TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Cách thức tiếp thu tư tưởng nhân loại ở Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 12/10/2009

Luận giải nội dung trong những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu từ di sản tư tưởng nhân loại (Nho giáo, Cơ Đốc giáo, Phật giáo, Tôn Dật Tiên, Mác - Lênin,…), trong bài viết này, tác giả đã khẳng định: Mặc dù tiếp thu nhiều dòng tư tưởng khác nhau, song tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống nhất quán, không lẫn lộn với bất cứ nhà tư tưởng nào của dân tộc và nhân loại. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện trình độ phát triển cao về trí tuệ, nhân cách đạo đức và tầm thước của một vĩ nhân.

Nguyên lý triết học chi phối cách tiếp biến các giá trị tư tưởng này không chỉ là quan điểm toàn diện, chỉnh thể, mà còn là tinh thần khoan dung và gắn kết với thực tiễn Việt Nam.

Sinh thời, trong một lời tự bạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy(1)

Đọc những lời viết trên, khi tiếp cận với tư tưởng Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự phát triển một cách sáng tạo tư tưởng của C.Mác và V.I.Lênin. Không ít người lại khẳng định tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang nội dung Nho giáo rõ rệt và chính sách phát triển đất nước Việt Nam của Người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, nhất là khi Người viết: “Tôi kính cẩn cầu Đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng. Thượng đế và Tổ quốc muôn năm”(2) thì nhiều người tin rằng lòng nhân ái, khoan dung của Jêsu là một mẫu mực đối với “người học trò nhỏ” Hồ Chí Minh.

Sự thật thì tư tưởng Hồ Chí Minh đã từng tiếp cận và tiếp thu nhiều dòng tư tưởng khác nhau, đã từng “ mưu cầu hạnh phúc cho loài người”. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu Nho giáo, Cơ Đốc giáo, Mác - Lênin, Tôn Dật Tiên, mà còn tiếp thu cả Phật giáo, hệ tư tuởng tư sản; ca ngợi cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ; tiếp cận với tư tưởng về nhà nước của A.Lincôn; cổ vũ tinh thần yêu nước của đạo Cao Đài, Hoà Hảo. Hồ Chí Minh đã từng viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma… Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca…”(3).

Tiếp thu nhiều dòng tư tưởng khác nhau, song tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống nhất quán, không lẫn lộn với bất cứ nhà tư tưởng nào của dân tộc và của nhân loại, mặc dù Người tiếp nhận các giá trị từ truyền thống văn hoá của dân tộc và loài người tiến bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận động trong lịch sử dân tộc và loài người, xác lập thành nền tảng tư tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thời đại mà nhân dân Việt Nam đã nâng các giá trị truyền thống lên một tầm cao mới và hiện diện trước loài người như một dân tộc anh hùng, văn minh, lịch thiệp, hiện đại.

Mỗi nhà tư tưởng lớn trong văn hoá nhân loại đều có sắc thái riêng của mình. Hồ Chí Minh nói mình là “một người học trò nhỏ” của Khổng Tử! Thật ra, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ khác về cơ bản, mà còn vượt rất xa tư tưởng của Khổng Tử trên mọi phương diện. Hồ Chí Minh ca ngợi ưu điểm của học thuyết Khổng Tử là tu dưỡng cá nhân, song ngay từ năm 1927, Người đã viết: “Khổng giáo dựa trên 3 sự phục tùng: quân - thần; phụ - tử; phu - phụ và năm đức chủ yếu: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử đã viết Kinh Xuân thu để chỉ trích “những thần dân nổi loạn” và “những đứa con hư hỏng”, nhưng ông không viết gì để lên án những tội ác của “những người cha tai ác” và “những hoàng tử thiển cận”… Ông rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức… Nếu Khổng Tử sống ở thời đai chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ những quan điểm ấy thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng” (4).

Theo Hồ Chí Minh, về mặt học thuyết thì tư tưởng của Khổng Tử là hệ tư tưởng chỉ phù hợp với “một xã hội bình yên không bao giờ thay đổi” và do vậy, trên phương diện hệ thống, nó không thể phù hợp với xã hội mới. Song, về yếu tố, nó thiên về triết lý nhập thế, hành đạo giúp đời, mong muốn thế giới đại đồng có những kỹ năng giáo dục đạo đức tỉ mỉ; mặc dù không phải nội dung của mọi yếu tố này đều mang ý nghĩa tiến bộ. Khi nghiên cứu nội dung của những yếu tố trong học thuyết của Khổng Tử, Hồ Chí Minh đã tách chúng ra khỏi ý thức hệ của giai cấp phong kiến thống trị, giai cấp từng tạo sự bất bình đẳng về giới tính, thế hệ, giai cấp và dân tộc. Người cũng sử dụng những khái niệm nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của Nho giáo, nhưng đó là Nho giáo đã Việt Nam hoá, mang rất nhiều yếu tố dân tộc và tam giáo đồng hành. Những yếu tố này đã được Người xây dựng nội hàm cách mạng và hiện tại trong hệ thống tư tưởng của mình. Nội hàm của những khái niệm này khác hoàn toàn với nội hàm thuộc hệ tư tưởng Nho giáo.

