Đã 43 năm kể từ ngày thành lập, có thể nói ASEAN chưa khi nào là cộng đồng mạnh so với nhiều cộng đồng khác trên thế giới. Chính yếu huyệt này luôn là bất lợi to lớn mà mỗi quốc gia thành viên đều đã thấm thía, đặc biệt khi thế trận trên bàn cờ thế giới đang có nhiều thay đổi. Xem ra chỉ có cách đoàn kết lại mới có thể tạo được sức mạnh chung cho cả ASEAN cũng như mỗi quốc gia thành viên trước một thế giới ngày càng nhiều biến động, rủi ro khôn lường.
Từ bất cập này và cũng không nhằm bới móc hay chỉ trích ai cả, cựu đại sứ Nguyễn Trung bằng nhãn quan của một nhà ngoại giao nhiều năm vừa gửi tới Tuần Việt Nam bài viết với tựa đề: Đoàn Kết mang lại Hòa bình, ổn định và phát triển. Để rộng đường dư luận, xin đăng tải để độc giả cùng đọc và suy ngẫm.
Đoàn kết mang lại hòa bình, ổn định và phát triển. Có lẽ đấy là kết luận chung nhất và cũng là quan trọng nhất cho cộng đồng ASEAN có thể rút ra từ ARF 17 tại Hà Nội và từ mọi hoạt động khác trong những tháng vừa qua của ASEAN.
Đoàn kết như thế cũng là phương thức hữu hiệu nhất của ASEAN góp phần vào các mối quan hệ tốt đẹp và sự thịnh vượng chung của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng có thể nói với ARF 17, ASEAN giác ngộ thêm một bước quan trọng về sức mạnh đoàn kết của chính mình. Và điều này vô cùng hệ trọng cho tương lai ASEAN và cho mọi điều tốt đẹp trong khu vực.
Xin nhấn mạnh: Thành quả của ARF 17 mới chỉ là sự giác ngộ thêm một bước quan trọng về đoàn kết thôi, cộng đồng ASEAN còn phải phấn đấu nhiều để đoàn kết như thế trở thành một ý chí bất khuất mạnh mẽ của mình, là nguồn sức mạnh tự bảo vệ mình và phát triển!
ASEAN chưa mạnh vì thói "ăn mảnh"
Thành lập từ năm 1967, song cho đến hôm nay chưa bao giờ có thể nói ASEAN là một cộng đồng mạnh so với nguyện vọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của chính các nước thành viên ASEAN, so với khả năng của mình cho phép.
Bốn ba năm kể từ ngày thành lập, có thể nói ASEAN chưa khi nào là cộng đồng mạnh so với nhiều cộng đồng khác trên thế giới.
|
Cũng không thể nói được là mạnh, nếu đem ASEAN so với nhiều cộng đồng khu vực có một tuổi đời tương tự như thế ở những nơi khác trên thế giới. Càng không thể nói được ASEAN là mạnh so với những thách thức từ bên ngoài mà cả cộng đồng ASEAN phải thường xuyên đối phó. Khỏi phải nói tôn chỉ, mục đích và bản chất tồn tại của cộng đồng ASEAN không bao giờ nhằm chống lại một quốc gia nào ngoài cộng đồng, nó hoàn toàn không có khả năng và không có lợi ích theo đuổi một mục tiêu như thế.
Nguyên nhân cho đến nay chưa tạo ra được một sức mạnh cộng đồng ASEAN đáng mong muốn như thế có nhiều, quy kết cho hoàn cảnh chủ quan, khách quan hay sự phát triển quá chênh lệch nhau và có quá nhiều khác biệt... đều có cái lý của nó.
Song mặt khác cũng phải nói: Có bằng nào nguyên nhân thúc bách sự hình thành và tham gia ASEAN thì cũng có bằng ấy đòi hỏi hay lợi ích giống nhau của các nước thành viên trong việc hình thành và tham gia vào tổ chức này. Nếu cứ chờ cho có sự phát triển đồng đều và có nhiều cái giống nhau sẽ chẳng bao giờ lập ra được ASEAN cả!
