Những hạn chế văn hóa trong Đảng - nhìn từ góc độ phẩm chất chính trị và đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay
Sự hạn chế, yếu kém, bất cập về văn hóa trong Đảng hiện nay được thể hiện khá rõ qua phẩm chất chính trị và đạo đức của các chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội. Đó là sự suy thoái, xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy đảng và nhà nước. Trong các văn kiện của Đảng gần đây, vấn đề này được đặt ra rất nghiêm túc và bị phê phán mạnh mẽ.
Từ khi bắt đầu quá trình đổi mới, chúng ta đã phát hiện vấn đề và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhưng sự suy thoái lại càng gia tăng với ba mức độ đáng lo ngại: ngày càng "phổ biến hơn", "tinh vi hơn" và "nghiêm trọng hơn" như nhận định của văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Đến Đại hội X của Đảng, có thể nhận thấy tình trạng này càng trở nên trầm trọng, thậm chí có thể đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ và cản trở bước tiến của dân tộc: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng."(1)
Trước Đại hội X của Đảng, dự thảo văn kiện Đại hội đưa ra nhận định sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu "to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử". Nhưng do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống xã hội trong những năm vừa qua, Đảng ta phải thay đổi nhận định thành "chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử", không còn chữ "toàn diện" trong văn kiện chính thức của Đại hội. Điều đó phần nào phản ánh sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống đang gây những ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Các báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội, đánh giá sự xuống cấp về đạo đức của cán bộ, công chức - chủ thể quản lý xã hội - cũng rất nghiêm túc, thẳng thắn: "Tệ nạn xã hội diễn ra nghiêm trọng; bộ máy nhà nước làm việc kém hiệu lực và tình trạng tha hóa ngày càng nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân... nhiều chủ trương, chính sách bị biến dạng qua các tầng nấc hành chính, cơ quan nhà nước vẫn "hành dân là chính", sự tha hóa trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm"; "Điều đó lại càng nguy hiểm khi bộ máy hành chính của nước ta vừa quan liêu vừa tham nhũng, tạo kẽ hở cho sự hình thành các mối quan hệ theo kiểu đường dây"(2). Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, khóa XI, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thừa nhận "nhiều nét đồi bại", "hủ bại" đang trỗi dậy trong xã hội ta: "Phải thẳng thắn thừa nhận rằng cái hư hỏng, đồi bại chính từ sự tha hóa (quan liêu, tham nhũng, hám chức, quyền, danh, lợi, dối trá..). Trong một số người có chức, có quyền thuộc bộ máy công quyền và khu vực nhà nước, nêu gương xấu, lây lan ra xã hội"(3).
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức ngày một gia tăng mạnh về số lượng, phạm vi. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã đưa ra lời cảnh báo về "cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lối sống lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của Nhà nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền"(4). Đến nay, không còn là cuộc đấu tranh giữa hai lối sống nữa mà đi vào lĩnh vực then chốt của đời sống tinh thần xã hội: suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống; trước đây, sự tha hóa chỉ ở một số người, thì nay đã ăn sâu vào cả bộ máy ("sự tha hóa trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm"); trước đây sự suy thoái đạo đức, lối sống chỉ ở một số ít cán bộ, đảng viên thì nay đã diễn ra ở "một bộ phận không nhỏ" và "lây lan ra xã hội"; trước đây chỉ diễn ra ở một số cán bộ, đảng viên thường, thì nay đã leo lên "cán bộ chủ chốt các cấp"... Tính chất nghiêm trọng của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cùng với những tiêu cực trong xã hội được Đại hội X của Đảng coi là "một nguy cơ, thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ"."(5)
Tham nhũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, mà nguy hiểm hơn, còn là tham nhũng quyền lực, tham nhũng các giá trị tinh thần của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vấn nạn này đang là thách thức đối với văn hóa Đảng hiện nay. Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy chỗ, chạy tội, gắn với việc "ban" hoặc "bán" những thứ đó cho kẻ "chạy" là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.
Tham nhũng giá trị tinh thần hiện nay gắn với việc "chạy chức", "chạy quyền" và đặc biệt là "chạy bằng cấp", với xu thế đã có chức, có quyền thì phải có thêm học hàm, học vị. Nhiều người cố gắng đạt được bằng cấp bằng mọi giá mà không phải bằng trí tuệ của bản thân, dẫn tới tình trạng nạn "học giả, bằng thật" trở nên khá phổ biến trong xã hội. Không ít người không chỉ tham nhũng những giá trị tinh thần về phương diện chính trị và khoa học, mà còn tham nhũng cả những giá trị tinh thần mang tính tâm linh, tôn giáo. Trong nội bộ Đảng, tình trạng này được biểu hiện ở một số cán bộ, đảng viên, công chức tha hóa, biến chất, nói một đằng, làm một nẻo, hoặc chỉ hứa suông, hô hào suông.
Như vậy, sự suy thoái về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ, không ít cán bộ, đảng viên, công chức đang đặt ra những nguy cơ và thách thức đối với sự tồn vong, phát triển của Đảng nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao và phát triển bền vững văn hóa trong Đảng
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là đợt sinh hoạt tư tưởng, chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân hiện nay. Mục đích và ý nghĩa to lớn của cuộc vận động đã được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định trong buổi lễ Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2007): "Làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội ta. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người về yêu cầu, nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết Trung ương. Hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, thanh niên, học sinh..., góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội."(6)
Học tập để thấm nhuần đạo đức cách mạng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, để nâng cao văn hóa trong Đảng, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh. Sau một năm thực hiện cuộc vận động, không thể phủ nhận chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực có tác động đáng kể đến sự phát triển bộ mặt văn hóa - tinh thần của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như toàn xã hội, biểu hiện cụ thể ở các khía cạnh sau:
Một là, cuộc vận động đã trở thành đợt học tập, sinh hoạt tư tưởng, chính trị rộng khắp cả nước với các hình thức đa dạng: tổ chức các buổi nói chuyện, thi kể chuyện, tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng...
