TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
V.I. Lê-nin với phương pháp nhận thức thực tiễn thời đại ngày nay
Ngày cập nhật 09/08/2010

Vào cuối thế kỷ XX, nhiều sự kiện lớn chưa từng có về kinh tế và chính trị đã nổ ra, như cuộc cách mạng khoa học và công nghệ cùng với kinh tế tri thức ra đời; Liên Xô và các nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ; Chiến tranh lạnh kết thúc; quá trình toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ; thế giới biến đổi nhanh với hàng loạt xung đột cục bộ trong khu vực. Những biến đổi sâu sắc ấy làm cho nhận thức thế giới trước đây bị đặt trước nhiều câu hỏi mà chưa thể có câu trả lời thoả đáng. Chính thực tiễn ấy đã hướng các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị chú ý đến tầm quan trọng của phương pháp luận nhận thức thực tiễn thời đại ngày nay để trước hết định vị và định hướng phát triển đất nước trong dòng chảy nhanh của lịch sử.


Nhìn vào những biến động chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX, người ta thấy các đảng cộng sản rất thành công trong hoạt động cách mạng giành chính quyền, nhưng trong số đó đa số lại thất bại trong hoà bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Điều đó càng nói lên tầm quan trọng của vấn đề phương pháp luận nhận thức đúng thời đại và dân tộc đối với các nhà lãnh đạo đất nước.

Tình hình đó làm cho việc tìm hiểu phương pháp luận nhận thức thời đại và dân tộc của V.ILê-nin và Hồ Chí Minh trở nên quan trọng và cấp thiết.

I- Đặc điểm hình thành phương pháp luận của V.I.Lê-nin

Sự hình thành phương pháp luận khoa học của V.I.Lê-nin gắn liền với những đặc điểm của thời đại, của nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Còn tầm cao của phương pháp luận ấy gắn liền với phẩm chất con người Lê-nin. Nếu không nhận rõ những điều kiện khách quan và chủ quan ấy thì thật khó hiểu đúng về con người V.I.Lê-nin và tầm vóc trí tuệ của Người.

Thứ nhất, nhìn khái quát, có hai nhân tố của thời đại ảnh hưởng có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành phương pháp luận của V.I.Lê-nin. Đó là sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh lên chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đó là sức hấp dẫn của lý luận C.Mác về triết học, kinh tế chính trị đối với V.I.Lê-nin.

Trải qua thực tiễn hoạt động cách mạng, V.I.Lê-nin đi đến nhận thức rằng: "Tất cả lý luận của Mác là một sự áp dụng học thuyết về sự phát triển, ... vào chủ nghĩa tư bản hiện đại"(1). Nhận thức đó là sự khác nhau giữa V.I.Lê-nin với những nhà cách mạng đương thời về nhận thức lý luận của C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Đó là cơ sở quan trọng hình thành phương pháp luận khoa học của V.I.Lê-nin. Học thuyết về sự phát triển của C.Mác, theo V.I.Lê-nin, đó là Phép biện chứng được coi như linh hồn của học thuyết Mác, là nhân tố xuyên suốt toàn bộ nhận thức về thời đại của V.I.Lê-nin giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Thứ hai, đặc điểm nước Nga về kinh tế và chính trị là nhân tố góp phần quan trọng trong vận dụng và phát triển phương pháp luận của V.I.Lê-nin để sáng tạo đường lối phát triển đất nước .

Nước Nga là nước phong kiến đã chuyển sang phát triển chủ nghĩa tư bản ở mức trung bình, đã hình thành nền công nghiệp giai đoạn đầu với một lực lượng tương ứng về công nhân và trí thức, nhưng hơn 80% dân số vẫn là nông dân trong nền nông nghiệp lạc hậu. Đặc điểm ấy của nước Nga khác nhiều với các nước công nghiệp mà chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đây là nhân tố đòi hỏi V.I.Lê-nin phải vận dụng và phát triển phương pháp luận trong sáng tạo lý luận chỉ đạo cách mạng.

