáo đồng nguyên là có thể thoả mãn được các nhu cầu cơ bản trong quan hệ con người với thiên nhiên, với xã hội, con người với chính bản thân mình, như Nguyễn Đăng Thục đã nhấn mạnh trên kia là đúng thì phải nói thêm rằng nhờ có chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc mạnh mẽ thì mới thỏa mãn được quan hệ giữ dân tộc mình với dân tộc khác.

Đến thời cận, hiện đại, dân tộc ta đúng trước hoạ xâm lược từ phương Tây và đứng trước thử thách về con đường phát triển, lựa chọn chế độ mới, một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc thì Tam giáo quả thật không còn đủ nữa, nhiều mặt lạc hậu của nó bị bộc lộ ra như sự bất lực, khủng hoảng đã rõ ràng. Lúc này phải có triết thuyết mới, hệ tư tưởng mới.

Chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã thỏa mãn nhu cầu đó ở cả ba phương diện mới mà lịch sử tư tưởng trước đó hầu như chưa đạt tới, mà không thấy được những điều này là một sự lạc hậu, và có thể sẽ sai lầm lớn:

1) Về các qui luật chung của cả thế giới, xã hội và con người mà con người cần nhận thức và tuân theo;

2) Vai trò của con người đối với xã hội và tự nhiên, và sự vận động của lịch sử dưới tác động thực tiễn của con người, những qui luật của lịch sử xã hội;

3) Con đường thật sự để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người là gì.

Từ thực tế ấy, khi chủ nghĩa Mác- Lênin được truyền bá vào Việt Nam và chính Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc cũng như đòi hỏi của thực tiễn, sáng tao ra hệ tư tưởng Hồ Chí Minh mới đáp ứng được nhu cầu nhận thức, tư tưởng của thời hiện đại. Rồi với kinh nghiệm thành công và chưa thành công của quá trình xây dựng chế độ mới, trong hòa bình xây dựng, chúng ta nhận thức sâu hơn những hạt nhân hợp lý, những truyền thống văn hóa, tư tưởng của dân tộc và nhân loại cần kế thừa, bổ sung hoàn chỉnh hệ tư tưởng Mác - Lênin. Quan niệm cho rằng chỉ cần vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin là đủ là một quan niệm hạn hẹp, biệt phái, không hiểu sự phong phú của văn h1oa, tư tưởng nhân loại và từng dân tộc. Ngay GS.Trần Văn Giàu (1992) cũng nhận xét: "Hiện nay, chúng ta đặt vấn đề đạo đức chưa đúng mức. Cái chủ nghĩa Mác - Lê, đặt vấn đề chính trị, kinh tế rất sắc sảo, nhưng vấn đề xây dựng con người, đạo đức con người chưa đủ tầm. Dường như ở đây có một sự khập khiểng"( Xem Nguyễn Đăng Thục, LSTTVN, tập I, tr. 12) … Theo GS.Trần Văn Giàu, "Cụ Hồ tiếp thu tất cả những cái đó, nhưng trong tất cả các lãnh tụ, Cụ chú trọng hơn hết vấn đề đạo đức" (Xem Lời giới thiệu của Nhà xuất bản, trong Nguyễn Đăng thục, sđd, t. I, tr.12) . Chính Hồ Chí Minh đã nói rõ những hạn chế và những ưu việt của các tư tưởng và tôn giáo trong lịch sử nhân loại, tìm ra sự tương đồng trong tư tưởng nhân đạo của các hệ thống ấy. Người theo chủ nghĩa Mác, lấy nó làm cốt nhưng sẵn sàng tiếp thu các tinh hoa văn hóa, tư tưởng khác.

Triết học Mác - Lênin cũng cần phát triển hơn nữa. Một trong những phát triển đó là nhu cầu hiểu sâu hơn:

1) về con người và sự nghiệp giải phóng con người,

2) về chủ nghĩa nhân văn thực tiễn cả khía cạnh đạo đức, tâm linh, trí tuệ… theo quan niệm duy vật biện chứng. Đó sẽ là sự phát triển của chủ nghĩa duy vật nhân văn.