Vì vậy cái thiếu phải tìm cách khắc phục ngay để làm ASEAN mạnh không phải là đi tìm sự phát triển đồng đều chưa làm sao có ngay được. Cái thiếu phải thường xuyên ra sức khắc phục để nâng cao sức mạnh của cộng đồng ASEAN chính là những nỗ lực không bao giờ có thể nói là đủ cho việc luôn luôn tìm ra sự đồng thuận vì lợi ích chung, để thường xuyên tăng cường sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, vì cộng đồng.
Thực tế xảy ra trong cộng đồng ASEAN là lúc này lúc khác từng nước thành viên vẫn còn nhiều hiện tượng hoặc chỉ lo cho thân mình, hoặc tệ hơn là chỉ quan tâm đến lợi riêng của mình và tệ nhất là qua đó làm yếu cộng đồng. Nói dân dã và thô thiển, có thể gói ghém tất cả những biểu hiện này dưới cái tên chung là "ăn mảnh".
Căn bệnh "ăn mảnh" này rất dễ nhiễm từ bên trong nội bộ từng nước ASEAN, đồng thời nó là đồng minh tự nhiên cho chính sách chia để trị của cường quyền bên ngoài[1].
Đành rằng tạo ra đồng thuận trong hoàn cảnh có nhiều hiện tượng phát triển không đồng đều và khác biệt là rất khó. Ngoài ra cũng phải thừa nhận không thể lúc nào cũng phân biệt được rành mạch giữa một bên là lợi ích quốc gia chính đáng và một bên là hiện tượng "ăn mảnh".
Xin dẫn vài ví dụ trong thực tiễn:
- Myanma có chế độ chính trị do giới quân sự nắm giữ và vì nhiều lý do khác nhau có quan hệ mật thiết sống còn với Trung Quốc. Campuchia đang là một nước nhận viện trợ rất lớn từ Trung Quốc. Đòi hỏi hai nước này có thái độ rõ ràng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là điều rất khó. Thậm chí Phnompenh đã có lúc phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự họp ASEAN. Đấy là chưa nói vì những lý do dễ hiểu Trung Quốc có cách đối xử khác và hầu như không đụng chạm đến 2 nước này chung quanh vấn đề Biển Đông.
- Ký kết song phương Trung Quốc - Philippines năm 2004 về thăm dò địa chấn khu vực Vành Khăn thuộc Trường Sa, bị Việt Nam phản đối, sau trở thành ký kết 3 bên[2] với nhiều hậu quả tai hại cho Tuyên bố về những nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC), chia rẽ nội bộ ASEAN và nội bộ Philipnes.
- Ký kết thành lập hợp tác 4 bên sông Mekong giữa Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia, không có Việt Nam, mặc dù từ nhiều thập kỷ nay đã tồn tại Ủy ban Sông Mekong với tính cách là một tổ chức khu vực - trong đó Việt Nam là thành viên. Chưa nói đến chuyện Việt Nam là nước hạ nguồn chịu nhiều tác động nhất mọi biến đổi của dòng sông này.
- Nhiều ký kết song phương về quan hệ kinh tế giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một thành viên ASEAN (như Thái Lan, Philippines...) mang tính chất phân hóa nhiều hơn là thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước trong và ngoài ASEAN...
- Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ đang bị chính quyền Thái Lan đặt ra ngoài vòng pháp luật và truy nã, Thủ tướng Hunsen lại chọn ông Thaksin là cố vấn đặc trách cho mình, như vậy làm sao mong đợi hai nước này có quan hệ tốt với nhau, trong khi đó sự tranh chấp giữa hai nước về ngôi đền Preach Vihear rất căng thẳng.
- Đặc biệt quan trọng là năm 1988 hải quân Trung Quốc tấn công hải quân Việt Nam ở khu vực Trường Sa; năm 1995 hải quân Trung Quốc tấn công hải quân Philippines ở khu vực Vành Khăn thuộc Trường Sa; trong các ngày 29 và 30/4/2010 tầu chiến Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia ở Biển Đông bị lực lượng hải quân Malaysia đuổi đi..;
Trong những năm gần đây xảy ra ngày càng nhiều các vụ tầu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng biển của các nước thành viên ASEAN tại Biển Đông và có nhiều hành động vũ lực gây nhiều thiệt hại về tính mạng con người và tài sản của một số nước trong vùng...
