TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
HỎI ĐÁP VỀ NGHỊ QUYẾT VÀ CÁC VĂN BẢN, KẾT LUẬN CỦA HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 9, KHÓA X (Phần 3)
Ngày cập nhật 10/04/2009

Phần thứ ba:
KẾT QUẢ 2 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 3, KHOÁ X “VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ”

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Sau đây  là những nội dung chính.

Câu hỏi 1: Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí qua hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X  ?

Trả lời:
Những kết quả đạt được:
- Việc phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết được Ban Bí thư và các cấp ủy đảng khẩn trương thực hiện. Kết quả là nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực.
- Công tác hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Hệ thống các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí từ Trung ương tới địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.
- Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường, việc xử lý nghiêm minh hơn.
- Các cơ quan báo chí, truyền thông có nhiều nội dung và phương thức hoạt động phù hợp, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí có bước kiềm chế; số vụ việc tham nhũng, lãng phí lớn, nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong 2 năm qua có giảm hơn.

Câu hỏi 2: Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện Nghị quyết trung ương 3, khóa X về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ?

Trả lời:
Những hạn chế, yếu kém:
- Trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chuyển biến từ nhận thức thành hành động còn hạn chế.
- Việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu.
- Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn yếu kém. Sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế.
- Công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chủ động, chưa thường xuyên; nhiều vụ án xử lý còn chậm, việc xử lý thiếu toàn diện và đồng bộ.
- Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và bộ phận giúp việc ở nhiều địa phương còn nhiều lúng túng. Sự chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa tương xứng trên cả hai mặt phòng ngừa và phát hiện, xử lý.
 Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả chưa đồng đều, chưa như mong đợi; tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây bức xúc trong nhân dân…gây tâm lý hoài nghi của một bộ phận nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém:
- Cơ chế chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ; năng lực và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu kém.
- Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đúng tầm, dẫn tới nhận thức và ý thức còn hạn chế, thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện.
- Các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối tượng tham nhũng có tính đặc thù, vì vậy việc phát hiện và xử lý khó khăn, phức tạp.
- Nhiều cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới được ban hành, cần phải có thời gian mới phát huy tác dụng, hiệu quả.

Câu hỏi 3: Những thành tựu và hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua ?

Trả lời:
 Những thành tựu nổi bật:
- Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Bộ Công an... đã phối hợp với các cơ quan báo chí để chủ động cung cấp thông tin.
- Nhiều tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy có những loại hình tuyên truyền phù hợp.
- Nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên, bước đầu tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều trường chính trị cấp tỉnh và một số trường đại học đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình giảng dạy.
 Những hạn chế, yếu kém:
- Chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông chưa đồng đều, chưa thường xuyên, liên tục; ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.
- Báo chí đưa tin về các giải pháp phòng ngừa, những nhân tố tích cực, những điển hình về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn ít, chủ yếu là đưa tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí.
- Chưa tạo được sự chuyển biến từ nhận thức, để trở thành tính tự giác trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Câu hỏi 4: Công tác cán bộ đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua có những tiến bộ và còn những hạn chế gì?

Trả lời:
 Những tiến bộ nổi bật là:
- Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ. Các cấp uỷ đảng đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tính công khai, dân chủ.
- Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được quy định.
- Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức được triển khai thực hiện, trong đó tập trung ưu tiên chuyển đổi vị trí công tác trong các ngành nhạy cảm như: công an, thuế vụ, hải quan, kiểm lâm, địa chính...
- Việc minh bạch tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc hơn và số người kê khai nhiều hơn.
- Việc thực hiện Đề án cải cách chế độ tiền lương, việc nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách đối với cán bộ được quan tâm nghiên cứu và đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện.
- Việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp ở nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đã góp phần tạo sự thay đổi tích cực trong ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện công vụ, nâng cao chất lượng công tác.
 Những hạn chế, thiếu sót:
- Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí còn ít so với số vụ việc vi phạm. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản; hầu hết các cấp uỷ chưa công bố bản kê khai trong chi bộ và trong cấp uỷ như quy định của Nghị quyết Trung ương 3.
- Việc xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn chậm; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng và thiếu kiên quyết.
- Nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng còn rất khác nhau, việc nộp lại quà tặng còn ít.

