TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Chuyện kể dưới tán rừng thiêng (bài 4)
Ngày cập nhật 21/12/2009

Bài 4: Tờ báo đầu tiên của Quân đội ta

Khu rừng  thiêng Trần Hưng Đạo không chỉ là cội nguồn của những người lính nói chung mà còn là “cội nguồn” của những người làm báo chiến sĩ, khi chỉ một tuần sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập trong bộn bề thiếu thốn, một tờ báo với tên gọi thật lãng mạn - Tiếng súng reo đã ra đời. Câu chuyện về tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang còn ẩn chứa nhiều điều thú vị, nhiều kinh nghiệm, bài học chưa bao giờ cũ cho những người làm báo quân đội hôm nay...

Thiếu thốn đến mức khi thành lập Đội,  ngân quỹ chỉ có 500 đồng Đông Dương nhưng Đội vẫn ra một tờ báo. Điều đó chứng tỏ Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến vấn đề báo chí của Đội. Nghiên cứu về sự kiện này, tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam viết: “Khoảng một tuần sau khi Đội ra quân đánh thắng hai trận đầu, Đội đã cho phát hành tờ báo Tiếng súng reo. Đây chính là tờ báo tiền thân đầu tiên của lực lượng vũ trang”, “do điều kiện hoạt động bí mật, lại không có máy chữ và phương tiện in ấn nên tờ báo này chỉ được viết bằng tay. Những người tổ chức tờ báo đã chọn trong những đội viên viết chữ đẹp, chép thành nhiều bản, với nhiều khuôn khổ khác nhau trên các loại giấy mà Đội có thể có được lúc đó như giấy bản, giấy học sinh…".

Tiếng súng reo – cái tên tờ báo đầu tiên của quân đội ta thật lãng mạn, như chứa chất cái náo nức, vui tươi khí thế ra trận đánh giặc, cứu nước. Không rõ ai là người đặt ra cái tên này cho tờ báo nhưng theo chúng tôi, rất có thể nó đã được “gợi ý” từ một trong hai bài hát đầu tiên của Đội, cũng mang tên là Tiếng súng reo hay còn có tên khác là Tiến ra chiến trường. Bài hát có đoạn: “Tiếng súng đang reo cùng giục lòng nhau bước/ Phải ra tay phen này quyết đánh cho hăng…”.

Thật ra, trước khi báo Tiếng súng reo ra đời, một số cán bộ, chiến sĩ trong Đội đã ít nhiều có “kinh nghiệm” làm báo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần đã kể lại: “Anh Hoàng Sâm và tôi cũng mở liền mấy lớp đào tạo cán bộ quân sự tại địa phương. Trường học được dựng lên một cách khá quy mô tại một khu rừng thuộc tổng Hoàng Hoa Thám… Nhà trường ra một tờ báo tường, đặt tên là “Hồn nước”. Tất cả học viên, có đông các đồng chí Mán, đều tham gia viết bài, viết những câu hát; người nào không biết chữ thì đọc cho người khác viết hộ”….; “Về nước một thời gian, Bác chỉ thị cho cơ quan ra một tờ báo để hướng dẫn phong trào. Chuẩn bị cho tờ báo ra đời cũng khá khó khăn. Các đồng chí ở địa phương mày mò mãi mới kiếm về được một cái bia đá. Bác cùng các đồng chí thay nhau mài mấy ngày liền mới hết những chữ nho khắc trên mặt bia. Giấy bản in báo do các chị phụ nữ mua từng ít một trong các phiên chợ đem về góp lại. Tên báo là Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt Lập. Vì khuôn khổ tờ báo nhỏ, chữ, theo chỉ thị của Bác, lại phải viết to để đồng bào đọc dễ dàng, nên các bài viết rất ngắn. Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài về phong trào phụ nữ cho báo Việt Lập. Bác nói:

- Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu.
Tôi ngồi viết, cảm thấy khó quá. Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in thạch, nhưng giấy sẵn, khuôn khổ tờ báo rộng, viết thoải mái chứ không hạn chế như thế này.

Thấy tôi ngồi viết khó khăn, Bác cười rồi bảo: Báo của các chú gửi về nhưng mình không xem hết, mà ở đây cũng không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc, và có đọc cũng không mấy ai hiểu. Báo Việt Lập tuy đơn giản, nhưng dễ đọc, dễ hiểu. Về sau có dịp đi công tác tại các địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo, đồng bào ở khắp các nơi đều rất hoan nghênh báo Việt Lập.