- Những năm gần đây Trung Quốc nhiều lần tuyên bố thẳng thừng: "vùng lưỡi bò" chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, khẳng định chủ quyền này là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc và không thể tranh cãi...
Cách đây 15 năm Trung Quốc chưa sử dụng thứ ngôn ngữ đầy sắt thép và chưa có nhiều hành động đầy thuốc súng kiểu ngoại giao pháo thuyền như ngày nay trên Biển Đông. Ngôn ngữ tiếng Hoa trên các báo mạng của Trung Quốc còn khủng khiếp hơn nhiều và đang tiếp tục biện minh cho các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Song cho đến trước ARF 17, chưa có một lần nào các nước thành viên ASEAN có thái độ thỏa đáng chung hoặc của riêng từng nước lên án những hành động này của Trung Quốc...
- ..........
Tự mình phải cứu mình đừng chờ đợi ai cả
Tiền đề quan trọng nhất cho giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông là chính tự thân các nước ASEAN.
Không có cách gì nhắm mắt trước thực tế là siêu cường Trung Quốc đang dần dần nổi lên, nhưng khá ồn ào trên Biển Đông đang gây ra nhiều lo âu cho các nước trong khu vực . Chưa nói đến hiện tượng đang xuất hiện siêu cường này còn là vấn đề chung của cả thế giới, bởi lẽ tự nhiên: xuất hiện diễn viên mới thường đi cùng với sân khấu mới, trò chơi mới.
Dù ồn ào đến thế nào, sự đang xuất hiện siêu cường Trung Quốc không phải là diễn ra trong một thế giới chân không, mà là trong thế giới của thế kỷ 21 với tất cả những điều kiện và trật tự mà thế giới này hiện tại đang mang trong nó.
Chí ít đã và đang có một siêu cường xuất hiện trước Trung Quốc là Mỹ và còn giữ được khoảng cách đáng kể so với Trung Quốc, có các cường quốc và tập hợp kinh tế, chính trị, quân sự mà Trung Quốc không thể bỏ qua, đã có một trật tự quốc tế và những luật lệ quốc tế mà dù là quốc gia nào cũng phải tuân thủ ở phạm vi nào đó, hiện đang có một đời sống quốc tế mà văn minh loài người ngày càng có nhiều giá trị chung; cạnh tranh luôn luôn quyết liệt song không một quốc gia nào có thể đứng một mình; sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia dù lớn nhỏ thế nào ngày càng phụ thuộc vào cả cộng đồng thế giới. Vẫn còn không ít hiện tượng cá lớn nuốt cá bé, song luật rừng ngày càng thu hẹp...
Điều quan trọng đáng nhấn mạnh liên quan thiết thân đến các nước ASEAN là: Trong một thế giới như thế ở thế kỷ 21, các nước nhỏ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống của cộng đồng quốc tế, do chính sức mạnh của mình và do sự tự ý thức được về chính mình tạo nên.
Nói ngắn gọn, chính cái bối cảnh của thế giới hiện nay và trong những ngày tháng này đã dẫn tới tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton 23/7/2010 tại Hà Nội: Mỹ coi việc giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở đây là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ, ủng hộ quá trình hợp tác ngoại giao đa phương cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, phản đối đe dọa hay sử dụng vũ lực của bất kỳ quốc gia yêu sách nào...
Cái bối cảnh của thế giới không chân không như thế đã khiến cho Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 27/7/2010 phản pháo lại: Tuyên bố của bà Ngoại trưởng H. R. Clinton là nhằm "tấn công vào Trung Quốc".