Câu hỏi 5: Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội đã có những kết quả và còn những hạn chế nào?

Trả lời:
 Những kết quả nổi bật:
- Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét và đạt được những kết quả đáng kể.
- Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm túc hơn.
- Việc xây dựng, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo chức năng nhiệm vụ trên các lĩnh vực, tiếp tục được đẩy mạnh.
- Công tác quản lý, sử dụng đất đai, công sở, xây dựng cơ bản, thu - chi ngân sách được các ngành, các cấp thực hiện chặt chẽ hơn; công tác đầu tư xây dựng được chấn chỉnh nhằm hạn chế đầu tư dàn trải, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Những hạn chế, thiếu sót:
- Một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, bất cập.
- Cơ chế “xin - cho” tuy đã giảm so với trước nhưng vẫn tồn tại trên nhiều lĩnh vực. Thủ tục hành chính còn chồng chéo.
- Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn hình thức, hiệu quả thấp.
- Công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thu, chi ngân sách còn nhiều hạn chế, yếu kém.
- Tình trạng tham nhũng, lãng phí gây thất thoát ngân sách của Nhà nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Câu hỏi 6: Kết quả triển khai công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trong 2 năm qua như thế nào?

Trả lời:
 Những kết quả cụ thể:
- Công tác tiếp nhận và xử lý tố cáo về tham nhũng, lãng phí đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tố cáo các hành vi tham nhũng, lãng phí.
- Việc xử lý được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc hơn.
- Công tác thanh tra, kiểm toán phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, thu hồi tài sản cho Nhà nước1.
- Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh, đảm bảo quy định của pháp luật.
- Nhiều vụ án tham nhũng tồn đọng từ những năm trước đây được khởi tố điều tra, xử lý.
Những hạn chế, yếu kém:
- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các cấp trong công tác tiếp nhận, xử lý tố cáo về tham nhũng vẫn chưa chặt chẽ, vẫn có tình trạng vừa chồng chéo vừa bỏ trống.
- Công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chậm, một số trường hợp chưa nghiêm túc.
- Trong xử lý một số vụ việc tham nhũng vẫn còn biểu hiện hữu khuynh, nể nang, né tránh, nhẹ trên, nặng dưới và lạm dụng xử lý hành chính.
- Việc xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng còn chậm; nhiều trường hợp khởi tố nhưng phải đình chỉ điều tra hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; số bị cáo về các tội tham nhũng được hưởng án treo chiếm tỉ lệ cao (37%).
- Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý trong 2 năm qua có xu hướng ngày càng giảm (chỉ tính từ ngày 01/10/2007 đến 31/8/2008, các vụ án về tham nhũng được khởi tố trong cả nước giảm 30% số vụ và 25% số bị can so với cùng kỳ năm trước).

Câu hỏi 7: Sự giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong 2 năm qua đã được thực hiện như thế nào?

Trả lời:
 Những kết quả nổi bật:
- Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đã tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; định kỳ xem xét báo cáo, dành nhiều thời gian thảo luận, chất vấn về công tác này.
- Các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã thực hiện chức năng giám sát của mình, kịp thời phản ánh ý kiến của cử tri với Quốc hội.
- Một số hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng.
- Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Những hạn chế, yếu kém:
- Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng, hiệu quả chưa cao, tác dụng còn hạn chế.
- Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hiệu quả chưa cao; tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân vẫn mang nặng tính hình thức; việc phát hiện tham nhũng qua giám sát còn ít.
- Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chưa thực hiện tốt trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh; xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng...

Câu hỏi 8: Phương hướng, nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới?

Trả lời:
Từ những kết quả đạt được, cùng những hạn chế, yếu kém qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, để phấn đấu đạt được mục tiêu của Nghị quyết là “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí...”, Trung ương yêu cầu trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Trung ương 3, khóa X, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Phân cấp mạnh mẽ, gắn liền quyền hạn với tự chịu trách nhiệm. Khẩn trương hoàn thành và ban hành các văn bản, đề án theo chương trình đã đề ra.
3- Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kỷ cương, liêm chính; nâng cao đời sống cán bộ, công chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
4- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.
5- Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.
6- Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.
7- Các cấp ủy cần xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những trọng tâm công tác lớn, thường xuyên để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc thực hiện; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan giám sát của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.392