V.I.Lê-nin nhận thức thời đại không chỉ về mặt trình độ phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở giai đoạn mới, mà còn phát hiện mối quan hệ giữa thời đại với nhu cầu phát triển của nước Nga Xô-viết. Từ phương pháp luận nhận thức như vậy mà V.I.Lê-nin đã dũng cảm sáng tạo ra Chính sách kinh tế mới (NEP) và sử dụng hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước trong điều kiện chính quyền Xô-viết, dù phải vượt qua nhiều trở ngại ngay trong đảng cầm quyền.

Thứ ba, phương pháp luận nhận thức thời đại của V.I.Lê-nin còn được hình thành từ phẩm chất, văn hoá của Người - điều kiện chủ quan hình thành phương pháp luận khoa học.

V.ILê-nin sinh ra trong một gia đình trí thức có tư tưởng tiến bộ, Lênin được giáo dục tinh thần yêu lao động, trung thực và không khoan nhượng trước những bất công trong xã hội. V.I.Lê-nin không chỉ học giỏi mà còn biết nhiều ngoại ngữ. Cho đến năm 30 tuổi, Người đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn nổi tiếng "Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Nga" thể hiện sự vận dụng sáng tạo lý luận kinh tế của C.Mác trong điều kiện cụ thể của nước Nga.

Xuất phát từ nhận thức thời đại thay đổi, V.I.Lê-nin đã cảnh báo về "bệnh kiêu ngạo cộng sản" từ những thành tựu đã đạt được và "bệnh ấu trĩ tả khuynh" duy ý chí trong điều kiện đảng cầm quyền là trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

II- Phương pháp luận nhận thức thời đại của V.I.Lê-nin

Từ khi hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại của chủ nghĩa tư bản vào thế kỷ XVIII, vấn đề nhận thức đúng thời đại là một trong những vấn đề sống còn của sự phát triển của mỗi nước. Vì vậy, nhận thức đúng thời đại là một trong những tiêu chí của nhà chính trị, nhà khoa học chân chính. Suy nghĩ về những hoạt động lý luận và thực tiễn của V.I.Lê-nin, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề chủ yếu sau đây trong phương pháp luận nhận thức thời đại của Người:

1- Nhận thức thời đại trước hết và chủ yếu phải nhận thức đúng phương thức sản xuất đóng vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của thế giới, dưới một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Phải nhận thức cấu trúc của phương thức sản xuất đó gồm lực lượng sản xuất của nó (về tính chất và trình độ phát triển) và quan hệ sản xuất tương ứng (về chế độ sở hữu và tổ chức quản lý). Đồng thời phải nhận thức quy luật vận động của phương thức sản xuất, bắt đầu từ mối quan hệ tương tác giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất (đang thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất), từ mối quan hệ giữa cơ sở kinh tế với hệ thống chính trị. Cũng như C.Mác, V.I.Lê-nin cũng coi quá trình phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là một quá trình lịch sử - tự nhiên ngoài ý muốn của các giai cấp, kể cả giai cấp thống trị. Trong đó sự phát triển lực lượng sản xuất ở mỗi nấc thang cao hơn đều đòi hỏi và gắn liền với sự thay đổi trong quan hệ sản xuất và xã hội. Cũng như C.Mác, V.I.Lê-nin coi đó là sự phủ định cái cũ và ra đời cái mới, nên Người đã xem xét sự vận động của phương thức sản xuất ở nước Nga với sự biến đổi trong cơ cấu lao động, cơ cấu xã hội - dân cư, trong quan hệ xã hội và quan hệ xã hội với thượng tầng ý thức, văn hoá và chính trị.

Đặc điểm mới của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với các phương thức sản xuất trước đó là chủ nghĩa tư bản dựa trên sự phát triển của kinh tế thị trường mang nội dung của một quá trình xã hội hoá lao động và sản xuất từ thấp lên cao (từ phạm vi địa phương, quốc gia đến phạm vi thế giới như đã bắt đầu từ thời V.I.Lê-nin). Trong quá trình đó, lực lượng sản xuất phát triển dựa trên các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và cải cách tổ chức quản lý.

