TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Kỷ niệm 139 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin :Tư tưởng của V.I.Lênin và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam
Ngày cập nhật 22/04/2009
V.I. Lênin (1870- 1924)

Đối với Việt Nam, tư tưởng của Lênin, học thuyết cách mạng của Người đã có vai trò, tác động to lớn không chỉ đối với cách mạng giải phóng dân tộc mà còn đối với công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo

1. Tên tuổi, sự nghiệp của V.I.Lênin gắn liền với cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại và những cống hiến vô giá của Người trong việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung, những quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về XHCN và con đường xây dựng CNXH nói riêng.

Giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên thế giới ghi nhận những cống hiến to lớn của Lênin đối với phong trào cách mạng trên thế giới không chỉ ở việc Lênin đã tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng không ngừng do Mác và Ăngghen khởi xướng mà còn ở chỗ Người đã kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tiễn, từ thực tiễn mà phát triển lý luận để hiện thực hoá sinh động những quan điểm lý luận khoa học và cách mạng đã khái quát những quan hệ thực tiễn của cuộc đấu tranh giai cấp.

Đó là quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học khẳng định về lý luận của những người cộng sản: “Những quan điểm lý luận của những người cộng sản tuyệt nhiên không dựa vào những ý niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của cuộc đấu tranh giai cấp hiện có”(1). Đặc biệt là quan điểm khoa học – thực tiễn về CNXH: “… ngày nay chủ nghĩa xã hội không còn bị xem là một sự phát hiện ngẫu nhiên của một khối óc thiên tài nào đó mà là một kết quả tất nhiên của cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp phát sinh ra trong quá trình lịch sử - giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của CNXH không còn là ở chỗ nặn ra một chế độ hết sức hoàn thiện, mà là ở chỗ phải nghiên cứu cái quá trình kinh tế - lịch sử đã tất nhiên sản sinh ra các giai cấp nói trên và sự đấu tranh giữa các giai cấp ấy và ở chỗ tìm ra, trong tình hình kinh tế do quá trình ấy tạo ra, những thủ đoạn giải quyết sự xung đột”(2).

Những luận điểm của Lênin về CNXH là mẫu mực về bổ sung, phát triển vận dụng sáng tạo quan điểm mác xít về CNXH vào điều kiện lịch sử cụ thể. Người đã tuân thủ một di huấn nổi tiếng của Ăngghen: “Muốn làm cho CNXH trở thành khoa học thì trước hết phải đặt CNXH trên một cơ sở hiện thực”.

Từ cơ sở hiện thực của nước Nga, của những điều kiện, tiền đề và những yêu cầu của xây dựng CNXH - một chế độ tiến bộ hơn, ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản, Lênin đã nêu một công thức nổi tiếng: “chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hoá toàn quốc”. Xác lập một nền kinh tế phát triển cao hơn, tiến bộ hơn CNTB cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, tổ chức lao động và năng suất lao động, chính là quan niệm của V.I.Lênin về kinh tế của CNXH: “Trong bất cứ cuộc cách mạng XHCN nào, khi giai cấp vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi và trong chừng mực mà nhiệm vụ tước đoạt những kẻ đi tước đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của chúng đã được hoàn thành trên những nét chủ yếu và cơ bản - thì tất nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác được đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn CNTB, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn”(3). Đó cũng chính là đặc trưng thể hiện bản chất về kinh tế của CNXH theo quan điểm của Lênin.

Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ra đời là tất yếu, trước hết là tất yếu kinh tế.

Trong chế độ XHCN, phải ưu tiên hàng đầu cho phát triển lực lượng sản xuất, xác lập từng bước chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, tạo ra phương thức tổ chức quản lý mới tiến bộ hơn để có năng suất lao động cao hơn năng suất trong xã hội tư bản.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo này của Lênin sau Cách mạng tháng Mười Nga, chỉ sau vài chục năm, nước Nga từ một nước tư bản kém phát triển đã trở thành một cường quốc về kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Cùng với đặc trưng kinh tế của CNXH cần được xây dựng, theo Lênin, về phương diện chính trị, CNXH phải thể hiện bản chất của một nền chính trị dân chủ - nền dân chủ “gấp triệu lần” hơn so với dân chủ tư sản.

Theo Lênin, tính chất dân chủ thật sự của chế độ XHCN thể hiện rõ nhất trong tính dân chủ rộng rãi thực sự của chính quyền Xô Viết – nhà nước Xô Viết - một chính quyền nhà nước thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia quản lý.