Những hạt nhân nhân văn, biện chứng của các tư tưởng triết học truyền thống Việt Nam sẽ góp phần xây dựng lên chủ nghĩa duy vật nhân văn như chúng tôi đã quan nịệm. Chủ nghĩa duy vật nhân văn như thế là một sự tổng hợp mới về triết học của thời hiện đại trên lập trường và có cội nguồn chủ yếu từ chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Tam giáo đồng nguyên và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Do đó dù chủ nghĩa duy vật lịch sử hay duy vật biện chứng có kế thừa Tam giáo cũng không bao chứa hết vào bản thân mình. Những vấn đề như quan hệ giữa thể lực, tâm lực, trí lực; giữa tình cảm, ý chí, tri thức; giữa đạo đức, khoa học và thẩm mỹ; giữa tâm linh và lý trí; những giá trị nhân văn trong cuộc sống… chẳng hạn, là những vấn đề của triết học về con người, triết học nhân đạo, nhân văn. Cố nhiên triết học Mác về bản chất là nhân văn, có tư tưởng nhân văn và triết lý về con người nhưng ngày nay cần xây dựng thành triết học duy vật nhân văn toàn diện, phổ quát hơn.

Chủ nghĩa duy vật nhân văn như một triết học toàn diện về con người và giải phóng con người, xét về mặt truyền thống tư tưởng Việt Nam thì Tam giáo đồng nguyên - một chủ nghĩa nhân bản toàn diện, khai phóng, biện chứng thì chủ nghĩa duy vật nhân văn đã bắt nguồn từ đó, bao hàm nó từ tinh hoa, tinh tuý nhất. Nó xem xét cả Thiên - Địa - Nhân, khi nghiên cứu con người cả ba quan hệ cơ bản với người, với thiên nhiên và với chính mình; không chỉ lý trí mà còn là tình cảm và ý chí; không chỉ thực mà cả hư, không chỉ hiện tại có hạn mà cả tâm linh, vô hạn, nghiên cứu cả sống chết; nghiên cứu sự sống con người và vũ trụ hài hòa trong đó con người là trung tâm; Tâm là tất cả, nhưng là vật chất vô hình (tâm vật chất - nguồn gốc, thực thể) sinh ra tất cả thế giới này kể cả tinh thần, ý thức (tâm ý thức, lòng người, tâm linh - tính thiêng liêng, thần thánh) chứ không phải ngược lại.

Thực ra hệ tư tưởng Việt Nam, theo tôi không chỉ Tam giáo đồng nguyên mà là Tứ giáo đồng nguyên, tức Đạo yêu nước Việt Nam cũng là một đạo lớn mà trên cơ sở đó ba đạo có thể hòa vào nhau, kết hợp được vì cái hiện thực nhân sinh là chủ yếu. Và về sau còn cả Thiên chúa giáo nữa, tuy lúc đầu có xung khắc nhưng dần dần cũng có sự đồng nguyên nhất định như vừa Kính Chúa vừa Yêu nước. Hay ngày nay chúng ta có thể nói xu hướng tư tưởng ở Việt Nam là Đa giáo đồng nguyên trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng Hồ Chí Minh là một biểu tượng ấy. Hồ Chí Minh kế thừa và đồng nguyên cả tư tưởng Phật, Nho, Lão, Mác-Lênin, Tôn Dật Tiên, và nhiều người khác, kế thừa và phát triển cả chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng mà cái chung, nền tảng cho nhiều hệ tư tưởng là chủ nghĩa nhân ái, nhân đạo, nhân văn vì nhân loại đau thương cần được giải phóng, cứu khổ cứu nạn. Nếu phương Tây thường nhấn mạnh tư tưởng đa nguyên thì phương Đông lại nhấn mạnh cái đồng nguyên (đồng nguyên cái đa dạng là khác cái nhất nguyên. Thực chất của sinh tồn thì khái niệm đồng nguyên mới đúng và đúng nhất ).

GS. Trần Văn Giàu có nói nhiều tới quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo, tìm sự tương đồng nhưng giáo sư chưa chú ý nhiều tới Phật giáo, Đạo giáo có tương đồng gì không. Gần đây ông có nói tới chữ Tâm của Phật và cái Tâm của người cộng sản. Nhưng chữ Tâm vốn có nhiều nghĩa, mà thường hiện nay chỉ hiểu theo nghĩa đạo đức. Chữ Tâm của Nguyễm Du, "chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" thì chữ Tâm ở đây theo nghĩa triết học, thế giới quan lại là Tâm linh, hay Tâm vũ trụ, Tài là Tam tài Thiên - Địa (Siêu nhiên) - Nhân, chăng (Nguyễn Đăng Thục, sdd, t. VI, 238; I, tr. 451) .

Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã khái quát hệ thống giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam như yêu nước, anh hùng bất khuất, đoàn kết, tương thân tương ái, lạc quan yêu đời, bao dung, trọng tình nghĩa, thuỷ chung… thì đó cũng lá nội dung và tinh thần nhân văn Việt Nam, chứ không chỉ tinh thần nhân văn trong Tam giáo.

Việc Hồ Chí Minh nói rằng cần bổ sung và củng cố chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông, thì về mặt triết học, là bổ sung và củng cố triết học Mác bằng tư tưởng trong tinh hoa của tam giáo đồng nguyên này của Đông phương, chủ nghĩa dân tộc chân chính và đa giáo nói chung, là nâng cao triết học Mác - Lênin mà hiện nay có thể nói, một trong đó là chủ nghĩa duy vật nhân văn hay một triết học nhân văn toàn diện, khai phóng, biện chứng, hiện thực và cao cả. Chủ nghĩa duy vật nhân văn là một phận triết học Mác được hiện đại hóa, đang phát triển.

Nhưng ngày nay, bổ sung vào triết học Mác hiện đại không chỉ từ Tam giáo đồng nguyên, chủ nghĩa yêu nước mà cả chủ nghĩa nhân văn mới toàn cầu, phổ quát, và cả triết lý tâm linh, triết lý sinh học học xã hội triết lý sinh thái, chứ không phải vấn đề xã hội chinh trị. Chỉ nhấn mạnh vấn đề xã hội chính trị, hay kinh tế xã hội thì sẽ rơi vào lối mòn tư duy kiểu Nho giáo.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử chủ yếu là triết học về xã hội, chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học về thế giới nói chung, thì duy vật nhân văn là triết học về con người, về chính mình. Nhưng từ đó theo nghĩa rộng nhất, nghĩa chủ nghĩa nhân văn thì chủ nghĩa duy vật nhân văn có khả năng tích hợp cả cái tự nhiên, xã hội và siêu nhiên ở con người, tiểu vũ trụ. Chủ nghĩa nhân văn, như tư tưởng Phật giáo hay tư tưởng sinh thái ngày nay là yêu thương muôn loài, tôn trọng cái tâm linh vũ trụ và của con người; hay tư tưởng Lão Trang là sống hài hòa với tự nhiên; tư tưởng nhân nghĩa vì nhân quần của Nho giáo, tôn trọng lẽ sống cá nhân hợp lý của Dương Chu; hay không chỉ nói về sự sinh tồn lạc quan mà nghiên cứu cả cái buồn chán của con người, cái bất hạnh, hiện sinh, cái đời sống toàn diện của chúng sinh trong triết học tư sản hiện đại, tất nhiên trên lập trường khoa học, duy vật, biện chứng, khai phóng, tránh mọi sự cực đoan, mê tín, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau (cả cách tiếp cận đạo học) tiến đến chân lý nhân sinh.

Ngay đạo Phật cũng tiến tới tính đồng nguyên: Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, Thiên chúa giáo cũng: Kính Chúa, yêu Nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Xu thế đồng nguyên, đại đồng, nhân văn hóa sự phát triển con người và xã hội là xu hướng lớn, triết lý và minh triết lớn của thời đại, không ai có thể đứng ngoài mà phát triển, thịnh vượng được.

Đúng như GS. Nguyễn Đức Bình (1992), đã nhận xét: "…Với những học thuyết xã hội ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin lâu nay thái độ chúng ta có chỗ không đúng, - mang tinh thần biệt phái, không đọc, không nghiên cứu, phủ nhận tất cả, dù trong đó có thể có những nhân tố hợp lý, những giá trị chung toàn nhân loại. Những yếu tố ấy nếu biết gạn lọc, biết hấp thụ một cách có phê phán, sẽ làm giàu thêm bản thân chủ nghĩa Mác và chính như vậy mới đúng tinh thần và thực chất học thuyết của chúng ta. Chủ nghĩa Mác không nằm ngoài, bên lề, mà phải phát triển chính giữa dòng lịch sử tư tưởng của nhân loại, nó là kết tinh tinh tất cả những tinh hoa tư tưởng" (Báo Nhân dân, 5/6/1992) . Đó là tinh thần biện chứng đồng nguyên, toàn diện, khai phóng, bao dung, trung đạo và nhân văn.

