Hai từ “Đảng ta” từ ấy đã đi vào lòng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nước ta như một biểu hiện sâu đậm của tình cảm trìu mến, thân thương, cần cho cuộc sống như không khí và nước uống. Hai từ “Đảng ta” nói lên nhiều điều mà đến tận ngày nay giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Trước hết, đó là vinh dự và trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng được đứng trong hàng ngũ Đảng tiên phong chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đó là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; Đảng coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, ngược lại, nhân dân coi Đảng là chính đảng của chính mình. Đó còn là niềm tin của Đảng và toàn dân tộc về sự tất thắng của sự nghiệp độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Mở đầu bài báo, Bác Hồ điểm qua phong trào cộng sản trên thế giới. Người viết:
“Năm 1847, Mác và Ăng-ghen phát biểu “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Sau 70 năm cách mạng Nga thành công. Sau 98 năm cách mạng Việt nam thành công. Hiện nay nước nào cũng có Đảng Cộng sản và chủ nghĩa cộng sản lan tràn khắp thế giới. 20 triệu đảng viên cộng sản khắp các nước đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người lao động và dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình, cho một xã hội mới, cho chủ nghĩa cộng sản”.
Về Đảng ta, Người khẳng định: “Đảng ta tuy trẻ trung nhưng đã lập được những công trạng rất to tát”. Dẫu chỉ muốn “nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không phải viết lịch sử Đảng”, Bác Hồ cũng đã nêu lên những dấu mốc lịch sử quan trọng nhất.
Năm 1921, trong cuộc Đại hội của Đảng Xã hội Pháp mở ở Tua (Tours), Đảng ấy chia làm hai phái. Phái thiểu số cứ giữ lấy Đảng Xã hội cũ. Phái đa số thì lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong phái này có một người cộng sản đầu tiên của Đông Dương là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vượt qua lưới sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp và dần dần thấm vào nước ta.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng anh em cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu tổ chức Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu huấn luyện, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.
Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức Đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.
Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
…
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.
Và Bác đã viết về Hội nghị đó như sau:
“Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng”.
“Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba đảng thành một đảng.
“Thế là Đảng ta chân chính thành lập.
“Sự thống nhất làm cho đảng viên và quần chúng rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo”.
Bài báo đã điểm qua các phong trào cách mạng từ Xô-viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ khởi nghĩa đến việc thành lập chiến khu Việt Bắc, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công và việc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Bác nêu lên những tấm gương đảng viên và những người thanh niên cộng sản đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh. “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to ra, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”. Bác viết: “Năm nay Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang như ngày nay”.
Bác không quên nhắc nhở:
“Tuy vậy chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại.
Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí chúng ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình.
- Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?
- Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?
- Đã luôn cố gắng học tập. luôn cầu tiến bộ chưa?
- Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?
- Đã thật cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư chưa?
- Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa?
Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được”
Bài báo của Bác Hồ kết luận:
“Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc của Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ của đảng viên.
Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng cộng sản. Vì vậy bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy. Như thế thì dân tộc giải phóng nhất định thành công, thế giới cách mạng nhất định thành công”.
Năm nay, 2009, sáu mươi năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ viết bài báo “Đảng ta”. Trong 60 năm ấy, Đảng ta đã viết tiếp biết bao trang oanh liệt: lãnh đạo hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại thành công và ngày nay tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 79 ngày thành lập Đảng ta.
Những nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới đã khác nhiều so với những nhiệm vụ của cách mạng trong các giai đoạn trước, nhất là của giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bước vào năm thứ ba, khi Bác viết bài báo “Đảng ta”.
Nếu như trước kia, mọi nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân tộc tập trung vào việc đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc thì ngày nay, mọi cố gắng phải tập trung vào việc xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ đề trung tâm cuộc chiến đấu của chúng ta trong thập niên đầu thế kỷ XXI, như Đại hội X của Đảng chỉ rõ, là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2010, đưa nước ta đứng vào hàng ngũ các nước đang phát triển có trình độ thu nhập trung bình và đến năm 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Và: “Thế kỷ XXI phải là thế kỷ đưa nước ta sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới”.
Những câu hỏi mà Bác Hồ nêu lên năm xưa cho mỗi đảng viên tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, nếu đặt trong tình hình mới, gắn với những nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới thì sẽ trở thành những câu hỏi nóng bỏng tính thời sự về xây dưụng và chỉnh đốn Đảng, về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó cũng là những câu hỏi đặt ra cho việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bài học, cũng là chân lý Bác Hồ nêu lên trong bài báo “Đảng ta” là: “Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chính chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm”. “Chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại”. “Không có vinh dự nào to bằng cái vinh dự được làm đảng viên của Đảng cộng sản. Vì vậy, bất cứ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng với cái vinh hạnh ấy”./.