Cũng như vậy, Hồ Chí Minh đã ca ngợi lòng nhân ái cao cả của Thiên Chúa giáo. Chúa Jêsu đã kêu gọi con chiên của Chúa “Hãy yêu kẻ thù của mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, cho phước cho kẻ rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sĩ phục mình”. Chúa Jêsu dạy con người không tham lam, trộm cắp, hãy sống trong sạch, hãy cho khi người ta xin. Hồ Chí Minh đã đọc rất kỹ Tân ước và Cựu ước, hiểu thấu đáo sách Mathiơ và Luca. Người thấy nhân tố thương yêu con người thì Thiên Chúa giáo với Khổng giáo cũng cùng chung một ưu điểm. Trong một bức thư phúc đáp ngài G.Bidon, Thủ tướng của Chính phủ Pháp - nước đang xâm lăng Việt Nam lúc đó, Người đã viết: “Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân(5). Nhấn mạnh lòng thương người của một số học thuyết tôn giáo, một lần khác, Người lại viết: “Chúa Jêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” (6). Tiếp thu tư tưởng nhân ái bao la của Đức Chúa Jêsu, song Hồ Chí Minh cũng thấy rằng, “cách đây 2000 năm, Đức Chúa Jêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được” (7).

Vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là thương người, mà còn phải hành động như thế nào để giải thoát cảnh cực khổ của những người bất hạnh. Khi tiếp thu triết lý thương người của mọi tôn giáo, Hồ Chí Minh đã tìm cách giải thoát những con người đang bị áp bức, bóc lột ra khỏi lầm than, cơ cực. Khi đồng cảm với triết lý thương người của Đức Chúa Jêsu, Người không dừng lại ở triết lý ấy trong suy nghĩ mà luôn hành động, luôn thực hiện cái triết lý ấy trong hoạt động thực tiễn. Giáo sư Trần Văn Giàu, khi nghiên cứu tình thương yêu bao la của Hồ Chí Minh, đã viết rằng: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn giải thoát của những lớp người hèn yếu, lao khổ, của các dân tộc bị chà đạp, giải thoát chính bằng ý thức, lực lượng của mình”(8) .

Hồ Chí Minh (1890-1969)

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, một nhà văn hóa kiệt xuất, góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử thế kỷ 20 một phần bởi sự nghiệp văn hóa to lớn người đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Khi tiếp thu các tư tưởng nhân ái bao la của các bậc đại nhân tiền bối, Hồ Chí Minh không chỉ gắn tình yêu của mình vào con người, vào đồng loại, rộng lượng đối với kẻ thù, chấp nhận độc thoại giữa các chính kiến, mà còn quan tâm sâu sắc hơn đến việc thực hiện, việc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Yêu con người, Hồ Chí Minh đã tìm mọi phương thức mang lại tự do cho con người. Triết lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người chính là hệ quả của cách tiếp thu lòng nhân ái bao la của các bậc đại trí, đại nhân tiền bối.

Ai cũng biết Hồ Chí Minh là một người mácxít. Trong lời tự bạch dẫn ở trên, Người đã ca ngợị phương pháp làm việc biện chứng của chủ nghĩa Mác. Chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã thức tỉnh và làm hoàn thiện chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh gắn với thời đại mới. Khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cách nhìn mới về thế giới cho mình, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (9) .

Hoàn toàn tin theo phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX. Theo phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác, Người đã xuất bản báo LeParia, viết báo L’humanité và La vie Ouvriere, công bố Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Cách Mệnh và nhiều tác phẩm lớn khác. Trong ý tưởng triết học của Người, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác là một thế giới khoa học, là một vũ khí cách mạng mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Nhiều người thấy Hồ Chí Minh vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận mácxít đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tư tưởng của chủ nghĩa Mác được vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Chính Người đã chỉ ra rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại” (10).

Phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác đã chỉ dẫn cho Hồ Chí Minh mối quan hệ tương hỗ giữa cái riêng và cái chung, giữa dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại, dân tộc và tộc người, cá nhân và xã hội, lý luận và thực tiễn trong quá trình phát triển. Người thấy rõ nguyên tắc căn bản của phương pháp biện chứng mácxít là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Người viết: “Trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động… Phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi” (11). Do vậy, theo Người, “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình… Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”, chứ không phải “học thuộc lòng”, “học để trang sức” (12) .

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh tuy hội tụ những giá trị nhân văn cao cả trong các học thuyết Khổng Tử, Jêsu, C.Mác và V.I.Lênin, nhưng tư tưởng đó là tư tưởng Hồ Chí Minh chứ nhất định không thể là tư tưởng Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Mác - Lênin hay Tôn Văn. Một số người đã dựa vào lời tự bạch của Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta” để cho rằng, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa Tôn Văn biểu hiện khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực chính trị quan trọng.

Chủ nghĩa tam dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh) của Tôn Trung Sơn là một học thuyết nằm trong phạm trù cách mạng tư sản khi phong trào duy tân nổi lên ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, học thuyết dân quyền với những nội dung dân sinh, dân trí, dân khí đã được các nhà ái quốc trong phong trào Duy Tân đề xướng. Hồ Chí Minh ngưỡng mộ Tôn Dật Tiên không chỉ ở chủ thuyết dân tộc, dân quyền, dân sinh, mà còn tìm hiểu chủ trương “Liên Nga, liên cộng, phù trợ công” này của ông. Tôn Dật Tiên đã phê phán đạo đức học của Hán và Tống Nho, đồng thời xây dựng lý tưởng đạo đức thiên hạ vị công.

Sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Tôn Trung Sơn với Hồ Chí Minh là gặp ở quan điểm về chủ nghĩa dân tộc. Trong chủ nghĩa tam dân, Tôn Trung Sơn quan tâm sâu sắc đến quyền lợi dân tộc. Ngay từ năm 1924, Hồ Chí Minh cũng đã nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Cùng với chủ nghĩa dân tộc, Người cũng rất quan tâm tới xây dựng một nền đạo đức mới vượt qua học thuyết đạo đức của Khổng Tử. Song, trong tư tưởng của Người, chủ nghĩa dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế. Người viết: “Khi chủ nghĩa dân tộc… thắng lợi, thì… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế” (13).

Hồ Chí Minh đã nói tới độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào, hạnh phúc cho nhân dân. Ở Người, đặc điểm nổi bật là tin tưởng sắt đá vào sức mạnh của nhân dân. Phạm trù nhân dân đã tạo nên sức sống và sự sáng tạo to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân(14). Tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân với ý nghĩa nhân dân là người có thể cách mạng tới cùng thì không thể giống với tư tưởng dân sinh của Tôn Văn.

Rõ ràng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự tiếp thu nhiều di sản tư tưởng trong văn hoá nhân loại, nhưng đây là một sự tiếp biến đặc biệt, sự tiếp biến vượt gộp để tạo ra một giá trị tư tưởng độc đáo, mới mẻ, cách mạng. Trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ nền tảng tinh thần sâu sắc nhất là những giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần khoan dung, ý chí tự lực tự cường và ý thức đoàn kết. Song, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần khoan dung, ý chí tự lực tự cường, ý thức đoàn kết dân tộc truyền thống. Nếu Hồ Chí Minh chỉ là hiện thân của những giá trị văn hoá truyền thống thì tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không vượt qua chủ nghĩa dân tộc chật hẹp của nhiều nhà tư tưởng trong nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Cũng thế, nếu Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu sự tu dưỡng trong học thuyết đạo đức của Khổng Tử, lòng nhân ái của Jêsu, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác và chính sách Tam dân của Tôn Dật Tiên thì tư tưởng của Người cũng không vượt qua được những hạn chế của thời đại phản ánh trong hệ tư tưởng của những nhà tiền bối. Chính nhờ đã cởi bỏ đựơc chiếc dây ràng buộc học thuyết của các vị tiền bối trong khuôn khổ tính thời đại của họ mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã mang giá trị của thời đại mới, vượt hẳn những tư tưởng của thời đại đã qua. Hồ Chí Minh đã tiếp biến nhiều tư tưởng của các vị tiền bối và các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc ta trong thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật và những phong trào cách mạng lớn đang dâng lên cuồn cuộn ở thế kỷ XX: phong trào dân chủ, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua chiếc áo chật trong tư tưởng tu thân của Khổng Tử. Chủ nghĩa nhân văn hành động của Hồ Chí Minh đã vượt xa lòng thương người của tôn giáo Jêsu. Sự vận dụng sáng tạo phép biện chứng của chủ nghĩa Mác vào việc giải quyết những vấn đề dân tộc ở Việt Nam đã làm phong phú phép biện chứng duy vật và mang một sức mạnh mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước quốc tế ở Hồ Chí Minh khác hẳn với chủ nghĩa vị quốc chật hẹp. Quan điểm về tính nhân dân với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh khác rất xa với chủ nghĩa Tam dân Tôn Trung Sơn. Phong cách tư duy của Hồ Chí Minh là phong cách tư duy tổng hợp, khái quát, độc lập, tự chủ, sáng tạo gắn với thực tiễn đang vận động.

