Nhiệm vụ đặc biệt nhất trong đời em gái nhỏ
Cách đây tròn 40 năm, vào ngày 21/8/1969, y tá Ngô Thị Oanh đang làm việc tại Khoa Phẫu thuật, Viện Quân y 108 thì đồng chí Lê Đình Lý, Chính uỷ viên gọi lên giao nhiệm vụ: chuẩn bị tinh thần ngày mai đi nhận nhiệm vụ đặc biệt. Chiều hôm sau tổ công tác gồm: bác sỹ Nguyễn Xuân Bính, bác sỹ Phúc, y tá Ngô Thị Oanh và y tá Trần Thị Quý lên đường.
Vì nguyên tắc của ngành, tất cả mọi người trong tổ không ai biết đi nhận nhiệm vụ ở đâu. Xe ôtô chở dụng cụ, phương tiện kỹ thuật và tổ công tác rời viện vào lúc 3 giờ chiều. Qua một số đường phố Hà Nội, xe rẽ vào cổng Phủ Chủ tịch tại số 1A Hoàng Hoa Thám (cổng này thường gọi là Cổng Đỏ).
Đi vào Phủ Chủ tịch, tổ công tác được bố trí nghỉ tạm ở phòng khách. Lần đầu tiên được vào cơ quan Trung ương, chị Oanh thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Đang sắp xếp lại một số đồ đạc thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đến nói với mọi người trong tổ công tác: "Mấy hôm nay Bác mệt, cấp trên muốn các cô, các chú đến chăm sóc sức khoẻ Bác. Nghe đồng chí Vũ Kỳ nói về nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ Bác Hồ thì chị Oanh và mọi người… run lên vì hạnh phúc đến quá bất ngờ. Đêm đầu tiên tại Phủ Chủ tịch, mọi người không ai ngủ được vì niềm hạnh phúc sắp được ở bên người Cha kính yêu của dân tộc.
Sáng hôm sau, chị Oanh và mọi người trong tổ công tác được đồng chí Vũ Kỳ đưa lên phòng Bác nghỉ và báo cáo với Bác về nhiệm vụ của tổ quân y do Viện Quân y 108 cử đến. Nghe xong, Bác nói: "Bác có ốm mệt nhưng không đến mức phải cử cả một tổ chăm sóc thế này, các cháu nên về viện chăm sóc bộ đội và nhân dân".
Nghe Bác nói, mắt chị Oanh cứ nhoè đi. Ôi! Bác Hồ, người nâng niu tất cả chỉ lo cho dân, cho nước! Một lúc sau Bác lại nói: "Các cháu phải chăm sóc bộ đội, đừng để các cháu ngày đêm ở đây mà vất vả vì Bác". Mặc dù vậy, đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vẫn động viên thuyết phục Bác để tổ công tác ở lại.
Em gái nhỏ hát dâng Bác trước lúc Người đi xa
Những ngày ở bên Bác, ấn tượng mạnh mẽ nhất của chị Oanh là sự giản dị của Người. Với các chị, Bác gần gũi như một người cha. Mấy ngày này các đồng chí trong Trung ương thường xuyên đến thăm Bác. Mặc dù ốm mệt nhưng Bác luôn tỉnh táo vẫn theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam.
Có hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào báo cáo bộ đội tên lửa của ta bắn rơi máy bay Mỹ. Vẻ mặt Bác vui và cho gửi lẵng hoa tặng đơn vị bộ đội vừa lập công. Đó là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà các chiến sỹ tên lửa Sư đoàn 361 được đón nhận.
Mấy ngày sau đó, chị Oanh cứ túc trực bên giường Bác làm công tác hộ lý đến giờ mời Bác uống thuốc. Một hôm, chị cắt móng tay cho Bác, cắt xong Bác hài lòng hỏi chuyện. Khi biết quê chị ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Người nói vui: "Yên Lạc là vùng nhiều ruồi có phải không?".
Thấy Bác tường tận cả chuyện nhỏ của quê hương mình, chị Oanh rất cảm động. Sau khi hỏi chuyện về quê hương, gia đình, đơn vị và cuộc sống, Bác dặn: "Làm nghề y phải chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình".
Lời Bác dặn đã ăn sâu vào tâm trí và đi suốt cuộc đời và giúp chị vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Bác đang hỏi chuyện thì đồng chí Vũ Kỳ đi vào. Là người giúp việc Bác từ những ngày đầu cách mạng, nên ông hiểu được tâm nguyện của Bác lúc này. Ông nói với chị Oanh:
- Cô có biết hát, hát Bác nghe!