Hai là, là cơ hội quý báu để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân được hiểu rõ thêm về tấm gương đạo đức của Người, và nhìn nhận, soi xét lại đạo đức của bản thân.
Ba là, thúc đẩy sự phát triển tích cực về đạo đức của mỗi cá nhân, từ đó góp phần lành mạnh hóa, trong sạch hóa đời sống xã hội, lấy đây làm động lực và sức mạnh tinh thần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị... của đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một số nơi tổ chức cuộc vận động nặng về phong trào, hình thức, chạy theo thành tích, "sân khấu hóa" các cuộc thi diễn thuyết, kể chuyện... Trình độ một số tuyên truyền viên, người tham gia cuộc thi chưa cao, tuyên truyền chưa đạt yêu cầu đề ra, nên thành phản tác dụng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa thực sự "mặn mà" với cuộc vận động do chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình hội nhập sâu rộng hiện nay, cũng như đối với sự phát triển đạo đức cá nhân của mỗi người v.v.. Do đó, xảy ra tình trạng một số nơi mới chỉ dừng ở việc "học tập" mà chưa vươn tới "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vì vậy, bên cạnh việc cần đổi mới và đầu tư hơn nữa để cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu và lan tỏa ra toàn xã hội, cần kết hợp với các biện pháp tạo sự thay đổi, biến chuyển nhận thức từ gốc là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức, tư tưởng, về tổ chức, hành chính, về kinh tế kết hợp với các cuộc vận động lớn (Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí...) nhằm đem lại hiệu quả sâu rộng và toàn diện cho cuộc vận động này, cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng văn hóa trong Đảng. Bởi, thắng lợi của cuộc vận động tùy thuộc trước hết vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động và sự chỉ đạo chặt chẽ thường xuyên của các cấp ủy, sự phấn đấu tự giác của từng cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của toàn dân.
Về giáo dục đạo đức, cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao tinh thần tự ý thức, tự giáo dục của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong một thời gian dài trước đây, chúng ta dường như quan tâm trội hơn về việc giáo dục sự biểu hiện đạo đức trước tập thể, trước cộng đồng của cán bộ, đảng viên. Họ được khuyến khích chứng minh phẩm chất đạo đức của mình với tập thể (chi bộ, cơ quan); với cộng đồng (tổ chức và xã hội) mà chưa chú ý đến việc nhận thức, nhận xét đạo đức của bản thân. Nghĩa là, việc giáo dục tính tự ý thức, tự phản tỉnh, tự phản tư ở mỗi con người chưa được chú ý đúng mức. Việc đánh giá phẩm chất đạo đức, tư tưởng còn được nhìn nhận nặng về hình thức bề ngoài (cho điểm theo thang bậc định sẵn).
Về các cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao văn hóa trong Đảng, cần quán triệt thực hiện đến nơi, đến chốn, tránh tình trạng "nói nhiều, làm ít". Từ năm 1999 đến năm 2007, trong vòng 9 năm, nước ta có năm cuộc vận động lớn gắn với việc nâng cao văn hóa trong Đảng, trung bình chưa đầy 2 năm có một cuộc: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) khóa VIII; Tổ chức đổi thẻ Đảng; Xây dựng văn hóa trong Đảng; Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Nhưng tình trạng "phát" thì nhiều, "động" thì ít, và "đánh trống bỏ dùi" vẫn hiện hữu(7). Tiêu biểu là, Nghị quyết đề ra cuộc vận động chỉnh đốn Đảng phải hoàn thành trong hai năm, đến nay vẫn chưa đạt được yêu cầu. Để tránh tình trạng này, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cần được tiến hành nghiêm túc hơn, nếu không sẽ dẫn đến sự nhàm chán và hạ thấp chính tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và làm giảm giá trị thiêng liêng, cao cả của tấm gương đạo đức của Người. Sau mỗi giai đoạn ngắn của cuộc vận động, cần tổng kết kỹ càng và kiểm điểm sâu sắc việc thực hiện trong thực tế, để từ đó đề ra biện pháp cụ thể, thật sự khả thi. Đồng thời, thay đổi và mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động (tổ chức các buổi diễn văn nghệ, phát sách báo miễn phí tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền không chỉ qua báo, đài mà còn qua mạng In-tơ-nét...) đến nhiều đối tượng không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước, nhằm tăng tính đa dạng, đại chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo trong đông đảo các tầng lớp nhân dân; mở rộng tầm ảnh hưởng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ ở phạm vi trong nước.
Về chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác trong bộ máy đảng và nhà nước để nâng cao văn hóa trong Đảng, gắn với nâng cao đạo đức cán bộ, đảng viên theo tấm gương Hồ Chí Minh, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, và là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Muốn vậy, trước tiên các cơ quan đảng và nhà nước phải "thực sự tiền phong, gương mẫu", có quyết tâm chính trị cao trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân là một giải pháp đặc biệt quan trọng hiện nay để thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc khuyến khích dân góp ý, phê bình đảng, thường kỳ xin ý kiến của nhân dân đánh giá trình độ, năng lực, phẩm chất của các tổ chức đảng, cá nhân đảng viên, tạo điều kiện cho nhân dân giới thiệu đảng viên có uy tín vào cấp ủy và bộ máy đảng, nhà nước. Có cơ chế bảo vệ người dân tố giác các cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, ức hiếp./.
Lê Quý Đức - PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Xã hội chủ nghĩa, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn Tạp chí Cộng sản số 9(153) năm 2008