Chính quá trình phát triển của hệ thống kinh tế ấy đã tạo ra những tiền đề vật chất, cơ cấu xã hội và nền văn hoá cho một phương thức sản xuất cao hơn, một chế độ xã hội văn minh hơn chủ nghĩa tư bản. C.Mác đã căn cứ vào quy luật vận động kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà dự đoán tương lai chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản. Còn V.I.Lê-nin, trong điều kiện cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền đã chỉ rõ sự phát triển ấy"là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội"(2).

Phương pháp luận nhận thức thời đại của V.I.Lê-nin trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền đã đưa đến sáng tạo ra Chính sách kinh tế mới (NEP) mà thực chất là chuyển sang kinh tế thị trường thay thế Chính sách cộng sản thời chiến vào năm 1921 với mong muốn đưa nước Nga phát triển theo con đường rút ngắn (nền kinh tế thị trường hiện đại dưới chính quyền Xô-viết) phù hợp với xu thế thời đại.

2- Nhận thức đúng tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại là mắt xích chủ yếu trong nhận thức thời đại của V.I.Lê-nin. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (lần thứ hai) tạo ra nấc thang phát triển mới của lực lượng sản xuất. Sự phát triển mới của lực lượng sản xuất đã kéo theo cuộc cách mạng về tổ chức - quản lý kinh tế, đưa chủ nghĩa tư bản công nghiệp tư nhân chuyển lên chủ nghĩa tư bản độc quyền cùng sự ra đời các tập đoàn kinh tế.

Xuất phát từ nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, V.I.Lê-nin đã nhìn thấy trong sự phát triển lên trình độ mới của lực lượng sản xuất và tổ chức quản lý của chủ nghĩa tư bản, xuất hiện những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chế độ mới theo con đường phát triển rút ngắn. Những thành tựu về khoa học kỹ thuật, về tổ chức quản lý, về giáo dục đào tạo của chủ nghĩa tư bản độc quyền được Lê-nin quan niệm là chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội.

3- Từ nhận thức thời đại như thế, V.I.Lê-nin đã sáng tạo ra một hình thức tổ chức quản lý mới dưới chính quyền Xô-viết. Đó là hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước trong quá trình thực hiện NEP nhằm thu hút những thành tựu tiên tiến của chủ nghĩa tư bản và mở cửa với thế giới qua thương mại và đầu tư. V.I.Lê-nin đòi hỏi "đưa cả hai tay ra nắm lấy những thành tựu tiên tiến của thế giới tư bản". V.I.Lê-nin quan niệm đó là "tạo ra chiếc cầu dẫn từ xã hội cũ, tư bản chủ nghĩa sang xã hội mới, xã hội chủ nghĩa"(3). V.I.Lê-nin tin chắc rằng với NEP và hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội. Hiệu quả của chủ nghĩa tư bản nhà nước phụ thuộc vào trình độ tổ chức giỏi và phẩm chất, sự trong sạch của cán bộ nhà nước, nếu không đó sẽ là quá trình tư nhân hoá.

Sau này khi trải qua thực tiễn thăng trầm và cuối cùng Liên Xô sụp đổ, Viện sĩ M.Môi-sê-ep - nhà toán học và triết học hàng đầu của Nga, đã cho rằng: "Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, xoá bỏ NEP, chính quyền đã bỏ qua một cơ hội có một không hai để xây dựng một xã hội hợp lý đến kỳ lạ".

Thực tiễn thế giới sau này còn xác nhận quan điểm nắm lấy lực lượng sản xuất tiên tiến của thời đại và tổ chức quản lý phù hợp là đúng đắn: Bài học thất bại "tăng trưởng mà không phát triển" của một số nước Mỹ La-tinh cũng như bài học "chạy theo tăng trưởng rồi trở thành bãi rác của thế giới" của một số nước châu Phi là sự xác nhận ấy.