Tiền đề quan trọng nhất cho giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông là chính tự thân các nước ASEAN. |
Phản ứng này là hiểu được, bởi lẽ những đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền các đảo và "cái lưỡi bò" ở Biển Đông là phi lý, trái với luật pháp quốc tế; những đòi hỏi này một mặt trực tiếp đi ngược lại lợi ích của Mỹ về tự do lưu thông hàng hải và uy hiếp các đồng minh của Mỹ trên nhiều phương diện, mặt khác trực tiếp xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như an ninh của các nước ASEAN trên Biển Đông.
Hiển nhiên, từ chỗ Tổng thống Obama khi mới nhậm chức (11/2008) đã tìm mọi cách "engage" (lôi kéo, dẫn dụ) Trung Quốc tham gia gánh vác trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nhất là trong khuôn khổ G2 (Mỹ - Trung), đến tuyên bố của bà Ngoại trưởng H. R. Clinton hôm 23/7/2010 tại Hà Nội là một bước thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc (có nhà báo nói là thay đổi 180 độ[3]) - nguyên do là Trung Quốc cho rằng Mỹ đang ở thế yếu trong nhiều vấn đề lớn song phương và đa phương quan trọng trên bàn cờ thế giới, và vì thế Trung Quốc tự cho phép mình ngày càng "lấn tới" - đặc biệt, thái độ của Trung quốc với vấn đề hạt nhân của Iran, với vụ Bắc Triểu Tiên bắn chìm tầu chiến Hàn Quốc Cheonan (19/5/2010), hay những động thái lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông[4]...
Hiển nhiên, sự chuyển biến này của Mỹ (qua tuyên bố của Ngoại trưởng H. R. Clinton) ngoài việc phục vụ lợi ích của Mỹ và đồng minh, khách quan tự nó là một hỗ trợ lớn hay là trùng hợp với lợi ích chính đáng của các quốc gia Biển Đông đang bị Trung Quốc uy hiếp.
Hiển nhiên tuyên bố của Ngoại trưởng Dương muốn vin vào việc đổ lỗi cho tuyên bố của H. R. Clinton "nhằm tấn công Trung Quốc" có 2 mục đích là (1) ngoài việc chống lại thái độ mới của Mỹ về Biển Đông còn nhằm (2) bác bỏ mọi nỗ lực hòa bình và ngoại giao đa phương của các nước ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông, biện hộ cho giải pháp song phương mà Trung Quốc muốn áp đặt để tiện bề áp dụng chính sách chia để trị.
Nói cách khác, bên cạnh những lý do khách quan thuận (của Mỹ) và chống (của Trung Quốc) cho việc giải quyết hòa bình những vấn đề của Biển Đông, có sự tranh chấp và tình hình "đang nóng lên" trong quan hệ song phương Mỹ - Trung trên bàn cờ thế giới.
Không thể bảo vệ lợi ích bằng cách trở thành tù binh của bên này hay bên kia
Các nước ASEAN làm gì để khai thác tối đa mọi thuận lợi mới trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và thực hiện được giải pháp hòa bình cho các vấn đề ở Biển Đông, mà không sa đà vào bên này hay bên kia giữa Mỹ và Trung Quốc trong những vấn đề song phương của riêng hai nước này, cũng hàm nghĩa là không để rơi vào hay tạo ra một sự trung lập vô tính - nghĩa là ASEAN phải làm thế nào không được ba phải, mà phải cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái hợp với xu thế phát triển của thế giới là tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ và phát triển?
Đây là câu hỏi lớn, các nước ASEAN bắt buộc phải có câu trả lời. Đơn giản là các nước ASEAN không thể bảo vệ lợi ích chính đáng của mình bằng cách trở thành tù binh của bên này hay bên kia, hoặc để quay về giam mình trong lạc hậu. Mà ngược lai chỉ thông qua phấn đấu cho cái mới, cái tiến bộ các nước ASEAN mới tạo ra được sức mạnh tự thân để thực hiện và bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, để tiếp tục phát triển phồn vinh.