Do vậy, việc nghiên cứu truyền thống văn hóa, tư tưởng dân tộc Việt Nam như tư tưởng yêu nước thương nòi mà cả tư tưởng tam giáo, đặt nó trong dòng chảy từ truyền thống đến hiện đại, tư đó phát triển lên tầm cao mới là cần thiết. Và qua đó cũng hiểu sâu sắc thêm dân tộc Việt Nam từ cái cốt lõi của nó, bản sắc của nó.

II- Đạo và Đời tuy một mà hai, tuy hai mà một - Chủ nghĩa nhân văn cao quý

Đạo và Đời thường được nhìn nhận như hai thế giới, hai cộng đồng xã hội hoàn toàn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn, khác biệt, đối lập nhau. Thậm chí có khi do hiểu lầm hay không hiểu, hoặc bị các thế lực xấu kích động, tuyệt đối hóa mặt kách biệt thành đối lập, đối kháng chống đối nhau mà phần nhiều do nguyên nhân bên ngoài (Xem thêm, Công giáo Việt Nam thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4-2003. tr.73-74) . Quả thật người đời từ xưa đến nay nhưng lại không thấy hay ít thấy mặt chiều sâu , thống nhất vốn là một, tuy là là hai và vẫn là một. Ở đây không phải hai cái, hai vật, hai khối bên cạnh nhau cần kết lại mà vốn có cội người là một, trong cái này vốn có cài khia và trong cái kia vốn cói cái này như quan hệ âm - dương tự tại và sinh thành.

Đạo nói ở đây chủ yếu không chỉ nói đường đi, mà là thuộc phạm trù tín ngưỡng và tôn giáo. Đời ở đây cũng không chỉ nói cuộc đời mà chủ yếu là muốn nói phạm trù trần thế, vật chất hữu hình. Đời là cuộc sống trần gian có hạn, còn Đạo là cuộc sống phi trần thế mang tính vô hạn. Đời là cuộc sống thuộc về hữu hình, vật lý - sinh vật, còn Đạo là cuộc sống vô hình, mang tính tinh thần, tâm linh. Đời là cuộc sống của thế giới bên này, Đạo là thế giới bên kia, thế giới linh thiêng, sau cái chết. Đời là cuộc sống tạm thời, Đạo là cuộc sống vĩnh cữu. Đời là hiện thực, Đạo là tưởng tượng, mơ mộng. Đời là nhập thế, Đạo là xuất thế. Đời là khổ đau, vất vả, có thiện nhưng cũng có ác, còn Đạo là thế giới mộng, cơ bản là hướng thiện là chính… Tuy vậy ta thấy, cộng đồng có đạo vẫn sống cuộc sống của Đời, cũng ăn, uống, sinh con đẻ cái, cũng làm lụng vất vả, không chỉ xuất thế mà cũng còn nhập thế. Ngày nay đã có nhà chùa như chùa Liên Hoa ở TP. Hồ Chí Minh đã vận động bà con, phật tử không đốt vàng mã khi đến chùa, hạn chế đốt hương để dùng số tiên mua những thứ ấy vào việc ủng hộ những người có số phận nghèo khó, bệnh tật, cô đơn, thất học, tức là làm việc thiện, vì cuộc sống hiện tại hơn là hướng tới thế giới cõi âm nào đó vô hình, không rõ ràng, kém thiết thực. Đó là việc làm rất đạo và cũng rất đời.