4- Nhận thức đầy đủ vai trò và trình độ tổ chức quản lý của các nước tiên tiến trong điều kiện đảng cầm quyền. Đây là một nét mới có tính thực tiễn cao về phương pháp luận nhận thức thời đại của V.ILê-nin. Chính từ nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề tổ chức - quản lý kinh tế - xã hội trong phát triển kinh tế thị trường mà V.I.Lê-nin đã phân tích, phê phán hai căn bệnh hay hai nhược điểm lớn trong nhân dân và trong Đảng Cộng sản ở nước Nga.

Thứ nhất, tính tự phát tiểu tư hữu. V.I.Lê-nin vạch rõ: "trong một nước tiểu nông thì tính tự phát tiểu tư sản chiếm ưu thế" và đó là "kẻ thù giấu mặt hết sức nguy hiểm"(4). V.I.Lê-nin còn chỉ ra rằng: "Chúng ta đang bị đe doạ bởi tính tự phát của thói vô tổ chức tiểu tư hữu; tính tự phát đẻ ra chủ yếu từ lịch sử nước Nga và từ nền kinh tế của nó. Nguy cơ từ căn bệnh này là "nó chống lại bất cứ sự điều tiết, kiểm kê, kiểm soát nào của nhà nước, coi thường tổ chức và kỷ luật nhằm vơ vét được phần hơn, còn thì sống chết mặc bay".

Thứ hai, "Bệnh ấu trĩ tả khuynh" của những người cộng sản rất trầm trọng trong đảng cầm quyền ở một nước lạc hậu. Vì vậy, V.I.Lê-nin rất khó khăn khi thông qua NEP ngay ở cấp lãnh đạo cao nhất. Tư liệu ghi lại rằng V.I.Lê-nin phải mất rất nhiều lần thuyết phục thì NEP mới được thông qua. Theo ông G.Giu-ga-nốp (chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga hiện nay), đã có 20% đảng viên cộng sản khi đó đã vứt thẻ đảng khi biết tin thực hiện NEP.

Chính vì V.I.Lê-nin nhận rõ vai trò và trình độ tổ chức - quản lý tiên tiến trong thời đại ngày nay mà phát hiện và phê phán hai căn bệnh nguy hiểm nói trên. Theo V.I.Lê-nin, việc khắc phục hai căn bệnh nói trên không thể tách rời việc nâng cao trình độ tổ chức - quản lý của Nhà nước. Vì vậy, ngoài việc tiếp nhận, vận dụng các thành tựu tiên tiến và sử dụng các chuyên gia tư sản bản thân đội ngũ cán bộ nhà nước, nhất là cán bộ đứng đầu các cấp” phải học tập chủ nghĩa xã hội phần lớn ở những người lãnh đạo các tơ-rớt, phải học tập chủ nghĩa xã hội ở những nhà tổ chức lớn nhất của chủ nghĩa tư bản. Điều đó không phải là ngược đời"(5).

5- Nhận thức chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền - một vấn đề xuyên suốt trong phương pháp luận nhận thức thời đại của V.I.Lê-nin. Dựa trên tư duy biện chứng, V.I.Lê-nin đã sớm nhận biết chủ nghĩa xã hội phát sinh từ hình thái kinh tế thị trường và vận động, phát triển do mâu thuẫn giữa tính chất xã hội với tính chất tư nhân trong mỗi giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Do đó, những tiền đề phát triển của chủ nghĩa xã hội phát sinh trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không giống nhau và ngày càng lớn mạnh về lượng và về chất. Những tiền đề ấy trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền đầu thế kỷ XX đã khác nhiều so với giai đoạn chủ nghĩa tư bản tư nhân thế kỷ XVIII, XIX. Những tiền đề ấy không những bao gồm cơ sở vật chất, khoa học - kỹ thuật, tổ chức - quản lý, mà còn bao gồm sự phát triển, cơ cấu lao động và nhận thức của xã hội tương ứng với từng giai đoạn. Do những tiền đề vật chất, xã hội, văn hoá hình thành chủ nghĩa xã hội phát triển cao hơn nên nội hàm của khái niệm chủ nghĩa xã hội đã phong phú hơn, đầy đủ hơn. Vì vậy, các hình thức đấu tranh, các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế thị trường cũng không giống nhau.