Nói đơn giản, sự hậu thuẫn của Mỹ cho những giải pháp hòa bình và đa phương đúng đắn những vấn đề của Biển Đông sẽ có nghĩa lý gì, nếu như nội bộ từng nước ASEAN chìm đắm trong tham nhũng, chia rẽ, mất tự do dân chủ, chẳng những không còn sức lực đâu mà đối phó với mọi uy hiếp từ bên ngoài, mà còn tạo ra cơ hội cho sự can thiệp từ bên ngoài? Làm sao từng nước ASEAN có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình nếu thực lực của từng nước không được thường xuyên bồi bổ và tăng cường?
Hơn lúc nào hết, những quốc gia nhỏ yếu so với những thách thức đang phải đối mặt trong khu vực, từng nước và toàn thể cộng đồng ASEAN cần một nền ngoại giao mạnh xuất phát từ một nền nội trị mạnh. Không bao giờ có thể có một nền ngoại giao mạnh trên cơ sở một nền nội trị bệnh hoạn quặt quẹo, kinh tế phụ thuộc vào cầu xin viện trợ từ bên ngoài để sống.
Hơn lúc nào hết, những yếu kém đang tồn tại trong nền nội trị của nhiều nước thành viên ASEAN là đồng minh tự nhiên của chính sách chia để trị và mọi can thiệp từ bên ngoài, là kẻ thù nguy hiểm của chính những quốc gia này, là yếu tố lớn nhất cản trở xây dựng và phát triển ASEAN thành một cộng đồng mạnh.
Đoàn kết và có thực lực: Lối thoát duy nhất để giữ hoà bình Biển Đông
Một chính khách, xin miễn nói tên và quốc tịch, hỏi tôi: Thử cố tìm xem có cách nào ASEAN nhân nhượng làm dịu bớt sức ép của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không? Bởi vì dỹ hòa vy quý!..
Tôi suy nghĩ mãi và bất lực. Trong lịch sử ngoại giao tôi chưa tìm được một ví dụ nào cho phép gợi ý một giải pháp kiểu như vậy cho vấn đề Biển Đông. Theo hiểu biết của tôi, thỏa hiệp điển hình nhất từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế có lẽ là Hiệp ước Ribentrov - Molotov ký năm 1939 giữa Liên Xô và Đức. Đấy là thỏa hiệp được cam kết giữa hai quốc gia "nặng ký" ngang nhau, đủ sức ăn miếng trả miếng nhau, thế mà cuối cùng Liên Xô vẫn bị nước Đức quốc xã bất ngờ tấn công trước. Thử hỏi trong khu vực Đông Nam Á này có quốc gia Biển Đông nào nặng ký ngang ngang Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp nhân nhượng hay thỏa hiệp kiểu như thế?
Hơn nữa, nói riêng về Việt Nam, lịch sử 15 năm Việt Nam vào ASEAN cũng là lịch sử 15 năm Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hết sức nhân nhượng và tự kiềm chế đến mức tối đa đối với Trung Quốc trong mọi vấn đề của Biển Đông.
Nhưng cho đến hôm nay, sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đang giảm đi hay đang ngày một gia tăng? Đấy có phải là lối thoát cho các nước ASEAN trong đó có Việt Nam hay không? Hiển nhiên là không!
Tôi còn đi xa đến mức giả định rằng Việt Nam có thể nhân nhượng tối đa với Trung Quốc trong mọi chuyện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông... Trong trường hợp như thế liệu Việt Nam có được yên thân không? Hoặc giả thiết rằng Trung Quốc sẽ chủ động có một thỏa hiệp riêng rẽ nào đó dành cho Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam có dám nhận không?
Tôi chỉ tìm được câu trả lời: Tìm kiếm hay chấp nhận thỏa hiệp như thế là tự sát, và nếu ấu trĩ như thế thì cũng rất đáng chết! Tìm kiếm hay chấp nhận một thỏa hiệp như thế chẳng những tự mình phản bội lại chính mình mà còn phản bội lại cả cộng đồng ASEAN.