Còn cộng đồng người không có đạo vẫn sống cuộc sống có đạo, tức có tín ngưỡng riêng, cũng xuất thế, họ cũng quan tâm tới cõi âm, tới tâm linh, hướng thiện. Tín ngưỡng là cái chung cho cả Đạo và Đời cũng như sinh tồn, hiện hữu là chung cho cả đời và Đạo vậy. Tín ngưỡng dân gian tôn giáo chỉ là một dạng tính ngưỡng bên cạnh tín ngưỡng dân gian cả hai đề có tính hướng thiện, mang tính nhân văn, chỉ khác nhau ở hình thức, phương pháp, đối tượng cụ thể mà mỗi bên hướng tới. Con người là loại người vốn là một nguồn gốc và tâm lý chung, sống trong hiện hữu và mơ ước sung sướng, hướng thiện, vĩnh hằng. Tức là một tinh thần nhân văn cao quí: hướng tới Chân- Thiện - Mỹ, hay nói cụ thể là hướng tới tự do, bình đẳng, bác ái, hay từ bi, hỉ xả, hay nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Chỉ khác là mỗi bên quan tâm mặt nào nhiều hơn, trọng hơn và phương thức thực hiện là khác nhau nhiều hơn mà thôi. Như thế thì dù âm - dương khác nhau nhưng trong âm có dương trong dương có âm, trong đạo có đời, trong đời có đạo, từ một gốc sinh thành, tương sinh tương khác, tương đồng tương hỗ.

Trong lịch sử dân tộc và lịch sử tư tưởng Việt Nam, chúng ta thấy sáng tỏ quan niệm đẹp Đời tốt Đạo, lợi Đạo ích Đời. Phật giáo vốn xuất thế nhưng khi sang Việt Nam lại hướng mạnh vào nhập thế, lo việc nước việc đời từ thời Lý -Trần. Nho giáo vốn lo việc đời là chính nhưng rồi cũng hương tới cái đạo, cái tâm linh, từ khoa học thực nghiệm về phương thức xử thế và rèn luyện đạo đức nhưng rồi cũng hướng tới tâm linh hay bổ túc cái tâm linh vào cho mình từ đạo Phật và cũng thành một đạo gần như tôn giáo hay có tính tôn giáo. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là cái đời rất thực và cao cả nhưng rồi cũng được linh hóa, thiêng liêng hóa, tâm linh hóa, đạo hóa, thành Đạo Nhà. Từ đất nước Việt Nam này các đạo đã "đồng nguyên" ở chủ nghĩa nhân văn cao cả dù rõ ràng hay mờ ảo, dù hiện thực hay mộng ảo nhưng nhìn chúng đều có lợi cho con người, đời người trong cuộc sống giữa hai cõi nhân sinh thực và mộng. Nói rổng hơn ở đây Đạo - Đời cũng đồng nguyên, đa dạng mà đồng nhất thể, hay Đạo Đời đồng nhất thể, tức "đồng nguyên" chứ không theo mô hình "đa nguyên".

Nhìn một cách khái quát, trong thời hiện đại, không chỉ Tam giáo như Đạp Phật, đạo Nho, đạo Lão mà cả chủ nghĩa Mác - Lênin, từ cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn, thì nó vẫn là đồng nguyên. Có một thời, trong chúng ta chỉ nhấn mạnh cái khác biệt, đối lập, cái duy lý nên đã đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tôn giáo và tín ngưỡng, tâm linh mà không thấy cái tương đồng. Bây giờ thời thế đã khác, nhận thức có nhiều thay đổi, nhận thức trở nên toàn diện, biện chứng hơn, mang tính tích hợp, tổng hợp hay phức hợp, đa chiều hơn vừa tôn trọng cả cái khác biệt vừa tôn trọng cả cái tương đồng mà tương đồng, đồng nguyên là cơ bản. Mà không chỉ Tam giáo hay Ngụ giáo đồng nguyên mà Đạo - Đời đồng nguyên, một chia hai mà hai hợp một, thống nhất các mặt đối lập trong bản chất con người giữa cá nhân và cộng đồng, Nhà - Làng - Nước, các dân tộc và giai tầng xã hội đều đồng nguyên và đại đoàn kết toàn dân. Đồng nguyên, đại đoàn kết trên nguyên tắc vì một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng - dân chủ - đoàn kết - văn minh, gia đình hạnh phúc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói rộng ra là hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác, anh sinh và tiến bộ, phát triển bền vững, thế giới đại đồng. Cho nên mới có Kính Chúa yêu Nước sống phúc âm trong lòng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; hoặc Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Tất cả đều có mẫu số chung là chủ nghĩa nhân bản, nhân đạo, nhân văn cao cả. Chính sinh thời Hồ Chí Minh đã đi đầu phát huy và phát triển tư tưởng tích hợp Đạo - Đời đó. Và tinh thần Hồ Chí Minh đã trở thành tinh thần thời đại.