Có lẽ, chính vì hiểu vai trò báo chí với đồng bào miền núi, khi chỉ đạo làm báo Tiếng súng reo, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tìm mọi cách để nó đến gần dân hơn. Tuy là báo của lực lượng vũ trang, nhưng tờ báo có hướng tuyên truyền, vận động nhân dân rất rõ, hướng về nhân dân. Ngoài tiếng phổ thông, báo còn được dịch ra nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, phát hành tới nhiều tổ chức quần chúng khác như thanh niên, phụ nữ, nông hội… Phải chăng đó chính là hướng đi để sau này, Báo Quân đội nhân dân ngoài tư cách là cơ quan của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng còn là tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, khi mà, ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác vận động quần chúng…

65 năm vật đổi sao dời, đáng tiếc là từ đó đến nay, các cơ quan lưu trữ vẫn chưa tìm ra được bản gốc của tờ Tiếng súng reo. Song theo lời kể của các nhân chứng sau này, dù chỉ là “bích báo” song tờ Tiếng súng reo có tin, bài rất phong phú. Những số báo đầu tiên đã thông tin, tuyên truyền để lan truyền thanh thế một đội quân cách mạng mới ra đời, như một ngôi sao sáng trên con đường Nam tiến. Báo đã cập nhật tin tức, tường thuật về lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đăng chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về nhiệm vụ và tiền đồ của Đội, Mười lời thề của đội, thông tin tình hình trong nước và thế giới. Hai chiến thắng trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần cũng được báo tường thuật, làm nức lòng nhân dân giữa núi rừng Việt Bắc…

Không rõ nội dung, văn phong những bài báo trên Tiếng súng reo ngày ấy thế nào nhưng chúng tôi xin trích bài “Đội  tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân xuất hiện” đăng trên báo Việt Nam độc lập số 201, ra ngày 5-1-1945, hi vọng giúp bạn đọc phần nào hình dung ra nội dung của những bài báo đầu tiên do những nhà báo - đội viên áo vải, chân đất thực hiện:

Dưới đây, nhà báo xin đăng hai bản thông cáo do Đội Tuyên truyền của V.N.G.P.Q (Việt Nam giải phóng quân – PV) vừa gửi đến:

THÔNG CÁO SỐ 1

Ngày 11 tháng 11 ta là ngày 25-12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, bộ đội gì không rõ, kéo đến đồn Phay Khắt (đúng ra phải là đồn Phai Khắt – PV), tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó, người cai tây và 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng c.m (tức cách mạng – PV) đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất.

Cũng ngày ấy, tên Việt gian hoạt động nhất ở tổng Kim Mã là Xã Bồi biến đâu mất.

THÔNG CÁO SỐ 2

Sáng ngày 25 tháng 11 ta là ngày 26 tây, lúc 7 giờ 14 phút, Đội Tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân kéo đến đồn Nà Ngần, xã Cẩm Lý, gần Bel Air. Họ kéo cờ đỏ sao vàng năm cánh lên, xưng rõ là quân  cách mạng đến lấy súng đạn của tây phát xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam. Kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng.

Người đội và 3 người lính muốn chống cự, bị súng trường và súng máy c.m (cách mạng – PV) bắn chết ngay tại trận, một người nữa bị thương.

Đội Tuyên truyền G.P.Q thu thập toàn bộ súng đạn trong đồn rồi tập hợp anh em binh lính tất cả 15 người khố xanh (trừ hai người chạy thoát). Khai hội nghị liên hoan giữa binh lính và c.m.

Đồng thời, Đội phái người phát truyền đơn và dán biểu ngữ khắp đồn.

Một số đ.c (tức đồng chí – PV) nữ vũ trang cũng tham gia giúp dọn dẹp chiến trường và tuyên truyền cổ động nhân dân cùng binh lính.

Đến 8 giờ, đội Tuyên truyền rút khỏi đồn, vừa đi vừa hát bài Giải-phóng-quân-ca…”.

Sau Tiếng súng reo, còn nhiều tờ báo khác của quân đội ta ra đời với những tên gọi như: Quân giải phóng, Sao vàng, Vệ quốc quân và Quân du kích... Những tờ báo ấy là tiền thân của Báo Quân đội nhân dân. Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, cũng là lúc tờ báo Tiếng súng reo được truyền bá trong nội bộ. Tháng 2-1945 khi thống nhất các đơn vị thành Quân giải phóng, tờ Quân giải phóng được phát hành trong khu giải phóng. Cách mạng tháng 8 – 1945 thành công, ngày 30-5-1946 tờ Sao vàng là cơ quan huấn luyện binh sĩ do Cục Chính trị thuộc Quân sự Ủy viên hội xuất bản. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngày 10-3-1947 tờ Vệ quốc quân, và ngay sau năm đó, vào tháng 3-1948 tờ Quân du kích ra đời, kế tục nhiệm vụ của tờ Sao vàng và được lưu hành rộng rãi trong bộ đội chủ lực, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu. Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tổng tư lệnh, sáp nhập hai tờ báo Vệ quốc quân và Quân du kích thành tờ báo mới mang tên Báo Quân đội nhân dân  và ra số đầu tiên vào ngày 20-10-1950. Từ đó, ngày 20-10 trở thành ngày truyền thống của Báo Quân đội nhân dân…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.357