Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến phong trào cách mạng ở trong nước, mùa xuân năm 1930, tại Hương Cảng - Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra thời kỳ mới của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930) đã nêu rõ mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc "Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập", thực hiện thổ địa cách mạng mang lại ruộng đất cho dân cày "để đi tới xã hội cộng sản"(1). Đó là mục tiêu cơ bản mang tính chiến lược chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã đề ra những mục tiêu cụ thể về xã hội, chính trị và kinh tế mang lại lợi ích thiết thực cho hết thảy các tầng lớp nhân dân. Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phát triển giáo dục phổ cập, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ, mở mang công nghiệp và nông nghiệp… Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra ngay sau đó đã hướng cuộc đấu tranh vào các mục tiêu Cương lĩnh của Đảng đề ra. Đó là phong trào đấu tranh đầu tiên do Đảng lãnh đạo và đã kiểm nghiệm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối của Đảng với mục tiêu vì nước vì dân.
Tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương và đề ra Luận cương chính trị. Luận cương tiếp tục khẳng định mục tiêu đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có quan hệ mật thiết và quyết định lẫn nhau và là tiền đề "để tiến lên con đường cách mạng vô sản", "bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa"(2).
Trải qua nhiều năm phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, rèn luyện và lựa chọn phương pháp đấu tranh thích hợp, nắm vững tình thế và thời cơ cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám đã xoá bỏ chế độ thuộc địa, nửa phong kiến lập nên chế độ dân chủ cộng hoà của nước Việt Nam độc lập, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - ky ã nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lại độc lập của dân tộc và quyền tự do, làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân. Đó thật sự là cuộc đổi đời của dân tộc, của đất nước và nhân dân ta.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và chính quyền cách mạng phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, phải chống giặc ngoại xâm, nạn đói và nạn dốt. Phải tiến hành kháng chiến và kiến quốc để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc và phát triển xây dựng đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, phải mở mang giáo dục, học hành, nâng cao dân trí, tìm kiếm và sử dụng người tài trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà. Phải thực hiện nền dân chủ thật sự, loại trừ những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô. Phải xây dựng các cơ quan chính quyền từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân. Bộ máy chính quyền phải loại bỏ những lỗi lầm như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(3). "Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ"(4).
Từ những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng cũng như suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước trong đường lối, chính sách cũng như trong hoạt động thực tiễn đều hướng thực hiện cho kỳ được mục tiêu nước mạnh, dân giàu. Luận cương cách mạng Việt Nam do Đại hội II của Đảng thông qua (2-1951) đã nêu rõ "nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, kiến thiết một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, phát triển chế độ dân chủ, nhân dân Việt Nam do con đường dân chủ nhân dân tiến tới CNXH"(5). Đại hội III của Đảng (9-1960) đã đề ra mục tiêu "Tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc", "Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước"(6). Về cách mạng XHCN phải thực hiện nhiệm vụ "cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân thêm một bước, làm cho nhân dân ta được ăn no, mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị"(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần: CNXH là làm cho đời sống của nhân dân được sung sướng, tự do, ấm no, hạnh phúc. Thành quả xây dựng CNXH ở miền Bắc đã bước đầu đạt tới mục tiêu cao cả đó.
Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước xây dựng CNXH. Đường lối và hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẩu hiệu hành động là: Tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân. "Giặc nước đuổi xong rồi", nhưng phải bảo vệ, giữ gìn núi sông, bờ cõi biển đảo của Tổ quốc. Phấn đấu để thoát ra khỏi cảnh lạc hậu, nghèo nàn mới thật gian nan, vất vả. Với trí tuệ thiên tài và tầm nhìn chiến lược, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng, Nhà nước và nhân dân: "Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở mang các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng… Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"(8).
Đại hội VI của Đảng (12-1986) là mốc lịch sử đặc biệt của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Với sự đổi mới tư duy lý luận và hành động, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới. Đại hội nhấn mạnh sự cần thiết phải nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật; phải xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của đất nước, chống bệnh giáo điều và phải thật sự vì dân, lắng nghe nguyện vọng và tổng kết sáng kiến của nhân dân. Bài học hàng đầu mà Đại hội VI nêu lên là: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động"(9). Đại hội VI nhấn mạnh: Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân. Quần chúng là người làm nên lịch sử. Nhân dân ta rất cách mạng, có những phẩm chất rất quý báu, trải qua chiến đấu lâu dài liên tục, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì CNXH. "Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm, khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên. Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân"(10).
Tại Đại hội này, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. "Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng"(11).
Với chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp chuyển dần sang cơ chế thị trường, coi trọng và bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động, đã khơi dậy mạnh mẽ tính tích cực, sáng tạo của nhân dân để mang lại lợi ích cho chính nhân dân và đất nước. Trong đường lối, chính sách cũng như trong hành động của thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện từng bước và có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.
Đường lối đổi mới của Đảng và quá trình gần một phần tư thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới là hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, làm cho đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Đến Đại hội VII (6-1991) Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và lần đầu tiên nêu ra mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng. Đồng thời nhấn mạnh 7 phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh nêu rõ: "Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của CNXH, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước XHCN phồn vinh"(12). Về cơ sở kinh tế, Cương lĩnh đặc biệt nhấn mạnh phát triển lực lượng sản xuất công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của CNXH, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất XHCN từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, Cương lĩnh 1991 nêu rõ quan điểm: Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH. "Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội"(13). Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho mọi người lao động có việc làm, chăm lo cải thiện điều kiện lao động. Khuyến khích tăng thu nhập và làm giàu dựa vào kết quả lao động. Có chính sách bảo trợ và điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng. Cải cách căn bản chế độ tiền lương trong khu vực nhà nước theo nguyên tắc phân phối theo lao động: Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của người mẹ và của thanh thiếu niên. Chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em… Chính sách xã hội cũng nhằm xây dựng nền văn hoá mới, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Chăm lo bồi dưỡng hình thành con người mới. Đó là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi; sống có văn hoá, tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chính sách với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện bình đẳng nam nữ về mọi mặt.