Tiếp biến nhiều dòng tư tưởng trong di sản tinh thần của nhân loại, song tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng được hình thành trong ba phong trào lớn của thế kỷ XX, nhằm đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, đất nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân được sống tự do, ấm no, hạnh phúc, góp phần ổn định tình hình thế giới, phát triển hữu nghị giữa các dân tộc, vì tiến bộ xã hội và sự phát triển tốt đẹp các giá trị cá nhân và cộng đồng con người và tự nhiên.

Cách tiếp thu các di sản tư tưởng nhân loại của Hồ Chí Minh đã xác lập hệ tư tưởng Hồ Chí Minh sáng tạo, thống nhất bởi bốn tiểu hệ thống:

Thứ nhất là chủ nghĩa yêu nước và tình yêu con người. Đó là tình yêu những con người bị áp bức, bị bóc lột; là chủ nghĩa yêu nước quốc tế kết hợp với sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh cá nhân với sức mạnh cộng đồng trên cơ sở tư tưởng nền tảng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Thứ hai là tư tưởng xây dựng nhà nước kiểu mới. Đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở một nền dân chủ của dân, do dân, vì dân và sức mạnh thuộc về nhân dân.

Thứ ba là tư tưởng về tương lai của con người, của xã hội loài người, của đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một chủ nghĩa xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là “xã hội văn hoá cao”.

Thứ tư là tư tưởng về mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, con người và tự nhiên. Đó là những tư tưởng lớn về một thế giới hoà bình, đầy tình hữu nghị, về một môi trường tự nhiên thân thiện, tươi đẹp và trong lành.

Bốn tiểu hệ thống này liên kết với nhau bởi quan điểm toàn diện nhằm gắn sự phát triển đời sống vật chất với đời sống tinh thần của con người, truyền thống với hiện đại, cá nhân với xã hội, dân tộc với quốc tế, con người với tự nhiên.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ trình độ phát triển cao về trí tuệ, nhân cách đạo đức và tầm thước của một vĩ nhân, khi tiếp biến các giá trị tư tưởng của truyền thống và nhân loại. Nguyên lý triết học chi phối cách thức tiếp biến các giá trị tư tưởng truyền thống và nhân loại không chỉ là quan điểm chỉnh thể, toàn diện mà còn là tinh thần khoan dung Hồ Chí Minh. Có lần Người đã tự bạch rằng: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể… chí công vô tư”, “sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ” (15) .

Yêu con người, yêu đồng loại, yêu người cùng khổ, tin tưởng và yêu thương nhân dân, yêu thiên nhiên từ mầm lá đến nhành hoa, rộng lượng đối với kẻ thù, chấp nhận đối thoại giữa các chính kiến là nhân cách Hồ Chí Minh, khi tiếp biến các di sản tư tưởng trong văn hoá nhân loại. Nhờ cách tiếp thu sáng tạo những di sản này để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và loài người và với nhiều cống hiến khác trong giáo dục nghệ thuật, giao lưu quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại./.

Đỗ HuyGiáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Tạp chí Triết học


(1) Hồ Chí Minh Truyện (Bản dịch Trung văn của Trương Niêm Thức. Bát Nguyệt xuất bản xã Thượng Hải xuất bản, 1949). Dẫn theo: Phan Văn Các. Nho giáo xưa và nay. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.490.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.197.

(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.2, tr.453 - 454.

(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.267.

(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.6, tr.225.

(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.272.

(8) Trần Văn Giàu. Vĩ đại một con người. Nxb Long An, 1990, tr.92.

(9) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.127.
(10) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr.464 - 465.

(11) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.496.

(12) Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.292.

(13) Hồ Chí Minh. Sđd., t.1, tr.467.
(14) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.279.

(15) Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.279, 644.

 

Nguồn: Tạp chí Triết học
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.059