Như đã nói ở trên, vấn đề chủ yếu của thế giới bây giờ không phải duy tâm hay duy vật, vô thần hay hữu thần mà là hòa bình, an toàn môi sinh, lành mạnh, tiến bộ, giàu có, công bằng, dân chủ và hạnh phúc.

Mục tiêu cụ thể nhưng có tính chiến lược to lớn của nhân loại mang tinh thần nhân văn cao cả của thiên niên kỷ này, đến năm 2052, theo Báo cáo về chương trình Thiên niên kỷ của LHQ (2002), có bốn nhóm, xếp theo tầm quan trọng như sau:

1- Chấm dứt nạn thiếu nước, và ô nhiễm nguồn nước; chấm dứt nạn đói, thiết lập các hệ kinh tế, có thể cung cấp việc làm cho mọi người, nghĩa là chấm dứt cảng nghèo. Tóm lại là phải hết đói và nghèo.

2- Cung cấp dồi dào năng lượng sạch; loại trừ xong vũ khí giết người hàng loạt; xóa tận gốc sự chia rẽ tôn giáo, dân tộc, để chung sống hòa bình.

3- Chấm dứt nạn nô lệ; hòa bình thế giới được đảm bảo bởi một LHQ đã cải tổ, có hiệu lực; phát thải khí ô nhiễm hầu như chấm dứt và nền sản xuất hầu như hoàn toàn tái chế.

4- Mọi người được phục vụ bảo vệ sức khỏe toàn diện; chấm dứt mọi hình thức tội ác có tổ chức; xóa bỏ cơ bản hết tham nhũng.

Theo GS. Vũ Đình Cự thì, "bài toán cực kỳ khó khăn đã được tìm ra hình dáng ban đầu của nghiệm tối ưu…", dù có quanh co trên đường đạt mục tiêu, nhưng "những định hướng thời đại mà lịch sử đã đặt ra vì nó có điều kiện để biến nguyện vọng thành hiện thực. Thế lực nào chống đối, đi ngược lại các định hướng đó chứng tỏ nó đã không còn lý do tồn tại và sẽ bị thời đại vượt qua". "Việc thực hiện định hướng thời đại là một cuộc cách mạng to lớn mà nhân loại sẽ trải qua trong thời kỳ quá độ vĩ đại" (GS.Vũ Đình Cự, Những định hướng thời đại, báo Nhân dân số tết Giáp thân, 2004, tr.8, 42) .

Đạo hay Đời, bất kể tôn giáo nào, dân tộc nào, quốc gia nào, gia tầng xã hội cũng phải hướng tới thực tiện những định hướng mục tiêu nhân văn hiện thực ấy thì mới có đồng thuận và tiến bộ bền vững. Thiên đường trước hết phải ở ngay trần gian, nếu không thì vô nghĩa và không có tiền đề cho "thế giới bên kia". Trần gian hướng tới Thiên đường nhưng vẫn sống trong trần gian là chủ yếu. Đúng như câu kệ của Huệ Chi: "Không thể xa rời thế gian để trở thành Phật. Nếu như xa rời thế gian mà thành Phật, Chẳng khác gì đi tìm sừng của con thỏ".

Chính cuộc sống trần gian đã sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần mà không có nó thì không có cuộc sống con người, không có tiến bộ xã hội. Nếu tuyệt đối hóa sự ở trần gian là tạm thời thì sẽ trở nên tiêu cực khi nói về thế giới bên kia, cuộc sống của đạo khi hướng tới. Nhưng nếu không thấy cuộc sống tôn giáo tín ngưỡng, tự nó có tác dụng tích cực khi làm cho cái chết của con ngườì nhẹ nhàng hơn khi tin về nơi vĩnh hằng và từ niềm tin ấy mà con người có thêm sức mạnh sáng tạo, có thêm những công trình văn hóa cho "linh hồn bất tử", cho "thần thánh", và những hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh thú vị góp phần vào bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên một diện mạo văn hóa dân tộc với tinh thần nhân văn.