Tư duy biện chứng của C.Mác và V.I.Lê-nin còn chỉ cho thế hệ hiện nay biết rằng: những tiền đề, điều kiện về phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn kinh tế tri thức càng phân biệt rõ về chất lượng so với giai đoạn kinh tế công nghiệp mấy thế kỷ trước đây, nên các nhà chính trị hiện nay càng cần có phương pháp luận duy vật biện chứng sâu sắc hơn để nhận thức đúng thời đại và dân tộc. Chính vì vậy, khi thực hiện đường lối chuyển sang kinh tế thị trường và thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước bằng NEP với chính sách mở cửa, V.I.Lê-nin đã đặt ra vấn đề cho Đảng Cộng sản là phải có "sự thay đổi tận gốc toàn bộ quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội". Đó là sự loại bỏ quan niệm ấu trĩ tả khuynh về chủ nghĩa xã hội vốn khá phổ biến trong nhận thức của nhiều người cộng sản lúc ấy.

Sự thay đổi quan niệm cũ về chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải đồng thời nghiên cứu tìm ra quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn dân tộc và thời đại của mình, bắt đầu từ xác lập phương pháp luận biện chứng duy vật về nhận thức thời đại nhằm phát hiện những vấn đề đặt ra cho dân tộc trong mỗi giai đoạn phát triển, thậm chí trong mỗi nhiệm kỳ đại hội của Đảng.

Kỳ vọng ấy chỉ hé mở bắt đầu khi chúng ta nhìn thấy những chuyển biến về chất lượng trong công tác lý luận và công tác tổ chức cán bộ của Đảng phù hợp với thời đại hiện nay và nhu cầu phát triển của dân tộc.

III- Suy nghĩ về Việt Nam

Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào đầu thế kỷ XXI với những chuyển biến có tính bước ngoặt của thời đại hiện nay.

Đó là kinh tế thị trường hiện đại đã chuyển từ cơ sở kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức và đang vận động thay đổi định hướng phát triển (từ hướng chạy theo lợi nhuận tối đa của chủ đầu tư sang hướng phát triển đồng thời về kinh tế, xã hội, môi trường, tức là phát triển bền vững).

Đó là phát triển xu hướng thâm nhập vào nhau giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội (về mục tiêu, phương pháp và hướng sử dụng thành tựu mới). Xu hướng này sẽ đưa tới một nền khoa học mới mà Mác đã dự báo là khoa học về con người. Đó là xu hướng mới của phát triển giáo dục và đào tạo lấy việc bồi dưỡng tài năng, phát hiện tài năng và phẩm chất đúng như dự báo của Hồ Chí Minh "học để làm người”.

Những thay đổi nói trên đưa đến một xã hội mới với đông đảo những người lao động tri thức. Đó là cơ sở sẽ hình thành một nền văn hoá mới, nền chính trị mới.

Những xu hướng nói trên ngày càng xung đột với thể chế kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản, với tư tưởng bá quyền trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay không chỉ là khủng hoảng kinh tế mà sẽ còn khủng hoảng về xã hội, văn hoá và chính trị.

Những chuyển biến sâu sắc nói trên đang hiện thực hoá nhận định của Lê-nin: "... chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy"(6)

Đây sẽ là thời cơ chưa từng có để phát triển đúng thực chất định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với điều kiện có ý nghĩa quyết định là đảng cầm quyền nhận thức đúng và quyết tâm vận dụng phương pháp luận của V.I.Lê-nin và những giá trị chính trị và giá trị văn hoá Hồ Chí Minh. Đó chính là Phương pháp luận khoa học của Việt Nam để nhận thức thời đại và dân tộc, để hành động trong phát triển đất nước.

Trần Ngọc Hiên

GS,TS, Học viện Chính trị - Hành chinh quốc gia Hồ Chí Minh

Tạp chí Cộng sản số 7(199) năm 2010

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.267