Ở một phương diện khác – phương diện văn hoá – Lênin cũng đã nêu lên hàng loạt quan điểm về văn hoá vô sản – văn hoá XHCN. Trong xã hội XHCN, một nền văn hoá vô sản sẽ được xây dựng như là “sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản”. Tính ưu việt về văn hoá là một đặc trưng của xã hội XHCN, theo quan điểm của Lênin: “Văn hoá vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hoá vô sản phát minh ra. Đó là điều ngu ngốc. Văn hoá vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích luỹ được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”(4).

Trong rất nhiều lĩnh vực khác liên quan đến đặc trưng, bản chất của xã hội XHCN (các lĩnh vực xã hội, các quan hệ dân tộc – giai cấp – quốc tế…) cũng đã được Lênin nêu nhiều luận điểm rất có giá trị mang ý nghĩa thời sự, giúp chúng ta vận dụng, cụ thể hoá trong nhận thức về xã hội XHCN đang được xây dựng ở Việt Nam.

Cùng với những quan niệm về XHCN - từ thực tế nước Nga Xô Viết, Lênin còn đóng góp nhiều luận điểm về con đường xây dựng CNXH. Luận điểm nổi tiếng nhất của ông về con đường xây dựng CNXH, theo chúng tôi đó là phải tìm ra phương cách, nhịp độ phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc. Người viết: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên CNXH, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(5).

Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận mác xít về thời kỳ quá độ, xác định nội dung, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện nước Nga sau cách mạng tháng Mười là cống hiến to lớn của Lênin. Ông đã chỉ rõ đặc điểm nổi bật về kinh tế của thời kỳ quá độ là “có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của CNTB và CNXH”. Lênin còn phát triển lý luận về thời kỳ quá độ bằng chủ trương phải thực hiện “những bước quá độ nhỏ”, bắc những “chiếc cầu nhỏ” để đi lên CNXH.

Việc thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin là mẫu mực trong việc xác định đặc điểm, nội dung và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước Nga. Hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp công nghiệp hoá, điện khí hoá, sử dụng chuyên gia tư sản… đã thể hiện việc vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận mác xít về con đường đi lên CNXH của Lênin.

2. Đối với Việt Nam, tư tưởng của Lênin, học thuyết cách mạng của Người đã có vai trò, tác động to lớn không chỉ đối với cách mạng giải phóng dân tộc mà còn đối với công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một người Việt Nam yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin trực tiếp thông qua những tác phẩm, những công trình lý luận của Lênin. Để từ đó, Người đã vận dụng sáng tạo, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, dẫn dắt cách mạng nước ta giành những thành tựu to lớn.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin vĩ đại (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không chỉ là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và chủ nghĩa cộng sản”.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo đã luôn luôn vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, những luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH và về con đường đi lên CNXH nói riêng.

Công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN trải qua hơn 20 năm với nhiều thành tựu đã cho Đảng ta thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm hàng đầu là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Công cuộc đổi mới đất nước cũng đã chứng minh sinh động một chân lý: đổi mới không phải là từ bỏ hoặc xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH. Vấn đề trước hết là phải đổi mới tư duy, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH trên cơ sở kết hợp “cái phổ biến” với “cái đặc thù” trong điều kiện cụ thể của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cũng chính là đã thực hiện sự kết hợp đó để có được những nhận thức mới đúng đắn, phù hợp về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong Cương lĩnh này, Đảng ta đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN ở Việt Nam và những phương hướng cơ bản cần thực hiện. Văn kiện các Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó (Đại hội VIII, IX, X) đã tiếp tục bổ sung, phát triển các nội dung liên quan đến mục tiêu, động lực, đặc trưng, phương hướng của công cuộc xây dựng CNXH.

Khi đánh giá về những thành tựu đã đạt được sau 20 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta đồng thời đã khẳng định: “Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH đã hình thành trên những nét cơ bản”(6).

Mặt khác, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Qua tổng kết lý luận – thực tiễn 20 năm đổi mới, chúng ta càng thấy rõ giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần được giải đáp. Sau Đại hội X, Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta lên CNXH”(7).

Trên nền tảng tư tưởng vững chắc là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng thực tiễn hơn 20 năm đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, tin tưởng chắc chắn rằng nhận thức về CNXH và về con đường đi lên CNXH sẽ được hoàn thiện, cụ thể hoá hơn trong việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Đảng./.

--------------

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb CTQG H, 1995, tr.615

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, t.19, Nxb CTQG H, 1995, tr.303-304

(3) V.I.Lênin toàn tập, tập 36, Nxb TB, M.1978, tr.228-229

(4) V.I.Lênin toàn tập, tập 41, Nxb TB, M.1978, tr.361

(5) V.I.Lênin toàn tập, tập 30, Nxb TB, M.1981, tr.160

(6), (7) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.68, 72-73

Ban Tuyên giáo TW
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 5.710