Dù Đạo là thiêng liêng và đích hướng tới như là lý tưởng sống và cuộc đời vĩnh hằng sau khi chết thì cuộc đời trần gian vẫn là đang sống và đang hưởng hạnh phức, vẫn là cái chính yếu và hiện thực không nên coi nhẹ. Vì không có thế giới bên này thì không có thế giới bên kia, không có đời sống hiện hữu, cụ thể trần thế thì không có thế giới tâm linh thiêng liêng. Có "tu nhân tích đức" thì mới hạnh phúc sau này ở Thiên đường, nếu không sẽ phải xuống Địa ngục. Những ai ăn chay niệm Phật, cầu Chúa ban phúc lành mà không làm điều tốt đẹp ở trần gian, không đẹp Đời thì làm sao đẹp Đạo. Làm điều ác thì sẽ gặp điều ác, các giả ác báo, gieo gió thì gặp bão, cha ăn mặn thì con khát nước; làm điều lành thì sẽ gặp điều lành, tốt đẹp, cha mẹ già để đức cho con. Do vậy mà ở nước ta, như PGS. Hà Thúc Minh nhận xét, tốt đạo cũng là đẹp đời mà đẹp đời cũng là tốt đạo (Hà Thúc Minh, Thế giới bên này và thế giới bên kia, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3/ 2003) .

Và nhìn chung, theo Mác thì "tình cảm tôn giáo" và không tôn giáo cùng đồng hành trong bản chất của con người như một qui luật của cuộc sống nhưng mê tín dị đoan thì là trái bản chất ấy (phải bị loại trừ). Như vậy thì giữa đạo và đời, vô thần và hữu thần, tín ngưỡng và khoa học, giữa nhà thờ và nhà nước trong chế độ ta với cái nhìn bao dung, biện chứng thì nó hỗ trợ cho nhau vì hạnh phúc của con người nhiều hơn là loại trừ. Cho nên "con người ở đâu cũng phải sống cân bằng giữa đạo và đời, cân bằng giữa tâm và vật. Ở đâu, lúc nào, mất cân bằng đó sẽ tạo nên trạng thái hụt hẫng, rối loạn" (GS. Phạm Đức Dương, Thế giới tâm linh, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3/2003, tr. 18, 19) . Nhưng cần chú ý là khái niệm đạo rộng hơn khái niệm tôn giáo. Cũng như vậy khái niệm tín ngưỡng, rộng hơn khái niệm tôn giáo.

Ngày nay người ta nói về "Đạo của vật lý", tức theo nghĩa con đường của thế giới vô hình (hạ nguyên tử) của vật chất khác vật thể. Khoa học cũng đang làm rõ hơn bí mật vật chất vô hình, các loại sóng hạt làm nên vũ trụ và con người, và ngày càng cho chúng ta rõ hơn bản chất sự sống, bản chất tinh thần, ý thức, tâm linh, sự đồng nhất giữa chủ thể và khách thể. Những hiện tượng thần giao cách cảm, trường sinh học, năng lượng tâm thần, những cõi sâu xa của cuộc sống con người và vũ trụ. Nhưng không phải trận địa khoa học càng rộng thì trận địa tôn giáo càng thu hẹp như nhận thức máy móc, cực tả một thời mà vấn đề tâm linh, tôn giáo sâu sắc hơn. Có thể niêm tin tôn giáo trong tuổi trẻ thời hiện đại có thể giảm nhưng tín ngưỡng về cõi vĩnh hằng, sau cái chết thì vẫn còn. Đúng là khoa học thì loại trừ mê tín, dị đoan nhưng khoa học và tín ngưỡng, thế giới tâm linh có thể đồng hành cùng nhân loại đi tới tương lai vì mục tiêu nhân văn chủ nghĩa cao cả.

Từ những nhận thức như vậy, chúng ta kiên định lập trường duy vật biện chứng - lịch sử và vươn tới duy vật nhân văn, xem nội dung nhân văn là cốt lõi của cả đạo và đời. Nhưng không dừng lại những tinh hoa trong lịch sử, dù nó khá phong phú, nhiều chiều nhưng phải vương lên tầm thời đại, chủ nghĩa nhân văn phổ quát toàn cầu ngày nay. Về mặt triết học, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa duy vật nhân văn là triết học có tầm phổ quát toàn cầu mới, thế giới quan chung cho cả Đạo và Đời, mang tính chất một chủ nghĩa nhân bản, nhân đạo hiện thực, hoàn bị, có khả năng tỏa sáng nhân tâm đến cái vô cùng.

TS. Hồ Bá Thâm, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 6.575