Khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, 20 vạn quân Tưởng xuất phát từ Vân Nam sang giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Việt Nam, dân tộc ta tiến hành cuộc chạy đua nước rút quyết định vận mệnh của mình, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền cả nước, công bố Tuyên ngôn độc lập và thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoại giao Việt Nam vừa ra đời đã phải bắt kịp cuộc đọ sức với bốn thế lực nước lớn, có mặt 30 vạn quân nước ngoài, trong khi chính quyền mới “không đồng minh, không tiền, hầu như không vũ khí” (nhận xét của Pignon, cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp). Chính trị nước lớn bản chất xung đột quyền lợi, nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp đổi chác với nhau trên lưng nước nhỏ. Ở Việt Nam 1945-1946 cũng tồn tại những “kẽ hở” mâu thuẫn giữa Paris và thực dân Đông Dương, Trùng Khánh và tập đoàn Vân Nam của Tướng Lư Hán; giữa đội quân bại trận Nhật Bản và thắng trận của Đồng Minh…
Nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam đã tỉnh táo tham gia cuộc chơi nước lớn, khai thác những mâu thuẫn dù nhỏ nhất trong hàng ngũ đối phương để tạo lợi thế cho Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử ngắn nhưng đầy biến cố từ 19/8/1945 đến 19/12/1946, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) và Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoại giao nước ta thực hiện hòa hoãn với Tưởng để chống Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, tiếp đó hòa hoãn với Pháp để tìm kiếm giải pháp thương lượng cho quan hệ Việt-Pháp trên một cơ sở mới, góp phần bảo toàn thành quả cách mạng, kháng chiến kiến quốc.
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là một chứng tích về khả năng thỏa hiệp tài tình, biến thỏa thuận tay đôi Hoa -Pháp ký tại Trùng Khánh 28/2/1946 thành thỏa thuận tay ba trên thực địa, đẩy nhanh việc rút 20 vạn quân Tưởng và các nhóm tay sai ra khỏi miền Bắc nước ta, cải thiện đáng kể tương quan lực lượng: khi Kháng chiến toàn quốc nổ ra, 20 triệu người Việt Nam đương đầu với 10 vạn quân Pháp.
Trong lúc đối phó với hai thế lực chính Tưởng và Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam DCCH biết tận dụng mọi kênh ngoại giao có được để giao thiệp với các nước lớn khác, gửi nhiều thư, công hàm cho những người đứng đầu Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc khẳng định tính hợp pháp của Việt Nam DCCH, tố cáo thực dân Pháp chiến tranh xâm lược. Các giao thiệp với phái bộ Mỹ ở Việt Nam và 7 bức thư mà Chủ tịch Việt Nam gửi Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tác động nhất định tới thái độ của Mỹ trong vấn đề Đông Dương, tạo thuận lợi để kìm chế lực lượng của Tưởng và Pháp ở Việt Nam.
Hoạt động đối ngoại 1945-1946 đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại và để lại những tư tưởng, nguyên lý và bài học quý giá về quan hệ với các nước lớn.
Trước các mối quan hệ nước lớn hiện tại
Bước vào thế kỷ 21, quyền lực dịch chuyển từ Tây sang Đông; châu Á và Thái Bình Dương chứng kiến sự thay đổi sâu sắc môi trường chiến lược và tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Quan hệ quốc tế trở nên phi ý thức hệ, nổi bật các lợi ích quốc gia và địa - chính trị. Sự lớn mạnh vượt bậc của Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bùng phát vào mùa Thu 2008. Trong tiến trình vận động rộng lớn đang diễn ra ở khu vực, xuất hiện câu hỏi mấu chốt: Trung Quốc hiện tại - họ là một quốc gia như thế nào?
Mấy năm nay, Trung Quốc đạt tới vị thế mới nước mạnh quân hùng. Họ điều chỉnh chủ thuyết, quan niệm quan hệ quốc tế truyền thống và tìm cách thay đổi luật chơi. Có thể nhìn thấy những điều chỉnh này qua vụ va chạm giữa các tàu thuyền Trung Quốc với tàu hải quân Mỹ trên biển Đông từ tháng 3/2009, những đòi hỏi quá đà về biển đảo các lân bang và việc xử lý nặng tay vụ Rio Tinto. Nhưng, Trung Quốc cũng luôn cảm thấy áp lực gia tăng từ bên ngoài liên quan môi trường an ninh xung quanh trên đất liền, biển và không phận - vũ trụ. Bên trong, thách thức lớn nhất là xây dựng một hệ thống chính trị thích ứng và một xã hội hài hòa, giữ vững ổn định một quốc gia có dân số 1/4 nhân loại.
Hoa Kỳ bị tiêu hao sức mạnh vào các cuộc phiêu lưu quân sự, lãng phí ưu thế kinh tế tài chính; chính sách khu vực những năm qua trở nên thụ động và không nhất quán. Tháng Bảy vừa rồi, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, khẳng định khi tới tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), “Mỹ đang trở lại Đông Nam Á”, nhấn mạnh “Mỹ không thích các giải pháp nửa vời”. Nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đang điều chỉnh chính sách đối với khu vực biến động quyền lực Đông Nam Á, cùng lúc tìm kiếm các tiếp cận mới cho môi trường chiến lược thay đổi ở châu Á-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc là trọng tâm hợp tác và kiềm chế.
Tác động tới sự cân bằng hiện nay, bên cạnh Nga, Nhật Bản, còn có những trung tâm quyền lực mới như Ấn Độ cùng các nước lớn hạng trung như Indonesia, Australia, hay ASEAN một thực thể thống nhất... Các yếu tố quyền lực nói trên, cùng Mỹ và Trung Quốc, tạo nên cục diện “chiến quốc tranh hùng”, tập hợp lực lượng, hòa hoãn, liên kết đa phương đa diện, cạnh tranh và hợp tác hết sức năng động và tùy thuộc lẫn nhau vô cùng sâu sắc; hình thành cục diện cân bằng “động” tại châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình phức tạp, vô số thách thức, nhưng cũng chưa bao giờ cơ hội thuận lợi như vậy cho các quốc gia nhỏ và vừa tham gia có trách nhiệm vào cuộc cờ lớn.
Ngoại giao Việt Nam trưởng thành qua 64 năm cọ sát với nhiều hình thái quan hệ nước lớn. Những thành tựu trong lĩnh vực này do ta giữ vững độc lập tự chủ, chú trọng mở rộng nền tảng quan hệ quốc tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia, tránh bị “kẹt” trong xung đột nước lớn... Cục diện mới hiện nay càng cần có độc lập tự chủ, chú trọng xây dựng thực lực quốc gia, chủ động sáng tạo thì mới phát huy được hết những mặt thuận lợi, cũng như các cơ hội và những nội dung phong phú hiện hữu hoặc tiềm tàng mà các quan hệ song phương và đa phương với các nước lớn có thể đem lại, để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường an ninh, phát triển của đất nước, tăng cường tình hữu nghị giữa các nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực này của thế giới.
TS. Nguyễn Ngọc Trường