Tuy chưa bao giờ hát đơn ca, chỉ thỉnh thoảng tham gia văn nghệ quần chúng ở đơn vị, nên chị Oanh có vẻ ngập ngừng. Thấy vậy đồng chí Vũ Kỳ động viên:
- Cô cứ mạnh dạn lên.
Chị Oanh thoáng nghĩ điều hạnh phúc được vào phục vụ Bác, giờ lại được hát dâng Bác, hạnh phúc càng được nhân lên. Chị mạnh dạn xin phép Bác hát bài: "Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác". Bài hát tự biên của một đồng chí ở Viện Quân y 108. Hát xong đồng chí Vũ Kỳ động viên:
- Cô có thuộc bài dân ca nào thì hát tiếp đi!
Lần này mạnh dạn hơn, chị Oanh hát bài dân ca quan họ Bắc Ninh: "Người ơi, người ở đừng về". Hát xong, nhìn nét mặt Bác có vẻ hài lòng và bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy bông hồng đang cắm trong lọ tặng chị. Được Bác tặng hoa, chị Oanh sung sướng và hạnh phúc vô cùng, cứ đứng ngây ra, ấp úng mãi mới nói được nên lời:
- Thưa Bác! Cháu xin cảm ơn Bác ạ!
Bông hoa Bác tặng, chị Oanh cứ nâng niu mãi, sau này ép vào quyển sổ, đây là kỷ niệm vô giá của cuộc đời chị.
Mười hai ngày không thể nào quên của em gái nhỏ
Nữ y tá Ngô Thị Oanh cũng không ngờ nhiệm vụ đặc biệt của chị lại kéo dài mười hai ngày. Chiều ngày 30/8, đồng chí Phạm Văn Đồng vào thăm Bác, Người còn hỏi: "Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh đến đâu rồi?". Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: "Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân".
Nhưng Bác đang bệnh, tâm trạng lo lắng thế này làm sao có thể cho bắn pháo hoa được. Ngày hôm sau, đến giờ chị Oanh mời Bác ăn cháo. Thấy Bác ăn hết bát cháo ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, lễ kỷ niệm lần thứ 24 năm ngày Quốc khánh trên hội trường Ba Đình, không khí đầy lo âu trên nét mặt các đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Dường như mọi người đang hướng về Phủ Chủ tịch và thầm nguyện, cầu mong Bác được bình phục. Nhưng tâm nguyện ấy đã không trở thành hiện thực. 9h47' ngày 2/9 căn phòng Bác nằm lặng đi. Đồng chí Vũ Kỳ dừng tay quạt, gục đầu vào Bác. Mọi người đều bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào.
Bác đã về cõi vĩnh hằng. Phủ Chủ tịch, trái tim của cả nước, như ngưng lại vì nỗi đau khôn tả. Còn chị Oanh cảm thấy bốn bề như lắng lại để tiễn đưa một vì tinh tú về trời. Chị khóc. Thế là Bác đã đi mãi mãi nhưng kỷ niệm về Người thì sao gần gũi đến lạ lùng. Nhìn đâu cũng thấy bóng Bác như còn đâu đây.
Cảm hứng sáng tác đến với người nghệ sĩ
Sau này, trong một lần nhạc sĩ Trần Hoàn được nghe đồng chí Vũ Kỳ kể câu chuyện về cô y tá hát dâng Bác khúc dân ca quan họ "Người ơi người ở đừng về", tâm hồn người nghệ sĩ bỗng dâng trào cảm hứng sáng tác. Không lâu sau đó bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" ra đời với những cảm xúc thiết tha, lay động lòng người.
Giai điệu: "Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ bước vào gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở tái tê, rằng Người ơi Người ở đừng về… " được tất cả những người yêu nhạc thuộc lòng. Nhạc sĩ Trần Hoàn mới chỉ nghe kể về cô gái, chưa một lần gặp mặt.
Ông quyết định đi tìm cô gái để thoả mãn lòng mong mỏi của khán thính giả nghe nhạc. Và nhạc sĩ đã gặp cô tại Viện Quân y 108 trong trang phục nữ chiến sĩ áo trắng. Sau lần ấy, cứ đến ngày Bác mất, nhạc sĩ Trần Hoàn, đồng chí Vũ Kỳ và tổ quân y phục vụ và chăm sóc sức khoẻ Bác lại đến nơi Bác ra đi thắp hương dâng lên Người lòng thành kính nhất
Nguyễn Đức Quý