Phát triển và cụ thể hoá Cương lĩnh, Đảng đã đề ra và tập trung chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nông nghiệp toàn diện, có chính sách đúng đắn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đề ra chương trình, chính sách xoá đói giảm nghèo phù hợp và thiết thực. Chính phủ đề ra Chương trình 135 (1995) nhằm hỗ trợ hơn 1.700 xã nghèo nhất xây dựng đường xá, trường học, cơ sở y tế, điện để thúc đẩy sản xuất, thoát nghèo và cải thiện đời sống. Năm 2004, Chính phủ lại đề ra Chương trình 134 trực tiếp hỗ trợ những hộ nghèo về đất canh tác, đất ở, nhà ở, nước sạch. Chương trình 135, 134 đang tiếp tục được thực hiện giai đoạn tiếp theo. Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Chương trình 30A giúp đỡ 62 huyện nghèo giảm nghèo bền vững, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo và đào tạo nghề.
Đảng và Nhà nước coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, để sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng một nước nghèo và chậm phát triển. Với những chủ trương, chính sách và giải pháp đúng đắn, kịp thời, nền kinh tế không những đã ra khỏi khủng hoảng (1996)… Vượt qua được những khó khăn do tác động khủng hoảng kinh tế của khu vực những năm 1997-1998 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Mục tiêu cơ bản và cũng là đặc trưng hàng đầu của xã hội XHCN mà Đảng và nhân dân ta phấn đấu xây dựng là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Các mục tiêu và đặc trưng khác đều hướng vào mục tiêu cơ bản đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh, CNXH là làm cho nước mạnh, dân giàu. "CNXH là mọi người được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành"(14). Đảng và Nhà nước ta hiện nay đang tập trung hết sức để thực hiện điều đó, công việc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được thế giới thừa nhận. Đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 xuống còn 12% năm 2008. Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009, nhiệm vụ năm 2010, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo năm nay xuống còn 11%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đã đạt hơn 1000 đô la, vượt qua ngưỡng của nước nghèo và chậm phát triển. Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn Chương trình 135, 134, Chương trình 30A của Chính phủ, nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội đang được coi trọng. Bảo đảm an sinh xã hội đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ hàng loạt chính sách xã hội, trong đó có những vấn đề về bảo hiểm xã hội và cứu trợ xã hội.
Nhà nước có ngân sách và quỹ dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ cho những hộ, những người còn trong hoàn cảnh đói nghèo hay khi gặp thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, những người tàn tật, người già, bệnh tật hiểm nghèo, không nơi nương tựa. Nhà nước thực hiện bảo hiểm xã hội tốt hơn, bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu, bảo hiểm y tế, học đường, nhân thọ, bảo hiểm thất nghiệp…
Chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân là mục đích, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước. "Đảng ta là đảng cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác"(15). Chăm lo không có nghĩa là ban phát, ban ơn mà là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Nhưng mặt khác cũng cần khắc phục tâm lý ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức, động viên toàn dân, sức dân để làm lợi cho dân. "CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích ấy, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, mỗi người phải cố gắng trở thành người lao động tiên tiến"(16). Nhân dân với tư cách là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của mình phải lao động sáng tạo, có hiệu quả để làm cho cuộc sống của chính mình tốt đẹp, sung sướng, hạnh phúc, đồng thời góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh, tiến bộ. Đảng và Nhà nước đã và đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi người dân làm giàu bằng chính trí tuệ, lao động sáng tạo của mình. Cần phê phán và khắc phục những thói xấu như lười biếng, lười học tập, lười suy nghĩ, ỷ lại, gian dối, ích kỷ, không quan tâm đến xã hội, tập thể, cộng đồng và vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của người khác. Xây dựng con người Việt Nam mới yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; có học vấn và trí tuệ cao; có kỹ năng nghề nghiệp lao động giỏi; có thể chất khoẻ mạnh và có đạo đức công dân, nhân ái, vị tha, nhân nghĩa và lối sống lành mạnh.
Trải qua công cuộc đổi mới, thế và lực của Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật đáng kể. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đó là kết quả phấn đấu của toàn dân và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với mục tiêu vì nước, vì dân.
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm cho đất nước phát triển vững chắc trên con đường xây dựng CNXH càng đặt ra yêu cầu phải củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền là xa rời quần chúng nhân dân, là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh để phòng ngừa và khắc phục những căn bệnh đó là rất khó khăn, phức tạp, nhưng hoàn toàn có thể làm được, nếu biết dựa vào dân, thực hiện tốt quan điểm Đảng đã đề ra: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cần phải thực hiện tốt hơn chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra"(17). Cần phải "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết"(18). Sự gắn bó mật thiết giữa ý Đảng và lòng dân, phải thật sự là nguyên tắc hoạt động của Đảng. Vì nước, vì dân là bản chất cách mạng của Đảng./.
------------------------
(1), (2) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, t.2, tr.2, 94,
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t,4, tr.56, 152
(5) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, t.12, tr.76
(6), (7) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, đã dẫn, tập 21, tr.916, 932
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.12, tr.504-505.
(9), (10), (11) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, t.47, tr.362, 362-363, 363
(12), (13) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, t.51, tr.136, 139
(14), (15), (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.10, tr.72, 33, 556
(17), (18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, đã dẫn, tập 5, tr.295, 297.