Tôi nghĩ rằng nhân dân ta nói riêng và nhân dân các nước ASEAN không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp như thế. Bởi lẽ đơn giản, lịch sử đã chứng minh không thể chối cãi: Việt Nam chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ có thể có chỗ đứng của mình trong chính sách ngoại giao bá quyền của Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể tìm kiếm chỗ đứng của mình trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng cách đứng trên đôi chân của mình với tính cách là một đối tác độc lập, có thực lực và được tôn trọng.
Người chính khách nọ hỏi tôi tiếp: Nhỡ ra một thành viên ASEAN nào đó tìm kiếm một thỏa hiệp ăn mảnh như thế thì sao? Mà những ví dụ ăn mảnh như thế đâu có hiếm gì trong thực tiễn đời sống ASEAN? Không thể loại trừ một khả năng như vậy.
Ý kiến của tôi: Không! Dù là không ngoại trừ một khả năng như vậy. Tôi không muốn giao cho mình nhiệm vụ trả lời thay cho nước nào cả. Vấn đề đặt ra cho nước nào thì nước đó phải trả lời. Nhưng là người Việt Nam, câu trả lời của riêng tôi về trường hợp Việt Nam là: Hãy nói "Không!" với một thỏa hiệp như thế!
Vậy đoàn kết và có thực lực, chứ không phải tự ai người nấy lo theo kiểu "ăn mảnh", đấy mới là lối thoát cho các nước ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Thiết nghĩ đó cũng là câu trả lời của Việt Nam cho Việt Nam. Cũng không có chuyện Việt Nam ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng cho ASEAN đâu...
Đoàn kết và có thực lực: Lối thoát duy nhất để giữ hoà bình Biển Đông.
|
Có thể nói dứt khoát: Trật tự thế giới và luật pháp quốc tế hiện có, xu thế tiến bộ chung của thế giới, những thuận lợi mới cho gìn giữ hòa bình ổn định vì hợp tác và phát triển trên Biển Đông, Tuyên bố về những nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông ký kết giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC).., tất cả những yếu tố này chỉ thực sự có ý nghĩa cho giải pháp hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông khi mỗi quốc gia thành viên ASEAN tạo ra được sức mạnh tự thân và có ý thức sâu sắc về đoàn kết cộng đồng của chính mình. Đây là tiền đề quan trọng bậc nhất. Cũng chỉ với sức mạnh tự thân như vậy từng nước và cộng đồng ASEAN mới không bao giờ phải trở thành tù binh của bên nào, dù bàn cờ thế giới xoay vần ra sao.
Đòi hỏi sống còn: Tăng cường ASEAN vững mạnh
Mọi thách thức nguy hiểm nhất đối với toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, hòa bình và ổn định của các nước ASEAN liên quan đến Biển Đông vẫn đang ở phía trước, đơn giản vì (1) vẫn chưa có giải pháp cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, (2) tuyên bố của Trung Quốc khẳng định chủ quyền về Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của mình và sự uy hiếp ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông đang tăng thêm căng thẳng trong khu vục, khiến nhiều nước ASEAN phải dồn sức tăng cường lực lượng vũ trang của mình, (3) nguy cơ tranh chấp trên Biển Đông giữa một bên là các nước ASEAN và một bên là Trung Quốc bị tác động bởi những tranh chấp song phương mang tính toàn cầu giữa một bên là Mỹ và một bên là Trung Quốc đang có khuynh hướng gia tăng - các nước nhỏ bao giờ cũng là nạn nhân không ít thì nhiều của loại tác động này.
Một đòi hỏi và đồng thời cũng là một thách thức lớn khác là các nước ASEAN phải tạo ra được nhịp điệu tăng trưởng và phát triển kinh tế hài hòa với sự phát triển năng động của kinh tế Trung Quốc, từ đó tạo ra cho mình khả năng hợp tác kinh tế cùng có lợi với Trung Quốc, củng cố cho những mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác đã đạt được trong mọi lĩnh vực khác trong quan hệ với Trung Quốc.
