Từ kết quả của đề tài
Từ các nguồn dữ liệu, số liệu hiện trạng tại HEPCO, trên nhiều định dạng khác nhau, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và thống nhất vào trong một cơ sở dữ liệu địa lý theo mô hình Geodatabase. Cơ sở dữ liệu địa lý này vừa phục vụ trong ba phần mềm GIS khác nhau: Phần mềm GIS quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước, Phần mềm GIS quản lý hệ thống thu gom rác thải và Phần mềm tích hợp công nghệ GIS, GPS & GPRS quản lý phương tiện vận chuyển rác thải, trong phạm vi thành phố Huế.
Giải pháp thiết kế và xây dựng ba phân hệ phần mềm GIS hoàn toàn sử dụng công nghệ miễn phí, tiết kiệm được chi phí đầu tư phần mềm nền GIS bản quyền cho các đơn vị triển khai ứng dụng hệ thống này. Giải pháp ứng dụng tích hợp công nghệ GIS, GPS & GPRS và tham chiếu trực tiếp trên nền dữ liệu GISHue, hệ tọa độ VN-2000 là một định hướng công nghệ mới. Hướng đến giải pháp tích hợp với hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu liên ngành nói chung, đặc biệt trong công tác quản lý hạ tầng đô thị nói riêng.
Theo KS Nguyễn Hồng Sơn, chủ nhiệm đề tài thì đề tài này mới chỉ nghiên cứu trong phạm vi thành phố Huế, thành phố có những đặc trưng riêng trong việc bảo vệ cảnh quan đô thị gắn liền với các di tích lịch sử. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp nghiên cứu của đề tài này là có hướng nghiên cứu tổng quát, sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS, công nghệ GPS và công nghệ GPRS để tính toán và xử lý, kết quả được mô phỏng trực quan trên máy tính bằng hình ảnh. Việc mở rộng đề tài này để áp dụng cho phạm vi toàn tỉnh là cần thiết, từ đó có thể nghiên cứu thêm các đặc tính như: khu vực đầm phá, bình đồ của các khu vực đồi núi, các khu công nghiệp, hải cảng, khu vực nông thôn… Theo đó, nhóm thực hiện đề tài cũng đã đề xuất thêm phương pháp nghiên cứu tích hợp công nghệ và xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ trong công tác quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải đô thị, không tính đến việc quy hoạch và mô hình hóa thủy lực, bố trí vị trí thu gom rác, tối ưu lộ trình thu gom và vận chuyển rác thải, tuy nhiên đó là hướng phát triển cần thiết của đề tài để hướng đến hoàn thiện hệ thống GIS quản lý toàn diện hạ tầng hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và phương tiện vận chuyển rác thải đô thị thành phố Huế và mở rộng trên toàn tỉnh trong tương lai. Đây cũng là cơ sở để hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu GIS hạ tầng đô thị Huế, tích hợp, chia sẻ và dùng chung.
Đến hiệu quả kinh tế-xã hội
Theo các thành viên hội đồng khoa học và công nghệ nghiệm thu đề tài thì đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp đề xuất và được giao chủ trì thực hiện đề tài. Qua kết quả của đề tài, có thể nhận xét rằng đề tài đã được Công ty TNHH NN MTV Môi trường và Công trình Đô thị Huế thực hiện một cách bài bản, khoa học và mang tính khả thi cao. Đề tài đã góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng ngầm dùng chung cho các ban ngành, các dự án trong tỉnh, góp phần quản lý, giám sát tốt việc vận chuyển chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với đơn vị chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu đã có được bộ số hóa dữ liệu hạ tầng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Huế; tích hợp hệ thống GIS dùng chung, từ đó giám sát, quy hoạch phương tiện vận chuyển, quản lý nhiên liệu, quản lý lái xe, tuyến vận chuyển rác thải đô thị.
Ngoài ra, đề tài đã có tác động lớn đối với hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường, đó là quản lý, giám sát phương tiện vận chuyển rác từ đó quản lý được nguy cơ ô nhiễm môi trường. Khi nhân rộng mô hình cho các phương tiện vận chuyển chất thải khác, có thể quản lý chặt chẽ nguồn chất thải, điểm tập kết chất thải một cách chặt chẽ. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng ngầm dùng chung cho các ban ngành, từ đó giảm chi phí trong việc khảo sát hệ thống công trình ngầm khi thực hiện các dự án hạ tầng trong tỉnh.
Các cơ sở dữ liệu của đề tài là căn cứ cho việc quản lý và giám sát hạ tầng hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom rác thải và phương tiện vận chuyển rác thải, cũng là cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu dùng chung quản lý hạ tầng đô thị. Tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu GISHue về hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Huế tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành liên quan có cơ sở quản lý, lập kế hoạch và hỗ trợ ra quyết định quản lý.
Theo ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì điểm mới, nổi bật ở đây là doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và hưởng lợi từ chính kết quả đó. Kinh phí sự nghiệp khoa học chỉ là phần hỗ trợ ban đầu, cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Đây là hướng đi mới mà các doanh nghiệp trên địa bàn cần học tập, nhân rộng.