Xin đừng lúc nào quên, để gìn giữ, phát huy những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á - cụ thể ở đây được hiểu là giữa các nước ASEAN và Trung Quốc - bên cạnh việc giải quyết hòa bình những vấn đề tranh chấp, điều quyết định là phải không ngừng tăng cường các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhau song phương và đa phương một cách bình đẳng cùng có lợi trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tranh chấp dù sao cũng chỉ là nhất thời, chung sống hòa bình mới là vạn đại. Chính vì thế những mối quan hệ và sự hợp tác cần phải có này mới là những yếu tố cơ bản, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau và cung cấp mọi điều kiện cho phát triển những mối quan hệ bền vững vì lợi ích của tất cả các bên.
Châu Á đang trở thành khu vực năng động nhất trong phát triển của kinh tế thế giới, với vai trò như vậy châu Á có ý nghĩa ngày càng tăng đối với hòa bình và sự phát triển của thế giới. ASEAN là một bộ phận của châu Á và là đối tác của hầu hết mọi quốc gia và của mọi tổ chức quốc tế và khu vực trên thế giới, với ý nghĩa đó ASEAN cũng phải tạo ra sự phát triển năng động của chính mình để gánh vác vai trò của mình trong cộng đồng thế giới.
Trong khi đó, bản thân cộng đồng ASEAN còn rất nhiều vấn đề phải vượt qua để tạo ra sự phát triển nhất thiết phải có của chính mình để bảo vệ lợi ích chính đáng của từng nước, của cộng đồng và sớm trở thành một tổ chức hợp tác kinh tế thực chất cũng như khuyến khích hợp tác trên các lĩnh vực khác trong nội bộ ASEAN.
Trong khi đó bản thân ASEAN cũng đang lần lượt dành thêm những bước phát triển mới: Từ thể chế ARF (Diễn đàn khu vực Châu Á) phát triển thêm thể chế EAS (Họp Thượng đỉnh Đông Á).
Tình hình này có nghĩa vai trò, ảnh hưởng và trách nhiệm của ASEAN trong cộng đồng thế giới ngày càng lớn, đòi hỏi từng nước và cả cộng đồng ASEAN phải có nhiều nỗ lực mới. Ngay trước mắt, tinh thần của ARF 17 đòi hỏi tất cả các nước thành viên ASEAN phải có những nỗ lực thỏa đáng để những ý tưởng tốt đẹp về các giải pháp ngoại giao hòa bình đa phương cho những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trở thành hiện thực.
Tất cả 5 loại vấn đề vừa nêu trên do tự thân cuộc sống đặt ra và đều dồn vào một yêu cầu chung cho các nước thành viên ASEAN: Phải tăng cường toàn diện cộng đồng ASEAN. Từng nước thành viên và cả cộng đồng ASEAN chỉ có có thể đáp ứng yêu cầu chung vô cùng quan trọng này bằng cách thực hiện: Đoàn kết trong từng nước và đoàn kết trong toàn cộng đồng ASEAN để tạo ra sức sống mới cho chính mình.
Cuộc sống đang chứng minh đoàn kết trong từng nước và trong toàn thể cộng đồng ASEAN mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho từng nước thành viên và cho toàn cộng đồng. Đấy cũng là con đường ASEAN tạo ra khả năng thực hiện nghĩa vụ khu vực và quốc tế của mình.
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] "Bất kể một ký kết tay đôi nào giữa một bên là Trung Quốc và một bên là một nước thành viên ASEAN về những vấn đề có liên quan đến Biển Đông đều có nguy cơ gây nghi kỵ giữa các nước ASEAN với nhau và làm suy yếu cộng đồng này, điều này đồng nghĩa làm tăng thêm nguy cơ gây mất hòa bình và ổn định trong khu vực." - tìm xem: Nguyễn Trung, "Biển Đông: Hòa bình song phương? Đa phương? Hay quốc tế hóa?" - TVN 28-07-2010.
[2] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, "Biển Đông: Hòa bình song phương? Đa phương? Hay quốc tế hóa?" - TVN 28-07-2010.
[3] bình luận của Gordon G. Chang trong New Asia ngày 28-07-2010.
[4] "Sự tiến lên phía trước mà không bị trở ngại của Bắc Kinh để thống trị toàn cầu vừa gặp phải sự kháng cự" - Gordon G. Chang